Trái Tim Thời Đại
Lúc tôi đi "học tập cải tạo" về thỉnh thoảng được Trung tâm Văn Bút quốc tế cũng như một số bạn bè đồng nghiệp thân thiết ở nước ngoài gửi về cho ít tiền hoặc quần áo vật dụng thuốc men, bán để sống cầm hơi qua những ngày tháng tối tăm đói khổ. Sự cứu giúp này hoàn toàn do cái tâm của những người có lòng và hoàn toàn vô tư bất vụ lợi. Phải nói đó là một sự cao quý của Tình Người. Không bút mực nào có thể tả hết được cái đẹp này. Ở Saigon vào thời điểm của thập niên 80 (thế kỷ 20) việc gửi tiền về nước "viện trợ" bà con họ hàng và bạn bè còn gặp rất nhiều khó khăn, chứ không công khai như bây giờ, vì lúc đó chưa có những công ty gửi tiền chính thức nên phải gửi "chui". Cũng có một cơ sở gửi tiền công khai trụ sở đặt tại Paris, đó là của cộng sản Việt nam. Vì là của CSVN nên ai gửi bao nhiêu tiền và gửi cho ai đều được "báo cáo" về nước cho các đồng chí công an biết hết. Mấy "ông tây" Văn Bút quốc tế đâu biết mánh gửi tiền "chui" nên cứ "đường đường chính chính" gửi tổ chức chuyển tiền của CSVN "nằm vùng" ở Paris với văn thư đính kèm tên tuổi địa chỉ người nhận. Sau hai lần nhận tiền, tôi được công an phường tới tận nhà chuyển "lời mời" lên sở công an Thành phố "làm việc".
Thú thật với quý bạn đọc, mới được tha tù về mấy tháng nhận được "lời mời" này, tôi hoang mang và "rét" lắm. Tim cứ đập thình thình. Tự "kiểm điểm" thấy mình chẳng có hành động gì có thể kết tội phá hoại an ninh. Cũng chẳng có lời lẽ phát ngôn gì có thể gọi là "tuyên truyền phản động". Chẳng lẽ họ gọi mình lên công an để lặng lẽ âm thầm cho vào trại tập trung lần nữa tiếp tục học tập cải tạo trở thành con người của xã hội chủ nghĩa! Nhưng dù có thế nào chăng nữa thì cũng phải gồng mình "ra đi" (vì kiến trong miệng chén có bò đi đâu cho thoát!). Sau khi dặn dò vợ con nếu có bề gì thì tìm cách thông tin cho bạn bè ở nước ngoài biết (nguyên do bị bắt) và...chịu khó thăm nuôi!
Thật bất ngờ, khi được dẫn vào phòng làm việc của một cán bộ chấp pháp, tôi được mời uống nước trà Bắc đặc chát và được ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, vợ con v.v... Tôi cứ "thành thật khai báo", tất nhiên không có việc "thành thật khai báo"nhận được tiền cứu đói của Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế. Đợi cho tôi "báo cáo" xong, cán bộ chấp pháp mới cười cười nói:
"Tôi biết còn một việc anh dấu chưa thành thật khai báo".
Tôi gồng mình lên cãi và cả...thề nữa! Nhưng rồi như gáo nước lạnh tạt vào mặt, cán bộ chấp pháp thản nhiên, lạnh lùng "phán":
"Thế còn số tiền bọn phản động văn bút quốc tế gửi về cho anh?".
Tôi sững sờ và...cứng họng một lúc lâu vì thực tình chẳng bao giờ nghĩ tới "cái sự tốt ở đời này" lại bị "truy nã" một cách tận tình như vậy. Cán bộ chấp pháp thấy thái độ lúng túng của tôi biết "đối phương" hết đường chối cãi nên hỏi tiếp:
"Anh có chân trong Văn bút quốc tế không?"
Tôi trả lời ngay:
Không.
Anh có bạn bè gì trong tổ chức này?".
"Tôi mới cải tạo về nên không biết rõ về hoạt động hiện nay của tổ chức này".
"Anh có liên lạc với họ?".
"Không".
"Chắc chắn là không?".
"Đúng thế!".
Cán bộ chấp pháp cười nhạt (hơi gằn):
"Không liên lạc mà sao họ biết anh cải tạo về và gửi tiền tiếp tế?".
Tôi lại lúng túng một lần nữa và sau hết nói một cách hết sức thành thật rằng:
"Tôi thực không biết".
Cán bộ chấp pháp dụi tắt điếu thuốc lá đang hút:
"Anh nói vậy mà nghe được à? Không phải hội viên, không bạn bè, không liên hệ xa gần, không liên lạc thông tin mà bọn nó biết và gửi tiền về tận nhà cho anh? Đứa con nít lên ba cũng không tin nổi lời anh nói! Anh hãy khai báo thành thật đi. Đời này không ai bỗng dưng cho tiền nhau một cách vô điều kiện như thế. Bánh ít đi bánh dì lại. Anh phải làm gì cho họ, họ mới gửi tiền cho anh chứ. Đó là luật tất yếu trong tương quan xã hội như Mác đã nói! Vậy anh hãy thành thật khai báo đi. Anh bán tin tức hay gửi bài viết chống phá chế độ? Chúng tôi đã nắm đầy đủ thông tin về anh từ nước ngoài gửi về rồi". Trước sự luận tội gay gắt này, tôi tuy hơi ngán nhưng vẫn cương quyết giữ vững "lập trường":
"Đó là hoàn toàn do lòng tốt của người ta. Thấy tôi tù về đói rách họ động lòng từ tâm và tìm cách giúp đỡ".
Cán bộ chấp pháp có vẻ giận lắm, sau câu văng tục chửi thề lại vặn vẹo:
"Thế còn bao nhiêu người học tập cải tạo khác về có được bọn văn bút chúng nó giúp đỡ không?".
Tôi phải khốn khổ cả tháng trời vào ra sở công an thành phố (và cả công an phường nữa) về cái việc tiền bạc này. Thanh minh thanh nga, nói thế nào họ cũng không chịu tin. Vì theo họ ở cái cõi đời hôm nay chẳng có ai làm việc trong tinh thần bất vụ lợi, từ bi hỉ xả cả. "Muốn được Chúa Phật phù trợ, đệ tử cũng còn phải hối lộ bằng cách cúng kiếng vàng hương đèn nến hoa quả xôi chè nữa là...". Trước sự lý luận của họ như vậy, tôi đành ...chào thua! May mà nhờ phúc tổ không bị đi tù lần nữa!
Sở dĩ tôi nhắc lại "những ngày tháng không quên" ấy, vì mới đây cũng có câu chuyện tương tự như vậy xẩy ra ngay trên đất nước tự do, nổi tiếng đầy lòng từ tâm bác ái này. Tôi có một ông bạn là nhà văn đã trên 70 tuổi sống độc thân hưởng tiền "ét ét ai" hàng tháng cũng tạm đủ cho cái thân già nơi xứ người. Vì không còn phải lo cái đói, cái bệnh hành hạ thân thể nên ông nghĩ tới các bạn cùng nghề (khi xưa) còn kẹt lại nơi quê nhà. Muốn viết người ta không cho viết, mặc dù đã tìm hết cách "lách". Ngoài viết ra các bạn ông, sau khi "học tập cải tạo" về, lúc ấy còn chút sức lực đi đạp xích lô cũng kiếm được chút cháo sống qua ngày. Nhưng mấy năm trở lại đây vì tuổi già sức yếu lại thêm bệnh tật hành hạ nên đành chịu thất nghiệp vậy. Mà thất nghiệp thì bị đói tức thì. Cảm thông hoàn cảnh khốn cùng đó, (đồng bệnh tương lân mà!) ông nhà văn già bèn "xúi" các bạn mình viết văn, viết báo gửi sang Mỹ để ông lo bán dùm cho các báo. Có vài ba ông bà bạn già viết lách cũng tàm tạm khá nên các báo đăng bài đều đều.
Thế là mỗi bạn văn hàng tháng có trăm đô nhuận bút gửi về ...ấm bụng rồi. Cứ hai tháng một lần ông nhà văn già nhận được tấm check của tòa báo trả nhuận bút. Ông ra ngân hàng lãnh rồi đến đại lý gửi tiền về cho các bạn trong nước. Tất nhiên tiền cước gửi mỗi lần cả chục đồng, ông nhà văn già phải xuất tiền túi nhưng ông không hề hé lộ cho một ai biết. Vì ông thực hiện đúng lời Chúa dạy: "Tay phải làm việc thiện tay trái không biết". Thế rồi cuối năm (bỗng dưng) tòa báo tổng kết số tiền nhuận bút ông nhận lên tới vài ngàn và yêu cầu ông khai thuế. Ông khai thuế và nộp thuế mất đâu vài trăm đồng. Kể ra thì đau thật với một người già chỉ sống bằng tiền "ét ét ai" như ông. Nhưng ông nhà văn già tự an ủi: "Không sao! Mình bớt tiêu đi một chút và nhịn ăn phở sáng cũng chưa chết thằng tây nào. Chứ các bạn mình mà không có tiền là tiêu liền". Nhưng sự đời không phải vậy. Ông "ét ét ai" thấy có thu nhập bèn trừ 10% vào tiền phát hàng tháng. Chưa hết! Căn appartment ông thuê với giá Nhà Nước trợ cấp, thấy ông có thu nhập cũng tăng lên dăm chục đồng! Một người bạn biết chuyện mắng vốn ông: "Ông già rồi mà còn ngốc thế!". Một ông bạn khác, sau khi nghe bà vợ than thở cho ông nhà văn già, đã thản nhiên "phán": "Hơi đâu mà bà "thương" cho ông ấy! Nhất định là phải có lợi lộc ông ấy mới chịu làm như thế chứ! Hoặc là ông ta "khai thác" bài của họ để bán cho nhiều báo, hoặc là nhà báo trả 10 ông ấy bớt đi, trả cho người viết 6,7 . Thời buổi này không có ai làm công không cho ai cả, không có ai cao thượng ăn cơm nhà vác ngà voi cả, huống chi lại còn bị thiệt vào thân, nào tiền xăng chạy xe, nào tiền cước phí gửi... Đúng là chuyện giời ơi!". Tôi nghe xong câu chuyện không biết nên cười hay khóc! Rõ ràng "lập luận" của ông bạn này không khác gì lập luận của viên cán bộ chấp pháp. Ở trong nước thì như vậy, còn ở ngoài này cũng rứa sao!
Tôi bất giác nghĩ tới hàng trăm đồng hương chúng ta chắt bóp tần tiện dành dụm từng đồng bạc để rồi mỗi năm đem nào tiền bạc, quần áo, thuốc men về Việt Nam, lặn lội vào những nơi chốn xa xôi hẻo lánh, tìm bằng được những người già neo đơn bệnh tật, những người mắc bệnh cùi, những trẻ mồ côi, những nạn nhân chiến tranh, những thương phế binh bị bỏ quên... để trao tặng tận tay. Họ làm công việc này trong âm thầm lặng lẽ, không hề lên báo lên đài khoa trương. Cũng không cho cả những người thụ hưởng biết tên tuổi của mình. Tôi xin kể thêm một việc vừa mới đây có một ông không quen thân tình cờ gặp tôi, ông hỏi xin ngay địa chỉ anh bạn nhà văn VQ để tháng tới ông về VN "gửi anh ấy ít tiền tặng anh em thương phế binh mình". Và ông ta không hề tỏ ra băn khoăn thắc mắc nghi ngờ gì về việc gửi tặng tiền này cả. Và ông bạn VQ của tôi nhiều lần email cho tôi biết "thiên hạ" ở bển gửi về anh nhiều tiền để tặng quá, khiến cái thân già của anh vất vả cả tháng trời để tìm người trao tiền. Có khi phải phóng xe gắn máy suốt một ngày vào tận miệt sâu ven rừng mới tìm được một "thân chủ".
Những kẻ có tấm lòng vàng như thế chắc chẳng bao giờ họ nghĩ tới việc sẽ được đời biết tên tuổi hoặc những tấm bằng khen, những lời tán tụng tuyên dương. Những người làm công việc nhân đạo "cứu người lầm than" này phải chăng vì trái tim thôi thúc? Phải chăng vì họ cảm thông và đau nỗi đau của kẻ khốn cùng? Chúng ta không làm được như họ, thiết tưởng chúng ta cũng không nên suy xét phán đoán hàm hồ, suy bụng ta ra bụng người. Đừng đem cái "khí" của kẻ tiểu nhân xét người quân tử. Hay là trong thế giới chúng ta đang sống đây, tất cả những việc làm tốt đẹp đều bị nghi kỵ, đều bị "đặt vấn đề"? Người ta đã mất hết niềm tin trên cõi đời ô trọc này, chẳng còn một ánh lửa từ tâm dù nhỏ nhoi? Chẳng lẽ tình người, tình đồng loại tương trợ cứu giúp lẫn nhau cũng bị gán cho cái âm mưu vụ lợi? Dù sao tôi vẫn không tin trong khi cái đầu của con người ngày càng to lớn nhưng trái tim con người lại ngày càng teo tóp lại bé tí và chứa đầy những hàm hồ nghi kỵ ti tiện và tàn nhẫn bất lương? Và đôi mắt vẫn chỉ quen cúi nhìn xuống cái bụng sình chua chứa đầy tham sân si? Than ôi, thời đại chúng ta đang sống đây chẳng lẽ cái đẹp cái xấu, cái thiện cái ác không còn biên giới và đã bị sương mù che phủ hết rồi? Đức Chúa, đức Phật bao giờ mới bắc xong cây cầu từ bi bác ái để con người nắm tay nhau tin yêu thênh thang phơi phới cất bước vào cõi Chân Thiện Mỹ? Mong vậy thay cái buổi đẹp đời đó!
Ông bạn nhà văn già của tôi ơi! Ông đừng có "nản chí anh hào" vì những tiếng đời lao xao. Cứ tin đi, ít ra trên cõi đời ô trọc đầy nghi kỵ, đầy xấu xa bỉ ổi này vẫn còn có nhiều, rất nhiều con người mang trong lồng ngực trái tim vĩ đại chứa cả đất trời. Có thế loài người chúng ta mới tồn tại tới ngày nay.
(trích tập truyện "Đâu Chốn An Thân" sắp phát hành)