Đâu Chốn An Thân

Không hiểu có phải trong lá số tử vi của tôi có cung tật bệnh chiếu mệnh không mà suốt từ nhỏ tới lớn tuổi như bây giờ lúc nào cũng dính dấp tới các vị thầy Lang (lúc nhỏ thầy thuốc ta khám bệnh cho uống thuốc bắc) và bây giờ là bác sĩ (tức đốc tờ khám bệnh cho uống thuốc tây). Tôi sinh ra vốn ốm yếu bệnh hoạn quanh năm "rất khó nuôi" như ông Bố tôi thường nói nên sự quan hệ với thầy thuốc là chuyện bình thường không có gì đáng kể. Nhưng cả những khi không ốm đau bệnh hoạn cũng vẫn có nhiều quan hệ, có thể nói là mật thiết, với những vị "tu bíp" này thì chắc là phải có duyên do (tiền kiếp?) sao đó. "Ngày xưa" (trước năm 1975 bây giờ trở thành ngày xưa rồi) có lẽ vì nghề nghiệp phải giao du rộng nên tôi quen biết rất nhiều bác sĩ cùng lớp tuổi hoặc hơn kém chút đỉnh, từ dân y tới quân y. Nhưng có lẽ tôi quen thân giới bác sĩ quân y trong Tổng cục quân y nhiều hơn. Lý do giản dị: nơi đây tập trung nhiều bác sĩ chuyên khoa và nhất là không phải trả tiền khám bệnh, tiền xét nghiệm và còn được tặng cả thuốc bệnh thuốc bổ đem về nhà. Một ông bác sĩ bạn thân có một lần nói đùa với tôi:"Ông còn hơn Tổng thống nhiều. Tổng thống chỉ có một bác sĩ, còn ông thì cả chục bác sĩ trông coi chữa trị". Có lần, tôi mất sức phải vào quân y viện tiếp máu. Ông bạn Trung tá bác sĩ trực tiếp truyền máu cho tôi. Cái việc truyền máu thường hay buồn đi tiểu. Không thể xê dịch dụng cụ tiếp máu nhiều lần ra vào " toa lét", nó lỉnh kỉnh lắm, nên ông Trung tá bác sĩ đành đem bô nhựa đến cho tôi tiểu. Ông nói:"Ông là người độc nhất tôi phải "bưng bô" cho ông "tè" đấy nhé!". Đó là kể những lúc bị đau ốm nhưng những khi khỏe mạnh sự giao du của chúng tôi cũng không hề giảm bớt mà còn tăng lên nhiều. Những ngày nghỉ ngày lễ chúng tôi thường gặp nhau ở phòng trà, tiệm khiêu vũ, nhà hàng ăn uống hoặc sân quần vợt, hồ bơi. Câu chuyện trao đổi không phải là bệnh tật thuốc men mà là thời sự trong và ngoài nước, nhưng nhiều nhất vẫn là…văn chương nghệ thuật! Vâng, nhiều nhất vẫn là câu chuyện văn chương nghệ thuật. Có lẽ vì vậy mà một người viết văn viết báo như tôi và những bác sĩ chuyên khám chữa bệnh trở thành thân thiết với nhau chăng?. Lâu dần tôi mới nghiệm ra rằng hầu như đa số các bác sĩ đều có "máu" nghệ sĩ trong người. Ngay từ lúc còn là sinh viên, mặc cho sự học hành vất vả, họ vẫn thường xuyên "đánh đu" với cô nàng văn nghệ - tất nhiên ngoài người tình. Người thì thích hát, sáng tác nhạc chơi đàn (đủ thứ piano, guitar, violon...). Người thì say mê hội họa, người thì thích làm thơ viết văn, cả viết báo nữa. Trong các bộ môn này nếu họ không xuất sắc cũng không đến nỗi tồi. Những thơ, văn, nhạc, họa do họ sáng tác tôi thấy tính mơ mộng lãng mạn và tính nhân bản dàn trải tràn đầy khắp bài viết, bản nhạc, tranh vẽ. Thường thường họ viết, họ vẽ cái đẹp nhiều hơn cái xấu, cái sáng nhiều hơn cái tối. Có lẽ vì giầu lòng nhân ái nên họ mới chọn cho đời mình cái nghề cứu nhân độ thế? Nhiều bác sĩ viết những bài báo giải thích về chứng bệnh và cách sử dụng thuốc men với văn phong giản dị trong sáng, rất lôi cuốn hấp dẫn như viết truyện ngắn vậy. Cái "dòng văn chương thầy thuốc" này khơi nguồn từ hơn nửa thế kỷ trước và kéo dài từ Việt Nam sang tới đất Hoa Kỳ ngày nay. Khi trong nhà tù cải tạo tôi cũng được các bác sĩ (tù) ưu ái đặc biệt. Khi được tha về ngoài đời tôi lại cũng được những ông bạn bác sĩ chế độ cũ (cũng tù về) hết lòng chữa bệnh "chùa", mặc dầu các ông không được phép hành nghề. Nếu bị "ông nhà nước con" phường xã biết có thể tịch thu"đồ nghề" liền. Mà "đồ nghề" lúc đó hiếm và mắc tiền lắm. Rồi khi đi HO sang đất Hoa Kỳ, cái sự giao du quan hệ của tôi với các bác sĩ càng thắm thiết hơn, (có lẽ vì tuổi già sức yếu phát sinh nhiều bệnh chăng?). Và sự quan hệ này, ngoài bệnh hoạn, vẫn không thoát khỏi cái vòng chính trị chính em, nhất là về văn chương nghệ thuật. Một trong những ông bác sĩ mà tôi thân quý nhất là người rất say mê hội họa. Đi làm về cơm nước xong ông cắm đầu vào khung vải ngay. Ngày chủ nhật, ngày lễ nghỉ nhà ông say sưa vẽ quên cả ăn uống. Theo lời bà xã ông kể thì có những buổi tối bốc hứng ông ngồi vẽ một mạch tới 9, 10 giờ sáng hôm sau, rồi do vợ hối thúc mới phóng xe tới phòng mạch - khi đó bệnh nhân đã ngồi chờ đầy. Tôi đến phòng mạch ông chữa bệnh thì ít mà…tán chuyện đời thì nhiều (tất nhiên là những lúc vắng bệnh nhân). Bệnh nhân của ông bác sĩ này đa số là người Việt lớn tuổi, đều vào hàng cụ cả. Sau khi khám bệnh xong họ thường nán ngồi lại tâm sự với ông về đời sống cá nhân, về chồng về vợ, về con cái, về tiền bạc, nhà cửa. Nghĩa là đủ thứ chuyện. Có lẽ ngoài việc chữa bệnh họ còn muốn bác sĩ chữa tâm bệnh cho họ nữa. Vì giãi bầy tâm sự cũng là một phương thuốc nhiệm mầu làm giảm đi những sầu muộn buồn đau chất chứa trong lòng. Biết tôi là người thường xuyên "đói" đề tài viết truyện nên cứ nghe được câu chuyện nào hay hay (do bệnh nhân tâm sự) là ông bác sĩ phôn tôi tới tiện thể đi ăn trưa để kể lại. Dưới đây là câu chuyện đi - về, về - đi của một số cụ ông cụ bà nhà ta. Tôi xin ghi lại trung thực và nhất định không thêm "mắm muối" để khỏi mang tiếng viết lách bôi bác...

1 - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI THỨ NHẤT

Việc đi Mỹ định cư của vợ chồng tôi thì cũng như những người Việt Nam khác thôi, không có gì đặc biệt. Lúc đó nước Mỹ là thiên đường, là niềm mơ ước của hàng triệu người Việt. Nếu chính phủ Mỹ (và cả chính phủ Việt Nam nữa) chịu mở rộng cửa cho đi thì có lẽ tất cả 80 triệu dân Việt Nam bỏ nước đi hết. Sự hân hoan sung sướng của vợ chồng tôi những ngày tháng đầu tiên sống trên đất Mỹ tôi xin miễn kể ra đây, vì ai cũng trải qua, ai cũng biết cả rồi. Vợ chồng tôi làm việc có hai, ba năm thì được hưởng tiền già. Bất hạnh cho tôi, một năm sau chồng tôi qua đời. Tôi phải nói để bác sĩ biết, khi chúng tôi được đi Mỹ theo chương trình HO thì hai con tôi, một trai một gái, đều đã lập gia đình nên phải ở lại. Tuổi già sống đơn độc nơi xứ người buồn lắm. Tôi không biết lái xe lại ít bạn bè nên suốt ngày đêm thui thủi một mình trong căn phòng thuê nhỏ của một chung cư. Hết nhìn ảnh chồng trên bàn thờ lại ra ngoài sân nhìn trời đất xa xăm.Tôi nhớ con nhớ cháu. Tôi thương vô cùng mấy đứa cháu nội ngoại. Đọc những lá thư chúng nó gửi sang kể lể sự thiếu thốn khổ sở, sự nhớ thương bà, khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi chắt chiu tằn tiện ăn uống mua sắm, tom góp tiền bạc để hàng tháng có một số tiền gửi về cho chúng nó. Năm tháng nặng nề trôi qua, tuổi già ngày thêm mòn mỏi yếu đuối, lòng nhớ quê hương và con cháu càng tăng thêm. Nhất là khi nghe chúng nó nghẹn ngào nói qua điện thoại những lời lẽ thống thiết, tỏ ý mong muốn tôi về quê hương sống nốt quãng đời già nua còn lại để chúng nó có dịp hầu hạ đền ơn báo hiếu. Thế rồi bác sĩ ạ, sau những ngày tháng suy nghĩ và xin ý kiến một số người quen thân, tôi quyết định rời bỏ nước Mỹ về quê hương sống với con cháu. Những ngày đầu sống bên con cháu chưa bao giờ tôi thấy sung sướng hạnh phúc như thế. Căn nhà tuy nhỏ thiếu thốn tiện nghi nhưng tôi đã được bù lại bằng sự thương yêu trìu mến, đầy ắp hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng anh con trai đi thưa về gửi. Buổi tối trước khi ngủ còn chúc mẹ ngủ ngon. Có món ăn nào ngon thuộc loại đặc sản đều nhường cho mẹ. Đứa cháu nội sau giờ học về cứ quấn chặt lấy bà nội không chịu rời. Để cho công bằng, tôi chia thời gian: nửa tháng sống với gia đình con trai, nửa tháng sống với gia đình con gái. Nhà chúng cách nhau cũng chỉ một vài đường phố. Thời gian này tôi còn đem về được ít tiền nên tất cả sự mua sắm thức ăn vật dụng hàng ngày trong nhà đều do tôi chủ động chi hết. Ngay cả tiền các cháu đi học ăn quà tôi cũng cho luôn, không cần phải đợi chúng ngỏ lời xin hỏi. Mấy tháng sau thì túi tiền tôi cạn. Tôi không còn khả năng chi tiêu như trước nữa. Thế là một sự thật phũ phàng đến ngay với tôi. Thoạt đầu tôi tưởng đó là lẽ bình thường sau những ngày đầu xáo động sôi nổi, mọi sự bây giờ trở lại ổn định của đời thường. Nhưng không phải vậy. Kể tới đây bà già bệnh nhân lấy khăn giấy thấm hai giọt nước mắt vừa tràn khỏi khóe mắt. Tôi im lặng tôn trọng sự đau buồn của người. Mấy phút sau bà ta tiếp, giọng ướt sũng như khóc: "Tôi nói chắc bác sĩ cũng như mọi người chẳng ai tin đâu, con cháu ruột thịt sao lại có sự trở mặt nhanh chóng như thế? Có lẽ tại tôi ăn ở sao đó? Tôi thề có trời đất chứng giám là lòng dạ tôi đối với con cháu lúc nào cũng như bát nước đầy. Tôi còn ai thân thiết trên cuộc đời này ngoài chúng nó. Lúc đầu, sau khi biết túi tiền tôi đã cạn, vợ chồng nó từ từ tìm cách lánh mặt tôi và mỗi tối không còn chúc ngủ ngon như trước nữa. Rồi thằng cháu nội ít quấn quýt bên bà, gặp bà nó lúng túng và muốn lánh mặt. Sau tôi mới biết tại bố mẹ nó cấm cản. Những bữa cơm gia đình giờ rất đạm bạc, chỉ rau luộc nước tương. Tôi cũng không hề kêu ca phàn nàn. Có điều khiến tôi phải suy nghĩ là vợ chồng nó tuy nghèo nhưng cũng chưa đến nỗi thiếu thốn túng bấn khốn khổ như những lá thư viết gửi cho tôi trước đây. Một hôm vợ chồng nó bảo tôi:"Bọn con có việc đi xa mấy ngày" để tôi ở nhà một mình với nồi cơm nguội, không có lấy một miếng thức ăn. Tôi nuốt miếng cơm giữa hai hàng nước mắt chẩy. Rồi có lần tôi tình cờ nghe vợ nó nói với chồng (có lẽ nó cố tình để tôi nghe thấy): "Anh bảo mẹ sang ở hẳn nhà cô Vân đi. Chứ nhà mình chật chội ra vô vướng víu thế này em thấy bất tiện quá". Anh chồng có vẻ chần chừ: "Thì cứ để từ từ rồi anh tính. Mẹ mới về mấy tháng mà đã đuổi bả đi thiên hạ họ cười cho". Cô vợ giọng quyết liệt:"Cười hở mười cái răng! Nếu anh không quyết thì tôi dẫn con về bên ngoại sống. Tôi hết chịu đựng nổi cảnh này rồi. Tiền bạc đã không có lại phải nuôi báo cô một bà già vô tích sự". Nghe thấy vậy tôi đau điếng người và tự nhủ phải đi thôi. Tôi kiếm cớ nói với vợ chồng nó nhớ cháu ngoại sang chơi ít ngày. Vợ chồng nó vui ra mặt tuy vẫn cố lấy giọng mầu mè dặn dò: "Mẹ nên về sớm kẻo cháu nó nhớ". Nhưng rồi sống tại nhà cô con gái quý cũng không hơn gì sống tại nhà anh con trai khi vợ chồng nó biết tôi đã hết tiền bạc. Khác hẳn những lần trước, mới ở được mấy ngày cô con gái đã luôn mồm than thở nhà túng bấn và vừa nói mắt nó vừa chăm chăm nhìn vào cái nhẫn có cẩn hột soàn nhỏ của tôi. Đứa con gái sáu tuổi của nó cũng không còn tha thiết làm nũng bà để vòi vĩnh xin tiền ăn quà như trước nữa. Tôi sống giữa sự thờ ơ của con cháu, khác gì sống ở trọ, rất khổ tâm nhưng biết làm gì hơn! Hàng ngày, để khuây khỏa tôi đi đến nhà mấy bà bạn già chơi. Nhìn thấy cảnh êm ấm gia đình người ta trên kính dưới nhường, con cháu nói năng lễ phép mà tôi tủi thân rưng rưng nước mắt. Một buổi tối, sau khi cơm nước nhà bà bạn già xong, tôi ra về tới nhà thì thấy cửa khóa chặt. Có một mảnh giấy nhỏ dán trên cánh cửa. Cô con gái quý của tôi viết mấy chữ báo tôi biết: vì bên nhà nội có việc cần, chúng nó phải về gấp. Tôi chịu khó ở nhờ tạm đâu đó ít ngày. Thưa bác sĩ, trước hoàn cảnh này tôi còn biết làm sao hơn là phải trở về Mỹ sống. Hết đường rồi! Không chốn nương thân rồi! May mà tôi còn cái nhẫn hột soàn bán đi lấy tiền mua vé máy bay. Sang tới Mỹ tôi phải vất vả cả tháng trời mới xin lại được tiền "ét ét ai". Tôi hỏi bác sĩ trả lời thực cho tôi nhé. Về nước sống với con cháu thì được đối xử tệ hại tàn nhẫn như vậy. Chúng chỉ biết có tiền chứ không có tình. Còn sống nơi đất Mỹ này thì khỏi làm hàng tháng cũng có tiền đủ sống, ốm đau khám bệnh tiền thuốc nằm nhà thương đều miễn phí và còn có nhiều thứ nữa. Nhưng cái tôi cần nhất lại không có, đó là tình gia đình - căn bản của đời sống. Vậy tôi phải làm sao, phải đi đâu, ở đâu, để sống nốt chuỗi đời tàn này đây, thưa bác sĩ?

2 - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI THỨ HAI

Như bác sĩ biết đấy, năm nay tôi đã 75 tuổi. Tôi mới ở Việt Nam về được khoảng một tháng. Sức khỏe của tôi cũng chưa đến nỗi nào phải không bác sĩ? Căn bệnh sốt rét tôi mang từ bên đó về nhờ ơn bác sĩ chữa trị cũng tạm coi như dứt. Giờ chỉ còn lại căn bệnh thuộc loại khó trị mà bác sĩ gọi là tâm bệnh. Chẳng lẽ khoa học ngày nay đành bó tay chịu thua nó sao, bác sĩ? Tôi là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, sau 30 tháng Tư 1975 bị bắt tù cải tạo 10 năm. Được tha về 3 năm thì đi Mỹ tái định cư. Ba con tôi phải ở lại Saigon vì tất cả đều đã lập gia đình. Ở Saigon không biết làm việc gì để sống nên thằng con lớn mang vợ con về tận miệt đồng lầy Cà Mâu, vợ làm vườn chồng làm than củi. Thằng thứ hai bám trụ tại thành phố hành nghề đạp xích lô. Thằng thứ ba chạy mánh mung hàng lậu chợ đen chợ đỏ có vẻ khá hơn hai thằng kia. Mấy chục năm sống trong quân ngũ, tôi không biết một nghề nào khác ngoài "nghề" cầm súng. Nên khi tới Mỹ tôi phải kiếm một việc làm thích nghi mà không phải mất công khó khăn học hành, đó là cắt cỏ. Còn bà vợ tôi từ bé tới khi lấy chồng chẳng hề biết " lao động là vinh quang". Suốt đời chỉ biết tiêu tiền lương của chồng và thỉnh thoảng nghe bạn bè xúi dại xúi khôn, đi bắt ghen tôi và bắt ghen dùm các bà bạn. Nay bà ấy phải tự kiếm miếng ăn bằng cách coi trẻ sơ sinh cho mấy nhà giầu người Việt. Tiền hai chúng tôi kiếm được hàng tháng cũng đủ trang trải cho việc ăn uống, nhà cửa. Chúng tôi phải tằn tiện hết sức và tôi phải cố làm thêm nhiều giờ để có dư một khoản tiền gửi về nuôi con cháu. Thời gian sau vợ tôi được một bà bạn nữ quân nhân cũ dẫn dắt vào con đường làm "neo". Gia đình tôi nhờ đó khá dần lên. Chúng tôi mua được căn nhà ba phòng tuy không còn mới nhưng cũng đầy đủ tiện nghi, có tí sân trước tí vườn sau, không đến nỗi bị thiên hạ xem thường. Qua nhiều năm nai lưng làm việc, tạo được uy tín với các thân chủ, tôi trở thành "sếp" cắt cỏ - nói trắng ra tôi là anh đầu nậu. Giao dịch ký hợp đồng với gia chủ xong, tôi giao lại cho các đàn em (mới vào nghề) hoặc mấy anh Mễ làm, tôi đứng giữa hưởng phần trăm. Còn vợ tôi giờ trở thành bà chủ tiệm "neo". Tuy chưa thể gọi là giầu có nhưng ngón tay bà cũng mang một hai cái nhẫn cẩn hột soàn 5, 6 ly lấp lánh. Các con tôi trong nước không còn phải làm việc vất vả nữa. Với tiền bạc vợ chồng tôi gửi về, chúng nó đã tậu được nhà cửa tương đối khang trang và con cái học hành tử tế. Hàng năm vào dịp tết nhất, chúng tôi đều về nước vui chơi với con cháu họ hàng bạn bè.Thế là chúng tôi thỏa mãn lắm rồi, còn mong gì hơn nữa, phải không bác sĩ?. Tới năm kia, tôi trên 70 tuổi, vợ tôi trên 60 tuổi, tức là bước qua cầu hoàng hôn đời người rồi đấy, nên chúng tôi bắt buộc phải nghĩ tới hậu sự của mình. Nhất là với bà vợ tôi, sau chục năm hành nghề "neo" cơ thể bỗng sa sút, ngày một gầy. Lúc đầu bà ấy - như mọi bà ở Mỹ - vui mừng vì thấy mình giảm cân. Nhưng khi đi khám bác sĩ, thử máu chụp phim mới biết bị ung thư vòm họng. Ông bác sĩ bảo bà bị nhiễm độc có trong các chất thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay móng chân gì đó. Bà đã đi làm phóng sạ trị liệu, rụng hết cả tóc mà bệnh hình như không thuyên giảm còn di căn sang cả phổi. Nghe người ta mách Saigon có thầy thuốc ta chữa bệnh ung thư gia truyền hay lắm, mười người chín người khỏi. Bà vợ tôi đòi đưa về nước chữa. Thật bất ngờ, chỉ mới uống mươi thang thuốc, bà vợ tôi "cảm thấy" bớt bệnh và thấy khỏe. Thế là bà đòi ở lại nước luôn. Vừa sống gần con cháu, vừa có kẻ hầu người hạ (chứ bên Mỹ làm sao có được) lại thêm thầy thuốc giỏi chữa lành bệnh. Các con tôi cũng xúm lại làm áp lực bắt tôi phải "thay đổi lập trường". Chúng nó bảo bây giờ mọi sự đã đổi khác rồi, giai cấp vô sản đã biến chất thành giai cấp tư sản đỏ rồi nên không còn cái sự căm hờn đấu tranh giai cấp như trước nữa! Và cũng nhờ ở lại trong nước lâu ngày tôi mới phát giác ra các con tôi từ ngày có vợ chồng tôi viện trợ tiền bạc không chịu làm ăn gì, suốt ngày rong chơi, bê bối. Nhất là thằng con út. Nó nói láo là từ ngày có vợ chồng tôi viện trợ, nó đã tu tỉnh, thôi nghề mánh mung môi giới chợ đen chợ đỏ. Để chấn chỉnh lại "gia phong", không con cháu hư hỏng mất, tôi đồng ý ở lại nước sống hẳn. Bà vợ tôi ở Saigon chữa bệnh, còn tôi về Mỹ lo thu xếp tiền bạc và bán căn nhà cũng như sang lại cửa tiệm "neo". Sống một mình ở cái thành phố Mỹ quá rộng lớn này, dù chỉ một thời gian ngắn, khỏi nói bác sĩ cũng biết buồn thật, bác sĩ ạ. Có trải qua mới thấm thía sự cô đơn, sự trống trải vô vị của ngày tháng mà một số bạn già độc thân của tôi đang phải chịu đựng. Suốt ngày chẳng biết làm gì. Ăn rồi ngủ. Ngủ rồi ăn. Đọc báo thì tờ nào như tờ nào. Thỉnh thoảng cũng sôi nổi một chút khi họ viết bài chống báng nhau. Tôi cũng đã hết cái tuổi thích thú ngồi tiệm cà phê đông đúc tán dóc nhìn những cô gái trẻ đẹp ăn mặc hở hang đi qua lại. Cũng không còn hứng khởi bàn thảo hay tranh luận sôi nổi ồn ào về chuyện chiến tranh, khủng bố, chuyện thời sự bên Tầu, bên Tây, bên I Rắc, I Răng, và cả bên Việt Nam nữa. Mọi sự đều mòn mỏi nhàm chán cả rồi. Những cái tôi tha thiết mong muốn mấy chục năm nay thì ngày càng mù mịt vô vọng. Tôi không muốn bỏ nắm xương tàn nơi đất nước người nhưng cũng không muốn vùi thân xác nơi quê hương chôn nhau cắt rún giờ đã trở thành xa lạ, không phải của mình như xưa nữa! Tôi không có bạn bè nhiều, hơn nữa ở đất Mỹ này cái giao tình đồng hương nó nhạt như nước ốc. Mạnh ai nấy sống và cả dầy đạp lên nhau giành sống. (Việc này cũng chẳng nên trách họ, vì cả loài người ngày nay đều dầy đạp lên nhau giành sống!). Chỉ có một điều là khá nhiều người…đồng một lòng như nhau là rất thích "áo gấm về làng, cưỡi ngựa xem hoa" để khoe mẽ! (Họ quên mất ngày trước tìm đường bỏ nước, chạy bán sống bán chết mới sang được nước người có chốn tạm dung thân!). Nói chung, khi xưa tôi khao khát đến đất Mỹ sống bao nhiêu thì bây giờ tôi chán nản bấy nhiêu! Đất nước gì chỉ đặt nặng hưởng thụ vật chất! Con người đồng hương với nhau gặp nhau chẳng có nổi một nụ cười! Hàng xóm bao năm chỉ gặp mặt một đôi lần và cũng chỉ có một cái gật đầu nhạt nhẽo hoặc hai tiếng "hế lô" cộc lốc! Thà sống trong bùn lầy nước đọng nhưng có đầy đủ tình cảm, tình người, còn hơn là sống trong sung sướng đầy đủ nhưng lạnh lẽo, vô tình! Tuy nhiên tôi phải thú thật rằng không hiểu sao tôi vẫn rất buồn khi phải bán nhà, một điều trước giờ tôi chưa hề nghĩ tới. Có một cái gì đó bâng khuâng lưu luyến. Ít ra tôi cũng sống trên đất Mỹ này hơn hai mươi năm, đây khác gì quê hương thứ hai của tôi. Tôi đã được hưởng những ngày tháng tự do no ấm. Nhất là tôi đã có cơ hội làm lại cuộc đời mà khi tù về tưởng vô vọng. Tuy nhiên tấm lòng bao dung, tử tế của người Mỹ thật đáng trân trọng nhưng cái tình gia đình nơi quê cũ vẫn nặng hơn. Lòng con người ta đôi lúc thật là mâu thuẫn phức tạp lăng nhăng, láo nháo vô định, bác sĩ nhỉ?.

Tôi bán nhà sang tiệm "neo" xong, từ biệt mấy ông bạn cựu sĩ quan cấp tá già, đáp máy bay về nước mà lòng vẫn không khỏi nôn nao bồi hồi. Mới rời đi đã thấy kỷ niệm vơi đầy ùa tới. Nước mắt tôi như muốn ứa ra.

Nghe lời cậu con trưởng, tôi về vùng đồng lầy Cà Mâu sống với nó cho yên tĩnh. Tôi bỏ tiền xây lại căn nhà của nó khang trang đẹp đẽ, có đủ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ cho mỗi người. Vợ tôi vẫn ở lại Saigon với thằng con thứ ba để tiện chữa bệnh. Bà cũng mua cho nó một căn nhà nhỏ ngoại ô nhưng cũng đủ tiện nghi. Nó bảo đã thôi nghề mánh mung chợ đen chợ đỏ, bây giờ chạy hàng chuyến. Còn thằng thứ hai thì chuyển sang nghề lái xe con cho chủ Đại Hàn đủ sống. Tôi có ngờ đâu sự thật vô cùng tệ hại: nó hành nghề buôn gái quê bán cho khách Đài Loan, Đại Hàn. Vợ tôi chữa bệnh với thuốc gia truyền tốn hết cả trăm ngàn đô và kéo dài thời gian cả năm. Kết cục tiền mất người mất luôn. Chôn cất vợ xong tôi lại về sống miền thôn quê đồng lầy hẻo lánh. Tưởng rằng bằng ấy năm tôi đã sống quen với mùi bùn nồng nặc và khí trời tanh tưởi, oi bức. Nhất là ruồi muỗi. Sao hai giống vật này sinh sản nhanh thế, khác hẳn với bên Mỹ! Hôm trước sịt thuốc chúng chết hết, hôm sau lại vo ve bay lượn khắp nhà. Buổi tối ngủ vô tình hở cánh tay hay bàn chân khỏi mùng là muỗi đốt cho bằng thích, sau đó lên cơn sốt rét liền. Uống, tiêm thuốc sốt rét mãi vàng bủng cả da, tôi phải tạm thời lên thành phố lánh nạn. Tôi ở với thằng con thứ ba. Chỉ sau mấy ngày sống chung tôi mới biết cậu cháu nội quý hóa của tôi là một đứa trẻ vô cùng mất dạy. Mới hơn 10 tuổi, chẳng những không chịu học hành còn làm những việc bất lương như du côn dắt gái và ghiền sì ke ma tuý. Một hôm đi chơi Vũng Tầu mấy ngày về tôi thấy tủ quần áo bị lục tung, lần tới góc tủ chỗ để gói tiền thì bị mất. Chẳng cần phải mất công điều tra, cậu cháu nội quý hóa của tôi tố cáo bố nó chính danh thủ phạm. Sau này tôi mới biết thêm, vì nó bắt gặp quả tang bố nó lấy trộm tiền mà không chịu chia cho nó nên nó tố cáo. Đồng thời nó cũng tố giác căn nhà (chúng tôi mua cho đang ở đây) bố thua bạc đã cầm gá cho người ta rồi, ít ngày nữa đến hạn không tiền trả phải giao nhà. Tôi như người ngã từ đỉnh núi xuống vực thẳm. Tiền hết, tình nghĩa hết, lại thêm không hợp khí hậu phong thổ, đường phố đầy ô nhiễm, bệnh dịch thi nhau hoành hành.Thức ăn đồ uống chứa toàn độc tố chết người. Thật là hết chốn nương thân. Tôi đành muối mặt trở lại đất Mỹ ăn bám sống nhờ nữa sao? Bây giờ tay trắng rồi. Bác sĩ ơi, ông chữa giúp cho tôi chứng bệnh này đi. Chẳng lẽ trên trái đất này không còn chỗ để những người già như chúng tôi nương thân sống nốt chuỗi ngày tàn tạ trong bình an yên tĩnh theo ý muốn của mình?

3 - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI THỨ BA

Tôi chán sống trên đất Mỹ này lắm rồi. Thấm thoát thế mà đã trải qua hơn hai mươi năm. Khốn khổ vào sinh ra tử mãi mới vượt được biển vào đất Mỹ. Tưởng là thiên đàng hóa ra địa ngục. Bác sĩ cười không tin à? Với cái thân thể đầy bệnh tật của tôi mà bác sĩ đang chữa trị đấy. Sớm muộn cũng khỏi thôi nhưng còn cái bệnh ung thối của đời sống, bác sĩ có chữa được cho tôi không? Gia đình tôi có bốn người: hai vợ chồng, hai đứa con một trai một gái. Ông chồng tôi sau khi làm được khá tiền kiếm cớ về thăm quê hương lấy một con nhỏ bằng tuổi con gái mình và ở lại luôn bên đó. Thằng con trai lớn chưa học hết trung học, sau khi ăn cắp tiền bạc của mẹ bỏ nhà đi bụi đời, tụ tập băng đảng cướp của giết người, bị tù chung thân. Còn cô con gái quý mới 16 tuổi đầu rước ngay một anh Mỹ đen về nhà sống như vợ chồng. Tôi la mắng chửi bới và đuổi đi chúng coi như không. Chúng chiếm trọn căn lầu làm nơi tụ họp ăn uống vui chơi nhẩy nhót với bạn bè. Một hôm cảnh sát ập vào nhà còng tay cả bọn bắt đi. Thì ra bọn chúng hút và buôn bán bạch phiến. Bác sĩ nghĩ coi. Sống nơi thiên đàng của trái đất mà tôi có khác gì sống ở địa ngục. Vẫn chưa hết. Nghe mấy con mụ (nghe đâu cũng vợ các ông lớn ngày xưa) rủ rê chơi hụi lời lắm. Tôi bùi tai và máu tham nổi lên chơi liền mấy dây hụi. Đóng được mươi tháng thì chủ hụi ôm tiền chạy sang Bang khác mất. Chán nản buồn đời, tôi theo mấy mụ nạ dòng đi đến các sòng bài giải trí. Tại đây tôi quen một ông bạn tuy quá tuổi sồn sồn, chân đã vấp hoàng hôn nhưng trông cũng còn "nước" lắm. Chúng tôi thân nhau và nhanh chóng đi đến chỗ già nhân ngãi non vợ chồng. Ông bị vợ bỏ theo kép trẻ ôm cả tiền bạc dông. Hai đứa con thì cũng đi bụi đời. Đứa con gái nghe đâu mò về nước dụ khị được một ông cán bộ cỡ trung ương bỏ vợ con lấy nó. Bị nó cho mọc sừng, ông kép già tức giận sai cận vệ thanh toán, may mà súng bắn không chết nhưng bị trọng thương trở thành phế nhân suốt đời. Tôi còn lại căn nhà, nghe người tình già gân bàn ra tán vào đem cầm cố để chơi "tốc", bị tổ trác trắng tay. Hư sự, người tình cong đuôi chuồn mất. Bây giờ với cái tuổi đi rửa chén cũng không có người thuê, bác sĩ bảo tôi phải sống làm sao đây? Về nước thì không được rồi, bỏ trốn đi bây giờ lại tay không trở về nhục lắm. Còn ở lại cũng hết đường. Biết đi đâu về đâu hả bác sĩ?

4 - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI THỨ TƯ

(Ông bác sĩ đưa tôi một tờ "phắc" bảo đọc đi. Dưới đây là nguyên văn tờ "phắc")
Saigon ngày...tháng...năm...
Kính gửi bác sĩ V.
Thưa bác sĩ,
Chắc bác sĩ ngạc nhiên lắm khi nhận được lá thư này. Tôi mong rằng ông vẫn chưa quên tôi, một bệnh nhân thường xuyên của ông hơn mười năm nay. Tôi tên là Nguyễn Mạnh, 61 tuổi, nhà số... đường... thành phố.... mắc chứng đau nhức kinh niên. Tôi về Saigon hơn tháng nay để tìm hiểu xem có thể về nước sống được không, vì tôi thấy những người quen, lứa tuổi tôi, bàn tán nhiều lắm chuyện về nước sống. Như bác sĩ đã biết, tôi góa vợ từ lâu nên việc đi, về - về, đi của tôi nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều người. Sở dĩ hôm nay có thư này đường đột gửi bác sĩ là cả một sự vạn bất đắc dĩ. Tôi đang ngồi sau xe ôm thì bị một xe hơi nhà đụng bất tỉnh. Khi tỉnh lại thấy mình nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy, bị gẫy chân và bị thương mấy chỗ khác nhẹ hơn. Kẻ gây ra tai nạn đã bỏ chạy. Tôi nhờ y tá báo tin cho thằng con tôi biết. Tôi có ba người con: hai trai một gái. Anh con trai lớn làm địa ốc và cô con gái thứ hai làm "neo" ở Mỹ. Cả hai đã lập gia đình có con cái và đời sống khá giả. Còn cậu con trai út ở lại Saigon không chịu lấy vợ, chẳng có nghề ngỗng gì nhất định. Tôi và anh chị nó hàng tháng phải gửi tiền về mà nó vẫn thường xuyên kêu túng thiếu. Được tin tôi nhắn cũng phải mấy tiếng đồng hồ sau nó mới đến bệnh viện với bộ mặt hốc hác mệt mỏi, đầu tóc rũ rượi. Tôi đưa chìa khóa mở va li để nó về nhà lấy một ngàn đô (cả tài sản của tôi chỉ còn chừng đó) đóng trước tiền nhập viện. Mãi ngày hôm sau nó mới trở lại bệnh viện và nói là khi đi đường bị cắp mất tiền. Tôi đau điếng đành bảo nó gọi điện thoại cho anh chị nó ở Mỹ gửi ngay cho tôi mười ngàn đô để chữa trị thương tích. Có lẽ vì tôi là Việt kiều Mỹ nên ban giám đốc bệnh viện nể nang cho chậm đóng tiền mấy ngày, sau khi giữ thông hành. Theo ông bác sĩ trực, cái chân bị dập nát của tôi nếu để lâu có thể bị cưa. Bây giờ phải có tiền đóng ngay để bệnh viện tiến hành công việc cứu chữa mới hy vọng thoát. Tôi cầu khẩn họ chữa ngay cho, mấy ngày sau tiền tới sẽ thanh toán liền. Nhưng bệnh viện không chịu. Họ bảo có quá nhiều bệnh nhân chữa xong bệnh quỵt tiền chuồn mất. Thế là tôi cứ ôm cái chân sưng phù băng bó tạm nằm rên rỉ chờ tiền. Một ngày, hai ngày, một tuần lễ trôi qua vẫn không thấy gì. Cậu con trai vào thăm cũng tỏ ý tuyệt vọng. Tôi phải mua thẻ điện thoại gọi ngay về Mỹ cho anh con trai. Nó bảo khi nhận được tin đã gửi mười ngàn đô về rồi. Hiện nó còn giữ giấy hồi báo do thằng em ký. Chết tôi rồi. Ông con trai út quý hóa của tôi đã lấy tiền chuồn êm mặc cho ông bố với cái chân gẫy đau đớn. Tôi dấu không nói việc này cho anh con trai lớn biết, chỉ bảo nó gửi thêm cho mười ngàn đô nữa mới đủ trang trải tiền bệnh viện và chi phí thuốc men. Thằng con tôi chỉ ầm ừ chứ không hẹn rõ ràng khi nào gửi tiền. Tôi lại chờ và chờ…Mãi vẫn không thấy tiền gửi về mà thằng con út thì biệt tăm từ hôm nhận tiền. Sau này tôi mới biết số tiền nó lấy của tôi một ngàn đô và của anh nó gửi về mười ngàn đô đem cá độ bóng đá thua sạch nên nó trốn tôi luôn. Tôi lại gọi điện thoại cầu cứu cô con gái. Nó không úp mở nói thẳng cho tôi biết là anh em nó nghi tôi dựng chuyện bị đụng xe để lấy tiền bao bồ nhí nên nhất định không gửi thêm nữa! (Khi tôi về Saigon chơi, anh em nó mỗi đứa cho tôi năm ngàn đồng và bao luôn vé máy bay).
Thưa bác sĩ, sở dĩ tôi phải trình bầy dài dòng để bác sĩ biết hoàn cảnh hiện tại vô cùng bi đát của tôi và rộng lượng cho tôi mượn số tiền mười ngàn đồng. Tôi không còn biết trông cậy vào đâu nên đành liều quấy rầy bác sĩ. Tôi cam kết khi lành bệnh trở về Mỹ sẽ thanh toán ngay cho bác sĩ. Thư này coi như giấy biên nhận mượn tiền. Tôi tin bác sĩ thông cảm sự thật đau lòng của tôi mà ra tay cứu giúp. Trong mấy ngày nữa tôi không có tiền đóng cho bệnh viện họ sẽ tống cổ tôi ra đường. Nếu sự việc xẩy ra như vậy, khỏi nói bác sĩ cũng biết tôi sẽ trở thành kẻ tàn phế suốt đời nếu không chết. Một lần nữa xin bác sĩ ra tay cứu giúp tôi. Ơn này tôi xin ghi lòng tạc dạ. Tôi ngày đêm trông tin bác sĩ từng giờ. Kính chúc bác sĩ mọi điều tốt đẹp. Kẻ chịu ơn bác sĩ. Ký tên.
Tái bút: tôi không thể tự tay viết thư được nên nhờ ông bạn bệnh nhân nằm giường bên viết giúp và có chữ ký chứng nhận của bác sĩ giám đốc bệnh viện. Tôi nằm phòng số...Khu...Bệnh viện Chợ Rẫy, Saigon Việt Nam.

Câu chuyện tạm ngưng ở đây khi tôi hỏi ông bác sĩ: "Ông có gửi tiền cho ông bệnh nhân mượn?". Ông bác sĩ nhăn nhó: "Tôi làm gì có sẵn một số tiền mặt lớn thế. Lực bất tòng tâm ông à. Đành chào thua vậy thôi".

5 - CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI THỨ NĂM

Một buổi chiều mùa đông cuối năm, trời lạnh lắm, sương mù phủ dầy đặc đường phố. Nằm nhà từ sáng tới giờ bức bối quá, nhất là cái buồn không tên thật nhức nhối, tôi rời nhà lấy xe phóng tới phòng mạch ông bác sĩ bạn với mục đích tán dóc cho đỡ buồn. Phòng mạch vắng tanh, cô thư ký đang ngồi đọc báo. Ông bác sĩ đang coi một tập tài liệu về chuyên khoa. Có điều lạ là năm nào cũng vậy, vào những dịp lễ lạc, nhất là trước và sau ngày tết Việt Nam, tại phòng mạch các bác sĩ vắng hẳn bóng bệnh nhân người Việt với lý do thật giản dị: họ quên hết bệnh về Việt Nam ăn tết. Thấy tôi ông bác sĩ mừng lắm, nói:"Tôi tưởng ông về Việt Nam ăn Tết rồi. Bà con ta năm nay kéo về nước hơi đông". "Bọn nhỏ nhà tôi gửi email sang cứ dọa book vé bay bắt bố về ăn tết. Mười năm xa cách quê hương, xa cách con cháu, xa cách bạn bè rồi". "Sao ông không về một chuyến cho chúng nó vui? Với tuổi ông thời gian đâu còn nhiều mà chần chờ?". Tôi cố nén tiếng thở dài:"Tôi muốn về lắm chứ nhưng… À mà tại sao ông cũng không về? Hình như ông đến Mỹ trước tôi cả chục năm? Ông bác sĩ cười gượng: "Thì... chắc tôi cũng như ông vậy thôi. "Nghĩa là..." Ông bác sĩ nói nhanh:"Vì quê hương trải qua mấy chục năm vẫn là.. chùm khế chua!" Với tôi đấy là chùm khế chát". "Ông có thể cho tôi biết nó chát đến độ nào không?" "Tốt thôi. Vậy xin ông chịu khó nghe tôi giãi bầy "nỗi lòng" của mình nhé!. Dài lắm nhưng tôi cố tóm tắt. Như ông biết đấy, khi tôi tù về, nhà cửa mất tiêu, gia đình tan nát. Các con nheo nhóc đói rách, học hành dở dang. Chắc ông cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi tôi nói có nhiều ngày gia đình chúng tôi chỉ sống cầm hơi bằng nước cháo loãng.Tội nghiệp nhất là đứa cháu ngoại mới sinh mấy tháng, ăn nước cháo loãng mãi da thịt xanh xao và thân thể ẻo lả quắt queo như tầu lá chuối héo. Nếu không nhờ một số bạn bè và các tổ chức hiệp hội nhân quyền, văn bút quốc tế, báo chí Việt ở nước ngoài hà hơi tiếp sức để sống cầm hơi thì có lẽ chúng tôi đã chết vì đói từ lâu. Nhưng cái sự đói khổ còn có thể chịu đựng được, nhưng cái sự hành hạ khủng bố tinh thần như lưỡi gươm treo bên cổ mới ghê gớm khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Biết bao nạn nhân không làm chủ được mình, sợ quá đã phát điên hoặc tự tử. Tôi được tha tù về với mảnh giấy nhỏ đề là "Giấy tạm tha", mỗi tuần phải trình diện chính quyền địa phương một lần trong một năm. Đấy là chưa kể cứ ít ngày anh công an khu vực (tuổi nhỏ hơn con út tôi) gửi giấy mời "anh" lên trụ sở công an phường "làm việc". Cái trò "làm việc" này có khi kéo dài cả buổi với những câu hỏi lăng nhăng lít nhít chẳng đâu vào đâu. Và sau chót là viết bản tự kiểm trong tuần đã làm gì và đã tiếp những ai, nói chuyện gì. Sau thời hạn một năm trình diện tại địa phương như trong giấy tạm tha ghi, tôi lại bị lên công an Thành phố trình diện hàng tuần vào ngày thứ năm vì một "sự cố" vô tình ngoài ý muốn. Sáng hôm đó không hiểu trời xui đất khiến làm sao, chẳng biết làm gì, buồn tình tôi đạp xe đạp tới thăm một ông bạn lớn tuổi, cựu chủ nhiệm nhật báo về tù trước tôi mấy năm. Tôi đến lại nhằm đúng vào lúc công an Thành phố khám xét nhà và bắt ông về cái tội gì đó. Sau khi bị giam lỏng mười mấy tiếng đồng hồ tại chỗ, tra hỏi xong, thấy tôi vô tội họ thả cho về. Nhưng từ đó họ bắt tôi phải trình diện hàng tuần trong 4 năm liền. Mỗi lần trình diện phải nộp một bản tự khai những việc đã làm và báo cáo những điều tai nghe mắt thấy. "Mệt" nhất là vào những ngày nhận được chút tiền do bạn bè hoặc hội Văn Bút quốc tế hay Văn Bút Việt Nam hải ngoại gửi về. Lẽ ra có tiền (như từ trên trời rơi xuống) thì phải "hồ hởi phấn khởi" mới đúng, trái lại với tôi, tuy vui mừng thật nhưng liền đó là cả một sự lo âu phập phòng. Suốt đêm trằn trọc thao thức không tài nào nhắm mắt ngủ được vì suy nghĩ kiếm cách trả lời với "các đồng chí công an" sao đây khi họ hỏi về việc này. Vì tôi (và cả nhiều anh em tù cải tạo về) luôn nghĩ rằng việc gì của mình cũng đều bị họ theo dõi, biết hết. Cái sự ám ảnh này đã đeo đuổi và hành hạ chúng tôi cả một chuỗi thời gian dài, từ trong nhà tù mang theo về ngoài đời. Có thể nói cuộc sống của tôi những ngày tháng này hoàn toàn bất an, hoàn toàn sống trong hoang mang sợ hãi. Thấy người lạ qua lại nhà mình một hai lần là hồi hộp chột dạ. Nửa đêm nghe tiếng chó sủa đầu đường cũng giật mình thảng thốt, vùng dậy lắng tai nghe ngóng, tim đập thình thịch. Đã thế dăm mười ngày, khoảng gần nửa đêm, sắp đi vào giấc ngủ thì nghe tiếng đập cửa ầm ầm và tiếng "đồng chí công an khu vực" yêu cầu mở cửa. Rồi có đến 6,7 người quần áo vàng, súng ngắn súng dài lích kích ùa vào nhà nói là công an trên huyện về kiểm tra. Họ hỏi giấy tờ tôi (lần nào cũng vậy). Tôi làm gì có giấy tờ nào ngoài tờ giấy ra trại."Đồng chí trưởng công an huyện" nói như ra lệnh:"Theo chính sách, anh không được quyền ở đây. Vậy tôi cho anh 10 ngày để tìm nơi cư trú". Tôi chẳng hiểu chính sách nào cấm tôi ở nhà tôi và tôi biết tìm đâu ra chỗ "chứa" mình: một tên tù cải tạo can tội phản động mới được tha về! Thế là hết đường tôi đành phải giở bài liều, bài lỳ vậy". "Nghĩa là ông xâm mình cưỡng lại lệnh của các "đồng chí công an" mà khi đó người dân trong nước sợ họ hơn sợ cọp?". Ông bác sĩ nói. Tôi đáp: "Thì đến nước cùng rồi chẳng liều chơi nước lỳ thì ra ngoài đường nằm sao? Mà ra ngoài đường nằm lại bị liệt vào thành phần xấu, du thử du thực, vô gia cư vô nghề nghiệp và bị tóm cổ tống vào trại giam hình sự lần nữa thì chết". "Rồi họ bỏ qua cho cái sự lỳ của ông?". "Chưa. Những tuần sau họ liên tiếp tới nhà vào nửa đêm và cứ giở trò uy hiếp khủng bố tinh thần, đòi trục xuất tôi ra khỏi nhà "theo chính sách Nhà nước". Mới đầu tôi còn ra phòng khách tiếp họ nhưng riết rồi tôi chịu không nổi (ít ra mình cũng còn chút máu nóng). Khi họ đập cửa, tôi dặn trước con tôi ra mở và nói tôi bệnh không dậy tiếp họ được. Thế là họ xông ngay vào phòng ngủ, rọi đèn pin qua mùng chiếu thẳng vào mặt tôi, bắt tôi trở dậy trình diện. Nhưng rồi nhờ trời mọi sự cũng được "thông qua" ông ạ". "Tức là ông không bị trục xuất khỏi nhà?" "Vâng. Dân gian miền Bắc sống với cộng sản lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm đối phó. Họ thường áp dụng câu "nhất lý nhì lì". Cùng quá hóa lỳ, hóa liều thế mà lại được việc! Các đồng chí đuổi mãi không xong cũng đành đánh bài phe lờ. Nhưng sau đó họ áp dụng chính sách "bế quan tỏa cảng", nghĩa là không cho tôi nhập hộ khẩu, vẫn là kẻ sống bất hợp pháp. Ôi, câu chuyện còn nhiều lâm ly bi đát lắm, thời gian nào kể cho hết. Chỉ biết rằng mảnh đất quê hương yêu quý của mình giờ đây không còn là nơi chốn an thân để dung thân nữa, đã trở thành địa ngục, đã trở thành mảnh đất "đêm giữa ban ngày" hay "mặt trời lên mọc giữa rừng gươm" thì đành phải đau lòng đứt ruột từ bỏ mà đi ra nước ngoài thôi. Sống sao nổi. Ngày xưa người ta giết nhau bằng cái u sầu, đã thâm hiểm. Nhưng thời nay người ta độc ác hơn, giết nhau bằng cái án treo: khủng bố tinh thần. Suốt ngày sống trong hồi hộp, lo âu, sợ hãi, nghi kỵ, đe dọa thì đến tượng đá cũng toát mồ hôi lạnh và vỡ vụn ra, huống chi con người vốn yếu đuối như cây sậy và nhút nhát. Nhất là lại mới từ cõi bị chôn sống nơi ngục tù trở về và bị người ta đối xử tàn nhẫn, tệ hại, nhục nhã hơn cả chó... Câu chuyện của chúng tôi tới đây tạm ngưng vì ông bác sĩ có bệnh nhân tới khám. Tôi ra về.

Sau khi vắng mặt mấy tuần đi New York thăm ông bạn già "độc thân khó tính" (có lẽ vì bị bà vợ ôm cầm sang thuyền khác?) đồng nghiệp cũ của tôi, trở về San Jose, tôi lại tới thăm ông bạn bác sĩ, tiện thể xin ít thuốc trị bệnh cao máu và thuốc ngủ. Thấy tôi ông bác sĩ hỏi liền: "Tôi nghe nói ông vừa trả lời cuộc phỏng vấn của một nhà báo Mỹ ở New York với những lời lẽ "nặng nề" về đồng hương ta lắm? Tôi gật đầu: "Ông nhà báo Mỹ này là chỗ quen biết tôi từ ngày ở Việt Nam, ông ta làm phóng viên chiến trường cho tờ N.T. Khi tôi mới tới Mỹ hồi năm 1999, ông biết tin, bay từ New York xuống Sacramento gặp tôi mở cuộc phỏng vấn, không phải để đăng báo mà là viết sách. Ông được một nhà xuất bản Mỹ cấp "phân" trong một năm đi khắp đó đây tìm hiểu, kiếm tài liệu, phỏng vấn để viết về chân dung người tỵ nạn Việt Nam. Tôi không hiểu sao ông hỏi tôi hơi nhiều (có lúc như vặn hỏi) về ông bố tôi. Ông bố tôi cũng như những người Việt Nam yêu nước khác thời đó, đã hết mình phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi nhìn thấy bộ mặt thật của cộng sản, ông đã bỏ về thành (Hà Nội) sống một cuộc đời bình thường dân dã. Ngót 10 năm trôi qua tôi mất liên lạc với ông nhà báo Mỹ này. Hôm lên chơi với ông bạn già "độc thân khó tính" được ông cho biết vẫn thường xuyên thư từ, phone với ông bạn Mỹ cựu phóng viên của tôi. Bây giờ lớn tuổi ông ta thiên về viết sách nhiều hơn viết báo, chỉ thỉnh thoảng viết một, hai bài "cho vui". Tôi thật bất ngờ khi gặp lại ông bạn nhà báo Mỹ. Mới gần 10 năm không gặp nhau, ông thay đổi nhiều quá. Người phát phì béo sệ, râu ria tua tủa như râu Trương Phi, đi đứng nặng nề. Ông đãi tôi và ông bạn già "độc thân khó tính" một bữa ăn tại nhà hàng Trung Hoa khá sang. Tôi hỏi đùa: "Bạn đã trở thành văn hào nước Mỹ chưa?". Ông cười nhạt:"Vẫn thuộc hàng"văn xu". Nếu lọt được vào cửa "văn hào" thì tôi đã trở thành triệu phú rồi. Ở nước Mỹ này muốn trở thành nhà văn "bét seo lơ" khó cũng chẳng khác gì trò chơi leo cột mỡ nước bạn. Nếu bạn có là thiên tài thực sự đi nữa, nhất là với người nước ngoài nhỏ nhoi như các bạn, mà không có các tay tổ cất nhắc thì lại còn khó hơn con Lạc đà chui qua lỗ kim. Nếu may mắn được một tay tổ cất nhắc, giới thiệu với nhà xuất bản là bạn trúng số độc đắc rồi đó". "Rồi tiếp đó ông ta phỏng vấn lại ông?". Ông bác sĩ hỏi. "Tất nhiên. Nghề nghiệp của chàng mà! Nhưng sao ông biết tôi "bị" phỏng vấn?". "Tôi có người bà con trên đó tình cờ đọc bài báo phỏng vấn một anh chàng "mít Việt", xin lỗi ông nhé, vì người này không biết ông. Tò mò người này đọc hết bài báo rồi phone hỏi tôi có biết ông không mà trả lời báo Mỹ "nặng nề" thế. Ông có thể cho tôi biết thêm về cái sự "nặng nề" này không?". "Nhưng vắn tắt nhé. Vì cuộc phỏng vấn kéo dài cả giờ".

Ông nhà báo Mỹ hỏi tôi rất nhiều chuyện thuộc phạm vi sinh hoạt của cộng đồng người Việt chúng ta trên khắp nước Mỹ. Tôi sao biết hết được. Tôi chỉ trả lời những việc tai nghe mắt thấy và đọc trên báo (Việt) cùng với những nhận xét riêng tư của cá nhân tôi. Tôi bảo ông ta tôi rất buồn và cả đau lòng nữa khi phải nói về đồng hương tôi, đó là một lò lửa bừng bừng chính khí và nhân nghĩa nhưng đồng thời cũng là một đống rác vĩ đại. Cái đống rác vĩ đại này mang từ Việt Nam sang đây và nhân lên nhiều lần. Ông nhà báo Mỹ không ngạc nhiên về nhận xét của tôi nhưng ông lại muốn biết một cách cụ thể rành mạch". "Và ông đã không ngần ngại "phát ngôn" tuốt tuột? "Giờ tôi chỉ xin vắn tắt đề cập tới những điểm chính - mà ông gọi là "nặng nề" - thôi nhé. Vì những điều kia khác thì thường thôi, chắc ông cũng đã biết từ lâu rồi. Trả lời câu hỏi sau 10 năm sống trên đất Mỹ tôi có nhận xét gì về nước Mỹ. Tôi trả lời đó là thiên đàng của trái đất, đó là ước mơ của triệu triệu con người khắp bốn phương trời. Chiến tranh, đói rét, dịch bệnh chỉ có thể diễn ra ở các nước châu Âu, châu Á, châu Phi. (Sức mấy mà động tới, dù là một cái…lông chân người Mỹ). Nhưng từ khi xẩy ra vụ 9.11 thì đất nước vốn mệnh danh là thành trì bất khả xâm phạm của trái đất giờ đây đã bắt đầu bước vào… "tầng đầu địa ngục". Quanh năm ngày tháng lúc nào bọn khủng bố cũng lăm le đe dọa khủng bố, đe dọa tấn công. Nào bom thối, nào bom vi trùng, nào bom người, nào bom nguyên tử đang rình rập cơ hội là cho nổ liền như đã diễn ra thường ngày với bom người ở Iraq. Người dân Mỹ lo âu sống trong tình trạng bất an. Cái chết luôn lởn vởn bay lượn trên đầu mọi người. Bây giờ lại thêm cái nạn suy thoái kinh tế trầm trọng làm đảo lộn đời sống cả nước, sống dở chết dở. Như vậy trái đất này chúng ta đâu còn chỗ nào có thể coi là an toàn, an ninh để sống an thân?". Ông bạn Mỹ cười: "Ông có vẻ bi quan thái quá đấy!". "Vì chúng tôi đã bị chết đi sống lại nhiều lần rồi nên bây giờ thấy làn gió nhẹ cũng tưởng đó là trận bão. Có lẽ rồi đây con cháu chúng tôi phải di tản lên mặt trăng may ra mới an tâm sống. Chúng tôi đã cùng đường rồi ông bạn ạ". Ông bạn nhà báo Mỹ chắc không muốn nghe chuyện "lo bò trắng răng" của tôi nữa nên chuyển sang vấn đề khác. "Ông nghĩ gì về đồng bào của ông "đánh nhau" với cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ?". Tôi không phải người hoạt động chính trị, cũng không có tham vọng về quyền hành địa vị nên tôi từ chối trả lời câu hỏi này. Nhưng ông bạn nhà báo Mỹ ép quá tôi đành phải trả lời: "Phải đau lòng mà nói rằng chúng tôi đánh kẻ thù một đánh bạn mười. Khi sống trong nước người ta ghét nhau chụp cho nhau cái mũ CIA, tay sai đế quốc Mỹ. Biết bao người bị tù oan về cái sự chụp mũ này. Sang Mỹ sống, ghen ghét nhau, không cùng ý nghĩ với nhau, người ta cũng lại chụp cho nhau cái mũ cộng sản. (May mà ông FBI biết rõ nên không có anh nào bị chụp mũ đi tù). Họ rất rộng lượng về tiền bạc nhưng chỉ với người trong nước. Còn đối với đồng hương ngoài này thì ngay việc nho nhỏ, bỏ ra 25 cent mua một tờ báo cũng không chịu. Lúc còn trong nước thiếu và thèm khát từng tí chút tự do. Khi trốn chạy sang nước Mỹ sống thì lại thừa mứa tự do. Tự do đến độ vô chính phủ nên bị lạm dụng, bị sử dụng bừa bãi vào cả những việc cá nhân bẩn thỉu, chửi bới bôi nhọ lẫn nhau với những lời lẽ vô văn hóa trên báo chí, sách vở, đài phát thanh...Còn tình người thì tràn đầy nhưng chỉ tràn đầy với người trong nước. Trái lại ở đây thì lạnh lùng, thờ ơ, lạnh nhạt "sống chết mặc bay", tình đồng hương nhẹ hơn sợi tóc. Hàng xóm láng giềng, nhà sát bên nhau mà cả chục năm trời không có lấy một cái gật đầu hay câu chào hỏi như người Mỹ thường làm. Họ kỳ thị giầu nghèo ra mặt. Họ đã quên những ngày tháng cũ với tù đầy nhục nhã, với đói rách khốn khổ do người cộng sản gây nên. Một số còn vô liêm sỉ lạy lục nịnh bợ xin cộng sản ban phát ân huệ cho về nước làm ăn đóng vai Việt kiều yêu nước (nhất là bọn "xướng ca" bất tri vong quốc hận). Đó là chia kể tới số đông (mà người ta quen gọi là đa số thầm lặng) chuyên ngậm miệng nín thinh, phớt lờ mọi sự đời. Trốn chạy sang được tới nước Mỹ họ quên luôn đất nước dân tộc mình, chỉ lo kiếm tiền hưởng thụ giầu sang phú quý. Ai tranh đấu, ai lao tâm tốn trí lo lắng ngày đêm, ai khốn đốn vật vả chạy vạy và cả tù đầy nữa cũng mặc, không thèm lý tới. Có đến sáu bẩy phần mười bọn người mệnh danh là trí thức (người đời bảo là tinh hoa dân tộc), điển hình như một số ông bà bác sĩ đã tìm đủ mọi cách, qua bệnh nhân, bòn rút công quỹ xã hội làm giầu. Bọn khác, nhờ làm ăn khấm khá có bạc triệu, khi no cơm ấm cật thì rững mỡ tìm cách mua danh áo gấm về làng, hoặc vì lòng tham vô đáy đi đánh đu với yêu tinh cộng sản, đem những đồng tiền mồ hôi nước mắt về nước đầu tư, để bọn này "chơi" cho những vố đau điếng sống dở chết dở, ôm đầu máu trở về Mỹ. Rồi lại còn những bọn làm trò hề chính trị. Chính mắt tôi chứng kiến trên đài truyền hình, chỉ là chủ tịch một tổ chức cộng đồng của thành phố nhỏ, không chút quyền hành - thực chất là một hội đồng hương tương tế - vậy mà cũng bầy đặt tổ chức hội hè lễ lạc duyệt binh, đứng trên sân khấu gỗ nhỏ vẫy vẫy tay khi đoàn diễn hành với đầy đủ trang phục các binh chủng quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ bước tới. Cứ làm như mình là vị nguyên thủ quốc gia. Có hơn triệu người mà mọc ra những mấy trăm đoàn thể, hiệp hội rồi đấm đá nhau, tranh dành chức tước bong bóng. Cứ với tình trạng này cộng với sự chống cộng bằng mồm, bằng diễn hành, bằng tiệc tùng ra tuyên ngôn tuyên cáo thì một trăm năm nữa cộng sản Việt Nam vẫn sống nhăn răng và lại sống hùng sống mạnh hơn, vì hàng năm có hàng chục tỷ đô từ khúc ruột ngàn dậm bên Mỹ gửi về. Trước đây nền đệ nhị cộng hòa chúng tôi chỉ bị cúp mấy trăm triệu đô mà mất nước. Giờ đây cộng sản Việt Nam mỗi năm có cả chục tỷ đô như từ trên trời rớt xuống thì dù có bị trời đánh cũng không chết. Đã vậy lại còn được các ngài tổng thống Mỹ hết lòng ủng hộ thì hỡi ôi, đúng là "cộng sản muôn năm trường trị". Chống cộng, muốn cộng chết mà hàng năm lại tự nguyện "viện trợ" tiền tỷ cho cộng thì tôi hỏi ông có phải cực kỷ mâu thuẫn không? Thật là tủi hổ khi nghĩ tới gương phục quốc của dân Do Thái. Một thời gian nữa người cộng sản Việt Nam sẽ ùa sang khắp nước Mỹ và bọn cỏ đuôi chồn ngoài này (nhiều lắm) sẽ chạy theo tung hô ủng hộ. Khi đó còn lại một thiểu số người quốc gia thực sự chống cộng, thực sự yêu quê hương đất nước, quyết tâm tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền sẽ trở thành những kẻ cô đơn cô thế, chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Liệu họ có thể yên ổn sống một khi kẻ cắp bà già cặp kè nhau tìm mưu tính kế hãm hại?". Ông nhà báo Mỹ im lặng nghe tôi "tả oán" và không hỏi thêm gì nữa.

"Đấy, ông bác sĩ, câu chuyện phỏng vấn phỏng viếc với ông nhà báo Mỹ đại khái là thế. Nếu tôi nói nhiều và nói hết những điều muốn nói (còn chứa đầy trong lòng) e rằng tôi sẽ khó mà sống an thân với những nhà chính khách ba xu, những chuyên viên chống cộng bằng mồm hoặc lấy việc chống cộng để mưu sinh hay mua danh. Thôi nhé, câu chuyện đến đây là chấm dứt "chương trình tùng lâm" ông bạn bác sĩ nhé!". Ông bác sĩ nghe tôi nói vậy vẫn còn cố hỏi: "Thế ông nhà báo Mỹ không tỏ thái độ gì sao, sau cuộc phỏng vấn?". Tôi đáp: "Ông ta nhún vai và nói: đó là tấn kịch bi đát của những người Việt cô đơn sống lưu vong nơi đất nước Hoa Kỳ".

Thanh Thương Hoàng