Lương Tâm

Buổi chiều hôm đó chúng tôi đi lao động về tới trại thì được tin Bác sĩ Sinh bị bắt giam vào nhà cùm. Chúng tôi không ngạc nhiên nhưng ai cũng thấy xót xa nhức nhối. Bác sĩ Sinh trước 1975 là Thiếu tá Quân y của Tiểu đoàn X. đóng quân trên vùng tuyến lửa Cao nguyên. Ông nổi tiếng bướng bỉnh khó trị trong trại cải tạo này. Vì không chịu "thấm nhuần tư tưởng Cách mạng", không chịu "lấy lao động cải tạo tư tưởng" nên ông không được đưa vào Bệnh xá của trại hành nghề… Y tá. Ông phải đi cuốc đất và làm tất cả các công việc nặng nhọc như mọi tù cải tạo khác. Trong khi đó Bệnh xá của trại không có Bác sĩ, chỉ có một Y tá vườn (cũng là tù) và một cán bộ Y tế chuyên về "thuốc dân tộc". Gã này chắc là con của ông thầy Lang nào đó ở miệt quê vùng cao ngoài Bắc nên gã tin tưởng tuyệt đối vào viên "thần dược" mầu xanh thẫm có tên gọi xuyên tâm liên . Bệnh nhân bị bệnh gì gã cũng cho uống xuyên tâm liên. Kiết lỵ tiêu chẩy: xuyên tâm liên. Sốt rét sốt nóng: xuyên tâm liên. Ho lao, sưng phổi: xuyên tâm liên… Vì thế rất nhiều bệnh nhân bị chết oan uổng. Nhất là anh em tù hình sự không có thuốc nhà, bất đắc dĩ phải uống thuốc theo sự chỉ định của cán bộ Y tế. Bác sĩ Sinh rất bất bình về việc này. Trong các buổi sinh hoạt đội, ông quyết liệt lên tiếng phản đối và yêu cầu ghi vào biên bản. Thế là ông bị gọi lên "làm việc". Viên cán bộ Y tế nặng lời sỉ vả Bác sĩ Sinh là "đồ nang băm" không chịu "nàm" chỉ giỏi ngoạc mồm ra tuyên truyền xuyên tạc phá hoại. "Anh có biết xuyên tâm niên nà noại thuốc trụ sinh, kháng sinh trải mấy nghìn năm dân tộc ta mới tìm kiếm phát minh ra, thế mà anh theo đuôi đế quốc Mỹ học đòi khoa học tân tiến chê bai thuốc dân tộc. Nần lày tôi tha, nần sau anh còn phát ngôn ninh tinh như vậy tôi sẽ cho đi nhà cùm… Tài giỏi gì cái thứ nang Tây…" Bác sĩ Sinh không sợ đi nhà cùm. Các buổi sinh hoạt tiếp của đội, ông vẫn lớn tiếng chỉ trích và yêu cầu ghi vào biên bản.

Các tù nhân bị bệnh sợ khai bệnh với Y vụ phải uống xuyên tâm liên nên kín đáo nhờ Bác sĩ Sinh coi bệnh và chỉ dẫn thuốc uống. Việc này đến tai cán bộ Y tế và trực trại. Vì tội "hành nghề Y sĩ không phép" - theo bảng công bố tội trạng đọc trước toàn trại - Bác sĩ Sinh phải đi nằm nhà cùm nửa tháng.

Hôm ông ra nhà cùm người gầy tọp hẳn, mặt mũi xanh xao vêu vao, râu ria xồm xoàm, chân lết không nổi. Lẽ ra theo thường lệ, ở nhà cùm ra phạm nhân được nằm buồng nghỉ một ngày cho… thư giãn gân cốt. Nhưng Bác sĩ Sinh không được hưởng "ân huệ" này. Ông bị cán bộ quản giáo tới tận buồng "động viên" đi lao động ngay. Tất nhiên Bác sĩ Sinh làm sao cuốc đất nổi. Đến ngay việc đưa cái cuốc lên khỏi đầu cũng còn không làm được. Buổi tối sinh hoạt đội, gã Đội trưởng theo lệch quản giáo đưa Bác sĩ Sinh ra "đấu tranh chống tiêu cực, chống trây lười lao động". Bác sĩ Sinh chẳng những không "tiếp thu" còn nói thẳng ra là ngày mai vì sức khỏe chưa phục hồi, còn yếu lắm, ông sẽ không đi lao động, muốn phạt gì thì phạt. Ông sẵn sàng chấp nhận, kể cả đi nhà cùm. Thế là Bác sĩ Sinh lại đi nhà cùm lần nữa về tội "chống đối lao động". Lần này ông bị cùm vô thời hạn, tới bao giờ "giác ngộ, thành khẩn ăn năn hối lỗi" mới được tha. Lúc bị dẫn đi nhà cùm tôi thấy Bác sĩ Sinh không hề tỏ lộ một chút sợ hãi. Ông có vẻ bình thản chậm rãi bước và mắt đăm đăm nhìn về phía trước.

Hơn tháng sau Bác sĩ Sinh được ra khỏi nhà cùm. Lần này trông ông đúng là một thây ma rách rưới bẩn thỉu từ cõi âm hiện về, chứ không phải ông Bác sĩ Sinh khỏe mạnh nhanh nhẹn rắn rỏi như trước đây. Một gã trật tự phải cõng ông từ nhà cùm về buồng tập thể. Anh em tù thương ông lắm nhưng không ai dám ra mặt săn sóc và tặng đồ ăn, vì ông đang bị "cách ly" cấm giao tiếp với mọi người, dù với cả anh "hàng xóm" nằm sát bên cũng không được hỏi han trò chuyện. Tuy nhiên, buổi tối vào lúc buông mùng ngủ, bọn tôi vẫn ngầm tiếp tế bánh kẹo đường cho ông. Ông thèm thuốc lá hỏi xin không ai dám đưa. Vì hút thuốc nhả khói ra là "ăng ten" biết và báo cáo thì nguy cả đám và có thể ông sẽ đi cùm tiếp. Lần này Bác sĩ Sinh không phải đi lao động ngay như lần trước. Đội đi lao động rồi ông nằm nhà thả dàn "bồi dưỡng" quà bánh của anh em tù cho. Buổi tối tôi gặp ông trong cầu tiêu. Thấy không có ai tôi hỏi khẽ:

- Chúng nó có "lên cây" (đánh) ông không?

Bác sĩ Sinh gật.

- Mỗi ngày?

- Cách nhật! May mà moa nhờ mấy con Thạch sùng không thì khó sống nổi.

- Tại sao lại nhờ mấy con Thạch sùng?

- Vì nó chui vào "cát xô", moa thừa dịp tóm lấy ăn tươi nuốt sống. Nếu không làm sao đủ "ca lo" để chịu những cuối đấm, cú đá như trời giáng.

- Nếu bị nhốt lâu hơn liệu có…

- Thì đi đời nhà ma chứ còn gì nữa!

Những ngày kế tiếp, khi sức khỏe tạm phục hồi, Bác sĩ Sinh đi lao động và vẫn tiếp tục "ngoan cố" như thường chẳng "tiến bộ" một chút nào. Ông bị ăn trường kỳ mức ăn mười hai kí thực phẩm một tháng và cúp thăm nuôi, cúp viết thư cũng như nhận thư.

Dưới chế độ Cộng sản có lẽ câu "nhất lý nhì lì" được mọi người áp dụng triệt để và có hiệu quả, do đó dần dần bọn cán bộ y tế, quản giáo chẳng thèm "lý" tới Bác sĩ Sinh nữa. Mặc cho ông "nói bậy nói bạ", mặc cho ông "phát biểu linh tinh" kể cả "bôi bác chế độ", đó là "con người vô dụng vất đi, không giáo hóa được nữa". Lời "nói riêng" của viên quản giáo với gả Đội trưởng.

Vào dịp cuối năm vợ Bác sĩ Sinh lên thăm nuôi. Lâu lắm rồi ông mới được gọi thăm nuôi. Viên cán bộ Giáo dục bắt ông phải viết giấy cam kết học tập cải tạo tốt, lao động tốt mới cho ra gặp vợ và nhận quà. Bác sĩ Sinh từ chối không viết. Bà vợ ông đành gạt nước mắt ôm gói quà ra về.

Một thời gian sau, hôm ấy là ngày Chủ nhật, anh em tù nghĩ lao động. Kẻ đánh cờ tướng, người chơi đô mi nô, anh khâu vá quần áo, anh bắt rận… Bất chợt viên cán bộ Giáo dục xuất hiện. Mọi người bắt buộc phải đứng dậy nghiêm chào. Lúc đó tôi, Bác sĩ Sinh và một hai người nữa đang ngồi đấu sự đời ở góc buồng nơi sát cầu tiêu. Viên cán bộ tiến lại phía chúng tôi nói:

- Anh Sinh mặc quần áo lên Ban Giám thị "làm việc".

Quả là có hơi bất ngờ. Bác sĩ Sinh đưa mắt nhìn tôi dò hỏi. Mọi anh em tù ngồi trong buồng cũng đưa mắt nhìn nhau dò hỏi. Việc gì mà phải lên tới Ban Giám thị "làm việc"? Thường thì tù "được" trực trại hay cán bộ An ninh gọi "làm việc" đã là "bỏ bố" rồi, giờ lại lên tới Ban Giám thị, cơ quan tối cao của trại, còn gì đời? Hay Bác sĩ Sinh được tha về? Không có lý nào, vì ông "học tập cải tạo" quá xấu, đâu có thể được trại đề nghị tha và thượng cấp chấp thuật dễ dàng như vậy? Hay là Ban Giám thị muốn trực tiếp "giáo dục, đả thông tư tưởng" ông để sau đó đưa ông sang Bệnh xá "phục vụ"? Bệnh xá hiện chưa có bác sĩ.

Khi Bác sĩ Sinh đi theo viên cán bộ Giáo dục ra khỏi trại, mọi người lao xao bàn tán và cho ý kiến sau chót đúng.

Khoảng hơn hai giờ sau Bác sĩ Sinh trở về mặt mũi phờ phạc, mệt mỏi. Vào buồng ông chẳng nói một tiếng và cũng chẳng nhìn ai, nằm vật xuống sàn gỗ. Anh em xúm lại hỏi, ông im lặng không trả lời, thay vào đó là tiếng thở dài nặng nề. Giữa lúc mọi người còn đang bàn tán thắc mắc thì viên cán bộ Giáo dục vào đem theo một miếng thịt heo lớn khoảng nửa ký bọc lá chuối. Gã nói với Bác sĩ Sinh, lúc ấy vừa ngồi nhỏm dậy:

- Ban Giám thị "bồi dưỡng" cho anh.

Bác sĩ Sinh đẩy gói thịt do viên cán bộ đưa:

- Bồi dưỡng? Bồi dưỡng cái gì? Có phải các ông trả công cho tôi phải không? Cảm ơn, rất tiếc tôi không thể nhận.

Viên cán bộ xuống giọng, có vẻ nằn nì. Đây là lần đầu tiên gã có thái độ như vậy trước mặt bọn tù:

- Thôi mà, anh cầm lấy đi, Ban Giám thị đã có hảo ý...

Bác sĩ Sinh nói với giọng gay gắt:

- Ông về nói với ông Giám thị của ông là nếu ông ấy ở vào trường hợp tôi thì nhất định ông ấy và cả ông nữa - sẽ không làm như tôi đã làm. Tôi chỉ làm theo tiếng nói của trái tim tôi chứ không phải vì sợ hãi hay muốn lập công. Viên cán bộ Giáo dục cầm gói thịt lủi thủi bước ra khỏi buồng. Bác sĩ Sinh không nhìn theo, ông lại nằm vật xuống sàn gỗ và gác cánh tay phải lên trán.

Mấy hôm sau chúng tôi mới biết rõ chuyện. Vợ viên Giám thị trưởng trở dạ đẻ không kịp chở đi "xưởng đẻ" ở Huyện vì quá xa. Mà cái bào thai lại quá lớn không ra nổi. Cán bộ Y tế rồi Y tá được triệu đến loay hoay mãi đều lắc đầu bó tay.

Người ta bàn tán tìm giải pháp. Cuối cùng đành chịu nhục cầu cứu tới Bác sĩ Sinh. Viên Giám thị trưởng đón ông trước cửa nhà và đưa ông vào ngay buồng người vợ đang nằm quằn quại trên giường rên rỉ. Bác sĩ Sinh hiểu. Họ hết đường phải nhờ cậy tới ông. Đây là cơ hội để ông trả thù những tháng ngày bị đầy đọa hành hạ. Đây là dịp xả mối căm hờn. Một là ông từ chối không phải tay nghề. Hai là bằng lòng giúp rồi lợi dụng việc làm để giết chết vợ con kẻ thù một cách êm thấm mà nó không làm gì được mình. Chỉ một thoáng "đấu tranh tư tưởng" Bác sĩ Sinh thấy mình không đủ can đảm tự tay giết chết người - nhất là đối với đứa trẻ thơ vô tội - nên ông chọn phương án thứ nhất từ chối ra về. Mặc cho lời năn nỉ rồi van nài của viên Giám thị trưởng, Bác sĩ Sinh đã nhất quyết.

Nhưng vừa rồi khỏi căn nhà mấy thước, Bác sĩ Sinh ngưng bước vào quay lại. Cặp mắt đờ đẫn, đớn đau, tuyệt vọng của người đàn bà chửa nhìn theo ông cầu cứu. Và cái bụng to của bà ta oằn oại giần giật, một mầm sống trong đó đang chờ khai sinh khiến Bác sĩ Sinh đổi ý.

Hơn một tiếng đồng hồ với dao kéo kim chỉ thô sơ không phải y cụ, Bác sĩ Sinh bình tĩnh giải phẫu và hoàn tất một cách tốt đẹp công việc của người thầy thuốc. Người đàn bà mẹ tròn con vuông. Đứa bé đã cất tiếng khóc chào đời. Và người cha đã nở nụ cười trên miệng.

Bác sĩ Sinh xua xua tay từ chối tiếp nhận những lời nói cảm ơn của viên Giám thị trưởng:

- Đừng cảm ơn tôi. Hãy tạ ơn Thượng Đế. Nếu không có Ngài tôi đã giết chết hai mạng người.

Dứt lời Bác sĩ Sinh lặng lẽ cất bước về trại tù.

Thanh Thương Hoàng
(1987)