Nỗi Đau Nơi Xứ Người

Sau khi truyện ngắn "Hai Buổi Tối Ngày Mùng Một Tết" đăng báo, trong một bữa tiệc tân niên, mấy bà cựu nữ sinh Trường Nữ Trung học Trưng Vương Saigon trước 1975, vốn chỗ quen thân, đã hỏi tác giả truyện này có thật không?. Ði hỏi Nhà văn truyện có thật hay không quả là khó trả lời. Trong lúc tôi còn đang lựa lời thì một ông bạn ngồi bên lên tiếng: "Ô, hơi đâu mà mấy bà thắc mắc. Dưới ngòi bút của các ông Nhà văn thì giả cũng thành thật và thật cũng thành giả. Thực hư hư thực biết đâu mà lường". Và quay sang tôi, ông hỏi: "Có phải vậy không Nhà văn?".

Mấy hôm sau tôi gặp một ông bạn bác sĩ. Vừa bắt tay xong, ông nói liền: "Hôm qua tôi có một bệnh nhân đặc biệt nên muốn gặp anh kể anh nghe". "Lại có bệnh nhân đặc biệt với bệnh nhân thường?". "Phải, đặc biệt vì từ ngày hành nghề tới nay chưa bao giờ tôi gặp cái "ca" như vậy". "Nhưng tôi có phải bác sĩ đâu mà anh cần kể về "ca" bệnh đặc biệt?". Ông bạn bác sĩ cười cười: "Thế đấy! Vì cái "ca" này tôi nghĩ đau cũng chẳng kém gì "hai buổi tối ngày mùng một tết" của anh". "Thế có nghĩa là...". Ông bạn bác sĩ nói ngay: "Có nghĩa là anh có thêm đề tài viết một truyện ngắn". Sự gợi ý tò mò thích thú làm tôi phải đợi đến gần nửa giờ, khi hết bệnh nhân khám bệnh và tới giờ ăn trưa (tất nhiên tôi phải đưa ông bạn bác sĩ đi ăn) để nghe câu chuyện ông kể. "Trước hết tôi xin giải thích cho anh rõ về "bệnh nhân đặc biệt" của tôi đã. Ðây không phải căn bệnh khác thường hay đặc biệt gì mà là người đến khám bệnh đã tạo ra tình huống đặc biệt. Hôm qua, vâng mới hôm qua thôi, có một bà khoảng 60 tuổi đến phòng mạch tôi khám bệnh. Ðây là lần thứ hai bà ta đến nên tôi đã hơi quen mặt. Bà người gầy nhỏ xanh xao, mặt mũi hốc hác, đôi mắt mỏi mệt và buồn. Bà đang bị sốt. Coi bệnh cho toa thuốc xong tôi mời bà về và tiếp tục gọi bệnh nhân khác.

6 giờ chiều, hết bệnh nhân tôi rời phòng mạch qua phòng đợi để về, thấy bà bệnh nhân ban nãy vẫn còn ngồi đó. Tôi hỏi: "Người nhà bác chưa tới đón sao?". Bà bệnh nhân nhìn tôi lúng túng, miệng ấp úng: "Thưa bác sĩ, tôi... tôi...". Nói tới đây giọng bà như nghẹn lại và đôi mắt chớp chớp bối rối. Lúc đó cô thư ký đang thu xếp giấy tờ. Cô đáp thay bệnh nhân: "Bà ấy nói không biết đường về nhà". Tôi ngạc nhiên: "Sao? Bác không biết đường về nhà mình? Vậy ai đưa bác tới đây?". Bà bệnh nhân nói: "Lần trước một cậu hàng xóm lái xe đưa tôi tới đây rồi ngồi đợi đưa về. Lần này cậu ấy bận việc nên chỉ đưa tới thôi, về phải đi xe buýt. Cậu ấy có chỉ đường xe buýt nhưng tôi chẳng biết đâu mà kiếm". Ngưng một chút bà bệnh nhân nói như năn nỉ: "Ông bác sĩ có thể làm phúc giúp tôi...". Tôi biết bà muốn gì. Bà không nhớ cả tên đường phố mình ở. Tôi bảo cô thư ký mở hồ sơ bệnh nhân lấy địa chỉ. Nhà bà cách phòng mạch của tôi khoảng dăm bảy dặm. Lái xe đi, tôi hỏi cho có chuyện nói: "Bác ở nhà này lâu chưa mà không nhớ đường?". "Tôi mới dọn tới chưa được nửa tháng". "Trước bác ở đâu?". "Tôi ở nhà con tôi". "Giờ bác dọn ra ở riêng?". "Dạ, phải". "Xin lỗi, tôi hơi tò mò: bác mới mua nhà?". Bà bệnh nhân khẽ nhếch môi cười chua chát, mặt méo xẹo: "Tiền đâu mua nhà, bác sĩ! Chúng nó tống cổ chúng tôi ra khỏi nhà nên mới phải kiếm nhà khác ở ". Tôi hỏi: "Chúng nó là ai?". "Là ông con trai và bà con dâu quý hóa của tôi chứ còn ai nữa!". Câu chuyện thật không vui. Tôi im lặng để tránh đi sâu vào việc riêng tư của người khác. Nhưng khi gần tới nhà, bà bệnh nhân lên tiếng: "Câu chuyện đau lòng lắm bác sĩ ạ. Nếu bác sĩ muốn nghe xin mời ông vào nhà chơi, tôi xin kể". Tất nhiên tôi từ chối.

Xe ngừng trước nhà, bà bệnh nhân vừa rời khỏi xe thì từ trong gara một người đàn ông lớn tuổi, khoảng ngoài 60 thân hình cao gầy có vẻ bệnh hoạn, bước ra nói lớn: "Tôi lo cho bà quá! Chỉ sợ bà đi xe buýt bị lạc". Bà bệnh nhân chỉ về phía tôi: "Tôi phải nhờ ông bác sĩ đưa về đó!". Thế là ông chồng (đúng vậy) xăm xăm bước lại bên tôi: "Quý hóa quá! Mời bác sĩ vào nhà để chúng tôi có dịp nói lời cám ơn". Trước sự mời mọc níu kéo của vợ chồng bệnh nhân, tôi đành rời xe bước theo họ. Ðây là cái gara nhỏ sửa sơ sài thành phòng ở. Ðồ đạc rẻ tiền, chai lọ vỏ lon bia thùng các tông bày ngổn ngang. Ông chồng nhấc cái ghế nhựa cũ kỹ mời tôi ngồi. Họ không có cả bộ bàn ghế để tiếp khách. Một con chó nhỏ gầy lông mầu xám tro bờm xờm xấu xí và có mùi hôi cứ lẩn quẩn bên chân tôi đòi liếm tay. Nó có vẻ hiếu khách. Bà bệnh nhân vừa đưa tay xua đuổi con chó vừa nói: "Trông nó xấu xí vậy mà có tình có nghĩa lắm bác sĩ ạ. Bữa trước vợ chồng tôi đi nhặt lon về khuya thấy nó nằm bên vệ đường rên ư ử. Nó có vẻ không chịu nổi cái lạnh run bắn lên. Tôi lấy khăn choàng cho nó rồi ôm về nhà. Thì ra cậu chàng vừa bị lạnh vừa bị đói. Tôi đưa ổ bán mì cũ hơi cứng, vậy mà nó ăn ngấu ăn nghiến, loáng một cái đã hết. Mấy hôm sau chúng tôi cột nó trước cửa nhà có ý đợi chủ nó đến nhận mang về. Nhưng cả tuần lễ không thấy ai nhận, trong khi đó chủ nhà - chồng cô em tôi - nhất định không chịu cho con chó ở, chúng tôi đành phải đem nó ra góc đường xa nhà bỏ nó ở đấy. Hình như nó biết, vì tôi thấy hai cẳng trước của nó cứ níu chặt lấy chân tôi không chịu rời và rít lên những tiếng thê thiết. Tôi gạt nước mắt lừa bỏ nó lại ra về. Tới khuya nghe tiếng cào cửa liên hồi, tôi mở cửa thì nó chạy bổ vào trong phòng quẫy đuôi rối rít mừng rỡ. Thế là chúng tôi phải nuôi nó vậy mặc cho chủ nhà phản đối. Chó ở Mỹ đâu có ăn uống như chó bên Việt Nam mình, phải có thức ăn riêng mua ở tiệm và chuồng nhốt riêng rồi thuốc men, bác sĩ. Chúng tôi lấy đâu ra tiền. Nên chúng tôi ăn gì nó ăn đó, riết rồi nó cũng quen cơm cá kho rau luộc ngày hai bữa. Suốt ngày đêm nó chỉ quanh quẩn trong phòng". Tôi nói: "Hai bác nuôi chó như thế này cảnh sát biết họ sẽ phạt và bắt nó đem đi". Ông chồng lắc lắc đầu: "Chúng tôi biết vậy nhưng làm sao khác được? Chẳng lẽ mang nó vứt ra đường nữa? Dù sao chó cũng không bỏ chủ nghèo, đúng như câu tục ngữ các cụ ta thường nói: "con không khinh cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo". Bà nhà tôi thương nó lắm. Ði làm về cứ quấn quýt với nó. Chẳng là bà ấy nhớ thằng cháu nội mà!". Tôi buột miệng hỏi: "Cháu hai bác không thường tới thăm?". Câu hỏi vô tình của tôi làm hai ông bà như lặng người đi. Họ nhìn nhau mắt chớp chớp. Rồi tôi thấy bà nước mắt muốn trào ra. Bà nói vẫn cái giọng như khóc: "Chúng tôi có con có cháu mà như chẳng có người thân thích ruột thịt nào nơi đất khách quê người này. Nói ra thảm lắm bác sĩ ơi!". Ông chồng nói chêm vào: "Câu chuyện dài lắm, nếu bác sĩ muốn nghe tôi xin kể hầu!". Tôi bị dồn vào một tình huống khó xử, nên nghe hay không câu chuyện riêng tư của gia đình người ta? Thật khó nghĩ! Thế rồi bất chấp người khách bất đắc dĩ có chịu nghe hay không, ông bà già này cứ trút bầu tâm sự. Có lẽ sự nín nhịn chịu đựng uất hận của họ bị đè nén quá lâu nên hễ có cơ hội là bung ra?! Bây giờ ông bạn Nhà văn có muốn nghe kể lại câu chuyện mà tôi bị dồn vào tình huống khó xử không nào?

Vào những năm 1978, 1979 dân miền Nam bị đói và khổ lắm. Nhất là với dân nghèo ở Thành phố Saigon. Mới đầu còn ăn độn ngô khoai sắn, sau đến cả... cám heo cũng không có ăn. Gia đình ông bà Sinh có 4 người con đều còn nhỏ, đứa lớn nhất - thằng Giàu - mới mười hai tuổi. Ông Sinh làm viên chức nhỏ công sở lương ít nên bà Sinh phải đi làm cho một xưởng may quần áo. Nhờ sự tằn tiện dành dụm ông bà mua được căn nhà vùng ngoại ô thành phố. Sau 30 tháng tư 75, ông Sinh mất việc vì là viên chức ngụy quyền, còn bà được chính quyền mới "lưu dụng" nhưng với đồng lương ít ỏi và được mua hơn 10 ký gạo mỗi tháng nên chỉ đủ cho cả nhà ăn cháo. Ông Sinh phải đi đạp xích lô. Hàng ngày đổi bát mồ hôi lấy bát cơm nuôi các con. Mấy đứa con nhỏ thôi học chạy nhông suốt ngày trên hè phố. Hiện tại khó khăn như vậy thì ngày mai càng mù mịt tăm tối. Lúc đó "phong trào" vượt biên khắp nước đâu đâu cũng thấy thiên hạ bàn tán tìm đường đi. Tất nhiên ông bà Sinh cũng muốn vượt biên nhưng kiếm đâu ra "cây" (vàng) ? Ông bà bàn tính bán nhà mua vàng vượt biên, nhưng lỡ không vượt thoát lấy đâu chỗ ở? Với lại căn nhà bán đi liệu có đủ chi cho một người vượt biên? Nhà cửa thời điểm đó rất rẻ chứ không cao giá như sau này. Rồi ông bà Sinh bị đuổi đi vùng kinh tế mới nhưng đi được non tháng bỏ về, may mà "ông nhà nước" chưa kịp "bố trí phân phối nhà" cho cán bộ. Trong lúc ông bà Sinh vật vã hàng ngày lo kiếm ăn cho con cái không có thì giờ chăm nom chúng, thằng Giàu cùng bọn nhóc hàng xóm rủ rê nhau đi trộm cắp. Một lần chúng bắt trộm chó trong xóm bị chủ nhà bắt đem ra đồn công an phường. Lúc đi đường mấy đứa bỏ chạy thoát. Thằng Giàu sợ về nhà bị bắt nên đến nhà người em gái bà Sinh lánh nạn. Số thằng Giàu thuộc loại số đỏ. Gia đình người dì đang chuẩn bị vượt biên sợ lộ nên cho thằng Giàu theo luôn. Ông bà Sinh phải đem căn nhà cầm cố mới có hai "cây" nộp cho chủ ghe. Sang Mỹ thằng Giàu không chịu học hành. Nó đánh cắp đồ đạc trong nhà đem bán lấy tiền tiêu. Hết đường dạy bảo, vợ chồng người dì đuổi nó đi. Thằng Giàu lao vào con đường bụi đời lập băng đảng trộm cuớp bị bắt bỏ tù. Mấy năm sống trong nhà tù Mỹ đã khiến thằng Giàu sợ hãi suốt đời. Nó thề khi ra tù sẽ sống một cuộc đời lương thiện để không bao giờ phải trở lại nhà tù nữa. Không phải nó sợ nhà tù Mỹ hành hạ đánh đập tàn bạo. Cũng không phải do chính sách nhân đạo giáo hóa tù nhân mà chính là do các bạn đồng tù của nó. Bọn tù nhốt cùng phòng, nhất là với bọn Mỹ đen to lớn như những con gấu, đã thường xuyên hãm hiếp nó khiến hậu môn nó lúc nào cũng bị đau đớn lở loét và chảy máu. Ra tù thằng Giàu xin được việc rửa chén bát tiệm phở, sau nhờ chủ thương cho chân bưng phở. Hàng tháng tiền công, tiền típ cũng đủ trang trải việc ăn uống share phòng và dư một hai trăm gửi về nước cho bố mẹ. Trải qua những năm tháng tù có lẽ thằng Giàu đã trở thành một con người khác, biết thương yêu gia đình cha mẹ và sống một cuộc đời lương thiện tử tế?

Nhờ mặt mũi sáng sủa thân thể cao ráo đẹp trai, Giàu tán tỉnh và chinh phục được cô gái làm nghề nail thường xuyên đến tiệm ăn phở. Gia đình cô ở Saigon thuộc loại khá giả, lo cho cô vượt biên sang Mỹ. Nhờ chịu khó "cầy" cô sớm có nhà có xe. Nhà tuy không lớn nhưng đầy đủ tiện nghi, xe thuộc loại xịn. Cô khoe với Giàu như vậy nhưng thực sự không phải vậy. Nhờ lấy chồng Mỹ cô được đi Mỹ và sau khi nhập quốc tịch, cô đã ly dị. Còn Giàu cũng nói với cô gái mình thuộc loại con nhà giàu sang. Cộng sản vào bố mẹ bị đánh tư sản mất hết cơ nghiệp, nhưng cũng còn chút ít đất đai, bây giờ trị giá mấy trăm cây. Sau thời gian tìm hiểu họ yêu nhau rồi lấy nhau. Nhờ ly dị cô gái được chia tài sản. Người chồng Mỹ cho cô căn nhà họ đang ở. Sống trên đất Mỹ mục tiêu lớn của đa số người Việt là làm giàu. Làm giàu bằng bất cứ giá nào.Vợ chồng Giàu cũng vậy. Một chương trình kế hoạch làm giàu được vợ chồng Giàu đề ra và quyết thực hiện. Cô vợ muốn mở tiệm nail. Anh chồng muốn hành nghề địa ốc. Cả hai nghề thời gian đó người Việt khai thác và làm giàu nhanh chóng. Muốn hành nghề thì phải có tiền: tiền sang cửa tiệm, tiền mướn người làm, tiền đăng báo quảng cáo và đọc trên đài v...v... Biết bao thứ cần tới tiền mà họ dành dụm chẳng được mấy. Giàu nghĩ tới căn nhà bố mẹ ở Saigon đang có giá vì may mắn lọt vào khu vực chỉnh trang phát triển của Thành phố.

"Thằng Giàu viết thư cho vợ chồng tôi - bà vợ kể. Trước hết nó báo tin đã làm xong giấy tờ bảo lãnh vợ chồng tôi sang Mỹ sống (còn mấy em sẽ tính sau). Tiếp theo nó muốn chúng tôi bán căn nhà lấy tiền đem sang Mỹ làm vốn kinh doanh vì "bu si nét" của bọn con đang làm ăn khá lắm nên cần thêm vốn khuếch trương lớn hơn. Khi bố mẹ sang chỉ ngồi mà thâu bạc". Ông chồng nói tiếp: "Vợ chồng tôi bàn bạc mãi về việc này. Bán nhà mấy đứa còn lại lấy đâu chỗ ở? Sau hết chúng tôi cũng đi đến thỏa thuận bán nhà và mua một căn nhà nhỏ rẻ tiền cho mấy đứa nhưng phải đợi sang Mỹ xem sao đã. Trong thư trả lời thằng Giàu tôi viết là sẵn sàng làm theo ý nó và khi đi Mỹ sẽ đem tiền (đô la) sang cho nó. Bác sĩ biết không, căn nhà với miếng đất chẳng to lớn gì mà người ta trả giá cho chúng tôi hơn trăm ngàn đô, có khác nào trúng số độc đắc!". "Vậy trước khi đi Mỹ hai bác bán nhà?". Tôi hỏi. "Chưa! May nhờ trời thương xui khiến nên chúng tôi chần chừ chưa bán - mặc cho hàng tháng thằng Giàu gửi thư thúc giục - không thì bây giờ càng thêm khốn, thêm đau" bà vợ đáp. Ông chồng tiếp lời: "Mấy năm sau chúng tôi đi Mỹ. Trước khi rời Việt Nam tôi còn nhận được thư thằng Giàu dặn đi dặn lại là phải đem hết số tiền bán nhà sang. Những ngày đầu tới Mỹ chúng tôi vô cùng sung sướng hạnh phúc. Vợ chồng nó niềm nở đón tiếp chiều chuộng chúng tôi hết mức. Ngày hai bữa đi ăn tiệm, đủ cả cơm ta cơm Tầu cơm Mỹ! Vợ chồng nó thay nhau lái xe hơi đưa chúng tôi "tham quan" những nơi phong cảnh đẹp đẽ, những khu phố nổi tiếng sang trọng, những công viên cây cối um tùm có những cây Sồi to cao tuổi đời mấy trăm năm. Rồi đi sốp ping mua sắm áo quần vật dụng. Ðồ đạc chất đầy phòng. Bà vợ tôi hân hoan sung sướng ra mặt, luôn mồm tấm tắc khen cậu con trai làm ăn tài giỏi và cô con dâu hiếu thảo. Chồng làm địa ốc vợ chủ tiệm neo gặp thời giàu có là phải. Còn đứa cháu nội hai tuổi, suốt ngày quấn chặt lấy bà nội không chịu rời nửa bước. Một hôm, sau khi đi coi cầu Côn Ghết ở Săng phăng và ăn phở gà ở cái tiệm gì đó, buổi tối về nhà vừa thay quần áo xong, thằng Giàu mời vợ chồng tôi ra phòng khách "thưa chuyện". Với nét mặt trịnh trọng nó bảo vợ chồng tôi đưa số tiền bán nhà cho nó "để khuếch trương kinh doanh". Tôi nói nhà chưa bán được. Thoạt đầu nó có vẻ không tin hỏi lại và tôi cũng nghiêm túc nói lại như thế. Nó sững sờ rồi cau mặt, xẵng giọng hỏi: "Tại sao vậy? Tôi đã dặn ông bà từ lâu là bán nhà mang tiền sang đây mà! Chính ông nhiều lần viết thư bảo đã bán. Thế mà bây giờ... Thật bậy bạ tào lao hết mức! Ông bà đánh lừa cả tôi". Thấy thái độ của nó qua việc chuyển giọng xưng hô "ông bà tôi" và nói như mắng, tôi cảm thấy chuyện chẳng lành sắp tới. Tuy nhiên tôi vẫn trình bày cho nó biết việc bán nhà ở Việt nam ngoài việc giấy tờ lôi thôi khó khăn, mất một thời gian hơi lâu, còn phải chi trước tiền lo lót khá lớn mà gia đình không có. Nghe xong thằng Giàu mặt hầm hầm tức giận lẳng lặng đứng lên bước về phòng nó. Tôi nghe vợ chồng nó lớn tiếng như cãi nhau. Thế là ngay ngày hôm sau vợ chồng nó tỏ thái độ khác hẳn với vợ chồng tôi.(Sau này tôi mới biết sở dĩ trong những ngày đầu vì tưởng vợ chồng tôi bán nhà đem tiền sang cho nó nên nó đối xử tử tế lấy lòng. Nhưng khi biết không có tiền nó quay ngoắt 180 độ liền. Nó thèm khát tiền như cọp đói thèm mồi. Nó bảo lãnh chúng tôi sang Mỹ rõ ràng là việc mua bán đổi chác: tiền bán nhà).

Mở đầu việc tỏ thái độ là "chấm dứt quan hệ gia đình". Nó không cho thằng con chơi với bà nội nữa. Hễ thằng nhỏ mon men tới gần vợ tôi như mọi khi, vợ nó quát tháo và kéo ngay thằng nhỏ về phòng. Buổi chiều vợ tôi làm cơm đợi vợ chồng nó về ăn. Chúng nó chẳng những không ăn cũng không thèm nói một lời. Những ngày kế tiếp vợ chồng nó mua đồ ngoài tiệm về thản nhiên ngồi ăn với nhau. Tôi và vợ tôi phải tự đi chợ mua gạo thức ăn và nấu ăn riêng. May mà chúng tôi có đem sang chút ít tiền. Tiếp theo là trò "cấm vận". Vợ tôi ngồi coi tivi cải lương, vợ nó tới tắt máy. Chúng tôi không được gọi không được nghe điện thoại, không được tiếp người quen trong nhà. Không được giặt sấy quần áo bằng máy. Vợ chồng nó có khách chúng tôi phải ngồi yên trong phòng. Mùa đông vợ chồng nó đi làm tắt máy "hít", mùa hè cúp máy lạnh. Rét hay nóng ráng chịu. Chúng tôi bên Việt Nam đã quen chịu đựng nên tuy bị "cấm vận"như vậy cũng chẳng có gì đáng kêu ca phàn nàn. Một thời gian ngắn vợ chồng tôi hết tiền. Vợ tôi phải nhờ cậy vay mượn vợ chồng cô em. Nhưng chẳng lẽ cứ vay mượn mãi? Vợ chồng tôi nghe cô em vợ mách cho việc đi lượm ve chai. Việc làm này tuy không cần vốn nhưng cũng gặp sự cạnh tranh ráo riết của các đồng hương và đồng lứa tuổi. Có ngày vợ chồng tôi đi rạc cẳng từ sáng tới tối chỉ lượm được dăm bảy cái lon bia. Chúng tôi tom góp lại chất trong gara chờ có nhiều đem bán. Bà con dâu của tôi phát giác việc này. Nó tru tréo kêu la ầm ĩ. Cho rằng vợ chồng tôi bêu riếu làm nhục vợ chồng nó. Nó bắt chồng chở tất cả những thứ vợ chồng tôi phải đổ biết bao công sức thời giờ mới kiếm được đem đi vứt. Thế là chúng tôi bị chặt đứt mất công việc kiếm tiền. Chẳng lẽ chúng tôi bị chết đói trên một đất nước giàu có nhất thế giới vẫn được mệnh danh thiên đường của loài người? Thật là oái oăm, tiến thối lưỡng nan. Về nước không được (tiền đâu mua vé máy bay) ở lại không xong (tiền đâu sinh sống?).

Trong lúc chúng tôi đang đau đầu tính kế mưu sinh thì một việc có thể nói đau lòng nhất kể từ khi tới ở nhà này xảy ra. Vào mỗi sáng thứ tư hàng tuần tôi có nhiệm vụ đẩy hai thùng rác ra vệ đường trước cửa nhà để xe rác tới lấy. Công việc này trước đây do Giàu làm. Từ ngày có tôi nó nhường "vinh dự" lao động là vinh quang này cho bố. Hôm đó bị sốt tôi quên đem thùng rác ra. Hai ngày sau thùng rác bốc mùi thúi. Vợ chồng nó không tiếc lời nặng nề sỉ vả - gần như chửi bới. Vợ chồng tôi nằm im trong phòng nghiến răng chịu đựng. Sáng hôm sau trước khi đi làm vợ chồng nó đem thùng rác đổ hết ra trước cửa phòng ngủ của chúng tôi. Trời nóng nực, trong nhà các cửa đều đóng, mùi hôi thúi tỏa ra muốn nôn ói. Quả là một sự trừng phạt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Nó đổ thùng rác trước cửa phòng khác nào đổ lên đầu chúng tôi. Vợ chồng tôi phải mất một buổi bốc hốt rác và lau rửa nhà. Ðến mức cạn tàu ráo máng với nhau thế này thì chúng tôi phải cuốn gói đi thôi. Nhưng đi về đâu và sống bằng gì nơi xứ người trong khi không một đồng bạc dính túi? Ngày tháng nặng nề trôi, chúng tôi cứ sống cù cưa nhẫn nhục chịu đựng câm nín trong cái địa ngục của thiên đường trần gian đó! Nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Vợ chồng nó, chồng làm địa ốc vợ làm chủ tiệm neo, sau một thời gian nhờ mánh mung và gặp thời cơ đã phất lên như diều gặp gió. Ðúng tên nó là Giàu do tôi đặt là tên tiền định thật. Giàu có nơi đất Mỹ này nếu không thay vợ thì cũng đổi nhà. Và khi có nhà mới cần chấm dứt những quan hệ cũ như cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn để giao tiếp với những người mới thuộc giai tầng mới trong xã hội. Chúng nó rất lấy làm xấu hổ ngượng ngùng khi có "ông bà già" nghèo và "quê" như chúng tôi. Chúng nó bán căn nhà này mua nhà trên núi. Trước khi dọn đi, thằng Giàu đổi giọng nhẹ nhàng nói với tôi: "Ở trên núi đi lại khó khăn lắm, bố mẹ không có xe càng bất tiện. Nhỡ ốm đau bất thường mà vợ chồng con không có nhà thì chí nguy nên vợ chồng con bàn tính và cũng đã nói chuyện với vợ chồng dì Kim. (Kim là em vợ tôi). Chú dì ấy bằng lòng để bố mẹ ở một buồng, hàng tháng chỉ phải trả ba trăm đồng". "Tôi nói không có tiền. Nó bảo nó trả, bao giờ tôi bán được nhà trả lại nó. Trước việc chẳng đừng này chúng tôi phải dọn đi thôi. Như bác sĩ thấy đó, chỗ này không phải là phòng ngủ mà là cái gara tồi tàn cũ kỹ". Nói tới đây ông ngừng, có lẽ để nghỉ mệt một chút vì nói nhiều, ông tiếp: "Nhưng ông con trai giàu có của tôi chỉ trả một tháng tiền thuê phòng. Sau đó phớt lờ. May mà vợ chồng cô em vợ thông cảm cho nợ, mặc dầu họ cũng chẳng dư dả gì, chồng đi bưng phở vợ đi trông coi hầu hạ bố mẹ già nhà người ta. Còn vợ chồng tôi từ đó hành nghề lượm ve chai - trở thành chuyên nghiệp - cũng đủ cầm hơi sống qua ngày... Chắc là vợ chồng tôi cũng phải bán căn nhà ở Saigon. Chứ già rồi, ít năm nữa đâu còn đủ sức lê tấm thân dầm mưa dãi nắng đi lượm ve chai!". "Sao hai bác không xin trợ cấp xã hội?". "Chúng tôi thuộc diện con cái bảo lãnh nên phải đợi tới tuổi và có quốc tịch. Còn lâu lắm bác sĩ ơi!". Bà vợ nói như than, tiếp: "Sang Mỹ sống tưởng toàn chuyện vui ai ngờ lại toàn chuyện buồn, buồn đến đứt ruột!".

"Câu chuyện bệnh nhân đặc biệt của anh đến đây là chấm dứt?". Tôi hỏi. "Hiện tại thì như vậy nhưng tôi linh cảm sẽ còn nhiều bất trắc đến với vợ chồng già này".

Hai tháng sau ông bạn bác sĩ gọi điện thoại cho tôi báo tin buồn: "Ông chồng bà bệnh nhân chết rồi. Buổi tối mùa đông ông ta đi lượm ve chai sắp về tới nhà gặp mưa ướt hết quần áo, bị cảm lạnh sưng phổi không chịu đi bác sĩ, chỉ cạo gió ở nhà. Hai hôm sau trở bệnh nặng đưa vào bệnh viện nhưng không kịp nữa". "Có lẽ chúng ta nên tổ chức quyên góp tiền bạc lo giúp bà ấy". Tôi bàn. Ông bác sĩ cười trong điện thoại: "Khỏi lo ông nhà văn! Ông mở báo hôm nay ra mà coi, đăng cả một trang cáo phó với chương trình thăm viếng phúng điếu cầu siêu kéo dài mấy ngày!". "Ai đăng cáo phó?". Ông bác sĩ đáp: "Anh con trai, nhà địa ốc giàu có tại thành phố ta chứ còn ai!". Lạ nhỉ! Có lẽ anh chàng này hối hận về sự đối xử bạc bẽo tệ hại với cha mẹ nên lo tổ chức ma chay dềnh dàng to tát chăng! Tôi nêu thắc mắc với ông bác sĩ. Ông này cười lớn hơn: "Không phải vậy đâu ông bạn! Sở dĩ anh chàng tổ chức đám ma lớn như vậy là để lấy tiếng với thiên hạ, đồng thời đây cũng là một cú áp phe".

"Anh nói gì mà nặng lời thế. Ai lại đem cả cái chết của bố mình khai thác sinh lợi !". Ông bác sĩ thản nhiên: "Với anh chàng này thì đúng đây là cơ hội tốt, vừa được tiếng có hiếu vừa có lợi. Anh ta giao du rộng, có nhiều bạn bè làm ăn toàn bọn giàu mới phất. Khoảng hai trăm người tới viếng thì số tiền phúng điếu chắc không nhỏ. Tôi đã tới gặp bà bệnh nhân đặc biệt rồi.".

Sau khi nghe những lời an ủi và chia buồn của tôi, bà ta gạt nước mắt nói: "Bác sĩ nghĩ coi. Khi hay tin bố chết nó vội vã đến gặp tôi ngay. Tôi tưởng nó đau đớn vì bố chết thật nhưng câu đầu tiên nó mở miệng nói là: "Mẹ yên tâm để con làm đám táng ông già thật lớn, thật nổi cho thiên hạ coi! Chẳng những mẹ và con không mất đồng nào mà còn được thêm tiền. Cứ coi như đây là một dịch vụ, mẹ hiểu không! Thiên hạ trước nay nợ mình nhiều về khoản hiếu hỉ này, giờ đến lượt họ phải trả!".

Trước khi cúp máy, ông bác sĩ kết luận: "Vậy thì chịu khó ngồi viết lại câu chuyện này đi, ông bạn Nhà văn. Nếu có ai thắc mắc hỏi thật hay không ông cứ chỉ lại tôi".

Thanh Thương Hoàng