Mùa Xuân

Ðã lâu lắm rồi, khi người thiếu niên cuối cùng bị bắt đưa ra chiến trường, thì ngôi làng nhỏ bé ở chốn xa xôi hẻo lánh này nổi lên một trận bão kinh khiếp. Ðó là trận bão tình. Trong làng toàn đàn bà con gái. Chiến tranh chưa bao giờ đặt chân đến đây nhưng chiến tranh đã vùi dập ngọn lửa sống của họ. Vùi dập một lúc ba thế hệ. Những năm tháng âm thầm lặng lẽ trôi qua. Sự chuyển vần thời gian không mang lại sự sống, chỉ thấy hủy diệt. Trời đất bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông nhưng làng có ba mùa thôi, không có màu Xuân. Mùa Hạ nắng lửa, mùa Thu héo hắt, mùa Ðông tàn tạ. Quanh năm ngày tháng một màn sương ảm đạm thê lương bao trùm cuộc sống. Già trẻ lớn bé mấy trăm người sống nhưng không phải sống. Họ thiếu sinh khí vì thiếu tình yêu - tình yêu của giống đực. Họ như những bóng ma chập chờn vật vờ bên những căn nhà lạnh lẽo vắng bóng trẻ thơ nô đùa. Cả làng không nghe thấy một câu hát, hiếm hoi một tiếng cười.

Trên cánh đồng buồn hiu trơ những gốc rạ bắt đầu mục nát, vài chú trâu già gầy nhom nằm nhai lại nghiền ngẫm sự đời. Không gian, thời gian, nhân gian đều buồn thảm đến tột cùng. Chiến tranh đã cướp đi bọn đàn ông con trai, chiến tranh cũng chôn luôn đời sống người nữ. Gần nửa thế kỷ trôi qua ba thế hệ nữ sống âm thầm câm nín chịu đựng. Cơn khát tình càng ngày càng nung nấu lòng họ. Mới đầu còn âm ỉ, còn che đậy, còn cố dồn nén. Nhưng với thời gian ngọn lửa tình càng lớn dần lớn dần, chẳng còn sức mạnh nào ngăn cản nổi. Ngọn lửa bừng lên hừng hực bốc cháy lan tràn, biến con người thành những kẻ khùng điên phá phách hoặc ngây dại ngu ngơ đờ đẫn. Già trẻ lớn bé cuồng nhiệt đòi hỏi sự sinh tồn bảo vệ nòi giống, quyết không để tuyệt chủng. Nhưng tìm đâu ra kẻ gieo giống bây giờ! Các làng bên cũng chẳng hơn gì, họa hoằn mới có bóng dáng vài người đàn ông nhưng toàn là những lão già lọm khọm, bệnh hoạn vô tích sự, bị đời phế thải.

Trong khi cả làng đang chết chìm trong cơn bão khát tình thì một buổi sáng có nắng hồng tươi rực rỡ, bất ngờ xuất hiện một gã đàn ông. Gã đi cùng con heo nọc. Ðó là kẻ chuyên truyền giống heo. Gã mới tới đầu làng, chẳng cần thông báo, trong giây lát người người ùa ra ồn ào nhốn nháo, đón rước gã chẳng khác đón rước một vị thần linh hay một anh hùng. Người ta thất vọng về gã: thân hình nhỏ bé gầy yếu, tuổi vào trạc ngũ tuần, tức là đã vào tuổi xế chiều, chẳng còn cái sinh lực oai hùng mãnh liệt của đấng nam nhi. Con heo nọc thì khác hẳn với chủ. Nó to lớn khỏe mạnh, tràn đầy sinh khí. Nó chẳng hề tỏ ra sợ hãi nhút nhát trước những người lạ, cứ đưa cái mõm ươn ướt thô bỉ cà vào quần các bà các cô, ngửi ngửi hít hít và phát tiếng kêu ụt ịt. Trước "thần tượng" bất ngờ xuất hiện này, các bà các cô đưa mắt nhìn nhau thầm hỏi và tất cả đều như đồng thỏa thuận: có còn hơn không! Miễn là hơi hướng da thịt bóng dáng người đàn ông. Chúng ta thèm khát, chúng ta sống uổng từ lâu rồi! Không để cho gã chủ heo nọc kịp hành nghề gieo giống heo, người ta xúm lại bắt gã gieo giống người. Một đàn ông làm sao chia đủ cho hàng trăm đàn bà? Thế là người ta giành giật, người ta tranh cướp, cố đoạt bằng được gã đàn ông. Tôn ti trật tự, phong tục tập quán duy trì bao đời nay phút chốc bị quăng vào cái "của quý" hết. Bà cháu, mẹ con chẳng còn thể thống gì. Nề nếp đạo đức cổ truyền thấm nhuần bao đời, phủ chặt tấm thân người nữ, giờ lột bỏ hết, lồ lộ nguyên hình những con quỷ cái khát tình. Trận giặc tình có thể xẩy ra cảnh cào cấu cắn xé, nên mấy người lớn tuổi còn chút bình tĩnh sáng suốt, vội đứng ra điều đình dàn xếp. Và tất cả đều thỏa thuận gã chủ heo nọc là sở hữu chung. Gã sẽ lần lượt "sống" từ nhà này sang nhà khác, theo lịch trình quy định. Còn con heo nọc không như chủ, nó chỉ việc ăn no ngủ kỹ. Khi nào nhà có heo nái cần "đi" nó mới "hành nghề".

Mặc dầu được thường xuyên bồi bổ tối đa rượu thịt nhưng trải qua một thời gian ngắn "hành nghề", gã chủ heo vốn gầy yếu lại càng trở nên gầy yếu hơn và xanh xao vàng vọt hơn, không còn đủ gân cốt chịu đựng. Hai chân gã run rẩy cất bước muốn không mang nổi thân mình. Từ ham muốn thích thú lúc đầu giờ đã trở nên nhàm chán và sợ hãi. Gã "hành động" như một cái máy trước sự bức bách cưỡng ép của những con quỷ cái khát tình. Những người nữ cũng biết nạn nhân của họ đã cạn kiệt, đã bị vắt hết sinh lực chờ ném vào hố rác, tuy vậy họ vẫn không ngừng đòi hỏi ép buộc. Việc làm tình trở thành nợ đời nhạt nhẽo vô vị, một cực hình khổ sai cộng với sự rã rời, mệt nhoài của thân xác, gã đàn ông dần dần trở nên xụi lơ bất lực. Thế là gã bị trừng phạt. Người ta cào cấu chửi bới nguyền rủa. Người ta "bắt đền". Nhiều lần gã muốn trốn chạy khỏi địa ngục trần gian này, nhưng lần nào cũng bị dân làng tóm bắt về đánh đập hành hạ nhục nhã. Giữa lúc gã chủ heo nọc trong tình trạng thập tử nhất sinh thì cứu tinh bất ngờ xuất hiện. Ðó là một thằng khùng thân hình to lớn kềnh càng, áo quần rách nát tả tơi bẩn thỉu. Người ta áng chừng tuổi nó vào khoảng mười bẩy, mười tám. Thằng khùng có khuôn mặt to tròn như mặt ông địa, hai má nung núc những thịt và đôi mắt him híp ti hí mắt lươn. Trên đầu nó lơ thơ vài cụm tóc để lộ những chiếc sẹo lớn. Nó vừa đi vừa nghêu ngao hát và xin ăn. Người ta không biết gốc gác nó ở đâu, tên là gì, lần đầu tiên lạc tới đây. Thấy nó có vẻ khùng khùng man man nên gọi đại là thằng khùng, chẳng biết nó có khùng thật hay không. Ðám đàn bà con gái xúm quanh nó ngắm nghía bàn tán chọc ghẹo nghịch phá với sự thèm khát rạo rực muốn ăn tươi nuốt sống. Ðối lại, trước bầy yêu nữ này thằng khùng chỉ cười hì hì. Nó có vẻ khoái chí được cấu véo sàm sỡ. Có người đòi đưa nó về ngay nhà mình với lý do nhân đạo là giúp kẻ bần cùng khốn khổ, nhưng đám đông biết tẩy phản đối liền. Họ chỉ còn thiếu điều xé thằng khùng thành những mảnh nhỏ. Trước đây vớ được gã chủ heo nọc già gầy yếu họ mừng một, giờ "bắt" được thằng khùng – trẻ to lớn khỏe mạnh – họ mừng mười. Màn kịch không ai chịu nhường ai tái diễn. Gã chủ heo nọc phải gạt đám đông đứng ra to tiếng "nhận lãnh trách nhiệm". Từ lúc thấy thằng khùng xuất hiện, gã mừng lắm. Ðây là vật tế thần thay gã. Sau khi nói lời trấn an thiên hạ, gã dẫn thằng khùng ra ao tắm rửa sạch sẽ, thay bộ quần áo lành lặn rồi cho thỏa sức ăn uống. No nê thằng khùng nằm lăn ra ngủ ngáy như sấm, mặc cho gã chủ heo nọc lay đập tức tối. Hôm sau, rút kinh nghiệm, gã chủ heo nọc chăm sóc thằng khùng y hệt chăm sóc vỗ về con heo nọc trước khi lâm trận. Gã cho nó ăn ngon nhưng không cho ăn no và còn ép nó uống ba ly nhỏ rượu đế ngâm thuốc tăng cường sinh lực. Khi thấy mặt nó đỏ rần rần chẳng khác gì con gà chọi, tay chân múa may như muốn biểu diễn bản năng thiên phú của đấng nam nhi, gã liền bàn giao nó cho người nữ mà lẽ ra đêm đó gã phải có bổn phận nộp mạng.

Ngồi một mình trên chiếc chiếu trải ngoài sân, gã chủ heo nọc thỉnh thoảng nhấp ngụm rượu đế và lắng tai nghe ngóng động tĩnh trong nhà. Có tiếng chuyển động mạnh của chiếc giường, gã tủm tỉm cười ngửa cổ tợp hết ly rượu. Nhưng sự đắc ý của hắn chưa được bao lâu đã nghe tiếng thằng khùng cười sằng sặc rồi la oai oái lẫn với tiếng đen đét, có lẽ là tát vào mặt và tiếng chửi rủa tục tĩu của người nữ. Rồi thằng khùng ôm quần chạy vùng ra ngoài sân. Người nữ chạy đuổi theo. Thằng khùng chạy lại gã chủ heo nọc cầu cứu che chở. Tiếng người nữ rít lên: "Ðồ heo thiến! Ðồ chó dái vô tích sự!". Thì ra thằng khùng không biết làm tình, bị con gái thần ái tình đánh đuổi chửi mắng. Hôm sau người nữ đi loan tin kể xấu thằng khùng khắp làng nhưng chẳng ai chịu tin. Họ cho mụ nạ dòng này muốn chiếm độc quyền cái của quý hiếm ấy mới bịa đặt tung tin đánh lạc hướng. Thế là nhà nọ nối tiếp nhà kia rước thằng khùng về... vỗ về rượu thịt bồi dưỡng rồi sau đó thất vọng chửi bới. Trước nguy cơ, gã chủ heo nọc lôi thằng khùng ra một chỗ vắng vẻ mở cuộc điều tra. "Này khùng! Mày không biết làm "chuyện đó" thật à?" "Chuyện gì?" "Chuyện ngủ với đàn bà ấy!" "Hì hì – khùng cười – kỳ lắm! Mấy con mẹ làm tôi xấu hổ thấy mồ!" Bực mình, gã chủ heo nọc tụt quần thằng khùng xem cái "khí giới giống đực" của nó. Gã sững sờ và mừng rỡ trước thực tế. Tức thì một bài học về làm tình tức tốc được giảng giải chỉ bảo khai trí cho thằng khùng. Từ đó thằng khùng trở thành người hùng của làng. Nó đã mang mùa Xuân, mang sinh khí đến cho mọi người. Mùa Xuân tưng bừng rộn rã nhẩy múa ca hát vui sống trên ngôi làng đã trải qua ngót nửa thế kỷ hiu hắt thê lương ảm đạm chết chóc. Theo dòng thời gian trôi biết bao đứa trẻ ra đời. Tiếng khóc trẻ nhỏ hòa với tiếng hát ru vang lừng khắp xóm. Người ta không biết sắp xếp ngôi thứ cấp bậc ruột thịt những đứa trẻ này ra sao nên đứa nào ra đời trước coi là anh, dù là con của cô thím bác. Gã chủ heo nọc đương nhiên trở thành "thái thượng hoàng" của làng. Suốt ngày cơm rượu thịt thoải mái, thích người nữ nào ngài cứ thong dong tới "ngự".

Thế rồi chiến tranh chấm dứt. Một ngày mùa Xuân những anh hùng từ chiến trường lê lết trở về xóm làng với những thân hình xác xơ què cụt, với tuổi đời trên dưới sáu mươi. Ðó là những phế nhân – đúng hơn là những xác người biết đi từ cõi chết trở về vì may mắn thần chiến tranh bắt hụt. Không có cờ quạt, không có kèn trống đón rước trịnh trọng, không có diễn văn ca ngợi, không có huy chương gắn đầy ngực như trong buổi lễ tấn phong anh hùng của Nhà Nước ngày hôm trước. Những anh hùng chỉ gặp những người nữ với những cái nhìn xa lạ lạnh tanh. Thấy vợ mình, em mình, con mình mang những cái bụng bầu to và đám trẻ thơ vô tư nô đùa, những anh hùng hiểu rõ nguyên do và tìm ra ngay thủ phạm. Gã chủ heo nọc ranh ma đã tìm đường trốn chạy, chỉ còn trơ lại gã khùng. Sau phiên họp quan trọng kéo dài nửa giờ, những anh hùng trở về "nhất trí" kết luận: thằng khùng là tay sai đế quốc tới đây phá hoại nền tảng hậu phương vững mạnh của nhân dân. Tòa án nhân dân tức tốc thành lập xét xử và tuyên án tử hình thằng khùng. Sau khi Chánh Án, một người lớn tuổi nhất và có cấp bậc cao nhất trong đám anh hùng trở về, tuyên đọc bản án xong lệnh cho đội hành quyết thi hành liền. Ðội hành quyết là ba thương phế binh với ba khẩu súng AK cũ do xã cấp. Người ta bịt mắt bịt miệng thằng khùng lại và trói vào cái cọc tre trên bãi đất trống trước đình làng. Giữa lúc đội hành quyết sắp sửa nổ súng, trước sự hả hê chứng kiến của các anh hùng trở về thì các người nữ trong làng, già trẻ lớn bé bế bồng nhau ùn ùn kéo tới, vây chặt quanh thằng khùng, súng AK đe dọa cũng không cản nổi. Một bà sồn sồn cất tiếng nói như hét: "Các người không được đụng tới người này. Các người tưởng các người chiến thắng trở về muốn làm gì cũng được sao!" Ngưng chút, thở hổn hển bà chỉ vào cái bụng to của mình nói tiếp: "Không có người này thì cái làng này không còn nguồn sống, không còn mầm sống! Bây giờ các người xử bố chúng nó, mai này chúng nó sẽ xử các người. Hỡi những anh hùng! Khi ra đi các người để lại sự chết. Lúc trở về các người cũng đem theo sự chết. Chúng tôi cần đàn ông! Chúng tôi không cần anh hùng! Hãy cút xéo khỏi nơi này! Hãy đến với đền đài vinh quang của các người! Ở đấy các người sẽ được tôn thờ trọng vọng." Tất cả người nữ đồng thanh gào: "Chúng tôi cần đàn ông! Chúng tôi không cần anh hùng! Hãy cút xéo khỏi nơi này! Hãy đến với đền đài vinh quang của các người!" Những anh hùng ngơ ngẩn nhìn nhau. Trận chiến này chắc họ thua mất.