Đường Chiều Cô Đơn
Tôi đang tuổi đường chiều xế bóng chân đã vấp hoàng hôn, sống cô đơn nơi xứ người – nơi mà tôi hân hạnh được nhận là quê hương thứ hai. Xin cám ơn Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Hiệp Hội Báo Chí Hoa Kỳ, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và các cơ quan nhân đạo Hoa Kỳ, Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đặc biệt Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam của bà Khúc Minh Thơ, anh bạn nhà văn thân thiết Hoàng Hải Thủy đã sốt sắng can thiệp cho tôi từ lúc tôi còn trong nhà tù Cộng Sản. Sau ngót 10 năm tù đày, tôi ra tù năm 1985 và năm 1999 được sang Hoa Kỳ định cư. Các con tôi có gia đình riêng nên không ra đi cùng tôi. Khi đặt chân tới đất nước tự do, tôi cũng như đa số anh em tù cải tạo đều ôm một hoài bão lớn về tranh đấu tự do dân chủ cho quê hương đất nước Việt Nam vô vàn yêu dấu. Về phần tôi, vốn là người cầm bút viết văn viết báo, tôi muốn đem chút khả năng của mình đóng góp vào công cuộc lớn lao này. Trải qua gần 20 năm kể từ năm sống trên đất Hoa Kỳ (tôi không nói tới hoạt động của các đoàn thể, cộng đồng người Việt) tôi chỉ đề cập trong phạm trù văn chương nghệ thuật. Tuy rất buồn (và cả đau lòng nữa) nhưng cũng nên kể ra đây vì không kể mọi người cũng đã biết. Xin kể một hai sự việc. Về hội họa, từ nhiều năm nay một số họa sĩ (vì quá yêu nghề) cố gắng tổ chức những buổi triển lãm tranh. Buổi khai mạc đông lắm cũng chỉ khoảng hơn 20 người. Mấy ngày sau thì thỉnh thoảng có một vài người nhàn cư tới "tham quan". Tranh rất hiếm người mua, nếu bán được một hai bức cũng không đủ trang trải tiền thuê phòng triển lãm. Về hội họa thì vậy còn về văn chương? Cách nay hơn tháng tôi tới dự buổi ra mắt sách của một bạn văn từ phương xa tới. Mặc dầu đã được các báo thông tin nhiều về buổi ra mắt sách, nhưng kể cả ban tổ chức và các ca sĩ (nghiệp dư) cũng chỉ có khoảng 20 người tới dự. Sinh hoạt văn chương nghệ thuật bây giờ là vậy, từ lâu rồi đã là những phiên chợ chiều hiu hắt. Còn các nhà sách thì sự ế ẩm đến độ không thể hơn nữa. Quả thật thê thảm! Văn chương nghệ thuật là tiếng nói, là ý chí, là tinh hoa, là sức mạnh, có thể coi là linh hồn của một tập thể, một cộng đồng, một dân tộc. Với cộng đồng hơn trăm ngàn người (thành phố tôi sống) chỉ có một nhúm nhỏ quan tâm tới văn chương nghệ thuật. (Trong khi đó những trò ca hát nhố nhăng nhảm nhí được bọn con buôn đầu nậu mang từ trong nước sang tổ chức quanh năm được "đồng bào ta" hưởng ứng hết mình!)
Nhìn ra thế giới, giải Nobel văn chương với truyền thống cao quý bao năm, các tác phẩm được trao giải có giá trị thực sự, thế mà mấy năm trở lại đây cũng trở thành lăng nhăng lít nhít, không phải chợ chiều nữa mà đã trở thành chợ trời. Một nhà báo chỉ có bài phỏng vấn thời sự cũng được trao giải. Một chàng ca nhạc sĩ trình diễn cũng được trao giải. Chàng này không biết vì coi thường giải hay vì ngượng (giải trao không đúng chức năng?) đã không chịu tới dự lễ trao giải. Chẳng lẽ thời đại chúng ta đang sống đây văn chương nghệ thuật trở nên bọt bèo rẻ rúng, mọi người xem thường, có hay không cũng vậy, không còn là món ăn tinh thần cần thiết? Chẳng lẽ văn chương không còn là văn chương? Văn chương không còn mang sứ mệnh cao cả? Lỗi tại người viết hay tại người đọc? Càng nghĩ tôi càng thấy đau xót cho những người làm văn chương nghệ thuật của chúng ta, quanh năm ngày tháng đem tim óc "đánh vật" với những dòng chữ, những bức tranh để được gì?
Một người bạn khi biết tôi có ý định xuất bản tập truyện này đã lắc đầu ngao ngán: "Chẳng có ai mua đọc đâu!" và thêm: "Ông đừng tưởng viết cho các thế hệ mai sau". Tôi biết. Ngay thế hệ tôi, người ta gọi là thế hệ thứ nhất - như viết ở trên - số người đọc giờ hiếm như lá mùa đông, sách cho còn không lấy, hy vọng gì các thế hệ mai sau.
Gần nửa thế kỷ qua tôi (và một số người) vẫn chỉ là những con chim cất tiếng kêu trên vùng đất lạ. Kêu đến mòn hơi khàn tiếng. Kêu đến tàn đời. Nhưng... người đời vẫn thản nhiên thờ ơ trước tiếng kêu (và than) này. Tôi chợt nhớ tới một câu nói (không nhớ của ai): nếu một cộng đồng không còn biết tới văn chương nghệ thuật thì sớm muộn gì cũng mất gốc rồi tiêu vong. Tôi không bao giờ muốn cộng đồng của tôi bước vào thảm họa này.
Tôi không kỳ vọng tập truyện này có người đọc, dù một người (như ông bạn nói) vì trên đường chiều, quán lều chợ văn đang chơ vơ tàn tạ - mà chỉ muốn để lại một kỷ niệm cho con cháu tôi. Có lẽ đây là tập văn xuất bản sau cùng trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ viết văn viết báo của tôi. Trông về cố quốc mịt mùng mây đen giăng phủ. Ngó quanh mình toàn những gỗ đá rong rêu. Trong bước đường chiều sự cô đơn đã tới tột cùng?
Một ngày đầu thu 2017, San Jose, California
Thanh Thương Hoàng