Tình

Ông Tâm viết văn viết báo bị Cộng sản bắt về tội "văn nghệ sĩ phản động". Ông cùng một số anh em nhà văn nhà thơ nhà báo bị đày lên chốn rừng rú khỉ ho cò gáy này. Thực ra nói "khỉ ho cò gáy" là để nói lên cái chốn thâm u hoang dã, quanh năm không một bóng người dân qua lại. Chớ mảnh đất này nếu còn sót một hai con khỉ hay một con cò nào lạc tới đã bị bọn tù chúng tôi xơi tái ngay rồi. Cái đói hành hạ chúng tôi quanh năm ngày tháng, nhất là thèm thịt, nên cả một khu rừng mênh mông rậm rạp bị chúng tôi tảo thanh đến nỗi không còn một con mối.

Ông Tâm gầy yếu, lúc đó chưa đến năm mươi tuổi, nhưng vì đói ăn lại không có thăm nuôi trông ông già khọm như ông lão sáu mươi. Mặc dầu gầy yếu bệnh tật (đau dạ dày và tim) ông Tâm vẫn bị bọn cán bộ xếp vào loại khỏe mạnh đưa vào những đội làm việc nặng như đập đá, đào mương, vận chuyển... Nhẹ nhất cũng phải cuốc ngày hai trăm năm mươi mét vuông đất núi. Đội của ông Tâm và cũng là của tôi là một đội hắc ám nhất trại. Tên đội trưởng là Việt Cộng chiêu hồi nên hắn cố lập công chuộc tội bằng cách hành hạ anh em tù từ "tư duy" tới lao động. Bọn cán bộ ra chỉ tiêu một, hắn bắt anh em làm hai, để hàng tháng được bình bầu đội tiên tiến nhất trại. Ông Tâm là một trong những mục tiêu chính tên đội trưởng được lệnh "bám sâu bám sát" và thẳng tay đấu tranh phê phán không khoan nhượng. Ông vừa mới ngưng bệnh chưa hồi sức đã bị "động viên" đi lao động ngay. Nếu ông không đi thì tối nào cũng bị đội họp đấu tranh phê phán với những lời lẽ nặng hơn búa bổ vào đầu. Mới đầu ông còn cãi, còn "đấu tranh" nhưng mãi về sau "nghe chúng nó đấu tố như bài hát" (ông nói với tôi như vậy) do đó ông ì ra và trở thành lỳ. Chúng mày muốn nói gì thì nói, ông cứ gật và tiếp thu nhưng chẳng bao giờ "phấn đấu" tiến bộ cả. "Phê" mãi "đả" mãi chỉ đụng tảng đá, bọn học tập tốt và tiên tiến phát chán, chĩa mũi dùi tấn công sang cá nhân khác. Thế là ông Tâm thoát nạn với bọn tù nhưng không thoát nạn bọn cai tù. Nguyên do ông có một bà vợ trẻ và đẹp. Năm đó "nàng" mới ngoài ba mươi tuổi. Cái tuổi đang nở rộ đầy đủ toàn diện của tuổi xuân thì trong đời người đàn bà. Lại thêm cái buồn hiu hắt vì nước mất nhà tan, chồng bị tù đày càng tạo thêm cho "nàng" cái đẹp não nùng sầu thảm, khiến nhiều gã đàn ông xã hội mới mê mẩn rình rập, tìm cách tạo cơ hội chiếm đoạt. Trong số này có tên trưởng an ninh của trại tù. Gã gầy nhỏ, tuổi trên ba mươi, mặt lúc nào cũng lạnh như sắt, nhất là đôi mắt lươn ti hí với cái nhìn ráo hoảnh tàn nhẫn. Không bao giờ anh em tù bắt gặp gã cười. Có lẽ gã không biết cười. Khác mọi tên cán bộ, bọn tù gặp chào gã, gã không đáp lại bằng cái gật đầu hay giơ tay tỏ vẻ tiếp nhận cái chào, gã lạnh lùng quay mặt nơi khác. Gã mang lon trung úy, trong khi K trưởng mang lon thượng úy, hơn hắn có một lon. Còn các trưởng ban khác đều là trung sĩ, thượng sĩ. Gã lại giữ trọng trách an ninh toàn trại nên ra vẻ "ta đây" hách xì xằng là phải. Anh tù nào bị gã gọi gặp đều xanh mặt cầm chắc ốm đòn và đi nằm nhà đá. Nhà đá vào mùa nóng đã lạnh tái người huống gì mùa Đông không chăn chiếu đắp. Rất nhiều "giai thoại" về nhân vật này được anh em tù kể cho nhau nghe. Đại khái như một buổi xấu trời kia, gã trưởng an ninh có lẽ buồn tình sao đó, thong dong cất bước trên con đường đất nhỏ, hai bên là nương bắp chín sắp thu hoạch. Chợt gã nghe có tiếng động loạt soạt trong nương bắp. Nghi tù trốn trại gã nạt to, giọng đặc sệt Bắc Kỳ 75: "Thằng nào đó có ra ngay không, tao cho nổ súng giờ!". "Thằng nào đó" là một người tù già ngót nghét tám mươi tuổi, gầy đét như con mắm run rẩy từ trong nương bắp bước ra mặt tái mét. Ông ta lắp bắp: "Bảo cán bộ... tôi... tôi...". "Anh định trốn trại phải không?". Đây là một cái bẫy nhà nghề giăng ra để con mồi tự thú. Vì bị quy chụp cái tội tầy đình trốn trại thì thà "thành thật khai báo" đúng cái tội ăn cắp bắp nhẹ hơn nhiều. Người tù già thành khẩn khai: "Bảo cán bộ, tôi đói quá đánh liều bẻ mấy cái bắp...". "Anh ở đội nào?". Thế là người tù già được "áp tải" về đội mình lao động gần đó. Gã trưởng ban an ninh bảo quản giáo tập họp đội để xem trị tội tên tù vi phạm nội quy "trộm cắp phá hoại hoa mầu trại". Người tù già đứng ủ rũ trước đội chờ trừng phạt. Bất chợt gã trưởng an ninh nhìn thấy nơi cổ ông ta có đeo một cây Thánh Giá nhỏ bằng gỗ. Mắt gã lóe lên tia độc ác. Gã tiến lại bên người tù già, chỉ tay vào cây Thánh Giá hỏi: "Cái gì đây?". "Bảo cây Thánh Giá". Gã cười nhạt: "Bây giờ vấn đề là thế này nhỉ! Anh cầu khẩn Chúa của anh cứu giúp đi. Nếu ông ta linh thiêng sẽ phù hộ độ trì cho anh khỏi bị trừng phạt về tội ăn cắp. Nếu ông ta chẳng có tí gì linh thiêng thì anh qùy lạy tôi, tôi sẽ tha cho anh. Nào làm đi". Trước sự đòi hỏi thách thức vô lối tệ hại này người tù già đứng im bất động. Gã trưởng an ninh dằn giọng: "Nào một, hai, ba, làm đi! A, ngoan cố nhỉ? Đội trưởng đâu, bắt nó nằm xuống lấy cây quất năm cái!". Người tù già bị đánh đòn đau quặn người, hình như ông ta vừa rên rỉ vừa cầu nguyện thì phải. "Mày có chịu làm theo lời tao không?". Gã trưởng an ninh nghiến răng trợn ngược đôi mắt nhỏ xíu dằn giọng hỏi. Bấy giờ người tù già mới nói thành tiếng rõ ràng và mạch lạc: "Lạy Chúa lòng lành tha tội cho con và kẻ hành hạ đánh đập con!".

"A... " gã trưởng an ninh rít lên...

Mấy ngày sau người tù già chết và được công bố trước toàn trại là chết vì bệnh... già yếu. Từ đó anh em tù trong trại sợ gã trưởng an ninh còn hơn sợ thiên lôi.

Một buổi chiều trời nóng nực, đang cuốc đất mệt bở hơi thì viên quản giáo tới bên ông Tâm nói: "Anh theo tôi đi gặp cán bộ an ninh làm việc". "Làm việc" đây có nghĩa là hỏi cung, tra vấn. Ông Tâm xanh mặt và cả đội cũng run cho ông. Ông vừa đi theo viên quản giáo vừa thắc mắc không biết mình bị tội gì mà bị tên thiên lôi gọi. Phen này chỉ có nhừ đòn và nằm nhà đá. Sau khi tới cơ quan bàn giao ông Tâm cho gã trưởng an ninh, viên quản giáo quay về đội. Gã trưởng an ninh ngồi sau cái bàn gỗ nhỏ. Ông Tâm đứng nghiêm chào theo đúng điều lệ trại quy định. Và ông không bỏ lỡ cơ hội quan sát nhận xét xem nó định giở trò gì với ông. Bỗng nhiên gã trưởng an ninh nở nụ cười - một điều tuy là nhà văn ông Tâm cũng không thể tưởng tượng nổi - và chỉ cái ghế đẩu nói: "Anh ngồi xuống đi". Trong lúc ông Tâm còn lúng túng trong xử thế thì gã nói tiếp: "Anh mệt lắm nhỉ, ừ giời nóng như thế này thì đến ngồi không như tôi đây cũng còn mệt nữa là cuốc đất. Gần đạt chỉ tiêu chưa nhỉ?". Gã rót nước trà ra cái chén nhỏ đưa cho ông Tâm: "Anh uống nước đi, chè Thái ngon lắm!". Mày định giở trò gì thế này. Mặc, đang khát thì ta cứ uống đã. Thấy ông Tâm uống ngon lành, gã đưa cả ấm trà để ông tự rót lấy. "Anh hút thuốc không?". Tốt thôi, đang thèm thuốc, Ông Tâm gật. Thuốc thơm hiệu Thăng Long sản xuất tại Hà Nội có mùi vị gần như thuốc Cotab trước đây do Pháp sản xuất. Ông Tâm rất thích cái "gu" này, tuy nó hơi nhẹ hơn. Vừa thưởng thức khói thuốc ông Tâm vừa ngẫm nghĩ "đây là nó "tiền văn" rồi mới "hậu võ" đây! Tình cảm trước đã, không xong mới ra tay. Bất chợt ông Tâm nghĩ tới người tù già bị đánh chết, ông rùng mình và ho sặc sụa vì khói thuốc. Nhưng - nhà văn hay nhận xét quan sát - ông Tâm thấy "nó" không có vẻ gì muốn ra tay cả. Lại còn tỏ ra thân thiện là đằng khác. Vận dụng tất cả đầu óc suy nghĩ, ông Tâm cũng đành chịu không hiểu nổi gã trưởng an ninh này sắp giở trò gì với ông. Đợi ông hút vài hơi thuốc, gã mới nhẹ nhàng cất tiếng: "Gia đình anh ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở tỉnh nhỉ?". "Tôi ở Sài Gòn". Ông Tâm trả lời ngắn gọn. "Anh có mấy con nhỉ?". Cứ thế gã liên tiếp "nhỉ" với ông Tâm. "Thế con gái của anh năm nay cũng lớn lắm rồi nhỉ, bao nhiêu tuổi rồi nhỉ... à à... chắc là đã lập gia đình nhỉ?...". Mắt gã nhấp nháy rồi sáng hẳn lên khi nghe ông Tâm trả lời và hỏi lại: "Chưa à?". Rồi gã chuyển giọng đổi sang vấn đề khác: "Hình như lâu lắm rồi anh chưa có thăm nuôi phải không? Bây giờ mà có thăm nuôi cũng vui đấy nhỉ? Ráng phấn đấu lên để được Nhà Nước khoan hồng tha cho về đoàn tụ với vợ con. Anh uống nước nữa đi. Gớm, mấy hôm rày trời nồng quá nhỉ?! Thôi anh về đội đi". Ông Tâm vừa đi vừa thắc mắc: nó gọi mình lên cho uống nước trà hút thuốc thơm, hỏi mấy câu vớ vẩn rồi cho về. Có trời mới hiểu nổi bọn cán bộ Cộng sản.

Lúc tối vào chuồng ông Tâm kể lại chuyện này cho tôi nghe và hỏi ý kiến. Tôi cũng chịu thua nhưng chúng tôi đồng ý với nhau sẽ còn những màn kịch tiếp theo, kết thúc ra sao thì chưa biết. Đêm đó ông Tâm trằn trọc suốt đêm không tài nào nhắm mắt ngủ nổi vì hàng trăm câu hỏi tự đặt ra.

Sáng hôm sau toàn trại tập họp đi lao động ông Tâm được gọi thăm nuôi. Một bất ngờ cho ông Tâm và tất cả bạn bè quen biết ông. Bốn năm trời "học tập" ở trại này ông chỉ thăm nuôi một lần, do con ông mang quà bánh thuốc men lên, sau đó dài cổ chờ vẫn mù mịt tăm hơi. Không biết lần này vợ hay con ông lên. Trong thâm tâm ông mong muốn vợ lên để được gặp mặt "nàng" sau mấy năm xa cách mong nhớ đến khao khát quằn quại. "Nàng" là người vợ sau của ông, Kém ông một con giáp nhưng "nàng" rất trẻ, trẻ đến độ nhiều khi hai người đi với nhau thiên hạ tưởng hai bố con. Có lẽ tại "nàng" ăn chay trường nên mới trẻ vậy!.

Ông bị viên cán bộ thăm nuôi lục vấn mãi là vợ hay con lên thăm nuôi? Ông làm sao biết, vì lâu lắm rồi ông có nhận thư từ gia đình đâu! Nếu không có gã trưởng an ninh can thiệp kịp thời chắc ông đành chào thua.

Người lên thăm nuôi là bà vợ sau của ông. Từ xa ông đã nhìn thấy "nàng" đứng ngóng. Thấy ông "nàng" định chạy lại ôm chầm lấy, nhưng trước cái nhìn dữ dội đe dọa của viên cán bộ, "nàng" đành đứng run rẩy và nước mắt muốn tuôn trào. Ông Tâm hồi hộp xúc động không kém. Ông cũng muốn ôm hôn vợ lắm "thà một phút huy hoàng" rồi muốn ra sao thì ra, cùm cũng được. Và thế là sau vài phút chần chừ, không kìm hãm nổi tình cảm rào rạt cuồn cuộn dâng lên trong lòng, ông Tâm bèn ôm chặt lấy vợ và đặt lên môi "nàng" cái hôn thật lâu, trước sự sững sờ của viên cán bộ và mấy anh tù được thăm nuôi. Gã cán bộ đùng đùng nổi giận nói: "Anh Tâm đã tự ý ôm người nữ và hôn hít trước mặt công chúng như vậy là vi phạm nội quy, vi phạm nếp sống văn hóa mới. Tôi tuyên bố cắt đứt thăm nuôi của anh Tâm và về trại sẽ có biện pháp xử lý. Bố con gì mà ôm hôn nhau cứ như trai gái trong phim truyện Tây ấy!". Liền đó ông Tâm bị cô lập bắt ngồi riêng một chỗ, cấm chuyện trò với người thăm nuôi. Ông Tâm chỉ còn biết ngồi giương mắt nhìn vợ nghẹn ngào, nước mắt đầy tròng năn nỉ mãi viên cán bộ nhưng khác gì nước đổ đầu vịt. Chẳng những không cho nhận quà bánh, hắn còn đe dọa đòi kỷ luật cả "nàng". Thì ra vợ ông trong giấy tờ đi thăm nuôi đã đứng tên con gái lớn của ông, vì "nàng" bị chính quyền địa phương Sài Gòn trù ếm sao đó không cấp giấy phép đi đường.

Và cũng tại cái sự ôm hôn thắm thiết không có trong phạm vi cha con này, bọn cai tù đặt dấu hỏi liền. Vốn là con cháu Tào Tháo đa nghi, nghi cả cục đất bên đường nên sau khi tống cổ ông Tâm vào trại rồi, họ giữ vợ ông lại để điều tra một ngày một đêm. Ông Tâm không hề biết việc này.

Vừa buồn được thăm nhưng không được nuôi, không được nói hoặc nhắn nhủ với vợ một câu, lại còn bị viết tự kiểm, suốt đêm đó ông Tâm trằn trọc không ngủ. Nếu ông biết thêm vợ ông bị "bọn nó" giữ lại ở nhà thăm nuôi một ngày một đêm để tra hỏi và tán tỉnh gạ gẫm thì có lẽ ông phát điên mất. Cuối cùng ông tự an ủi: dù sao mình cũng được hôn vợ một cái, cái hôn của mấy năm trời xa cách da diết nhớ thương. Và hương vị của môi hôn, của da thịt đàn bà hình như còn phảng phất, còn quanh quẩn nơi mũi nơi miệng ông. Chiều hôm sau, một bất ngờ nữa đến với ông Tâm. Trại tập trung đi lao động, ông được gọi tên ở nhà "làm việc" với cán bộ an ninh. Lần này ông Tâm run sợ hơn lần trước nhiều. Ông thấy hiện trước mắt mình căn nhà biệt giam với những chiếc cùm chân phát minh từ thời trung cổ.

Vẫn nụ cười hôm trước, viên trưởng an ninh chỉ ghế mời ông Tâm ngồi và hỏi ngay: "Thế nào, thăm gặp vui không?" Ông Tâm trả lời bằng nụ cười méo xẹo. Gã thản nhiên nói tiếp: "Con gái anh lớn nhỉ? Đẹp ra phết!". À, thì ra nó biết hết rồi. Ông Tâm lúng túng, đến nước này chỉ còn cách ì ra thôi. Miệng ông lắp bắp được mỗi một tiếng: "Vâng!". Tiếp đó gã trưởng an ninh hỏi ông có bà con ngoài Bắc không, tình trạng gia đình hiện giờ sinh sống làm ăn ra sao, nhất là "cô con gái lớn vừa lên thăm gặp". Gã hỏi đủ điều về "cô ấy", đôi lúc ông Tâm chẳng biết trả lời ra sao. Còn gì đau khổ bằng trước một tên đàn ông thô bỉ hạ lưu hỏi han những điều không có quyền hỏi mình về vợ mình, còn mình phải đóng vai kịch cha con trong khi nó biết tỏng là vợ mình. Sau nửa tiếng đồng hồ chuyện trò, gã trưởng an ninh bỗng hạ giọng: "Anh Tâm, tôi thấy anh già yếu bệnh tật ít thăm nuôi lại lao động nặng nhọc nên muốn chuyển anh lên tổ chăn nuôi cơ quan...". Ông Tâm bàng hoàng sửng sốt nhìn viên cán bộ. Nó không "giáo dục" không trừng phạt mình về cái "tội" hôn vợ hôm qua lại còn cất nhắc mình sang bộ phận chăn nuôi cơ quan. Ai cũng biết làm ở bộ phận này no quanh năm. Được ăn hớt phần ăn của heo, gồm cơm cháy và rau củ. Thỉnh thoảng cơ quan có tiệc tùng liên hoan mổ heo thế nào cũng được "thí" một vài miếng xương hoặc chút mỡ. Anh em tù đa số mong muốn được "phục vụ" chỗ này. Trong lúc viên trưởng an ninh tưởng sự ban ơn của mình sẽ được tên tù vui vẻ mừng rỡ "xin cám ơn cán bộ" ngay nhưng ông Tâm từ chối. Ông nghĩ nhanh: "Nó định đem miếng ăn dụ khị mình vào công việc gì đây". Ông nhớ câu ngạn ngữ: "Miếng ăn là miếng nhục". Ông trả lời: "Cám ơn cán bộ, tôi không biết chăn nuôi!". Tới lượt viên cán bộ bất ngờ: "Ơ... lạ nhỉ! Chăn nuôi có khó quái gì đâu. Anh chỉ làm một hai ngày thông thạo liền!". Ông Tâm cương quyết từ chối. "Thôi được, anh không muốn cũng chẳng sao, tôi cứ dành sẵn chân ấy cho anh, bao giờ anh nghĩ lại cứ nói cho tôi biết nhỉ! À, còn cái việc thăm nuôi hôm qua ấy mà! Nghĩ anh lâu không được thăm nuôi nên tôi có xin với Ban giám thị đặc ân cho anh được nhận số quà "cô ấy" mang lên. Lẽ ra thì anh bị trừng phạt và công bố cái tội vi phạm nếp sống văn hóa mới trước toàn trại đấy!".

Đến nước này thì ông Tâm muốn điên cái đầu không còn hiểu ra làm sao nữa. Vi phạm nội quy cúp thăm nuôi, bắt làm tự kiểm, giờ lại gọi lên cất nhắc "làm cơ quan" và cho nhận quà!

Vấn đề ông Tâm đặt ra là mình nên nhận hay không nên nhận quà? Không nhận thì đói, hơn nữa nó cho nhận mà không nhận chỉ tổ tạo thêm sự thù ghét áp bức. Mình đã từ chối "đặc ân" nuôi heo, giờ lại từ chối nhận quà thì đúng là coi thường và khinh khi nó quá. Còn nhận quà về trại sẽ ăn nói làm sao với anh em tù đây. Tất nhiên mọi người sẽ nghi ngờ ông đã bị "Cộng sản mua" và tìm cách xa lánh ông.

Nhưng trước cái sự thiếu thốn dinh dưỡng kinh niên kiến thân thể ốm o gầy mòn. Nhất là trước cái đói, sự thèm thuồng miếng thịt miếng cá đã làm ông Tâm xiêu lòng. Ông "lý luận" "nếu mình không nhận quà tất nhiên bọn cán bộ sẽ hưởng hết, tội gì... Đó là xương máu vợ con mình mà..." Quả nhiên tin ông Tâm được Ban an ninh "chiếu cố" cho phép nhận quà đồn ầm khắp trại. Người ta xầm xì bàn tán đủ điều, nói chung đều không tốt cho ông Tâm. Ông không biết than thở với ai ngoài tôi. Ông nói: "Bọn Cộng sản thâm thật. Nó chơi một đòn đạt hai thắng lợi: tôi phải chịu ơn nó và anh em tù thì coi thường và ghét bỏ tôi. Anh em mình có ngày giết nhau về cái trò này của Cộng sản. Càng nghĩ càng thấy đau ông ạ". Ông Tâm có biết đâu ngoài cái đau lớn vì Cộng sản, cái đau nhỏ vì anh em bạn tù, suýt chút nữa "nàng thơ" của ông bị hãm hại...

Gần hai mươi năm sau ông Tâm gặp lại vợ mình, giờ đã trở thành "người xưa" nơi đất nước người, ông mới biết rõ âm mưu chiếm đoạt vợ tù của mấy ông Trời con trong trại tù.

Chuyện như thế này. Sau khi ông Tâm vào trại rồi, một gã cán bộ mặt sắt đen xì ra nhà thăm nuôi gặp chị Lệ, vợ ông Tâm. Lúc đó chị Lệ bị họ giữ lại để điều tra vì xét thấy có "hành vi khả nghi". Gã cán bộ bắt chị Lệ trình giấy Chứng minh nhân dân. Chị Lệ bảo quên ở nhà. Tức thì tên này lạnh lùng phán: "Như vậy bắt buộc chúng tôi phải giữ chị lại đây điều tra. Bao giờ thấy chị không có gì mờ ám chúng tôi sẽ thả". "Các anh không có quyền bắt giữ tôi. Tôi có tội gì nào?". Chị Lệ gay gắt chống trả. "Biết đâu chị chẳng là gián điệp của địch tới đây móc ngoặc với những tên phản động. Ngay cái xuất xứ của chị cũng đã có "vấn đề" rồi. Chị bảo chị là con gái anh Tâm, mà theo sự điều tra tức tốc của chúng tôi thì không phải vậy. Con gái anh Tâm tuần trước mới lên thăm anh ấy!". Trước câu nói này chị Lệ đớ người ra. Chị đâu có ngờ đó là một câu nói láo, bịa đặt. Cái sự bắt nọn này thật hiệu quả, chị Lệ không còn biết đối phó bằng cách nào. Gã cán bộ cười nhạt: "Đấy nhé, chứng cớ rành rành chị hết chối cãi rồi nhé! Bây giờ chúng tôi lập biên bản và chuyển chị sang nhà giam của Thị xã. Khi bên ấy điều tra xong chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý với chị". Chị Lệ bắt đầu sợ. Bọn này việc gì chẳng dám làm, nhất là ở chốn rừng núi hoang vu này.

Tên mặt sắt đen xì dặn dò to nhỏ gì đó với gã cán bộ thăm nuôi rồi tất tả đi về phía nhà cơ quan. Chị Lệ vừa tức vừa giận vừa uất, nước mắt muốn ứ trào ra khỏi mắt. Chị ngồi xuống cái ghế nhỏ góc nhà ôm đầu đau khổ. Trong lúc chị Lệ đang "ngổn ngang trăm mối tơ vò" tên trưởng an ninh bất ngờ xuất hiện. Bắt gặp cái nhìn của gã, chị Lệ rùng mình lạnh người. Đó là cái nhìn thèm khát muốn lột áo người ta ra tức thì. Gã cười cười nhìn xoáy vào cổ áo sơ-mi chỗ ngực hở của chị hỏi: "Sao chị chưa về à?". Chị Lệ rất nhanh nghĩ ngay tới việc lợi dụng tên này. Thế là chị trình bày tất cả sự việc và yêu cầu gã giúp đỡ. Sau khi lưỡng lự làm ra vẻ khó khăn mãi gã mới chịu gật đầu: "Để tôi trình bày với Ban giám thị xem sao. Nhưng nếu thắng lợi chị phải... đền tôi cái gì nhỉ?". Ngưng chút, đôi mắt gã nhấp nháy lia lịa nói tiếp: "Nhỉ? Cứ thế nhỉ!". Chị Lệ chẳng hiểu gã "nhỉ nhỉ" cái gì cứ gật đại và còn ban phát cho gã một nụ cười.

Đêm đó bọn cán bộ giữ chị Lệ ở nhà thăm nuôi viện cớ chưa có lệnh của Ban giám thị. Chị Lệ sợ cuống cuồng mỗi khi thấy gã trưởng an ninh xuất hiện. May có mấy người thân nhân tù lên thăm trễ ngủ lại, chị Lệ mới hơi yên tâm. Gã trưởng an ninh săn sóc chị như săn sóc người tình. Gã mang ổ bánh mì cứng như đá do tù làm cho chị ăn. Gã lại còn "trang trọng" tặng chị một cái bàn chải răng ngoại và một khăn mặt mới tinh làm như của quý lắm. Chị Lệ nghĩ: có lẽ mấy thứ này nó cưỡng đoạt của anh em tù.

Rồi cứ thế suốt đêm gã "ám" chị, gạ gẫm chị ra sau nhà để "chúng mình tâm sự". Chị Lệ phải giở hết mánh khóe của phái nữ ra, vừa vuốt ve cho gã chút hy vọng vừa từ chối khéo để gã đừng nổi máu làm ẩu. Sau này chị nói với người chồng cũ: "Chưa bao giờ em phải trực diện đối phó với một tên nhà quê nhà mùa nhố nhăng sàm sỡ hạ cấp như vậy. Chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi cũng đủ để nó làm hại đời mình". Gã bắt chị phải hứa hẹn đủ điều. Thôi đành nín thở qua sông, chị Lệ hứa, gã vẫn không chịu, bắt chị phải thề khi về Sài Gòn sẽ tiếp tục "quan hệ" với gã qua thư từ v.v... Chị Lệ cứ gật đầu hứa đại.

Hôm sau chị Lệ được tha về và ông Tâm thì được lãnh phần quà của vợ. Gã trưởng an ninh còn nằn nỉ "yêu cầu" bằng được chị ngồi sau xe đạp để hắn chở ra quốc lộ đón xe đò. Thoát thân về tới Sài Gòn chị Lệ mới lại hồn vía. Nửa tháng sau chị nhận được thư gã trưởng an ninh gửi tán chị. Trong thư gã xưng hô "anh em" ngọt xớt. Có đoạn như thế này: "Em phải hãnh diện có một người bạn trai như anh, một chiến sĩ Cách mạng, một người Cộng sản chân chính, suốt đời thiết tha hy sinh phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Anh đã có nhiều thành tích, nhiều bằng khen, nhiều huy chương... Nếu em đồng ý xây dựng với anh, chúng ta sẽ nắm tay nhau tiến mạnh trên con đường Xã hội chủ nghĩa vinh quang tất thắng bất diệt..." Tất nhiên chị Lệ không trả lời. Thời gian này chị về sống với mẹ mình ở miệt Chợ Lớn vì nơi địa phương ông Tâm không chấp nhận cho chị đăng ký thường trú. Chị tưởng cứ lờ đi không thèm trả lời, gã sẽ nản lòng buông tha chị. Chị lầm. Gã say mê chị đến điên cuồng, đến có thể bỏ Đảng theo chị. Gã đã liều rồi. Gã xoay sở tiền bạc và mượn cả chỉ vàng nơi bạn bè để vượt hơn ngàn cây số, tìm chị. Nhưng gã chỉ gặp con ông Tâm. Gã bỏ cả tuần lễ sục sạo rình rập lùng kiếm chị. Vô ích. Chị Lệ đã được con ông Tâm báo động.

Mệt mỏi chán nản thất vọng và tiếc hùi hụi tiền bạc bỏ ra, gã trở về trại tù viết thư mạt sát, kết tội chị Lệ đủ điều. Gã đe dọa nếu tóm được chị sẽ thẳng tay trừng trị. Và tất cả cơn giận dữ tức tối gã trút xuống đầu ông Tâm. Ông Tâm chẳng biết một chút gì về nguyên do mình bị lãnh búa và sự trở mặt quay ngoắt một trăm tám mươi độ của gã trưởng an ninh. Thế là từ đó vì sợ hãi chị Lệ không đi thăm nuôi ông Tâm nữa. Báo hại ông Tâm dài cổ chờ cả thư lẫn người. Và cũng từ đó ông mất luôn người vợ yêu quý. Vợ ông đã vượt biên, thoát.

Thanh Thương Hoàng
(1999)