Lão Phong Cùi

Lâu nay tôi ít đi lại nơi chốn đông người, muốn theo gương người xưa "thế sự thăng trầm quân mạc vấn" (việc đời lên xuống anh đừng hỏi). Phần thì vì "có tuổi", phần thì vì ốm đau bệnh tật liên miên nên đến chuyện viết lách vốn là "nghề của chàng" tôi cũng lười, cứ ngồi xuống trước cái máy computer là bỗng thấy…sợ. Có lẽ tại trí cùn lực kiệt? Một năm trôi qua tôi không viết được lấy vài giòng chữ. Và như thông lệ mỗi khi tết sắp đến, mấy ông bà bạn chủ báo chủ bút vẫn còn lòng mến nhắc nhở bài xuân. Từ chối thì không được mà viết thì biết viết gì đây? Thật may cho tôi vừa lúc tình cờ gặp một ông bạn ăn tết Tây ở Saigon mới về. Sau những phút hàn huyên thăm hỏi, ông bạn nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chuyện thời sự chính trị chính em, chuyện đảng và nhà nước ta đấm đá nhau tranh ăn (mà tôi phát ớn mỗi khi nghe nói tới), tôi nhắc khéo ông bạn:
- Chuyện quốc gia đại sự thì qua thông tin báo chí và trên mạng tôi biết cả rồi. Tôi chỉ muốn nghe chuyện ông hoặc chuyện các bạn bè ông về bên đó có gì hay hay kể cho nghe thôi.
Ông bạn cười lớn:
- Ồ, thiếu gì chuyện vui chuyện buồn, chuyện khóc chuyện cười. Đang nói ông bỗng ngưng, nhìn tôi 'quan sát' rồi như chợt nhớ ra kêu lên:
- À, thì ra ông bạn nhà văn đang thiếu đề tài muốn khai thác tôi đây. Được thôi! Ông cầm ly cà phê lên uống một ngụm và vỗ vỗ vào trán như lục kiếm các sự việc diễn ra trước đó ít lâu.
- Tôi nhớ gì kể đó nghe, toàn chuyện thật đấy. Trước hết là chuyện một ông bạn quen biết (nhưng không thân) của tôi và ông. Ông còn nhớ lão Phong đấy chứ. Bạn bè vẫn quen gọi là Phong cùi ấy mà. Tôi phải mất dăm bẩy phút rà soát trong bộ nhớ mới "tìm" ra ông bạn này. Mười mấy năm trước ông "học tập cải tạo" cùng trại tù với tôi trên vùng cao nguyên heo hút. Tới giờ tôi cũng vẫn chưa biết trước 1975 ông làm nghề gì và bị bắt về tội gì. Theo lời ông khoe thì trước là sĩ quan cộng hòa (không nói cấp bậc) trốn trình diện. Nhưng có người lại bảo ông vô nghề nghiệp tự nhận khi là nhà văn nhà thơ, khi là họa sĩ và quân cộng sản chiếm Saigon ông mặc bộ bà ba đen mới may cưỡi xe đạp, cắm lá cờ nhỏ Mặt trận giải phóng miền Nam bằng giấy ở 'ghi đông' xe, đạp qua đạp lại trước trụ sở Quốc Hội cũ để hù "dân ngụy" và "nịnh" các "đồng chí" ngoài bưng về. Rồi ông bị cộng sản bắt bỏ tù (ông tiết lộ với vài người thân) là vì can tội cầm đầu một tổ chức phục quốc. Trong tù ông làm 'ăng ten' nịnh bợ bọn cai tù hết mình và chỉ chỏ báo cáo hại các bạn tù. Nhưng vắng mặt bọn cai tù, ông nghiến răng trợn mắt nói năng oang oang thề thốt (với chúng tôi) là không đội trời chung cùng bọn cộng sản, mai này quyết chí phục thù. Sau mấy năm ông được tha tù về vượt biên thoát, qua Mỹ định cư tại một Thành phố (gần chỗ tôi) ít người Việt sinh sống và được bầu một chức vụ gì đó trong ban đại diện cộng đồng vì thành tích chửi cộng của ông. Thỉnh thoảng tôi đọc báo thấy loan tin ông trong những vụ xuống đường đả đảo với những lời tuyên bố đao to búa lớn, quyết mai này giải phóng quê hương. Rồi bặt đi thời gian dài không thấy ông xuất hiện nơi công cộng. Thì ra ông bận về nước tạm gác chuyện tranh đấu ở hải ngoại. Tôi nghĩ có lẽ ông về nước kết hợp với các 'nhà dân chủ' trong nước để 'chống cộng trong lòng cộng'. Tôi hy vọng ông bạn tôi sẽ kể những thành quả của nhà tranh đấu này. Thật bất ngờ khi nghe ông bạn thở dài và cất tiếng như than:
- Rõ chán cho cái lão này. Hôm đó tại Saigon tôi tình cờ gặp hắn trong quán cà phê của một cô nàng ca sĩ hải ngoại thuộc loại 'xướng ca vô loài'. Trông hắn thiểu não ủ rũ như con gà mắc giây thung. Chẳng ngượng ngùng gì hắn 'vô tư' kể tôi nghe chuyện hắn 'chơi' gái.
Tôi nói:
- Chuyện này có gì lạ. Hầu như đa số 'quân ta' về nước đều nhằm mục đích cao cả là 'trả thù cộng sản' như thế mà.
- Đúng, nhưng đây không bình thường ở cái chỗ con nhỏ mới 14, 15 tuổi, bằng tuổi cháu ngoại hắn.
- Chuyện thường ngày ở huyện, chẳng đáng kể và cũng chẳng đáng nghe.
- Có chứ. Sau khi tọng một viên Viagra rồi hắn lên giường cùng con bé. Nhưng với cái tuổi 70 gần đất xa trời thường mắc căn bệnh trầm kha 'thằng trên bảo thằng dưới không nghe'. Hắn ta hì hục vận 'nội công' mãi mà 'thằng bé' vẫn cứ ỳ ra bất tuân lệnh. Thế là hơn nửa giờ không nên cơm cháo gì hắn tức đến chẩy nước mắt trước sự bất lực của mình. Con bé thông cảm tỏ ra thương tình nói: 'Bác ơi, thật tội nghiệp cho bác nhưng cháu rất tiếc chẳng giúp được gì cho bác!'. Con bé vừa dứt lời thì ngài cựu chức sắc cộng đồng, thay vì bầy tỏ tình cảm lại đưa tay tát vào mặt nó mấy cái nổ đom đóm mắt và …xổ 'tiếng đức', tuôn ra một tràng những lời lẽ không có trong từ điển để trút tất cả oán giận sự bất lực của mình vào con bé. Tưởng con bé sẽ giáng trả bằng những câu chửi thề tục tĩu của giới giang hồ đĩ điếm nhưng không, nó ôm mặt khóc rấm rứt. Lát sau nó ngửng mặt lên nói qua hàng nước mắt:
- Cháu có làm gì nên tội mà bác đánh cháu như đánh đòn thù?
Phong cùi nói như gầm:
- Phải, tao đánh mày như đánh đòn thù đấy. Tao đánh vào mặt mày khác gì đánh vào mặt tao. Tao tức giận tao, tao tức giận mày và cả cái xã hội chó đẻ này. Dứt lời ông bạn quý hóa Phong cùi mặc quần áo hầm hầm bước ra khỏi phòng, mặc cho con nhỏ mở to đôi mắt nhìn theo. Không biết nó nghĩ gì về ông khách tuổi vào hàng ông nội nó này.
- Thế là xong câu chuyện đời lăng nhăng?
- Chưa. Đó chỉ là câu chuyện lúc hắn về Việt nam 'trả thù cộng sản'. Đoạn sau vẫn còn dài lắm.
- Có dài bằng từ Mỹ về Việt Nam, từ Việt Nam trở lại Mỹ?
- Chắc dài hơn vì tới nay hắn vẫn chưa chết. Mà chưa chết thì chưa hết chuyện.

&

Mấy hôm sau tôi tình cờ gặp lại ông bạn (vì ông muốn dấu tên nên ta cứ tạm gọi là ông Minh) ở một quán cà phê đông đảo những người thuộc loại tứ chiếng giang hồ, áp phe, những nhà văn nhà thơ 'nghiệp dư' tự phong thiên tài và nhất là các phóng viên nhà báo thường xuyên tụ tập. Già trẻ lớn nhỏ đủ cả. Mọi thứ chuyện được kể ra thật có, bịa có. Tôi cảm tưởng nơi này y như cái quán cà phê đường Tự Do Saigon khi xưa. Ông Minh kéo tôi ngồi xuống bên bàn rồi giới thiệu mấy người ngồi quanh mà tôi không hân hạnh muốn quen biết. Ông Minh vỗ vai một người ngồi bên nói:

- Đây là người hùng hôm trước tôi đã kể thành tích oanh liệt của hắn cho ông nghe đấy. Ông không nhận ra hắn à ? Thì ra đây là ông bạn Phong cùi, quá lâu không gặp tôi không nhận ra, hơn nữa hắn thay đổi nhiều gầy sụm hẳn đi, râu ria mọc tua tủa vô trật tư trông nham nhở, còn mái tóc bạc le ngoe ít sợi để lộ da đầu đầy gầu. Hắn đến thành phố tôi dự họp mặt tất niên của đoàn thể hay hội đồng hương gì đó. Sau khi nhận ra tôi hắn cười nham nhở nói:
- Nghe nói ông bạn hồi này ngôi sao đào hoa chiếu mệnh nên gạt ra không hết mấy 'mợ'?
Tôi khó chịu nhưng cũng dằn lòng trả lời:
- Vâng. Tôi vừa lấy vợ.
Hắn kêu ầm lên:
- Trời, tuổi 80 còn lấy vợ để đeo cùm vào cẳng tới chết à? Dại quá, khờ quá ông ơi! Như thằng này đây cứ ăn bánh trả tiền, không lôi thôi gì hết. Nào Mỹ, nào Mễ, nào Đại Hàn, nào Tầu, nào Phi, nào....
- Hình như ông cũng cỡ tuổi tôi thì phải ? Tôi nghe nói ông về Việt Nam phải đau khổ 'ôm mối hận lòng' về Mỹ?
Phong cùi nói như quát:
- Láo toét! Bọn tay sai cộng sản chúng nó xuyên tạc chụp mũ bôi bẩn để hạ uy tín tôi trong kỳ bầu cử sắp tới. Rồi ông coi, hồ sơ bẩn thỉu đen ngòm của chúng nó chất đầy trong túi tôi đây. Phen này những thằng mặt chuột, những thằng mặt heo, những thằng mặt chó, những thằng 'ăn eo phe'của 'đế quốc Mỹ' chạy theo bọn cỏ đuôi chồn bợ đỡ cộng sản đón gió hòng kiếm chút cơm thừa canh cặn sẽ vỡ mặt cả lũ. Hà hà! Động vào thằng này chỉ có chết thôi. Tiếng nói của Phong cùi oang oang khiến nhiều người các bàn bên tò mò quay nhìn, làm hắn thêm bốc hứng càng nói to nói nhiều hơn. Tất cả những người ngồi quanh đều biết mặt biết tên ông cựu chức sắc trong cộng đồng to mồm chống cộng và biết cả những chuyến ông 'đi công tác' về Việt Nam để 'trả thù cộng sản' phải ôm mối hận chạy về Mỹ.
Nhà tranh đấu Phong cùi còn tuôn ra nhiều lời lẽ tôi không tiện ghi lại đây. Khi hắn dứt lời tôi thấy vài người ngồi gần đó sô mạnh ghế đứng dậy hầm hầm bước đi. Phong cùi cười gằn nói theo:
- Đấy, mấy thằng chó ghẻ đấy. Nghe động ổ là chuồn gấp.
Một người trong bọn bỏ đi bất ngờ quay lại tới trước mặt Phong cùi trừng mắt gằn giọng hỏi:
-Anh vừa nói gì?
Hai bên to tiếng nắm ngực áo nhau giật mạnh, mọi người xúm lại can ngăn. Trước cuộc chiến tay đôi sắp xẩy ra tôi vội chuồn êm, lỡ không phải đầu lại phải tai. Sau này hỏi ra tôi mới biết những vị này đều thuộc loại 'chính khách đón gió chờ thời' trong cộng đồng thành phố tôi.

&

Bẵng đi thời gian khá lâu, khoảng một năm, tôi gần như không còn nhớ tới nhà 'chính khách' Phong cùi thì tình cờ gặp lại 'ngài' trong một nhà ăn miễn phí của một tổ chức từ thiện chuyên lo cho những kẻ không nhà mà tôi được mời đến để 'viết một bài báo'. Quả tình nếu không có người chỉ chỏ tôi không tài nào nhận ra hắn. Trông hắn già sụm và xác xơ tiêu điều chẳng khác gì một gã 'hôm lếch' chính hiệu. Áo quần nhếch nhác bẩn thỉu, râu tóc như những cọng rau nhỏ úa cắm trên mặt trên đầu. Có lẽ hắn nhận ra tôi ngượng vội quay mặt đi nơi khác. Tôi thật không hiểu vì nguyên do gì 'nhà chính khách' của tôi trở nên thân tàn thê thảm và xuống dốc đến thế này. Tôi thắc mắc mãi về hắn. Và tôi đi tìm bằng được ông bạn Minh để có câu trả lời. Buổi gặp này cũng vào dịp cuối năm thiên hạ sửa soạn đónTết. Ông Minh nói ngay:
- Chuyện đời lâm ly bi đát lắm ông bạn à, nói ra buồn lắm!
- Tôi gặp lão ta
Ông Minh cười nhạt hỏi lại:
- Ông gặp hắn trong 'nhà ăn chùa' phải không? Hà, thế này nhé! Và ông bạn tôi nói một hơi dài không ngưng nghỉ:
- Lần trước hình như tôi đã nói với ông. Sau khi về nước 'trả thù cộng sản' bất lực, hắn trở lại Mỹ và lại tự nguyện hy sinh 'quyết tâm phục vụ cộng đồng' ra ứng cử vào ban bệ đại diện. Nhưng cộng đồng biết rõ bộ mặt thật của hắn nên tẩy chay. Trong cuộc bầu cử hắn chỉ thu được hơn trăm lá phiếu. Buồn phiền sinh bất mãn, hắn quay sang đối lập, chửi bới phá phách cộng đồng một thời gian rồi biệt tích luôn. Thì ra hắn lại mò về Việt Nam. Từ đấy tôi chẳng quan tâm tới hắn nữa. Nhưng một ông bạn sống ở Saigon (và cũng là bạn hắn trước đây) 'bắt' tôi lại phải nhớ tới hắn. Ông ta email cho tôi nguyên văn như sau: 'Thằng Phong cùi tệ quá bạn ạ. Thật tôi không ngờ. Hắn ăn tiền già ở Mỹ nhưng về nước ba hoa khoe khoang phét lác là chủ mấy cái nhà hàng khách chen nhau vào ăn uống, mỗi tháng thâu vài chục ngàn đô để 'câu'mấy mụ nạ dòng chồng bỏ hay bỏ chồng. Những người đàn bà nhẹ dạ này cung cấp tiền bạc và tình cho hắn, ra sức hầu hạ chiều chuộng hắn với hy vọng được sang thiên đường Mỹ quốc sống. No cơm ấm cật một thời gian thì hắn lộ tẩy. Tất nhiên hắn bị tống cổ ra khỏi nhà. Trong khi đó con gái hắn ở Mỹ phôn cho biết tiền SSI của hắn đã bị Sở Xã hội và 'mê đi keo, mê đi két' bị cắt hết không còn tiền và thuốc gửi cho hắn nữa. Trước nguy cơ đói rách bệnh hoạn đe dọa trầm trọng, hắn gần như tuyệt vọng hết phương thoát, mới muối mặt lần mò tới nhà tên'đại gia' Hản sẹo cầu cứu. Chắc ông còn nhớ tên Hản sẹo này chứ ? Cái thằng 'nằm vùng' trước 75 đó, giờ đã nghỉ hưu. Bao năm theo đảng đói dài nhưng vẫn mù quáng hết lòng tin tưởng và trung kiên với đảng tới cùng, thấy bọn mình bên này có đời sống cao gấp gã mấy chục lần, gã căm và thù bọn mình lắm. Sau này rộ lên cái trò giải tỏa đất đai, nhờ mánh mung quỷ quyệt gã nhanh chóng trở thành 'đại gia' (tiền bịp bợm ăn cướp mà !). Phong cùi nghe bạn bè chỉ đường mách lối mò tới nhà tên Hản sẹo nhân danh tình bạn bè cũ xin 'cứu người lầm than'vì 'tiền bạc của tôi bị bọn đồng hương bên đó lừa gạt lột hết'. Để nịnh, Phong cùi tả oán bằng cách nói xấu cộng đồng người Việt nước ngoài. Tôi được tên Hản sẹo kể lại là Phong cùi đã tâng bốc gã cũng như đảng và Nhà nước của gã đủ điều và kết tội người Việt ở Mỹ cũng hết lời. Hắn nói kinh tởm căm ghét cái địa ngục trần gian Mỹ quốc và bọn Việt gian phản quốc, giờ hắn 'hạ quyết tâm' về nước để được chết trên quê hương yêu quý. Bất ngờ tên Hản sẹo - được bè đảng cho cơ hội giầu sang phú quý - đùng đùng nổi giận, cất tiếng nói như mắng: 'Trước đây các người trốn chạy khỏi đất nước nói là để tìm đường sống vì cộng sản dã man tàn ác. Bây giờ lại nói trở về để được chết trên quê hương. Đất nước này đâu phải bãi tha ma, đâu phải nghĩa địa hoang để các người đem cái thân tàn bị bọn đế quốc đào thải sắp thối rửa về nước kiếm tí đất vùi thân! Hãy cút xéo đi cho khỏi bẩn mắt chúng tao'. Nói tới đây ông Minh ngưng lại ít phút để thở phào và sau khi uống một ngụm trà tiếp tục kể:
- Trước nguy cơ 'quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh' Phong cùi lại đành ca bài 'quy mã'. Nhưng…thật đáng đời lão. Về đến Mỹ lão đóng bi kịch bị bệnh tim sắp chết để lấy lòng thương hại của vợ con. Vợ lão hận lão từ lâu nên đây là lúc trả thù. Mụ thẳng tay tống cổ lão ra khỏi nhà. Cầu cứu tới cô con gái thì được nghe những lời nói lạnh băng:'Vợ chồng con đang thất nghiệp, không thể nào lo cho Ba được, Ba hãy tới bà bồ trước đây mà cầu cứu'. Nhưng bà bồ cũng phớt tỉnh ăng lê vì đã có kép mới. Sau hết lão đến gõ cửa nhà một người bạn không thân lắm ca bài 'con cá ' kể khổ cái thân già bơ vơ bệnh tật không nơi nương nhờ. Người bạn xúc động thương hại cho tá túc tạm ít ngày nhưng mới sáng hôm sau, trong lúc ngồi uống cà phê, khi nghe lão trút bầu tâm sự: sở dĩ lão về Mỹ là muốn được chết trên đất nước tự do vì ít ra cũng được chôn cất tử tế thì người bạn tức tối, gằn dọng nói: 'Người ta tìm đến nước Mỹ là để sống chứ không phải để chết ! Mời anh ra khỏi nhà tôi ngay. Tôi không muốn chứa cái thây ma của anh trong nhà tôi nữa'. Ông Minh ngưng nói chăm chăm nhìn tôi như chờ 'ý kiến'. Tôi im lặng. Bỗng ông Minh cười lớn: - Thôi ông bạn Nhà văn nhé. Có đề tài ông viết truyện Tết rồi đấy. Ông về đi, tôi còn phải sửa soạn đi Las Vegas chơi Xuân với vợ con.

Thanh Thương Hoàng