Lỳ

Trại tù cải tạo G.T. có một nhân vật nổi tiếng là lỳ nhất trại và có lẽ cũng thuộc loại lỳ nhất nước. Đó là Trung tá Nguyễn Văn Trung. Ủy viên Chính phủ Tòa án Quân sự vùng X. Ông đã giải ngũ một hai năm trước khi Cộng sản tiến chiếm miền Nam nhưng ông vẫn bị bắt tù vì Cộng sản không quên "tính sổ" với ông: ông "nợ máu" Cộng sản hơi nhiều.

Trong lúc ông cùng vợ con khăn gói chuẩn bị xuống tầu vượt biên thì các đồng chí ập vào tóm cổ ông lôi đi cải tạo tại trại G.T., sau khi làm xong công việc tra hỏi. Ông bị bắt về hai tội: "nợ máu nhân dân" và "âm mưu vượt biên" (tội này lúc đó được quy kết ngang tội phản quốc). Trong lúc hỏi cung, viên cán bộ chấp pháp đã dằn mặt ông là: "Tội của anh có mang bắn cũng chưa xứng, nhưng bây giờ giết anh chẳng ích gì lại mang tiếng và tốn thêm mấy viên đạn. Chúng tôi khoan hồng cho anh đi cải tạo là phúc bẩy mươi đời nhà anh! Liệu mà học tập!".

Ông Trung luôn luôn coi như đời ông đã lãnh mấy viên đạn rồi nên ông "cóc cần, cóc sợ thằng nào hết!". Trong trại tù ông coi như "nơ pa" tất cả. (Ông hay dùng tiếng Pháp chêm vào câu nói). Ngày đầu tiên bước chân vào trại ông khai bệnh liền. Lúc thì sốt, khi thì nhức đầu đau bụng tiêu chảy. Thấy ông nghỉ bệnh nhiều quá vượt "tiêu chuẩn" và toàn bộ bệnh vờ, cán Y tế bắt ông theo đội đi lao động. Ra hiện trường ông từ chối không chịu cuốc đất, lý do sức yếu không làm nổi với lại chưa quen cầm cuốc, "cái gì cũng phải từ từ tập dần". Nhưng cán quản giáo không cho ông "từ từ tập dần" kết tội ông chống đối lao động và cho đi nhà cùm. Nửa tháng ở nhà cùm ra ông vẫn tiếp tục không lao động, lại đi cùm. Lần cùm này lâu gấp đôi lần trước. Khi họ thả ông ra, ông phải bò lết về buồng vì bọn trật tự theo lệnh quan thầy, bỏ mặc ông không dìu không cõng. Cả đội được lệnh cấm không quan hệ với ông. Ông hoàn toàn bị cô lập. Cóc cần. Buồn ông hát toáng lên hoặc khi cả đội sắp ngủ thì ông tự chửi tự rủa mình, tự "đấu tranh" với mình là đồ ngu nên bây giờ phải sống chung bầy với "đàn cừu hèn mạt"... Viên đội trưởng nạt nộ, ông nạt nộ trả và chửi thẳng luôn vào mặt y là quân tay sai, quân chó săn, quân chó đẻ. Thế là ông lại đi nhà cùm. Có lẽ trong cái số "đoạn trường" của các tù cải tạo khắp nước hiếm có người tù nào đạt mức kỷ lục nằm nhà cùm như ông Trung. Ông hết vào lại ra một năm cả chục lần, tới khi sức tàn lực kiệt sắp chết người ta mới buông tha. Người ta không sợ ông chết mà có lẽ vì tiếc mấy... tấm ván làm áo quan? Gỗ bây giờ hiếm, cả nước qúy ngang vàng.

Đến đây bọn cai tù không dùng bàn tay sắt nữa mà dùng... trái đấm bọc nhung đối với ông Trung. Lần cuối ông rời khỏi nhà cùm, đích thân cán bộ giáo dục vào ngọt nhạt thăm hỏi và tặng ông mấy tán đường thẻ để bồi dưỡng. Ông thản nhiên cám ơn và ăn liền. Ông nghĩ: "Nó cho mình thì cứ lấy. Mình chống đối là chống đối chính sách trừng trị tàn bạo của bọn nó, chớ mình đâu có chống cơm gạo, đường thịt". Viên cán bộ giáo dục tưởng ông nhận đường tức là ông đã... phục hắn. Hôm sau hắn khuyên ông nên đi lao động cho khuây khỏa và "có lao động thì mới có khỏe mạnh". Ông đồng ý. Hắn hứa, nếu ông có thiện chí lao động tháng tới sẽ cho ông ăn 18 kí, tức mức ăn của những tù tiên tiến. Ông không gật cũng không lắc. Lúc ra hiện trường ông kêu mệt và ngồi bệt xuống đất... thở. Cán quản giáo giận lắm nhưng vẫn làm thinh và đi cầu cứu viên cán giáo dục. Rồi người ta thuyết phục mãi, hy vọng "xây dựng" ông thành một cá nhân điển hình tiến bộ cho toàn trại noi gương. Ông bằng lòng nhận chân "phụ tá đun nước". Công việc của "phụ tá đun nước" rất nhẹ nhàng, khi anh tù phụ trách đun nước gánh nước và kiếm củi về, ông chỉ việc nhóm lửa và ngồi chờ nước sôi. Thế thôi, nhưng ông làm mấy ngày lại giở chứng kêu gần lửa chóng mặt. Rồi ông bỏ đi "va tạt linh tinh", tức là kiếm rau củ về luộc ăn. Mới đầu ông còn lén lút. Sau thấy các quản giáo và quản chế làm lơ ông bèn "thừa thắng xông lên", công khai bới khoai lang hoặc bẻ bắp về nướng thơm lừng, làm nhiều anh tù cuốc gần đó ruột gan cồn cào không cầm lòng nổi sinh ghen tức, đố kỵ. Trong buổi sinh hoạt tối của đội, họ lôi ông ra "đấu tranh phê phán", kết tội ông "trộm cắp phá hoại tài sản hoa mầu của trại". Tội này theo nội quy phải nằm nhà cùm từ mười lăm ngày tới một tháng. Ông lớn tiếng nạt lại và thách thức. Thế là ông đi nhà cùm không biết lần thứ bao nhiêu. Có điều lạ lùng, không ai ngờ thân thể ông có thể chịu đựng một cách quá mức giới hạn của sự chịu đựng như thế. Nhốt nhà cùm mỗi ngày chỉ có hai thìa cơm với một lon nước. Và suốt ngày đêm bị muỗi rệp thi nhau hút máu. Có lẽ ông đã được một phép lạ cứu giúp? Ra cùm lần này ông bị liệt không đứng lên đi nổi. Không biết ông bị liệt thật hay vờ. Mặc cho gã trực trại quát tháo nạt nộ và đạp cho mấy cái ngã lăn chiêng ra, ông vẫn cứ lỳ "báo cáo cán bộ tôi không đứng lên đi được". "Vậy thì bò". Gã trực trại nói. Ông không bò mà lết. Lết từ biệt giam về buồng tập thể. Từ đấy đội phải bất đắc dĩ thay phiên nhau hầu hạ ông. Ngoài lấy phần cơm phần nước uống hàng ngày đưa tận tay cho ông, cứ vài ba ngày phải gánh nước từ suối về cho ông tắm rửa giặt giũ quần áo. Vì nếu không chịu "phục vụ" ông thì với thời tiết nóng rực, với căn buồng chật hẹp lúc nhúc những người, mùi "nhân vị" của ông bốc ra ai chịu nổi! "Sinh hoạt cá nhân" ông còn không chịu làm nói gì "sinh hoạt tập thể" và đi lao động. Buổi tối cả đội ngồi nghiêm chỉnh họp hành ông chui vào mùng ngủ. Đôi khi ông ngáy to quá (không biết có phải làm bộ ngáy không) khiến đội trưởng nhiều lần lay ông dạy cảnh cáo. Ông gắt: "để yên cho tôi nằm, chỉ giỏi phá thối! tôi ngáy bao giờ?". "Anh còn tiếp tục ngáy như hò kéo gỗ thế này tôi sẽ báo cáo cán bộ không cho anh nằm trong giờ đội sinh hoạt nữa. Anh vờ vịt ngáy để phá sinh hoạt đội!" Gã đội trưởng nói. "Này, anh đừng có giở trò chụp mũ xuyên tạc nhe! Giả dụ tôi có ngáy chăng nữa thì thử hỏi, trong ba mươi tám điều nội quy và hai mươi điều lệnh nếp sống văn hóa mới, có điều nào cấm ngáy không?". Đội trưởng đành hậm hực chịu thua lập luận của ông, còn cả đội thì được dịp cười.

Để trừng trị ông, bọn cán bộ không bắt ông đi biệt giam nữa mà dùng biện pháp cô lập ông để "bao vây kinh tế". Tức là áp dụng theo đúng quốc sách lấy đói trị người. Cán quản giáo ra lệnh bất cứ ai trong đội hay toàn trại nếu cho ông Trung bất cứ thứ gì, lần thứ nhất đi cùm bẩy ngày, lần thứ hai nửa tháng, cứ thế tăng lên và cúp thăm nuôi. Tất nhiên mọi người đều sợ và không ai dám quan hệ với ông nữa. Ông vốn là kẻ đói rách nhất trong trại. Gần tám năm bị giam không một lần thăm nuôi, không một gói bưu phẩm. Ông sống được là nhờ sự phước thiện của anh em tù. Mỗi lần thăm nuôi họ thường tặng ông một món. Có người còn dúi cả phiếu tiền để ông "bồi dưỡng phở lợn" hoặc mua thịt trâu thịt bò (chết vì bệnh) của trại bán. Do đó suốt quanh năm ngày tháng ông không đói. Nếu chỉ sống bằng tiêu chuẩn ăn của trại - năm thìa cơm và mười thìa khoai mì khô hấp mỗi bữa - ông đã gục lâu rồi. Bây giờ bị "bao vây kinh tế" ông chịu đựng sao nổi đây. May làm sao, chắc do Trời xui khiến, ông được gọi thăm nuôi. Một điều bất ngờ đối với ông và anh em tù. Họ mừng hết sức cho ông. Tuy không nói ra mọi người đều lo ngại ông có thể chết vì... đói!

Hôm đó, toàn trại tập Trung trước cổng trại để báo cáo quân số đi lao động thì ông Trung được gọi thăm nuôi. Cả trại ổ lên ngạc nhiên thích thú. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông. Nhưng ông vẫn ngồi yên không… nhúc nhích. Cán thăm nuôi dằn giọng nói: "Anh Trung, anh có nghe tôi nói không? Sửa soạn ra thăm nuôi". Bây giờ ông Trung mới lên tiếng: "Báo cáo cán bộ tôi không đi được!". "Thì bò!". "Đây ra nhà thăm gặp xa quá, bò không nổi!". "Thế thì tôi nói với gia đình anh là anh từ chối không ra thăm gặp". "Không phải tôi từ chối mà vì tôi không ra được".

Anh em tù lại thêm ngạc nhiên việc ông Trung không chịu bò ra gặp gia đình. Ở trong trại tù Cộng sản, niềm vui lớn của tù là thăm gặp. Vừa gặp mặt vợ con - niềm an ủi và khao khát quanh năm - lại có đồ ăn thuốc men tiền bạc bồi dưỡng thân thể, có thể cầm cự sống tới ngày gọi tha về. Nhưng ông Trung từ chối "niềm vui lớn" này. Khi các đội đi lao động hết, ông Trung bò về phòng nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ sự đời. Tất nhiên việc gia đình vợ con ông lên thăm gặp đã làm ông xúc động lắm. Ông đâu có phải gỗ đá có thể gạt bỏ những tình cảm riêng tư, nhất là tình thương yêu của vợ con. Nhưng... ông Trung xua xua tay như cố xua đuổi những cái đang làm lòng ông mềm yếu. Ông đã chiến thắng được "bọn nó" trong việc trây lười lao động, chẳng lẽ bây giờ vì miếng ăn vì thăm gặp… Ông Trung đang tự "đấu tranh tư tưởng" thì có tiếng nói như quát trước cửa buồng:

- Anh Trung đâu rồi?

- Báo cáo cán bộ có tôi.

Cán thăm nuôi mở cửa buồng, bước hẳn vào trong.

- Anh chống đối thăm nuôi hả?

Ông Trung chưa kịp phản ứng, gã nói tiếp:

- Đường lối của Đảng, Nhà nước là khoan hồng nhân đạo nên mới có chính sách cho tù được thăm nuôi để tù an tâm học tập cải tạo. Thế mà anh vừa trây lười trốn tránh lao động lại còn toan tính phá hoại chính sách nhân đạo của Đảng...

Ông Trung như ngẩn ngơ:

- Báo cáo cán bộ tôi đâu có phá hoại chính sách của Đảng bao giờ, vì đây ra đó xa quá tôi không bò được...

Cán thăm nuôi ngắt lời:

- Thôi đừng có lý sự. Anh thì lúc nào cũng tài lý sự. Mau thay bộ đồ ra thăm gặp.

"Tại sao nó lại tử tế với mình như thế này. Chúng nó có âm mưu gì đây?". Nghĩ vậy ông Trung vẫn giữ vững lập trường:

- Tôi đã báo cáo cán bộ rồi, tôi đâu có thể bò xa như thế.

- Thì tôi bảo anh thay đồ mà!

- Tôi chẳng có bộ đồ nào tốt cả, toàn rách bươm.

Cán thăm nuôi cố dằn tức giận:

- Thế bây giờ bò ra khỏi cửa buồng có được không?

"Trò gì thế này, mặc. Ông cứ bò ra khỏi buồng đâu có chết". Ông Trung lết ra khỏi buồng. Ông ngạc nhiên thấy một chiếc xe cải tiến và hai anh tù hình sự đứng đợi sẵn.

- Bưng lão ta lên xe! Cán thăm nuôi ra lịch cho hai anh tù.

Ông Trung ngồi chễm chệ trong xe cải tiến và hai anh tù, một anh kéo một anh đẩy đưa ông ra nhà thăm gặp. Viên cán thăm nuôi đi sát bên. Ông Trung suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra nguyên nhân "chúng nó bỗng dưng tử tế với mình". Khi tới gần nhà thăm gặp ông mới tìm ra. Thì ra bọn cai tù đã toan tính lợi dụng việc cho ông Trung gặp gia đình để biểu diễn "chính sách nhân đạo" của Đảng.

Muốn tới nhà thăm gặp phải qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con suối nhỏ. Ông Trung không chịu bò qua cầu vì "chắc chắn bị té xuống suối". Cán thăm nuôi đành bất đắc dĩ cho con gái ông đem quà qua cầu gặp ông, một điều từ trước tới nay chưa hề có.

Cô con gái lớn khoảng hai mươi lăm tuổi, thấy bố gầy ốm tiều tụy như một tên ăn mày ốm đói, không nén được xúc động òa khóc. Ông Trung quay mặt chỗ khác, đưa tay vỗ vỗ vào đầu con gái: "Đừng khóc, bố chưa chết đâu!". Cán thăm nuôi đứng bên dằn giọng:

- Này, nếu chị cứ tiếp tục biểu lộ tình cảm ủy mị thế này tôi sẽ cắt thăm gặp đấy!

- Cắt thì cắt khỏi cần! Các ông nỡ hành hạ bố tôi thế này! Bố ơi, người ta hành hạ tàn ác với bố lắm phải không?

Cán thăm nuôi đẩy cô gái ra và lệnh cho hai tù đẩy xe cải tiến:

- Đưa lão ta về!

Cô gái sấn lại ôm ông bố. Ông Trung thấy cay cay nơi mắt. Hình như có hai giọt nước mắt lăn nhanh trên má ông.

Việc ông Trung được thăm không được nuôi đồn ẩm khắp trại. Bỗng dưng ông trở thành người hùng... cô đơn. Người ta xầm xì, người ta bàn tán, người ta thêu dệt đủ thứ chuyện quanh việc ông Trung được thăm nhưng không được nuôi và cô con gái ông "đã chửi như tát nước vào mặt cán" v. v...

Thế rồi tất cả lại chìm vào im lặng quên lãng. Chỉ riêng ông Trung không quên, ông bị bệnh đói hành hạ ngày một gia tăng. Giữa lúc cái chết đang đe dọa cất cái sinh mạng ông thì ông được gọi tên tha về. Thật bất ngờ, quá bất ngờ. Cả trại ầm ĩ xôn xao bàn tán. Nhất định ông Trung mừng rồi. Nhưng khi người ta báo ông sửa soạn ra về thì ông từ chối, xin ở lại trại chờ con lên đón, vì ông không lết nổi từ trại ra quốc lộ hơn hai mươi cây số. Trước cái sự yêu sách này đến bọn cán bộ cũng lấy làm lạ lùng, chứ không phải riêng anh em tù. Và họ đành… chiều ông. Hơn một tháng sau con trai ông mới lên đón ông vì còn phải... xoay tiền xe. Trong thời gian chờ đợi, ông Trung "thủ" rất kỷ, không "quan hệ linh tinh" và "không nghe không nói không biết" vì "lỡ ra nó rình mò theo dõi rồi trở mặt đổi ý không cho mình về nữa thì sao!". Sau này về nhà ông tâm sự với bạn bè như vậy.

Ngày về, ông Trung lết từ trại lên cơ quan Trung tâm làm giấy tờ. Xong, ông vẫn tiếp tục lết, cách xa trại khoảng năm trăm mét, mới nói với con trai:

- Con đi trước đi.

- Thế còn bố?

- Bố nghỉ mệt chút rồi bố đi.

Cậu con không chịu muốn đợi bố, ông phải gắt nó mới cất bước. Đi khoảng trăm thước nó quay lại nhìn và ngạc nhiên biết bao khi thấy ông bố mình đi nhanh như... chạy. Nó ngừng bước chờ bố và cũng là để tỏ lộ sự mừng rỡ, thì ông hất tay ra hiệu đi mau lên và gắt:

- Đi lẹ lên con, không nó bắt lại bỏ bố bây giờ.

Thì ra ông Trung đã đóng vai liệt cả mấy năm trời. Đúng là ở xã hội Cộng sản nhất lý nhì lỳ. Nhưng cái sự lỳ của ông Trung tới đây chưa dứt. Về ngoài đời ông tiếp tục lỳ.

Sau một tháng dong chơi và bồi dưỡng, ông Trung bắt đầu một toan tính mới. Ông viết thư cho Chủ tịch Nhà Nước Cộng sản xin xuất cảnh. Lúc này chưa có chương trình H.O. Mỗi tháng gửi một thư, cứ thế kéo dài cả năm vẫn biền việc không một tiếng vang. Ông Trung không nản. Một hôm, công an khu vực tới nhà tìm gặp ông. Câu đầu tiên hắn mở miệng là mắng ông liền:

- Anh phải biết tôn trọng pháp luật Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa chứ!

Ông Trung ngẩn người không hiểu hắn mắng mình về cái gì, ông cãi:

- Tôi có làm gì phạm pháp đâu mà tôn trọng với chẳng tôn trọng.

- Lại còn cãi! Thế tôi hỏi anh có phải anh gửi thư cho Chủ tịch Nước phải không? Ai cho phép anh làm việc này?

- Ơ hay nhỉ, là công dân tôi có quyền gửi thư cho bất cứ người nào bất kể lớn nhỏ theo đúng Hiến pháp quy định.

Thực ra ông Trung chẳng biết Hiến pháp có quy định việc công dân được quyền trực tiếp gửi thư cho Chủ tịch Nước không, nhưng ông biết bọn này dốt cứ mang Hiến pháp ra trộ. Quả đúng như ý ông Trung. Nghe nói tới Hiến pháp, gã công an lúng túng:

- Thì Tôi đồng ý với anh như thế, nhưng muốn gửi thư cho Chủ tịch Nước anh phải gửi theo "hệ thống quân giai" đàng hoàng, chứ bộ muốn gửi là cứ gửi đại à!

- Gửi thế nào là gửi theo "hệ thống quân giai"?

- Tức là anh phải gửi thư tới Phường, nhờ Phường chuyển lên Quận, Quận chuyển lên Tỉnh, cứ thế theo từng cấp chuyển về Trung ương. Đến Trung ương người ta còn phải xét xem thư có đàng hoàng hợp lệ không mới trình Chủ tịch Nước. Thế mà anh bố láo tự ý gửi... Này, cầm lấy. Lần sau mà còn làm như vậy là không được đâu.

Nói xong, gã đưa cho ông một phong thư và bỏ đi luôn.

Ông Trung nhìn phong bì thư. Thì ra thư của văn phòng Chủ tịch Nước gửi ông. Nội dung đại ý là nếu nước nào chấp thuận ông tái định cư thì Nhà Nước sẵn sàng cho ông đi. Ông Trung miễn mỉm cười. Thế là với một ngón võ lỳ ông đoạt thêm một thắng lợi.

Bây giờ bước sang giai đoạn tiếp. Ông viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao một nước vùng Bắc Mỹ. Vẫn đều đặn mỗi tháng một thư. Ông trình bầy hoàn cảnh của mình và bầy tỏ lòng yêu đất nước này từ lâu "nên rất hân hạnh và sung sướng được tái định cư tại quý quốc". Ba tháng sau ông nhận thư trả lời. Ông Bộ trưởng Ngoại giao cảm ơn cảm tình nồng hậu của ông Trung dành cho đất nước ông nhưng rất tiếc ông không thể giúp gì hơn, vì Hiến pháp nước ông không có điều khoản nào ấn định việc nhập và định cư như trường hợp ông Trung cả.

Không nản chí, ông Trung gửi tiếp thư cho Thủ tướng nước này và cũng được trả lời như vậy. Mặc, ông cứ gửi. Một năm liền. Trời đã không phụ lòng ông. "Trước sự thiết tha nồng nhiệt yêu quý đất nước chúng tôi của ông, chúng tôi rất xúc động. Vậy xin thông báo ông biết, chúng tôi đã gửi văn thư sang Quốc hội để yêu cầu cứu xét, và hy vọng nơi này sẽ là một sắc luật đặc biệt về trường hợp ông...". Thư Của Thủ tướng nước mà ông Trung muốn định cư viết trả lời. Và bây giờ thì ông yên tâm chờ.

Chín tháng sau ông Trung cùng vợ con đáp máy bay tới vùng đất mới, quê hương thứ hai của ông.

Nếu tình cờ đọc câu chuyện này chắc ông Trung ở phương trời xa kia đang tủm tỉm cười...

Thanh Thương Hoàng
(1999)