Nỗi Cô Đơn Của Ngài Tổng Thống
Tại Thủ đô Saigon cũng như khắp các Tỉnh, Thành phố miền Nam trong những ngày tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975, tất cả mọi người đều sống trong lo âu phập phồng hoang mang sợ hãi đến tột độ. Những tin tức bất lợi do các đài phát thanh ngoại quốc loan báo càng khiến người ta lún sâu vào con đường tuyệt vọng. Người ta bỏ hết công ăn việc làm. Người ta xôn xao bàn tán về những tin đồn. Các cấp quân cán chính không ai còn tinh thần làm việc nữa, chỉ tính cách tìm đường thoát thân ra ngoại quốc. Nhất là với bọn nhà giầu phất lên nhờ cuộc chiến tranh này. Chưa bao giờ tinh thần chủ bại thảm hại đến như thế phủ trùm lên khắp miền Nam. Còn trong Dinh Độc Lập, nơi đầu não của cả guồng máy điều hành quốc gia, nơi nắm vận mệnh đất nước và sinh mệnh mấy chục triệu con người dân cũng như quân?
Đêm đã vào khuya, rất khuya. Ngài tổng thống đứng bên cửa sổ phía mặt tiền Dinh Độc Lập. Con đường Thống Nhất rộng trải dài tới Sở thú hun hút im lìm như một con đường chết trong giờ giới nghiêm. Chưa bao giờ ngài tổng thống thấy lòng mình trống trải và buồn thảm chán nản mệt mỏi đến thế. Bây giờ ngài mới thấy mình thực sự là kẻ cô đơn, có lẽ cô đơn nhất nước. Chỉ cách đây mấy năm thôi cũng trên con đường này ngài đã sống những ngày tháng vinh quang huy hoàng nhất trong đời mình. Ngày quốc khánh trên khán đài danh dự, ngài đứng nhìn từng đoàn hùng binh của các binh chủng rầm rập diễn hành qua khán đài với khí thế uy nghi ngút trời, oai phong lẫm liệt. Nghe những tiếng vỗ tay và reo hò hân hoan của dân chúng đứng tràn đầy hai bên lề đường, lòng ngài tổng thống dâng lên một niềm sung sướng hãnh diện. Ngài đang làm lịch sử. Ngài đang dẫn dắt dân tộc bước lên con đường vinh quang tự do no ấm. Tổ quốc và sinh mệnh của cả dân tộc đang nằm trong tay ngài. Và không chỉ riêng ngài mà toàn dân toàn quân thời điểm đó cũng nức lòng, cũng hân hoan rộn ràng tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của đất nước. Họ vỗ tay như sấm dậy chào đón đoàn quân đang hùng dũng cất bước trên đại lộ kia. Họ hãnh diện, họ tin tưởng gần như tuyệt đối vào những người con thân yêu của tổ quốc. Ngài tổng thống cũng vậy. Tuy bề ngoài ngài giữ sắc mặt nghiêm trang với chút lạnh lùng nhưng trong lòng ngài trái tim đang đập mạnh theo từng bước quân hành. Ngài không dấu được sự hãnh diện: nhân dân, đất nước và cả lịch sử dân tộc đang nằm trong sự chỉ đạo của ngài. Đây là thời gian, là cơ hội để ngài trở thành anh hùng dân tộc, bước vào cửa lớn lịch sử. Rồi mai này sử sách sẽ ghi tên ngài với những nét vàng son chói lọi. Môi ngài suýt nở nụ cười. Một mảng dĩ vãng chợt thoáng hiện khi ngài còn là tư lệnh một đơn vị quân đội ngồi nơi khán đài danh dự, chỗ giành cho các sĩ quan cao cấp, ngài mong ước một ngày nào đó mình cũng sẽ đứng trên chiếc xe díp sơn bóng láng duyệt qua những toán quân danh dự như vị tổng thống oai nghiêm lẫm liệt kia. Thế rồi... Ngài tổng thống thở dài ngước nhìn bầu trời thăm thẳm mờ mịt, mãi nơi cuối chân trời mới có một vài vì sao lẻ loi vàng vọt, lấp lánh một cách yếu ớt buồn tẻ. Ngài lại nhìn xuống đoạn đường Thống Nhất trống vắng một cách lạ lùng. Con đường rộng chạy dài từ Thảo cầm viên tới cổng Dinh Độc Lập, ngài tổng thống bây giờ mới "nhìn ra" như một cái gươm hay một mũi tên đâm thẳng vào giữa Dinh. Ngài tổng thống bỗng rùng mình. Mấy năm trở lại đây ngài tin một cách lạ lùng vào tử vi lý số, đôi khi đi tới dị đoan mê tín. Ngài luôn hỏi ý kiến một ông thầy tướng số địa lý nổi tiếng thời đó mỗi khi cần có quyết định quan trọng. Khi mới nhậm chức, ngài đã nghe theo thầy tướng số địa lý cho xây sửa lại hồ con rùa để "chận cái đuôi rồng khỏi quẫy", tức là để ngôi tổng thống của ngài không bị "thiên hạ" làm đảo chánh lật đổ. (Trong dân gian thời đó nói là theo "mạch đất", đầu con rồng nằm ở Dinh Độc Lập, còn đuôi con rồng ở hồ con rùa. Vì tổng thống Ngô Đình Diệm không chịu làm phép trấn ếm nên cái đuôi con rồng quẫy làm ngài bị lật đổ và sát hại). Có lần, trong một buổi họp đại hội lưỡng viện Quốc hội tại trụ sở Thượng nghị viện, theo chương trình khai mạc đúng 10 giờ, quan khách lớn trong ngoài nước đã tề tựu đông đủ nhưng chờ mãi tới 11 giờ ngài tổng thống mới tới, lại không thông báo, làm cả hội trường nhốn nháo hẳn lên. Nhất là bọn báo chí nước ngoài thi nhau bàn tán nêu ra biết bao giả thiết rồi vểnh tai nghe ngóng, nhóng mắt chờ đợi một cái gì không tốt đẹp sắp xẩy ra. Bọn này chẳng khác gì bầy kên kên chỉ chờ con mồi bị hạ là xúm lại xâu xé. Họ có biết đâu ông thầy tướng số bấm đốt ngón tay bói dịch rồi "phán": nếu tổng thống khởi hành vào lúc 10 giờ là giờ sát chủ, nên tránh!
Người ta còn kể rằng vào những năm cực thịnh của ngài tổng thống (khoảng cuối thập niên 60) ngài mời một phái đoàn ký giả của tờ tuần báo ảnh lớn nhất nước Pháp - Paris Match - sang Saigon để làm một thiên phóng sự dài (gồm chụp ảnh, quay phim, viết bài) về những sinh hoạt đời thường riêng tư cũng như đời công của vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. (Tất nhiên ngài tổng thống phải bỏ tiền ra thuê bao họ tất cả mọi thứ). Phái đoàn đông cả chục người, trong số có hai nữ phóng viên trẻ. Họ thường xuyên có mặt trong Dinh Độc Lập để theo dõi rồi chụp ảnh quay phim và viết về những hoạt động thường ngày của tổng thống, từ trong giờ làm việc nơi bàn giấy, tiếp khách, tới hết giờ nghỉ ngơi giải trí. Họ bám sát ngài cả ngày đêm để cho thiên phóng sự được sống động, phong phú. Họ mải miết làm việc, hết trong Dinh Độc Lập ra tới ngoài thành phố Saigon. Tổng thống vốn là người sau sự đam mê quyền lực là ham mê câu cá. Cũng như ông phó của ngài, ngoài ham mê hưởng thụ rượu chè cờ bạc là chơi chọi gà. Một buổi sáng đẹp trời ngày chủ nhật, ngài tổng thống cùng phái đoàn ký giả Pháp đi ra biển câu cá. Ngài dùng tầu chiến Hải quân để ra ngoài khơi. Tầu chiến thuộc loại nhỏ nên khi phóng ra xa bị sóng biển nhồi lên nhồi xuống làm hai cô nữ ký giả Pháp, vì không quen đi biển, chịu không nổi nôn mửa ra cả quần áo và nằm lăn trên sàn tầu. Một sĩ quan an ninh phải bồng bế hai nàng vào trong một cái buồng nhỏ sơ sài trống trải, thay hai bộ đồ nhà binh cho hai nàng. Viên sĩ quan này thật bất ngờ khi nghe hai nàng giận dữ lớn tiếng rủa sả: "tổng thống của các anh là đồ man rợ". Liền đó họ đòi vào ngay đất liền. Tổng thống nghe "báo cáo" (tất nhiên viên sỹ quan không dám nói lại lời rủa sả) liền ra lệnh cho một tầu chiến hải quân khác đưa hai nàng vào bờ, còn ngài vẫn thản nhiên tiếp tục ngồi câu cá tới chiều tối. (Hai cô ký giả Pháp dám "mắng" tổng thống như vậy, dù là mắng sau lưng, có lẽ vì ngài cứ tỉnh bơ không thèm hỏi han quan tâm tới hai nàng, tức không chịu "ga lăng" mà phụ nữ Pháp vốn ưa thích và quen được thế). Sau buổi câu cá trở về Saigon, phái đoàn ký giả tuần báo Paris Match do áp lực của hai nữ ký giả, đã bỏ luôn việc làm thiên phóng sự mới được nửa phần và trở về Pháp ngay. Thế là dân Việt Nam mất một tài liệu sống về một mảng đời của ngài tổng thống nền đệ nhị cộng hòa! Cũng trong buổi câu cá này một viên chức có mặt kể lại rằng ngài tổng thống muốn biểu diễn tài nghệ câu cá "siêu" của mình cho bọn báo chí Pháp phục, nhưng ngồi thả câu cả giờ mà chẳng có con cá nào bơi qua đớp mồi. Máu mê tín dị đoan của ngài bỗng nổi lên (hay là lớp lang của một màn kịch đã soạn sẵn?). Ngài cất tiếng nói lớn: "Này tướng Nguyễn Viết Thanh sống khôn thác thiêng cho tổng thống một con cá đi". Sau khi ngài dứt lời khoảng ba phút, ngài giật cần câu lên với một con cá lớn khiến các sỹ quan tùy tùng phải xúm lại giúp ngài đưa con cá lên tầu. Mọi người ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi. Nhất là mấy ký giả Pháp cứ trố mắt ra nhìn. Ngài tổng thống tủm tỉm cười đắc thế. Sau này có kẻ đa sự nói là ngài cho người nhái bí mật ôm một con cá nhẩy xuống biển móc vào lưỡi câu của ngài. Lại có dư luận khác bàn tán là tổng thống muốn bầy trò bắt chước vua Lê Thái Tổ ngày trước cùng các quan văn võ trong một buổi nhàn hạ bơi thuyền rồng du ngoạn trên cái hồ lớn giữa thành Thăng Long và thần Rùa đã từ đáy hồ ngoi lên mặt nước bơi theo thuyền rồng. Nhà vua lấy cây kiếm, đang cầm nơi tay, gạt thần Rùa ra, bị thần Rùa ngoạm lấy cây kiếm rồi lặn xuống nước luôn. Câu chuyện này được loan truyền để nhà vua chứng tỏ cho khắp bàn dân thiên hạ biết là điềm trời báo từ nay về sau, dưới sự trị vì của ngài, đất nước an huởng thái bình thịnh trị, không còn chinh chiến khỏi cần tới khí giới nữa nên thần Rùa đã thu gươm về. Và vì vậy nhà vua mới đặt tên cho hồ này là hồ Hoàn Kiếm. Còn ngài tổng thống ngày nay gọi hồn người chết (lại là một vị tướng tài ba chết vào giờ thiêng thành thần) phù trợ, khiến ngài "câu" được thiên hạ (tượng trưng qua con cá) và đồng thời cũng là để "nói" cho mọi người biết đấng tối cao đã giúp ngài "trị vì thiên hạ". Tổng thống vốn xuất thân là quân nhân, đi từ cấp nhỏ lên cấp tướng, nên ngài quen coi tất cả mọi người đều là lính dưới quyền sai khiến của mình. Nhất là khi ngài lên "ngôi" tổng thống. Từ trước tới nay, từ thời vua chúa phong kiến đến các nhà lãnh tụ tự phong hoặc được dân chúng bầu lên, đều mắc chung một chứng bệnh mãn tính tệ hại, đó là: "mục hạ vô nhân" (dưới mắt không có ai, tức chẳng coi ai ra gì). Ngài tổng thống của chúng ta (và hầu như đa số các vị nguyên thủ khác) lại còn mắc thêm chứng bệnh nữa là ưa nịnh hót tâng bốc (thời đó người ta gọi là "nâng bi"). Thích dùng những tên tay sai, dù vô tài, dễ bảo hơn dùng người tài năng đức độ nghĩa khí và thiện chí. Nên khi ngài cho những gã "gia nô" này nghỉ việc là họ quay ra chống phá ngài liền. Mắt ngài tổng thống lướt nhanh từ phía cổng Thảo cầm viên mờ tối và dừng lại trước ngôi giáo đường đồ sộ. Nóc ngôi giáo đường nhọn hoắt vươn cao sừng sững trong đêm, chập chờn lung linh như ẩn như hiện sự huyền bí mầu nhiệm và chao ôi, "nó" như một ngọn giáo đâm thẳng lên trời. Tổng thống rùng mình, ngài không dám nghĩ xa hơn nữa. Tổng thống tuy là người tân tòng nhưng ngài tin nơi Chúa và rất chăm lễ. Ông bà, cha mẹ ngài theo truyền thống dân tộc thờ tổ tiên. Lúc bấy giờ có dư luận ngài theo đạo vì muốn lấy lòng tin nơi ngài tổng thống đương nhiệm tạo cơ hội leo cao địa vị. Dư luận khác lại cho rằng bà vợ ngài buộc ngài phải theo đạo của bà trước khi làm lễ cưới. Có lẽ vì những nguyên do trên, ngài bị các nhà lãnh đạo một tôn giáo lớn khác chống phá kịch liệt từ lúc ngài lên cầm quyền cho tới lúc ngài từ chức tháng Tư năm 1975. Bất giác khuôn mặt của một vài vị linh mục hiện ra trước mặt ngài. Những linh mục này trước đó ẩn mình trong giáo đường ít người biết tới, tất nhiên trừ con chiên họ đạo. Thế mà một sớm một chiều họ bất thần ra khỏi nhà thờ, xuất hiện trước đám đông khua chuông trống ầm ĩ và to tiếng giảng thuyết cũng như vận động quần chúng, họp báo tố cáo tổng thống tham nhũng đòi trất phế. Tổng thống khẽ nhếch môi cười chua chát. Ngài chẳng có thù hiềm gì các linh mục này, nếu không nói là đã ban phát cho họ khá nhiều ân huệ. Mới ngày nào họ xin gặp ngài để không tiếc lời ca tụng - tiếng bình dân trong dân gian gọi là "bốc thơm" - ngài tổng thống anh minh. Bây giờ họ in cả một cuốn "hắc thư" phổ biến rộng rãi kể tội tổng thống và gia đình, họ hàng quyến thuộc. Mật báo cho ngài biết là những tài liệu này do bọn CIA cung cấp nên mới có thể biết rõ những việc riêng tư của ngài như có mấy căn nhà, đất đai, khai khẩn đồn điền này nọ…nhằm bôi bẩn ngài thực hiện âm mưu lật đổ, để phe thứ ba lên nắm chính quyền ngõ hầu dễ dàng thương thuyết với cộng sản. Vì ngài chủ trương bốn không, tức không đội trời chung với cộng sản (ngài đâu ngờ chính ngài lại trở thành "nạn nhân" của chính ngài, của bốn không và bây giờ ngài sắp trở thành con người bốn không). Nếu bây giờ cho lệnh bắt giam những linh mục gây loạn này - như ngài đã từng làm với vụ Phật giáo đem Phật xuống đường trước đây - thì sẽ bị dư luận trong và cả ngoài nước la toáng lên rồi kết án đàn áp tôn giáo. Bọn báo chí ngoại quốc, nhất là bọn truyền hình Mỹ, lúc nào chúng cũng rình rập, cũng sẵn sàng to mồm la lối xuyên tạc, phá thối. Và biết đâu tấn trò hạ sát vị tổng thống tiền nhiệm lại chẳng tái diễn với ngài? Còn không trừng trị thì họ ngày càng làm lộng coi thường pháp luật, phá rối an ninh trật tự tạo sự hoang mang xáo động lòng người. Ngài tổng thống lâm vào nước bí. Ngài họp bộ tham mưu tối cao, một thứ siêu nội các, bàn tính phương sách đối phó. Nhưng ngài thất vọng biết bao khi những người mà ngài coi là cánh tay mặt của mình chỉ toàn bàn ra hoặc ngồi im thin thít hoặc nói xuôi theo ngài. Theo những báo cáo mật cho ngài biết trong số này đã có người "đi đêm" với tướng Dương văn Minh để hòng kiếm chác ghế ngồi trong chính phủ thuộc thành phần thứ ba. Nghĩ tới viên tướng "to đầu" này lòng ngài sôi lên một niềm phẫn nộ. Mấy năm trước, khi bị trục xuất lưu vong nơi nước ngoài, ngài ra lệnh cho Tòa đại sứ ở Thái Lan hàng tháng cung cấp cho ông ta tám trăm đô. Ông ta nhiều lần nhờ người vận động với ngài để xin về nước sống. Và chính ông ta đã viết thư riêng cho ngài gần như năn nỉ và cam kết khi về nước sẽ sống một cuộc đời bình thường dân dã, từ bỏ hẳn chính trường cũng như những tham vọng quyền lực. Nghĩ tình chiến hữu đàn anh và là người đã cất nhắc phong tướng cho ngài năm 1963 sau khi lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm, ngài bằng lòng cho ông ta về nước sống.Và chính ông ta đã đích thân vào Dinh Độc Lập gặp ngài để nói lời cám ơn. Nhưng ngài đã lầm, đã tính sai nước cờ. Xưa nay ngài vốn có tính đa nghi không tin bất cứ một ai, kể cả người thân trong gia đình. Vì tính đa nghi này nên ngài không có bạn bè. Theo ngài, làm chính trị không có bạn, không khoan nhượng. Lịch sử khắp cõi nhân gian từ trước tới nay các vua chúa, các nhà lãnh đạo, các nhà làm chính trị thường bị giết chết bởi những người bạn tin cẩn thân thiết nhất của mình. Thế mà lần này ngài lại tạo thêm một lưỡi gươm nữa cho những kẻ âm mưu lật đổ ngài. Viên tướng "to đầu" này khi trước đem quân đi đánh Bình Xuyên, theo tài liệu báo cáo của các đơn vị trưởng tham gia trận đánh trình lên vị tổng thống tiền nhiệm, đã vì tiền bạc của bọn họ bỏ lại khiến lòng tham trỗi dậy, giở trò chiếm đoạt làm của riêng nên bị tổng thống truất hết binh quyền, cho ngồi chơi sơi nước với hư vị cố vấn quân sự. Ông ta nuôi sự căm giận tổng thống Diệm từ đó và quyết chí phục hận. Thực ra ông tướng "to đầu" này về tài năng quân sự chẳng có gì đặc biệt, thuộc loại sống lâu lên lão làng. Không trí, không dũng lại không cả mưu. Về thủ thuật chính trị càng là con số không. Ông ta thực sự chỉ là một phỗng đá bị đám đàn em vây quanh - toàn những kẻ chuyên bợ đỡ chạy cờ hiệu, bất mãn vì không được chia phần bổng lộc cũng như ghế ngồi trong chính quyền - tung hô thổi phồng ông lên để hy vọng có cơ may kiếm chác danh lợi địa vị. Cái bả vinh hoa phú quý - núp dưới danh nghĩa cao quý phục vụ quốc gia dân tộc - đã làm họ mờ mắt. Chính bọn này mới là chính danh thủ phạm trong việc âm mưu tìm đủ mọi cách để thay đổi, lật đổ tổng thống. Ngài đang miên man quay cuồng với dĩ vãng với hiện tại bỗng giật mình khi nghe tiếng nói: "Đêm khuya quá rồi, ông đi nghỉ đi". Thì ra là bà vợ tổng thống. Bà tới bên ngài lúc nào không hay. Ngài đưa tay quàng qua vai bà bước về phòng ngủ. "Thì ra bà cũng không ngủ được?". Ngài tổng thống nói với vợ. "Ông còn thức làm sao tôi có thể nằm yên, nhất là trong thời điểm này". Bà đáp. Trên cõi đời đầy gian manh sảo trá lật lọng bất nhân bất nghĩa, giờ phút này ngài mới nhận thấy chỉ còn có bà vợ là người duy nhất ngài tin tưởng. Ngài có thể mở cả ruột gan cho bà biết mà không sợ phản bội. Ngài ân hận đã nhiều lần không chịu nghe theo " ý kiến" của bà. Giờ đây ngài muốn nói với bà những lời thật âu yếm: "Bà là người vợ hiền vô cùng quý báu. Tôi rất sung sướng hãnh diện có một người vợ như bà, vẹn toàn cả đức lẫn hạnh. Lão thầy tướng đã nói đúng: bà có tướng vượng phu ích tử, có tướng đại mệnh phụ phu nhân". Nhưng không biết nghĩ sao ngài lại không nói. Có lẽ bản tính ngài vậy. Ngài chỉ hôn nhẹ lên mái tóc bà thoang thoảng mùi nước hoa thơm mát quý phái mà ngài vẫn ưa thích. Trong lúc tâm trạng rối bời con người dễ trở nên yếu đuối, ngài tổng thống cũng như những người đàn ông khác từ xưa tới nay trên cõi đời này, có vẻ ân hận về những cuộc ngoại tình của mình đã làm buồn phiền và gây tức giận bi phẫn cho bà vợ. Bây giờ trong lúc cô đơn như thế này, ngài tổng thống mới thấy "thương" và quý bà hơn lúc nào hết.
Thời gian trôi nhanh, thời cuộc biến chuyển dồn dập. Ngài tổng thống vốn là người trầm tĩnh cũng thấy lòng mình xôn xao dấy động bất an, nhất là cái chết thê thảm của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm (mà bàn tay ngài có dính máu) ít ngày nay cứ luôn hiện về ám ảnh ngài. Những lo toan quốc gia đại sự, ngài chỉ có thể san sẻ được với vài người họ hàng thân tín, còn tất cả đối với ngài bây giờ đều là nguy hiểm, nếu không đi đêm với cộng sản thì cũng bầy trò lập tổ chức chống đối hoặc xin làm tay sai cho Mỹ. Và nhất là đối với bọn Mỹ. Lão cáo già Nixon trước đó ít ngày còn gửi thư tay cam kết danh dự với ngài quyết gắn bó và bảo vệ miền Nam tới cùng. Thế mà chỉ ít ngày sau lão ta trở giọng liền, đem cái chết của vị tổng thống tiền nhiệm ra dọa dẫm làm áp lực ngài. Còn lão "đại gian hùng" Kít Sinh Giơ với những lời lẽ hỗn sược khiến ngài tức giận đến cực độ mà vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Bất giác ngài thở dài nhớ tới câu nói của mình, dựa vào câu nói của người xưa, ngài sửa lại và đã đi vào lịch sử là: "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm". Nếu bây giờ có cơ hội nói lại, ngài sẽ nói là: "Đừng nghe những gì bọn trùm đế quốc nói…". Nếu bây giờ ngài đem những lá thư này, những sự việc này ra công bố cho toàn thể nhân dân biết sự phản bội của người bạn đồng minh chí cốt, để kêu gọi và kích thích lòng tự ái, khơi dậy lòng yêu nước của mọi người, ngài tin tất cả sẽ sôi lên sùng sục và đồng tâm nhất trí một lòng cùng ngài quyết chiến đấu tới cùng với bọn cộng sản và có thể cả bọn "đế quốc Mỹ" nữa. Nhưng thật đau lòng khi súng ống đạn dược nhiên liệu và cả tiền bạc (cam kết viện trợ từ trước) đã bị người bạn đồng minh quý hóa cắt hoặc giở trò hạn chế tối đa. Lại nữa, cũng rất có thể vì sự công bố những sự thật này, bọn "chuyên viên" đối lập, bọn chính khách xôi thịt, bọn bất mãn kinh niên sẽ lợi dụng cơ hội xúm lại làm thịt ngài với sự khuyến khích tiếp tay của người đồng minh khổng lồ. Ngài biết bọn họ đã liên kết với nhau quyết hạ ngài bằng được. Có những tên tiểu tốt vô danh chỉ có mỗi tài xách cặp theo hầu và nịnh các sếp, nhờ cơ hội ngài cho nắm giữ một vài phần việc quốc gia, nghe ngóng tình hình thấy gió đang soay chiều bèn giở trò âm mưu đảo chánh ngài, thật hết chỗ nói! Rồi một số bọn nhà báo Việt xưa nay vốn ngoan ngoãn chuyên "chạy" cửa sau xin áp phe, xin bông giấy để bán chợ đen cho bọn ba tầu, giờ cũng hùa theo đám báo chí ngoại quốc loan tin giật gân đồn nhảm. Họ loan tin nào là từng đàn sâu rầy lạ hoắc chưa từng thấy bay rợp trời nơi quê nhà tổng thống, hủy hoại hết hoa mầu. Nào ngôi mộ cụ tổ tổng thống xây cất vững chắc bỗng dưng bị nứt đôi. Nào hai tảng đá lớn giống hình cái bút và thanh gươm (biểu tượng ngôi "đất"phát về đế vương, quyền uy, đứng đầu văn võ bá quan) đứng bên nhau nơi phía ngoài đầu làng có từ cả trăm năm giờ bỗng bị sét đánh gẫy. Có nhiều anh lại còn viết bài ca ngợi bốc thơm lão tướng "to đầu". Và theo sự xúi dục của bọn cộng sản nằm vùng, của bọn chính khách đối lập, của bọn thành phần thứ ba, của bọn bất mãn, họ rầm rộ tổ chức một buổi xuống đường gọi là "ngày ký giả đi ăn mày". Buồn cười nhất là mấy anh chính khách sa lông suốt đời ôm ấp giấc mộng ngồi vào chiếc ghế thủ tướng hay bộ trưởng để có dịp vênh váo với đời, với họ hàng bà con - nhất là tiền bạc với nhà cao cửa rộng - cứ chạy như cờ lông công và suốt ngày đêm chầu chực hết nhà chùa tới nhà thờ để "lạy thầy, lạy cha". Chính bọn này trước đây đã nhiều phen xin gặp ngài để "trình bầy" quốc kế dân sinh. Không được ngài nghe theo bèn quay ra diễn trò đối lập, viết báo chỉ trích bươi móc nói xấu, xuyên tạc. Ngài quên sao được, mới đây thôi, một gã có bằng cấp tiến sĩ nước ngoài về, tìm đủ mọi cách vận động xin gặp bằng được ngài để trình bầy sách lược kinh tế. Ngài đã biết rõ "thành tích" lưu manh bất hảo của gã hoạt đầu chính trị này nhưng rồi sau mười mấy lần tiếp xúc, không hiểu sao ngài lại mềm lòng, bị gã mê hoặc (?) giao cho một chức vụ quan trọng trong chính phủ để hắn kéo theo mấy tay cộng sản nằm vùng vào nắm giữ chức vụ bộ trưởng. Người ta đồn sau một thời gian cố gắng vùng vẫy "còn nước còn tát" như tập hợp tàn quân, cử sứ giả sang Mỹ cầu cạnh, ngài tổng thống thấy mình đã đi vào còn đường bế tắc hết phương cứu vãn nên ngài buông xuôi mặc cho thế sự soay vần, thời cuộc đưa đẩy. Bây giờ cái sự "lỳ" nổi tiếng đã trở lại với ngài. Nhất là sau cái vụ ngài chơi ván bài liều "tháu cáy" bọn Mỹ cho lệnh rút quân bỏ vùng Cao nguyên. Ngài đâu ngờ lại mắc đúng vào bẫy của bọn họ. Trong khi ấy nước lũ lụt đang tràn vào sắp ngập sân dinh Độc Lập mà một số bọn chính khách sa lông, bọn đầu cơ chính trị vẫn lăn sả vào ngài nịnh hót tâng bốc, hòng vớt vát kiếm chút quyền hành địa vị mà họ thừa biết là đã tới buổi chợ chiều, tấn kịch nền đệ nhị cộng hòa sắp hạ màn và số phận chính vị nguyên thủ quốc gia cũng tới ngày chấm dứt! Trong đám này lại có những tay thuộc loại đại trí thức đã ngồi chiếu trên trong guồng máy thượng tầng quốc gia bao năm trời. Khi tại chức thì khệnh khạng đóng vai người trí thức quân tử, một lòng vì quốc gia dân tộc chống bọn cộng sản xâm lăng tới cùng. Tới lúc bị mất chức bèn quay ngoắt 180 độ, đóng trò đối lập chính quyền và đưa ngay bàn tay cùi lở van vái với bọn cộng sản qua trung gian móc ngoặc của những thầy tu. Ngài tổng thống thấy tởm lợm về cái bọn đầu cơ chính trị này. Trong lòng ngài bây giờ lúc nào cũng như lửa cháy. Ngài không thể ngồi yên trong Dinh. Ngài không thể chịu bó tay để "bọn chúng nó" muốn làm gì thì làm. Nhưng lệnh của ngài ban ra đâu còn hiệu lực, nhất là sau khi miền Cao nguyên thất thủ, quân lính tan hàng bỏ ngũ, dân chúng hoang mang hoảng hốt sợ hãi tột cùng. Thêm vào đó các tướng lãnh, mà ngài tin tưởng rất nhiều ở họ, đều tìm cách lánh mặt ngài và đang kiếm cớ tìm đường tháo chạy ra ngoại quốc một cách chính danh. Cũng có một vài "cận thần" tỏ lòng trung với ngài nhưng họ lại không có quân có lính. Nặng nề nguy hiểm hơn cả là bọn Mỹ nơi phía Tòa đại sứ luôn thúc dục đòi hỏi ngài tỏ một "cử chỉ can trường yêu nước" là từ chức tổng thống. Họ bảo đảm an nính cho ngài khi rời khỏi Dinh Độc lập ra nước ngoài. Sau khi bay thị sát các mặt trận, với những báo cáo quá thảm hại, thấy tận mắt nghe tận tai, ngài tổng thống đã tuyệt vọng càng thêm tuyệt vọng, hết luôn hy vọng về bài bản "còn nước còn tát". Vì nước đã cạn hết rồi, giờ đây chỉ còn trơ một con cá đang cố quậy cọ cái đuôi trên đống bùn lầy. Đau đớn thay con cá ấy lại chính là ngài. Bản chất "lỳ" trong ngài phút chốc tiêu tan. Đáp trực thăng về tới Saigon ngài nhận được một bức điện tối mật và tiếp theo là một cú điện thoại tối khẩn. Mặt ngài tái hẳn đi. Thế là ngài tổng thống của nền đệ nhị nước Việt Nam Cộng Hoà đi đến quyết định. Một quyết định quan trọng và vô cùng thê thảm tăm tối cho cả miền Nam Việt Nam mấy chục năm sau. Liền đó ngài bàn bạc thu xếp để ông tướng làm thủ tướng lâu năm nhất trong nền đệ nhị cộng hòa từ chức và "bố trí" một nhân vật khả tín chân chất người miền Nam (mà ngài tin là không phản bội ngài) vào chức vụ trọng yếu này để ngài có thể "ra đi" một cách an toàn. Rồi ngài cho vợ con và tài sản chất lên phi cơ bay ra nước ngoài trước. Mấy ngày sau, vào buổi tối, ngài tổng thống triệu tập các viên chức chính phủ và các nghị sĩ dân biểu lại trong phòng hội Dinh Độc Lập. Số người tham dự không đông đủ (vì có nhiều người vắng mặt hoặc đã chuồn ra nước ngoài hoặc còn đang bận đi móc ngoặc với "người anh em bên kia" để xin tí chức tí quyền).
Ngài tổng thống long trọng tuyên bố từ chức và "hạ quyết tâm" trở lại quân đội để ra chiến trường chiến đấu cùng anh em chiến sĩ. (Lúc ấy quân cộng sản đã đánh vào thành phố Long Khánh và chiến trận đang diễn ra ác liệt). Đồng thời dịp này, để sả bớt niềm phẫn uất cố kìm nén bấy lâu, ngài đã thốt ra những lời cay đắng - một phần thôi - về sự phản bội tệ hại của người bạn đồng minh vĩ đại Hoa Kỳ. Cái đau đớn nhục nhã ê chề của những người cầm quyền các nước nhỏ nghèo, phải sống nhờ vào viện trợ nước ngoài là thế đó! Bài học này không phải là lần đầu và cũng không phải chỉ riêng nước Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân. Ngài tổng thống thừa thông minh để nhận biết người Mỹ đem quân và vũ khí tiền bạc sang Việt Nam trước hết là vì quyền lợi của họ, chứ không phải vì "tình" đồng minh như họ thường rêu rao. Và ngài trước nay quá tin tưởng vào người Mỹ giờ tỉnh ngộ thì đã muộn (?). Người Mỹ vì quá giầu, ỷ vào tiền bạc, nên cũng mắc chứng bệnh khinh người (mà ngày nay người ta quen gọi là kỳ thị). Họ là những người kỳ thị, coi khinh thiên hạ nhất thế giới. Thêm nữa họ sử dụng người như sử dụng tay sai, đầy tớ. Cần thì dùng, hết cần thì gạt bỏ không nương tay. Trong lúc ngài tổng thống trao quyền tổng thống cho ngài phó tổng thống, theo như hiến pháp quy định, mời các tướng lãnh giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy an ninh quốc gia lên tỏ bầy sự trung thành và cam kết đứng sau lưng tân tổng thống chiến đấu tới cùng bảo vệ miền Nam. Tới lượt một viên tướng, ngồi hàng ghế xa, được mời lên mà vẫn không thấy lên. Mọi người nôn nao hồi hộp và cả lo lắng. Nhất là với ngài cựu tổng thống. Mặc dầu đã mặc áo giáp trong mình, mặt ngài vẫn tái nhợt, tuy bề ngoài cố giữ bình tĩnh. Mấy vị dân biểu, nghị sĩ ngồi hàng ghế đầu đã nhìn thấy sự lúng túng bối rối của ngài cựu tổng thống. Ngài lo sợ viên tướng này có thể vào phút chót giở trò phản bội. Ngài rùng mình chợt nghĩ tới tổng thống Phác Chánh Hy của Đại Hàn trước đây bị chính tay một viên cận tướng thân tín dùng súng hạ sát. Tiếp đó là hình ảnh anh em cựu tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết chết thảm trong lòng xe tăng…Ngài tổng thống mở to mắt nhìn về phía viên tướng. Chẳng lẽ… Nhưng mọi việc êm thắm trôi qua. Không có cái trò hạ sát vị nguyên thủ tái diễn. Hình như viên tướng lên trình diện trễ vì khi đứng lên ông bị tuột giây giầy, phải cúi xuống thắt lại. Buổi lễ chấm dứt, các viên chức âu sầu thảm não ra về. Con đường Thống Nhất trước Dinh Độc Lập bóng tối bao phủ mù mịt. Những chiếc xe hơi mầu đen tiếp nối nhau rời khỏi Dinh Độc Lập phóng nhanh vào các ngả đường đêm như vội vã trốn chạy.
Năm xưa ngài tổng thống của nền đệ nhị cộng hòa được người Mỹ đưa lên ngôi trong hai nhiệm kỳ với sự cam kết hết lòng ủng hộ vì là "tiền đồn chống cộng". Bây giờ vì "nhu cầu thời cuộc" họ không cần tới ngài nữa nhưng họ không dùng tới trò hạ sát như với ngài tổng thống trước mà chỉ dọa dẫm và làm áp lực cũng như hứa hẹn. Ngài tổng thống mất hết nghị lực rồi, đành ngoan ngoãn nghe theo lời quỷ sứ. Người Mỹ cho người của họ bảo vệ ngài cẩn mật (thay vì người Việt nhân viên an ninh của ngài) và bí mật "bố trí" đưa ngài ra tận phi trường để đi nước ngoài tỵ nạn. Trong đêm tối, khi cả thành phố Saigon nhà nhà tắt đèn cửa đóng kín mít, im ỉm nín thở trong đêm (vì họ đang nơm nớp lo âu sợ sệt không tài nào nhắm mắt ngủ nổi) thì ngài tổng thống Việt Nam Cộng Hòa mới từ chức cách đó mấy ngày, ngồi trong chiếc xe hơi mầu đen của người Mỹ, có một hai xe lính Mỹ hộ tống, lặng lẽ phóng về phía phi trường Tân Sơn Nhất, khu vực giành riêng cho phi cơ quân sự Mỹ. Ngài cựu tổng thống lặng nhìn những hàng cây, những cột đèn đường nhả ánh sáng hiu hắt buồn thảm, những nhà cửa hàng phố thân yêu của quê hương đất nước buồn thảm lần chót. Mới đây thôi, mỗi lần ngài di chuyển trên đường phố thì rầm rầm rộ rộ xe cộ từng đoàn còi hú vang trời. Khi đi đâu cũng có kẻ đón người đưa. Thế mà đêm nay…Mắt ngài cựu tổng thống bỗng mờ hẳn đi. Viên chức cao cấp Mỹ ngồi bên cạnh ngài cựu tổng thống sau đó có kể với bạn bè là ngài lúc ấy hình như cố kìm nén một tiếng nấc và có lẽ ngài đang khóc thầm vì ông lờ mờ thấy mấy giọt nước mắt của ngài lăn xuống má. Viên chức này mãi những năm về sau vẫn không thể nào hiểu nổi ngài cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa khóc vì bị mất hết địa vị, quyền lực, quyền lợi hay vì xót xa đau đớn cho phận nước và đồng bào, chiến hữu của ngài. Có lẽ ngài cựu tổng thống bây giờ mới thật sự thấm thía cái trò đời phản trắc bỉ ổi bất lương của người đời. Và đau đớn biết bao khi ngài nhận ra mình chỉ là con tốt thí trên bàn cờ của bọn trùm quốc tế. Nhưng ngài cũng cố tự an ủi là dù sao ngài vẫn còn hơn vị tổng thống tiền nhiệm, không đến nỗi bị hạ sát chết thê thảm trong lòng xe tăng, lại còn được an toàn do chính người Mỹ bảo vệ và đưa đi ra nước ngoài với tất cả tài sản, vợ con.
Người ta kể lại là vị đại sứ Mỹ đêm đó đưa tiễn ngài cựu tổng thống nơi chân thang máy bay, bắt tay xong, vị đại sứ cố nở một nụ cười - một nụ cười ngoại giao gượng gạo. Lúc đó ngài tổng thống thấy hai hàm răng trắng của ông đại sứ mà bắt rùng mình. Ngài chợt liên tưởng tới chuyện con chó sói chùm khăn đỏ đóng vai bà ngoại khi nhe hàm răng trắng hếu nhọn hoắt ra sắp ăn thịt cô bé ngây thơ. Nụ cười xã giao gượng gạo của ngài đại sứ Mỹ mở đầu cho mấy chục năm sau người dân miền Nam không tài nào nhếch môi cười nổi, dù là cười gượng gạo như ngài đại sứ Mỹ. Trái lại, họ đã khóc và nước mắt đau thương phẫn uất của họ tuôn trào ngập cả sông cả biển, tới bây giờ ngót nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa ngưng! Và oán khí của những người chết trên đất liền trong những trại tù đầy, trong rừng sâu biên giới, trên biển khơi vẫn ngùn ngụt bốc lên từ đất nước Việt Nam vượt qua đại dương tới nước Mỹ! Ôi nước Mỹ vĩ đại, người ta nói đúng: làm kẻ thù của nước Mỹ sướng hơn làm bạn nhiều! Những người lãnh đạo nước Mỹ lúc nào cũng coi các nước bạn họ trợ giúp - mà họ gọi là đồng minh - là tay sai là đầy tớ! Và bây giờ ngài tổng thống càng thấm thía thấy rằng làm tổng thống một nước chậm tiến sung sướng thì có sung sướng thật, quyền uy chẳng khác gì một ông vua, nhưng cũng vô cùng nhục nhã ê chề khi bị nước bạn đồng minh ruồng bỏ. Linh hồn hai ngài tổng thống đệ nhất, đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa giờ đây có còn tích tụ những nỗi u uất, phẫn nộ, đau đớn cho cái thân phận quốc gia nhược tiểu?! *
* Tác giả xin minh xác đây chỉ là sản phẩm của hư cấu mặc dầu có dựa vào vài sự kiện đã xẩy ra.
Thanh Thương Hoàng