Người Đàn Bà Thứ Hai

1.

Thanh Thuong HoangTôi là một đứa con gái lai Mỹ. Tôi không biết bố mẹ mình là ai. Sau này, khi lớn lên 13,14 tuổi tôi mới được bà Sơ cho biết: trên đường đi cứu trợ dân nghèo nạn nhân bão lụt về, buổi tối, bà thấy tôi bị vứt bỏ dưới một gốc cây bên đường, đang khóc muốn hết hơi. Lúc đó tôi mới sanh và quanh mình được quấn bằng chiếc khăn cũ. Bọn kiến đói xúm lại bu khắp thân tôi. Nếu không cứu kịp thì chỉ vài giờ nữa là tôi chết. Trong nhà Dòng tôi được nuôi ăn học, dạy nữ công và một vài nghề để sau này ra đời có thể tự nuôi sống mình. Nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại trong nhà Dòng sống một đời tu hành dâng mình phụng sự Chúa. Khi tôi vừa học xong năm thứ tư trung học thì miền Nam bị cộng sản chiếm. Chính quyền cộng sản ra lệnh giải tán tu viện, bắt tất cả các Sơ phải về đời. Thế là từ đây, thân gái lạc lõng vào đời tôi phải tự kiếm ăn lấy. Năm đó tôi được 14, 15 tuổi, đã là một cô gái có chút nhan sắc. Tôi làm đủ nghề để cốt ngày có hai bữa ăn, không có tiền lương. Hết coi trẻ, trông người già, làm con ở, tới rửa chén bát nhà hàng. Vất vả cực nhọc và khốn khổ nhục nhã vô cùng. Dù vậy tôi vẫn ráng kiên nhẫn chịu đựng. Thế mà cũng không xong. Cứ làm được ít ngày người ta lại đuổi tôi đi, vì không ai muốn chứa chấp đứa con lai mang giòng máu đế quốc Mỹ trong nhà để mang họa. (Lúc ấy cả nước được "học tập" căm hờn đế quốc Mỹ).Tôi bị mọi người khinh khi rẻ rúng và xa lánh. Vào thời điểm này cả miền Nam bị đói, đa số dân phải ăn rau cỏ khoai củ và cả cây lá mọc hoang. Có lẽ tôi đành chịu chết đói mất thôi. Giữa lúc đó có một bà sồn sồn, mặt chét đầy phấn trắng hồng, áo quần diêm dúa nhăng nhố và nước hoa rẻ tiền sực nức tình cờ gặp tôi, lúc ấy đang lang thang trên lề đường bên chợ Bến Thành. Bà ngắm nghía tôi hồi lâu rồi hỏi han, tỏ ra ân cần thương hại khi tôi thành thật nói hết tình cảnh của mình. Bà kéo tôi vào trong chợ Bến Thành ăn bún chả. Lâu lắm tôi mới được một bữa ăn ngon và no nê như thế! Ăn xong bà ta còn cho tôi ít tiền lẻ. Bà dặn nếu muốn có việc làm nhẹ nhàng không đến nỗi vất vả và có tiền thì giờ này ngày mai tới đây gặp bà dẫn đi giới thiệu. Tôi mừng lắm vì gặp cứu tinh đúng lúc. Hôm sau tôi tới đã thấy bà đợi sẵn. Bà lại cho tôi ăn uống no nê rồi cùng tôi lên xích lô về nhà bà, một con hẻm vùng ngoại ô. Căn nhà nhỏ trống vắng, nơi phòng khách chỉ duy nhất bộ sa lông tồi tàn và phía trong là phòng ngủ với một chiếc giường nệm cũ trơ trọi. Đây không phải nhà bà. Bà cho tôi một món tiền nhỏ bảo tôi tạm ở ít ngày chờ vợ chồng người chủ nhà đi chơi xa về. Tôi hoang mang và lo sợ nhưng biết ở đâu bây giờ. Những ngày tháng qua tôi đã vô cùng khốn đốn trong việc kiếm chỗ nằm ngủ qua đêm. Có rất nhiều đêm tôi phải kiếm cách lẻn vào cầu tiêu trong chợ ngủ. Tuy hôi hám bẩn thỉu nhưng an toàn vì các cửa vào chợ hết giờ đều được khóa kỹ.

Tôi đang nằm trên giường, lúc ấy cũng phải hơn 11 giờ đêm, trằn trọc không ngủ được vì sợ ma. Thỉnh thoảng một hai con chuột chạy trên mái nhà tôi cũng giật mình sợ hãi. Rồi tiếng mèo hoang kêu gào mới rùng rợn kinh khiếp làm sao! Trong lúc tôi mơ màng muốn đi vào giấc ngủ thì có tiếng gọi cửa. Tôi tưởng công an xét nhà nhưng không phải. Tiếng mấy người đàn ông. Họ gọi rồi đập cửa ầm ầm. Họ xưng là chủ nhà nên tôi buộc phải mở cửa. Hai người đàn ông một cao to, một lùn tròn quay mặt mũi đỏ gay, tay ôm chai rượu ngất ngưỡng bước vào. Họ nhìn tôi hau háu như muốn ăn tươi nuốt sống. Gã cao lớn cười nham nhở ôm chầm lấy tôi và hôn chùn chụt lên mặt lên mũi và tay thì đưa lên ngực tôi bóp mạnh. Tuy chưa từng trải việc đời nhưng linh tính đàn bà báo cho tôi biết những gì tệ hại sắp xẩy ra. Tôi xô mạnh gã đàn ông vùng chạy thoát ra ngoài. Và cứ thế tôi cắm đầu chạy như bị ma đuổi. Hai gã đàn ông đuổi theo. Vừa ra tới đường cái may làm sao có một xe hơi công an tuần tra đi qua. Hai gã đàn ông bỏ chạy. Còn tôi bị bắt đưa lên xe hơi chở về đồn công an. Đêm đó tôi bị nhốt chung với bọn đĩ điếm bẩn thỉu hôi hám và nói năng chửi thề đủ điều tục tĩu.

2.

Hôm sau lên "làm việc" tôi cứ thực tình khai báo hoàn cảnh mình. Nghe tôi nói và thấy tôi mặt mũi hiền lành thật thà (lại xinh đẹp) anh công an hỏi cung có vẻ thương tình. Lập biên bản ký tên xong, anh hỏi tôi được tha về có muốn làm ô sin (người làm) cho một gia đình tử tế không. Anh bảo đảm với tôi gia đình này gần nhà anh, rất đàng hoàng và khá giả, có cô con gái cùng lứa tuổi tôi. Anh hẹn tôi nếu khi nào muốn làm báo anh biết, anh sẽ giới thiệu. Tôi vừa trải qua một trận kinh hoàng về con mụ tú bà nên giờ phải hết sức thận trọng đề phòng. Thấy tôi chần chừ ngần ngại, anh công an nói liền: "Biết cô gặp hoàn cảnh khó khăn nên tôi rất thông cảm. Tôi cũng là dân Saigon cũ, cô đừng ngại. Ngày mai tôi viết giấy giới thiệu cô đến lấy rồi đi gặp gia đình họ. Nếu thấy không thích hợp thì thôi". Đêm đó tôi suy nghĩ lung lắm. Và tôi quyết định. Thân gái bơ vơ không nơi nương tựa, tôi chẳng còn chọn lựa nào hơn. Khi đọc thư giới thiệu xong, ông chủ nhà - một người trung niên có vẻ có học, nhìn tôi quan sát rồi bắt đầu hỏi lý lịch, nguồn gốc. Vừa lúc bà vợ và cô con gái về. Sau một hồi bàn tán ở nhà trong, họ nhận tôi nhập vào gia đình họ. Và họ còn dành cho tôi một bất ngờ: muốn nhận tôi làm con nuôi. Tôi cảm động đến chẩy nước mắt. Đời tôi toàn gặp may mắn vào những lúc khốn cùng nhất. Tôi quỳ xuống lạy ông bà nhận làm cha mẹ và tạ ơn. Gia đình này có hai người con, một trai một gái. Gái là chị, hơn tôi hai tuổi và anh con trai kém tôi một tuổi. Họ đối xử với tôi rất tốt. Ngày đầu tiên bà mẹ nuôi dẫn tôi đi mua sắm quần áo giầy dép và các vật dụng cần thiết của một người con gái bước vào tuổi dậy thì. Chưa bao giờ tôi được sống trong không khí gia đình ấm cúng và sung sướng thoải mái như vậy. Bố mẹ nuôi đối xử với tôi như con ruột. Hai người con cũng vậy. Theo tuổi hơn kém: một là chị, một là em tôi. Họ làm tôi hết mặc cảm và có cảm tưởng như đây là gia đình thực sự của mình. Tôi được bố nuôi đặt tên mới là Mary. Ít ngày sau ông bố nuôi dẫn tôi đi làm giấy tờ. Không biết ông chạy chọt soay sở thế nào mà có được giấy khai sinh cho tôi và giấy chính quyền cũ chứng nhận tôi là con nuôi của ông từ lúc mới lọt lòng. Sau khi sinh tôi xong, mẹ tôi bỏ đi và ông bố nuôi tình cờ bắt gặp đã đem tôi về nhà nuôi từ bấy đến nay. Ông giải thích với tôi sở dĩ phải dàn dựng câu chuyện như vậy để hợp pháp hóa tình trạng của tôi với gia đình, nhất là để mọi người khỏi dị nghị. Tôi xúc động và càng biết ơn bố mẹ nuôi.

Một thời gian sau tôi mới hay tin chính phủ Mỹ tiếp nhận con nuôi và cho phép gia đình những người có công nuôi nấng được đi định cư cùng. Tin này do chính ông bố nuôi thông báo cho tôi. Một bữa tiệc nhỏ dọn ra để cả nhà ăn mừng. Bố nuôi tôi - bây giờ ông bắt tôi gọi bằng ba, đã hết lời khen ngợi và ca tụng tôi. Ông nói cả nhà nhờ ơn tôi mà được đổi đời. Chỉ một năm nữa là cùng, chúng tôi sẽ sang đất nước Hoa Kỳ giầu có định cư. Kể từ buổi đó tôi vốn được chiều chuộng lại càng được chiều chuộng hơn. Tôi đi chơi đâu cũng có cô chị đi kèm để "có chị có em cho vui". Có lẽ họ sợ tôi thất lạc hay bị bắt cóc. Vì lúc này cả miền Trung miền Nam đang sôi sục việc lùng kiếm con lai, bất kể trai hay gái và cả đen nữa. Giá mỗi người con lai bây giờ lên tới dăm mười cây vàng. Có những đứa con lai từ bé đến lớn sống trong tăm tối khốn khổ nơi vùng thôn quê hẻo lánh xa xôi nghèo nàn mà vẫn bị mọi người coi khinh xa lánh như con chó hoang ghẻ, giờ đây bỗng được săn lùng và có giá cao, được nâng như nâng trứng. Ông bố nuôi tôi bận túi bụi trong việc thu thập giấy tờ nộp hồ sơ. Ông căn dặn tôi đủ điều (không có thật) để trả lời phỏng vấn. Hai chị em tôi được bố mẹ cho tiền mua sắm những thứ cần thiết. Chị tôi mua thứ gì tôi cũng được mua thứ ấy. Và ngày nào chúng tôi cũng được ăn ngon. Cuối tuần đi ăn cơm tiệm rồi nghe ca nhạc sống. Bà mẹ nuôi tôi luôn mồm răn đe (một cách ngọt ngào) tôi coi chừng, đừng để bọn xấu rủ rê mua chuộc. Tôi là con người từ nhỏ được nuôi dưỡng giáo dục trong nhà Dòng nên rất tôn trọng tình nghĩa, tôn trọng danh dự. Tôi nói thẳng cho bố mẹ nuôi biết dù người ta có cho tôi cả mấy chục cây vàng tôi cũng không nhận, vì "cái ân của bố mẹ đối với con còn to hơn thế nhiều". Bố mẹ nuôi tôi hài lòng về những câu nói đầy tình nghĩa này lắm.

Mãi sau này khi sang Mỹ rồi, tôi mới biết bố mẹ nuôi tôi đã phải trả công cho anh chàng công an "dắt mối" hai cây vàng. Người ta điều đình mua bán ngay trên đầu tôi mà tôi ngu ngơ chẳng biết gì. Tôi từ nhỏ tới lớn sống trong nhà Dòng nên có biết gì việc ngoài đời. Với tôi tất cả đều là mầu xanh mầu hồng. Tất cả đều giản dị, trong sáng, tử tế, trung hậu như những bà Sơ vậy.

3.

Thằng con trai tôi bỗng dưng trở chứng nhất định đòi về với mẹ. Nó khóc suốt ngày đêm, mẹ tôi dỗ dành thế nào nó cũng không chịu yên. Bố tôi bực mình cộng thêm sự tức giận tôi vẫn chưa nguôi, bắt tôi phải mang con về nhà mình. Bây giờ tôi mới thấm thía cái cảnh gà trống nuôi con. Suốt ngày bận rộn với nó. Nào ăn, nào uống, pha sữa, đái ỉa, tắm rửa, thay quần áo và ru dỗ nó ngủ. Hễ cứ thức giấc, nhất là vào những lúc nửa đêm, nó bất chợt thức giấc khóc ré lên. Dỗ thế nào cũng không chịu im. Lắm lúc bực quá, tôi phải đét vào đít nó mấy cái. Nếu tình trạng này kéo dài mãi tôi hết chịu nổi. Tôi còn phải lo kiếm công việc làm ăn chứ! Bà hàng xóm thấy tình cảnh tôi bèn mách cho biết cách chỗ tôi ở hai lốc đường có một cô gái mới dọn tới. Cô làm công việc trông coi trẻ nhỏ. Thế là tôi tìm tới ngay. Trước mặt tôi là một cô gái lai khoảng trên dưới 20 tuổi, nhỏ nhắn, trắng trẻo, xinh đẹp, đang cho mấy đứa nhỏ 2, 3 tuổi ăn. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy một cô gái còn quá trẻ làm công việc trông coi trẻ nhỏ. Nếu cô ta là một người đàn bà lớn tuổi tôi sẽ nhờ giúp ngay, nhưng đằng này…Hơn năm trời trôi qua lòng tôi vẫn chưa nguôi hận thù những người đàn bà trẻ đẹp. Hình ảnh con yêu tinh bất lương là vợ tôi lúc nào cũng lẩn quẩn hiện ra trước mắt tôi. Tôi thấy sự tức giận, phẫn nộ một cách vô ý thức bỗng dưng ứa lên tận cổ. Trông cô gái này lại hao hao giống vợ tôi mới khốn nạn làm sao! Không nói một lời, tôi bồng con ra xe ngay trước sự ngạc nhiên ngỡ ngàng của cô gái. Cô gái bước ra hẳn trước cửa nhà chăm chăm nhìn theo tôi. Có lẽ cô cho tôi là một tên khùng, hoặc muốn đến trêu chọc cô.

Hôm sau có người bạn giới thiệu một job tốt, tôi phải đi xem sao. Tôi gửi bà hàng xóm coi giúp thằng nhỏ. Bà ngạc nhiên hỏi sao không đưa cô giữ trẻ. Buổi trưa về, bà hàng xóm trước khi trao trả thằng nhỏ, bà hỏi lại câu hỏi buổi sáng. Tôi còn đang tìm câu trả lời, bà nói một hơi dài: "Cô ta còn trẻ vậy mà là người có tấm lòng hiếm có đấy cậu ạ. Chiều qua tôi sang nhà cô chơi mới biết ngoài việc trông coi trẻ nhỏ, cô còn tự ý tình nguyện săn sóc miễn phí một người đàn ông tàn tật. Cô không có xe, mỗi buổi chiều phải mang đồ ăn do cô nấu đi bộ đến nhà người kia khoảng hai "mai". Tò mò tôi lái xe đưa cô đến nhà người này. Anh không thể ngờ được đâu. Người đàn ông dáng vóc to lớn, khoảng gần bốn mươi tuổi bị tàn phế gần như trăm phần trăm. Hai chân cụt quá đầu gối. Chỉ còn một cánh tay phải. Mặt mũi sáng sủa, da trắng xanh nhưng phải nói là trông rất đàn ông. Mặt hằn nét khắc khổ và tỏ ra rất cương nghị. Nhìn mầu tóc hung vàng tôi đoán anh ta cũng có dòng máu lai. Nghe tiếng chuông anh ta lục đục trong phòng mấy phút mới ra mở cửa. Anh ngồi trên xe lăn. Khi nhìn thấy có người lạ là tôi, anh đóng sầm cửa lại ngay. Cô bạn gái nói thế nào anh ta cũng không chịu mở cửa. Sau khi để đồ ăn nơi cửa chúng tôi ra về". Thấy câu chuyện hay hay tôi nán ngồi lại nghe bà hàng xóm kể tiếp. Tôi hỏi: "Vừa rồi bà nói cô ấy săn sóc người tàn tật này miễn phí?". "Phải! Ngay cả thức ăn cô mang tới cũng do tiền túi của cô ". "Sao lạ vậy? Bà nói tôi không hiểu. Tôi tưởng nhà nước có phát tiền trợ cấp cho anh ta chứ?". "Có, nhưng cô chị của anh ta lãnh hết". "Cô chị đâu mà không chăm nom săn sóc em mình?". "Thế mới nên chuyện. Cô chị nghe nói bây giờ đang ở Saigon với một anh kép trẻ "hàng nội". Cô có nhờ người bạn trai hàng ngày mang thức ăn cho cậu em, nhưng người này bê bối, mỗi tuần lễ một lần mang toàn những bánh mì, mì gói với đồ khô. Ăn mãi những thứ này chán chết". " Làm sao cô gái lai này có thể gặp anh lai kia trong khi anh ta quanh năm không rời khỏi nhà?". Bà hàng xóm cất tiếng cười hì hì mới nói tiếp: "Thế mới lạ, đúng là trời xui khiến anh à. Cái nhà ông vẫn mang đồ ăn tới cho anh chàng tàn tật đó trước là bồ bịch của người chị nên mới chịu khó ra tay nghĩa hiệp như vậy. Khi bị bà này bỏ rơi ông ta hết sốt sắng giúp đỡ, chỉ làm cho có lệ. Ông ta bị vợ bỏ đi với người khác để đứa con nhỏ cho ông ta nuôi. Thế là ông ta đi làm phải đem gửi con. Thấy cô coi trẻ xinh đẹp, ông ta muốn tán tỉnh nên đã đem câu chuyện anh chàng tàn tật ra nói với chủ đích khoe khoang lòng tốt của mình. Cô gái lai giữ trẻ nghe chuyện xúc động. Thế là cô tự nguyện hàng ngày nấu nướng đồ ăn rồi đem tới cho anh chàng". Tôi nghe bà hàng xóm kể chuyện như nghe câu chuyện cổ tích có nàng tiên xuống trần giả dạng một cô gái trông coi săn sóc cho một chàng trai con nhà nghèo học giỏi hiền lành tử tế, chẳng may gặp tai nạn bị mù hai mắt. Lúc nhỏ mẹ tôi thường kể cho nghe và kết cục là do tấm lòng thương yêu thật sự của nàng tiên, anh chàng mù này nhờ một phép lạ (?) mắt sáng lại như trước. Bây giờ câu chuyện nàng tiên chẳng lẽ có thật sao? Đêm đó tôi cứ thao thức suy nghĩ mãi câu chuyện bà hàng xóm kể. Tôi không tin đời này còn có những người đàn bà có tấm lòng cao quý như nàng tiên trong chuyện cổ tích vậy. Tôi vẫn không thể xóa hình ảnh người vợ cũ với những trò gian manh, thủ đoạn, xảo quyệt, ích kỷ, đầy tham vọng, chỉ biết tiền bạc và hưởng thụ. Không biết tôi có nên "phiêu lưu mạo hiểm" lần nữa với đàn bà không? Tôi chán cái cảnh gà trống nuôi con lắm rồi nhưng tôi vẫn còn sợ gặp phải thứ quỷ cái như vợ cũ của tôi. Chẳng lẽ đây lại là đối tượng để tôi trả thù đàn bà, nhất là người đàn bà đã tàn phá đời tôi, đã cho tôi biết thế nào là tình hận?

Tháng sau tôi nhận công việc làm, tiền lương không được như trước nhưng giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái có việc làm là tốt rồi. Vì đi làm phải gửi con cho người trông coi. Tôi đành muối mặt nhờ bà hàng xóm đem con tôi sang nói giúp với cô giữ trẻ. Cô vui vẻ nhận lời, không hề tỏ ý bực tức hay trách móc gì. Lẽ ra cô nên tỏ thái độ khó chịu hay miễn cưỡng nhận chắc tôi sẽ bớt day dứt hơn và đỡ tự ái hơn. Chẳng lẽ cô coi thường tôi đến mức vậy sao?

4.

Khi sang tới Mỹ được ít tháng, ổn định nhà cửa và có việc làm, cha mẹ nuôi tôi cho hai người con đi học tiếp. Còn tôi phải ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tôi xin học lớp bổ túc Anh văn tuần hai lần nhưng ông bà không cho. Và sự đối xử trong gia đình chẳng còn được như khi trước ở Việt Nam nữa. Mọi người tỏ ra lạnh nhạt không muốn chuyện trò với tôi. Dần dà tôi bị xem thường và hắt hủi ra mặt, nhất là với người chị và người em nuôi của tôi. Có lẽ vì muốn đuổi tôi ra khỏi gia đình, ông bà cha mẹ nuôi ép tôi lấy một anh chàng cũng người Việt, xấu trai nhưng có vẻ hiền lành, tử tế. Và theo mẹ nuôi của tôi, anh chàng có công ăn việc làm tốt. Trước sự dỗ dành cùng với dọa dẫm của cha mẹ nuôi, tôi phẫn chí định bỏ nhà đi nhưng đi đâu bây giờ? Thân gái bơ vơ trơ trọi nơi đất nước người. Sau nhiều ngày cố tình trì hoãn để suy nghĩ, tôi thấy chẳng còn cách nào khác đành bất đắc dĩ tuân theo ý muốn của cha mẹ nuôi. Đám cưới tổ chức một cách vội vã cho có lệ với số nhỏ người dự. Về sống với chồng ít ngày trong căn phòng thuê tồi tàn của một mobile home tôi mới biết chồng tôi không có cha mẹ họ hàng thân thích, (những người nhân danh nhà trai dự đám cưới đều là những người đóng kịch) không có nghề nghiệp nhất định lại còn nghiện xì ke ma túy. Tôi phải sống những ngày cực kỳ cay đắng khốn khổ với anh chồng vô tích sự và quá nhiều tính xấu này. Sống nơi đất nước giầu có nhất thế giới mà tôi lại phải sống trong cảnh vô cùng vất vả thiếu thốn (đôi khi không cả cơm ăn) thật là trái khoáy, nếu nói ra chắc nhiều người không tin. Sau khi sanh đứa con gái, chồng tôi đột ngột bỏ đi mất tích luôn, không một lời nói năng. Tôi cố dò tìm nhưng vô ích. Nhờ sự giúp đỡ chỉ dẫn của người quen, tôi đi học trông coi trẻ lấy chứng chỉ và thuê căn nhà nhỏ này để hành nghề. Chỉ cần trông coi vài ba đứa, mẹ con tôi đủ sống qua ngày. Không một ai ở đây biết tôi là gái có con. Vì công việc mưu sinh và nhất là tránh dư luận thắc mắc đàm tiếu, tôi cần giữ kín việc này. Rồi người nọ giới thiệu người kia, thiên hạ mang con tới gửi có cả chục đứa. Do vậy tôi mới có khả năng nuôi ăn anh chàng tàn tật khó tính và hay đốc chứng. Rất nhiều lần anh ta tỏ ra bất bình về một món ăn nào đó do tôi mang tới, anh nổi nóng mắng tôi như mắng người ở. Tôi kiên nhẫn giữ im lặng vì tôi biết anh rất đau khổ về tinh thần và cả thể xác cộng thêm sự tức giận người chị nên cứ thế anh trút lên đầu tôi. Mỗi lần như vậy, hôm sau anh tỏ hối hận xin lỗi. Rồi một ngày, sau khi mang thức ăn vào nhà, anh bất thần đưa bàn tay còn lại giữ chặt lấy tay tôi kéo sát lại phía anh. Tôi ngạc nhiên nhưng cứ để yên xem anh muốn gì. Anh nói là anh muốn có với tôi một đứa con. Trời đất! Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, anh nói như khóc. Anh năn nỉ, anh lạy lục khẩn thiết cầu xin tôi thương xót anh để tôi cho anh có được một đứa con hiện diện trên đời nối dõi giòng giống nhà anh. Tôi thấy hai giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt khô cằn của anh.Tôi sợ hãi nhưng cố trấn tĩnh và phải khôn khéo lắm mới thoát khỏi bàn tay anh chạy ra ngoài. Đóng cửa lại tôi còn nghe tiếng anh khóc rú lên một cách đau đớn điên dại tuyệt vọng. Từ đó mang thức ăn tới tôi không dám bước vào nhà anh nữa. Tôi để trước cửa và lên tiếng báo cho anh biết rồi ra về. Hôm sau và hôm sau nữa, thức ăn tôi mang tới vẫn còn để nguyên ngoài cửa. Sinh nghi tôi đập cửa, không có tiếng trả lời. Tôi lo sợ anh bệnh nặng. Đập cửa tiếp thật mạnh và lớn tiếng gọi. Vẫn im lặng. Tôi bắt đầu hoảng nhờ một người đàn ông tình cờ đi qua nậy giúp cửa. Ông ta không chịu làm và lấy phôn tay kêu cảnh sát. Một thảm cảnh hãi hùng bầy ra trước mắt chúng tôi khi cánh cửa mở: người đàn ông tàn tật nằm chết co quắp dưới đất bên cạnh cái xe lăn, mặt mũi nhăn nhúm méo sệch đau khổ. Hình như anh ta uống nhiều liều thuốc nên dẫy dụa một lúc mới chết. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về cái chết này và mang mặc cảm mình là nguyên do đã tạo ra nó.

5.

Long bị bệnh nằm nghỉ nhà không đem con đi gửi được. Đã ốm đau lại phải hầu "ông con" mọi thứ nên anh rất bực bội. Đôi lúc anh cáu gắt định "đét đít" làm thằng bé càng sợ hơn và càng rấm rứt khóc nhiều hơn. Hai ngày sau khi Long bệnh, Mary cùng bà hàng xóm bất thần tới thăm anh vào buổi tối. Thì ra không thấy anh mang con đến gửi, Mary thắc mắc. Thằng nhỏ thấy "cô giáo" mừng lắm, nó cứ quấn quýt bên cô không muốn rời. Khi Mary về rồi, bà hàng xóm mới ngỏ ý là Long nên nhờ cô đem thằng nhỏ về nhà trông coi giúp ít ngày. Long tưởng mình đau ốm chỉ vài ngày khỏi, không ngờ bị sốt mê man phải đưa vào bệnh viện chữa trị. Trong những ngày này Mary thường xuyên dẫn con anh và cả con cô vào thăm. Mỗi lần thăm cô đều mang theo bánh trái hoa quả.

6.

Hai người sống chung với nhau trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng hơn năm thì mối bất hòa diễn ra. Mới đầu còn nhẹ nhàng rồi tiến dần tới nặng nề. Thường là tại "con ông con bà" gây ra. Hai đứa nhỏ suốt ngày hục hặc tranh chấp nhau, hết giành giựt đồ chơi tới ăn uống, vòi vĩnh, nhõng nhẽo. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là Long. Sự thù hằn căm phẫn người vợ cũ vẫn chưa nguôi, mặc dầu Mary chiều chuộng anh hết mức. Bao nhiêu tình thương yêu cô giành hết cho Long, cho con mình và cả con riêng của anh. Đã nhiều lần Long nổi giận một cách vô lý, không nguyên do. Anh to tiếng mắng nhiếc hành hạ Mary, cô vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Cô để mặc Long với cơn thịnh nộ. Mỗi lần như vậy, buổi tối Long lại hối hận, làm hòa xin lỗi. Nhưng lần này Mary không thể nhẫn nhục chịu đựng hơn nữa. Không biết hai đứa nhỏ "con ông con bà" lớn tiếng cãi cọ tranh giành vật gì đó và sinh ẩu đả, cào cấu sước cả da mặt rướm máu. Long bênh con mình đánh con vợ. Mary xót con bị đánh đau đứng ra ngăn cản. Hai bên to tiếng cãi cọ.Thế là cơn nóng giận bừng bừng nổi lên, Long túm tóc vợ đánh đập túi bụi và chửi rủa tục tằn. Bao nhiêu căm giận người vợ cũ có cơ hội bộc phát, bùng nổ. Bị đánh đau quá, Mary chịu hết nổi. Cô khóc nức nở, tay dắt con mình chạy nhanh ra khỏi nhà. Lúc ấy đang là mùa đông rét mướt, trời lại mưa. Mới hơn 10 giờ đêm mà đường vắng ngắt. Hai mẹ con đứng dưới một gốc cây lớn run cầm cập vì rét lạnh, quần áo ướt hết. Chưa biết nên đi đâu trú qua đêm thì có một xe cảnh sát từ từ chạy qua. Mary vẫy gọi. Long nhìn theo thấy hai mẹ con được đưa lên xe cảnh sát. Sau khi xe cảnh sát chở mẹ con Mary đi rồi, cơn giận nguôi ngoai, Long bắt đầu rùng mình lo sợ. Anh chợt nhớ tới cái tát tai người vợ cũ và cảnh sát ập vào nhà còng tay đem đi. Đánh đập hành hung đàn bà con nít ở nước Mỹ là một cái tội khá nặng và bị nhốt giam ngay. Long hồi hộp lo lắng ngồi chờ cảnh sát nhấn chuông gọi cửa. Nhưng một đêm lặng lẽ trôi qua. Sáng hôm sau Long được phôn cảnh sát gọi tới nhận Mary và con về. Anh ngạc nhiên đến sửng sốt.

Chở Mary và con về nhà xong, Long hỏi: "Em khai báo sao mà cảnh sát không bắt giam anh?". "Cảnh sát hỏi em mang con nhỏ ra đường trong lúc đêm tối mưa to rét lạnh vì nguyên do gì". Long sốt ruột: "Em khai sao?". "Em nói anh với em cãi nhau, em giận quá dắt con ra khỏi nhà. Họ nhìn những vết sưng bầm tím trên mặt em hỏi có phải bị chồng đánh không? Nếu phải thì ký vào biên bản là bị chồng bạo hành trong gia đình. Em bảo tại em chạy vội nên vấp ngã trước bậc cửa ra vào nên không ký. Em không muốn anh bị bắt giam". Nghe tới đây Long quá đỗi xúc động. Thấp thoáng cảnh người vợ cũ nhấc phôn gọi cảnh sát hiện ra trước mắt. Bất ngờ, Long quỳ xuống trước Mary và gục mặt vào hai đầu gối cô nói như khóc: "Trời ơi, em đúng là thiên thần của đời anh! Hãy tha thứ cho anh, nàng tiên nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại của anh! Anh thật là một tên đàn ông tệ hại, hãy tha thứ cho anh! Anh thề từ nay...". Không để Long nói dứt câu, Mary cầm tay anh đặt lên môi mình. Cả hai im lặng đưa mắt nhìn hai đứa nhỏ "con ông con bà" nói cười tíu tít và đang trao cho nhau món đồ chơi gì đó.