Nhà Văn Thanh Thương Hoàng
Từ "Cánh Hoa Mùa Loạn" Tới "Dòng Suối" Muộn Phiền

"Dòng Suối" tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thanh Thương Hoàng vừa được tung trên thị trường chữ nghĩa ở hải ngoại giữa mùa hè rực rỡ năm 2009, đã lập tức trở thành một hiện tượng đặc thù, khác biệt với khuynh hướng sáng tác ở hải ngoại từ mấy chục năm qua: "Nêu cao chính nghĩa quốc gia – căm thù Cộng sản - vực dậy một thời oanh liệt trong quá khứ, kèm theo những thiên tình sử bi hùng... làm nền cho tác phẩm." Tuyển tập truyện ngắn "Dòng Suối" là tác phẩm thứ 12 của nhà văn Thanh Thương Hoàng, tính từ cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông được xuất bản vào giữa thập niên 50: "Cánh Hoa Mùa Loạn".

Nhắc đến "Cánh Hoa Mùa Loạn" của Thanh Thương Hoàng là nhớ lại giai đoạn văn học nghệ thuật đầy ngẫu hứng và lãng mạn của thập niên 50. Ở thời điểm này, tuổi trẻ VN - nhất là giới thanh thiếu niên ở thị thành – ngơ ngác giữa ngã ba đường chiến cuộc mịt mù khói lửa. Không biết đâu là lối thoát, không biết đâu là điểm tựa, chỉ thấy thực trạng trước mặt: thực dân Pháp đang giẫy chết trên bán đảo Ðông Dương, thế lực Cộng sản đang bành trướng ngoài bưng biền bằng bàn tay sắt, phe quốc gia như ngọn cỏ gió đùa dưới sự lãnh đạo mờ nhạt và yếu hèn của vị Vua cuối cùng của giòng họ Nguyễn. Do đó giới trí thức, giới văn nghệ sĩ từ Bắc vào Nam đều bầy tỏ nỗi lòng bi thương bằng những tác phẩm diễm tình, đẫm nước mắt và được giới trẻ thị thành đón nhận một cách cuồng nhiệt. Những tên tuổi rực sáng từ hai lãnh vực văn chương lãng mạn, và nhạc tình đẫm lệ như Dương Thiệu Tước (Bóng Chiều Xưa), như Nguyễn Văn Tý (Dư Âm), như Ðoàn Chuẩn Từ Linh (Thu Quyến Rũ), như Hoàng Công Khanh (Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu), như Nguyễn Minh Lang (Nước Mắt Trong Ðêm Mưa), như Ngọc Giao (Mưa Thu), như Dương Hà (Bên Giòng Sông Trẹm) v.v...

Thanh Thương Hoàng thuở đó dù tuổi đời còn rất trẻ, với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Cánh Hoa Mùa Loạn" đã được độc giả trong lứa tuổi đôi mươi rất mến mộ - trong đó có người viết bài này. Ông nghiễm nhiên trở thành một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử Nam Bắc phân tranh: Quốc Cộng 1954. Sau này vào năm 1963, khi cao trào báo chí miền Nam nở ra rầm rộ, nhà văn Thanh Thương Hoàng lỏng tay bút pháp văn chương mượt mà lãng mạn đầy mẫn cảm - một sở trường của ông - để nhẩy vào làng "báo bổ" trong cương vị một ký giả chuyên nghiệp. Ðộc giả của ông thầm tiếc cho một ngọn bút văn chương trữ tình đã chuyển hướng đời, sang cái địa hạt khốc liệt tàn nhẫn, phe phái quỷ quyệt của những tay đầu nậu báo chí. Tuy nhiên để bù lại – Ký giả Thanh Thương Hoàng đã kiếm được tiền rất nhiều, và tạo được ảnh hưởng rộng lớn trong giới chính trị - nhất là trên sân khấu Quốc Hội của nền Ðệ II Cộng Hòa.

Trên đây là vài nét phác họa chân dung nhà văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng trước năm 1975, người viết sẽ trở lại với ông trong một bài thẩm định về một phần sự nghiệp viết văn, làm báo ở hải ngoại qua hai tác phẩm mang tính cách luận đề: "Tiến sĩ Lê Mai" và "Người Mỹ Cô Ðơn" xuất bản và phát hành tại Hoa Kỳ vào những năm 99 và 2000.

Bây giờ người viết xin được bày tỏ một vài cảm nhận và những vấn nạn về tuyển tập truyện ngắn mang tên "Dòng Suối" của nhà văn Thanh Thương Hoàng. Phải nói rằng với tuổi đời chênh chếch bóng hoàng hôn, Thanh Thương Hoàng vẫn giữ được cái phong độ sắc bén của một cây viết cự phách ngày nào, khi dẫn độc giả vào "Dòng Suối", để nghe ông truyền đạt thông điệp (?) qua hai nhân vật Quốc Cộng trần trụi, bị phế thải, để nghe ông lên án cái tình nghĩa gia đình bạc bẽo nơi xứ người, để nghe ông nguyền rủa cái ác trong bóng tối cuộc đời. Còn nhiều nữa những cảnh đời phũ phàng tréo ngoe được dàn trải bố cục trong 12 truyện ngắn tưởng như là hư cấu, nhưng với cái tài kể truyện, qua bút pháp điêu luyện trong thể loại này, độc giả nghĩ rằng tác giả - Thanh Thương Hoàng – đã phản ảnh trung thực cái bức tranh xám xịt của xã hội VN cả trong lẫn ngoài nước. Ðến đây người viết xin được đề cập đến truyện ngắn chủ lực "Dòng Suối" được tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình.

Hai nhân vật được tác giả xây dựng như là 2 nạn nhân và cũng là hai chứng nhân trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng trước đây: Một là "nhà văn nhà báo già" trên chiến tuyến Quốc Gia mang nội tâm đầy bất mãn. Hai là viên tướng già Cộng sản, sau khi chiến cuộc miền Nam kết thúc 30/4/75, vì thời thế đảo điên, vì bội phản, vì nghịch cảnh đã bị đẩy vào bước đường cùng." Nhà văn Thanh Thương Hoàng mô tả hai "lão già" như hai kẻ bất hạnh nhất trên cõi trời ô trọc này, tình cờ "tao ngộ" bên "Dòng Suối" để giãi bày những u uẩn để đấu khẩu về chiến tranh, về ý thức hệ "Quốc Cộng" được phủ lên bằng những nhân danh bịp bợm, trá hình.

Cuối cùng màn kịch bên "Dòng Suối" giữa buổi chiều vàng hấp hối, viên tướng già cộng sản phản tỉnh, gục đầu ăn năn, gọi hồn đồng đội oan khuất trong mắt lệ chan hòa, còn "nhà văn, nhà báo già" sau một hồi mím môi, căm phẫn nguyền rủa chiến tranh lên án những thế lực ngoại bang khuynh đảo dân tộc Việt, bỗng hiền khô, thở dài, chấp nhận cái thân phận nhược tiểu, chỉ mỗi một mong ước, trút bỏ được nỗi niềm vào dòng suối mát, để từ đó... một khởi điểm chăng?... vào lòng biển cả.
Ðã có những phản hồi thuộc thế hệ 20-30-40 người Mỹ gốc Việt, hay các sinh viên từ trong nước sang Hoa Kỳ du học, sau khi đọc "Dòng Suối" đã tự hỏi: Không biết tác giả cũng như thế hệ già đã khổ đau, kinh qua những cột mốc lịch sử VN trong thế kỷ 20 muốn gửi thông điệp gì đây cho thế hệ tương lai?

Ðọc tiếp "Nỗi cô đơn của Ngài Tổng Thống" và "Chân Dung Một Ðại Tá Tỉnh Trưởng" trong tuyển tập truyện ngắn "Dòng Suối", dường như nhà văn Thanh Thương Hoàng đã ngầm ý đưa ra cái nguyên nhân dẫn chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào tử lộ. Mặt khác, phải chăng ông cũng muốn biện minh: Cho một lãnh tụ đang nghiến răng ngậm ngùi nơi đất khách quê người mấy năm trước đây nơi chín suối? TT Nguyễn Văn Thiệu?!

Về "Chân dung một Ðại Tá Tỉnh Trưởng" trong tuyển tập truyện ngắn "Dòng Suối", người viết rất cảm khái khi đọc những giai thoại về nhân vật này. Xuất thân từ một gia đình vọng tộc, tốt nghiệp Lycée Yersin Ðà Lạt, rồi gia nhập võ bị, chọn cái binh chủng khét tiếng và cũng đầy hiểm nguy được mệnh danh là thiên thần mũ đỏ - xung trận từ miền Trung Du Bắc Việt, trải dài vào miền Nam từ thập niên 50 đến thập niên 70. Trải qua những chiến trường kinh thiên động địa, mà rất lạ là không có một viên đạn nào lạc vào người. Nhẽ ra leo lên đến cấp bậc Ðại Tá - lại được mệnh danh là "hổ xám" của một vùng đồng bằng sông Cửu - ít ra cũng phải ghim một vài chứng tích ở mông, ở đùi hay ở cánh tay cho nó hào hùng như những hàng huân chương đeo trên ngực. Tóm tắt đây là một quân nhân thứ thiệt, bạt mạng, điển hình cho hàng ngũ lính tráng, từ ngôn ngữ đến hành động.
Ðọc "Chân Dung Một Ðại Tá Tỉnh Trưởng" mà nhà văn Thanh Thương Hoàng mô tả bằng một bút pháp tả chân, rất linh động, qua kỹ thuật kể chuyện đầy hấp lực, người viết nghĩ rằng ông Ðại Tá này là một quan đầu tỉnh nơi khỉ ho cò gáy trong thời chiến, quả thật không thể chê vào đâu được. Ông đủ trình độ học thức để quản trị hành chánh, ông đủ kinh nghiệm và đảm lược để an bình vùng trách nhiệm. Ông thừa ngôn ngữ và tính cách giang hồ để đối phó với những kẻ ghen ghét, đố kỵ ông. Nhưng cái "trực ngôn chướng tai gai mắt" của ông không vừa lòng cấp trên, đã chấm dứt sự nghiệp của ông. Có một điều mà người viết một phần cảm mến cái "chân dung ông Ðại Tá Tỉnh Trưởng này" qua lời nói được ghi nhận bởi nhà văn Thanh Thương Hoàng: "Sau này khi tôi chết, Tôi dặn con cháu khắc lên mộ bia câu này – Ðây là mộ một người tham nhũng nhất nước Việt Nam Cộng Hòa. Vì tôi tự thấy mình công ít tội nhiều đối với đất nước và dân tộc."

Ðọc xong "Chân dung một Ðại Tá Tỉnh Trưởng" – dù là hư cấu của nhà văn Thanh Thương Hoàng, người viết thấy một dáng dấp, một phong cách quen thuộc với môi cười nửa miệng kiêu bạc sau ly rượu vơi đầy. Ai nhỉ? Phải chăng Hoàng Ðại Tá? Nếu đúng, thì ngoài cái công lao hãn mã phục vụ Tổ Quốc phải thêm cho ông một cái tội si tình. Ông yêu một đệ nhất đào thương và được đáp trả. Trong cuộc tình say đắm này, ông đã vô hình chung sơ hở để cho những chiếc xe của những gánh cải lương chuyên chở thuốc mang ra bưng biền cho Việt Cộng - Một cách tiếp tay gián tiếp đúng không? Trong bẫy rập này - dưới nhiều hình thức – không ít những sĩ quan cao cấp – trong đó có các Tư lệnh cấp sư đoàn, mê đào hát, mến giọng ca sương khói đã phạm phải sai lầm này.

Tuy nhiên nói để mà nói, chẳng ai đáng trách cả. Hãy gợi ý cho con cháu thế hệ chúng ta xóa bài làm lại trong một biến chuyển nhân bản, từ đỏ sang xanh, sang vàng nhạt da cam, hay sang nhung huyền... chắc chắn sẽ thành tựu. Ngoài "Dòng Suối", "Nỗi cô đơn của Ngài Tổng Thống", "Chân Dung một Ðại Tá Tỉnh Trưởng", Người viết không thể không đề cập đến nỗi bi quan não nùng mà nhà văn Thanh Thương Hoàng thở dài muộn phiền thổi vào "những trang nhật ký buồn", "Hai buổi tối ngày mùng một Tết" và "Ðâu chốn an thân."

Ðám con cháu của người viết trong lứa đôi mươi, ba mươi, bốn mươi đã có vợ, có chồng, có con, có cha mẹ, ông bà, cô dì, chú, bác nội ngoại... đang sinh sống tại Nam - Bắc Cali, khi đọc những bi kịch, những thảm cảnh trên, được diễn tả bởi ngòi bút "chấm mực ảm đạm", qua lời kể của một vị bác sĩ hay một nhân vật thứ 3 nào đó, những người tuổi trẻ - thuộc thế hệ thứ 2 trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại – đã phải thốt lên: Có sự thực xẩy ra như vậy chăng ở trên đất Mỹ này? Con trai, con dâu lừa mẹ cho đi khám bệnh để bỏ rơi mẹ ruột giữa chợ đời nơi xứ người - Vợ chồng toa rập nhau chiếm đoạt tiền bạc của ông bà già đẻ ra mình. Sao không thấy báo đăng, sao không thấy đài nói? Luật pháp các tiểu bang của Mỹ và Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ những người già cả - Kể cả thường trú nhân - tại sao không được áp dụng? Tại sao không lôi cổ những quân bất hiếu, bất mục ra chốn thanh thiên bạch nhật, để chúng phải cúi đầu ăn năn? Cho dù đó chỉ là trường hợp cá biệt. Nhà văn Thanh Thương Hoàng không phải chỉ phác thảo, mà đã vẽ ra một bức tranh thê lương, xám xịt, khuất lấp trong mảng tối của một góc sinh hoạt cộng đồng Việt. Không ai nghĩ rằng tác giả đã thêm mắm thêm muối vào những tình tiết đau buồn, hận thù của người trong cuộc, qua lời kể của vị bác sĩ, nhưng người viết phải trách ông, đã làm người viết mất đi cái niềm hoan lạc, mờ nhạt cả cái lòng tự tin, lẫn cái bản tính yêu đời, kể từ ngày thoát ách cộng sản sang được đến đây. Người viết đã dại dột đọc ngấu nghiến "Hai buổi tối ngày mùng một Tết", ngộp thở với 5 cảnh đời trong "Những trang nhật ký buồn"... để rồi lâm vào tâm trạng bi quan yếm thế.

Thưa với nhà văn Thanh Thương Hoàng – Tác giả tuyển tập truyện ngắn "Dòng Suối" - người viết thấy cần phải thêm hai tĩnh từ "muộn phiền" bên "Dòng Suối" để khuyến cáo những độc giả lạc quan, yêu đời... đừng có đọc mấy truyện này. Buồn lắm! Chán đời lắm! Giống như nghe cái điệp khúc "Vàng phai mấy độ" của nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn lúc cuối đời "Ta khác gì Phù Sai, rắc hoa vàng sau mỗi bước Tây Thi... để rồi thương cho đời, ghét cho đời... và cũng chán cho đời..."

Sao Biển