Người Đàn Bà Thứ Nhất

1.

Tôi bị đụng xe trong lúc lái xe trên đường tới sở làm. Bị thương cánh tay và bả vai, lúc ấy chưa thấy đau nên tôi từ chối vào bệnh viện. Xe bị hư hại nặng, lỗi về phía bên kia. Sau khi hoàn tất thủ tục với cảnh sát, tôi được người bạn đưa tới phòng mạch một bác sĩ quen thân anh ta. Người tôi tiếp xúc là một thiếu phụ còn trẻ và khá đẹp. Có lẽ bà là nhân viên văn phòng hoặc y tá. Bà ân cần xem vết thương của tôi rồi lập hồ sơ và làm công việc băng bó vì có máu chẩy. Ông bác sĩ sau khi hỏi han và xem xét vết thương, cho toa thuốc nói tôi phải đi chiếu điện ngay vì có thể đầu và xương vai bị nặng. Chuyện tình thứ nhất của tôi bắt đầu từ tai nạn xe cộ này.

Qua mấy lần khám, tôi và bà vợ ông bác sĩ, thiếu phụ ngồi trực văn phòng, trở nên thân mật hơn. Bà hỏi tôi về thân thế và rồi dần dần tiến tới phần "ái tình sự nghiệp". Tôi cứ thành thật khai báo năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư điện tử ba năm trước và hiện đang làm cho hãng điện tử lớn trong vùng. Thiếu phụ nghe tôi thành thật khai báo như vậy, bà nhìn tôi nhiều thiện cảm hơn trước. Môt hôm tôi đến phòng mạch, sau khi ông bác sĩ khám bệnh cho toa xong, bà vợ ông bác sĩ giữ tôi lại phòng ngoài trò chuyện. Bà cười cười hỏi tôi: "Này tôi hỏi thực nhé! Cậu đã có người yêu chưa?". Câu hỏi thật bất ngờ, tôi lúng túng rồi ấp úng trả lời: "Có mà không". "Cậu nói gì lạ vậy? Có mà không là thế nào?". Lại lúng túng một lúc tôi mới trả lời xuôi câu hỏi: "Vì chúng tôi mới bắt đầu thời kỳ tìm hiểu chưa đi tới đâu cả". Bà vợ ông bác sĩ cười thành tiếng: "Ồ, thế là vẫn chưa có người yêu chứ gì! Này, tôi có cô em họ xinh lắm, nếu cậu muốn tôi giới thiệu cho. Gặp là cậu mê liền. Tôi nói thật đó!". Người bạn lái xe chở tôi đi, nói: "Nếu vậy còn chờ gì mà bà bác sĩ không giới thiệu ngay cho bạn tôi. Bạn tôi chẳng những độc thân mà còn có nhà mới tậu trên núi nữa kia!". Hôm sau tới phòng mạch, bà vợ ông bác sĩ cho tôi xem tấm ảnh một cô gái tuổi vào khoảng trên dưới 25. Bà nói:"Nó đó! Đẹp tuyệt trần phải không?". Quả cô gái trong ảnh đẹp thật. Cô đang cười để hở hàm răng đều đặn trắng bong. Anh bạn lái xe cho tôi cũng phải công nhận như vậy. "Thế thì còn đợi gì nữa mà bà không cho hai "đương sự" gặp mặt?". Anh bạn lái xe nói. Bỏ tấm ảnh cô gái vào ngăn kéo bàn xong, bà vợ ông bác sĩ đủng đỉnh nói: "Nó hiện đang sống ở Saigon". Cả hai chúng tôi cùng ồ lên với vẻ thất vọng. Bà vợ ông bác sĩ biết, nói ngay: "Bây giờ người ta về Saigon như đi chợ, có khó khăn gì đâu. Nếu yêu nhau thì …thì…À này, tôi muốn nói riêng với cậu một chút". Tôi theo bà vào phòng trong, lúc ấy không thấy ông bác sĩ. "Ông bác sĩ nhà tôi nói là với chỗ bị thương của cậu ấy mà, hãng bảo hiểm có thể phải bồi thường một số tiền khá lớn đấy, nhưng cậu phải nghiêm túc nghe theo lời dặn của bác sĩ mới được. Ờ, mà…lúc nào cậu muốn về Saigon thì cho tôi biết nhé, tôi sẽ viết thư giới thiệu. Con bé được lắm cậu ạ, cả người lẫn nết. Thấy mặt là cậu chết mê chết mệt liền. Lúc ấy, hì...đừng quên bà mai này nhé!".

2.

Ba tháng sau Long đáp máy bay về Saigon để gặp người đẹp.Trong thời gian này anh được sở cho nghỉ dưỡng thương hưởng hai phần ba lương. Anh mang theo thư giới thiệu của bà vợ ông bác sĩ. Căn nhà của "nàng" không thể gọi là biệt thự (như bà vợ ông bác sĩ kể) chỉ là một căn nhà cũ nằm ở một quận ven đô. Phía ngoài sân có cái cổng gỗ nhỏ. Long ngập ngừng khá lâu mới lên tiếng gọi. Một người đàn bà ngoài 50 tuổi bước ra, dáng người thanh nhã, còn nhiều nét đẹp của thời xuân sắc. Bà lên tiếng hỏi ngay: "Cậu là cậu Long?". Thì ra bà vợ ông bác sĩ đã điện thoại về báo trước. "Thưa vâng, bác là…". "Tôi là mẹ em Kim". Long cúi đầu chào: "Cháu xin chào bác". Ngồi vào chiếc ghế sa lông bằng gỗ mầu nâu sậm, chuyện trò vẩn vơ và uống hết hai, ba chén trà mà Long vẫn chưa thấy "người ấy" xuất hiện. Anh nhấp nhổm muốn đứng lên làm bộ xin phép ra về. Vừa lúc ấy có tiếng xe gắn máy ngừng trước cổng nhà và tắt máy. Long nhìn ra. Đúng là nàng rồi. Anh hơi lúng túng không biết nên đứng hay ngồi. "Em nó đi làm về đấy!". Bà mẹ nói. Cô gái để xe gắn máy ngoài sân nhỏ bước vào. Cô đưa mắt nhìn Long làm bộ mặt xa lạ. Sau khi bà mẹ "vài lời giới thiệu", cô nàng vui vẻ chào Long xong ngồi xuống ghế đối diện. Long thấy cô nàng ngoài đời còn đẹp, sắc sảo, thông minh, sáng sủa và quyến rũ hơn trong ảnh nhiều. Nhất là đôi mắt sáng long lanh, nhìn như cuốn hút "thu hồn" kẻ đối diện. Long choáng váng trước sắc đẹp cô nàng. Nghĩ tới câu "quảng cáo" của bà vợ ông bác sĩ "thấy mặt là cậu chết mê chết mệt liền" đúng quá! Như bị cô nàng thu mất hồn, mặc dầu bề ngoài Long cố giữ bộ mặt bình thản, trong lồng ngực anh tim đập rộn ràng. Trước đây trông ảnh anh mê một, giờ thấy người anh mê mười. Những sự lúng túng vụng về của Long không qua được cái liếc nhìn kín đáo của bà mẹ. Câu chuyện giữa ba người chưa tới hồi thân mật, ông bố về. Ông bắt tay Long thân thiện như quen biết từ lâu. Rồi họ ân cần mời mọc giữ Long lại " ăn bữa cơm rau với gia đình". Long từ chối lấy lệ và đưa thư bà vợ ông bác sĩ. Ông bố rồi bà mẹ vừa đọc vừa tủm tỉm cười. Cô gái làm ra vẻ hơi ngượng nhìn ra ngoài sân. Thực ra bữa ăn này đã được sửa soạn kỹ lưỡng sau khi Long gọi điện thoại hẹn giờ tới. Toàn những món "rặc Bắc kỳ" ngon, lạ. Chưa bao giờ Long được ăn một bữa cơm gia đình thú vị và ngon lành như thế, mặc dầu anh chưa được thoải mái cho lắm vì cái sự khách xáo mầu mè của bà mẹ. Cơm nước xong ông bố mời Long ra ngoài sân uống trà chuyện trò. Còn hai người đàn bà rút vào phòng trong. Trước khi rút, cô nàng còn kín đáo ban cho Long một cái nhìn như hẹn hò, trìu mến. Ông bố có vẻ là người ưa thích nói chuyện thời sự. Ông hỏi Long về tình hình chính trị nước Mỹ, về cộng đồng người Việt hải ngoại, về tranh đấu dân chủ nhân quyền... Long lúng túng khi phải trả lời những câu hỏi này vì anh ít quan tâm. Ở Mỹ anh chỉ biết cắm cúi làm việc kiếm tiền rồi theo dõi "tốc" lên hay xuống, mặc dầu anh không chơi. Và Long cũng thích thú coi những trận tranh hùng bóng chầy của người Mỹ. Ông chủ nhà không hề nói năng đả động gì tới chuyện thuộc phạm vi lý lịch cá nhân của Long (vì ông đã được vợ ông bác sĩ cho biết tạm đầy đủ rồi). Khá khuya Long xin phép ra về. Anh nhìn vào phía trong nhà. Không thấy bóng dáng người đẹp đâu cả. Trong nhà chỉ còn để ngọn đèn điện nhỏ và tất cả lặng lẽ như mọi người đi ngủ từ lâu. Thực ra hai mẹ con bà chủ nhà ở phòng bên vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện của hai người đàn ông.

3.

Từ buổi "ban đầu lưu luyến ấy" Long thường xuyên lui tới nhà Kim. Qua câu chuyện với mẹ Kim, anh biết thêm nhiều về gia đình này. Họ thuộc diện "Bắc kỳ 75". Sau khi miền Nam bị mất vào tay cộng sản, một làn sóng người miền Bắc ồ ạt kéo vào miền Nam sinh sống. Họ gồm đủ hạng người, đủ thành phần các tỉnh thành miền Bắc. Gia đình Kim là dân Hà Nội "chính thống" bị kẹt lại sau năm 1954. Bố Kim kỹ sư đã về hưu. Mẹ Kim một thời được tôn hoa khôi Trưng Vương. Họ có ba người con, một trai hai gái. Anh con trai lớn đi bộ đội vào miền Nam và đã "hy sinh". Người con gái thứ hai đã lập gia đình sống ngoài Hà Nội. Còn người con thứ ba, cô út Kim, theo lời bà mẹ "em nó khó tính lắm, kén chọn mãi nên giờ vẫn phòng không". Nhìn đôi mắt rất sắc của mẹ Kim, nhất là khi nói chuyện đôi môi mỏng của bà dẻo quẹo, giọng bà ngọt sớt, Long thấy hơi rờn rợn ơn ớn. "Típ" người như bà này khôn ngoan đáo để lắm đây, Long thầm nghĩ. Chỉ ba tháng sau khi "giải phóng", ông bố Kim đã "bay" ngay vào Saigon tìm gặp người em họ. Sau đó ông tức tốc về Hà Nội bán nhà cửa đưa vợ con vào Miền Nam và mua ngay căn nhà họ hiện đang ở. Nhà cửa lúc đó "dân cũ" bán rẻ gần như cho không vì sợ bị tịch thu. Để phụ giúp cha mẹ, Kim làm thư ký cho một công ty tư. Đời sống của gia đình cũng bình bình thôi, không lấy gì làm khá giả vì họ không muốn nhận nơi này làm quê hương nên mọi việc đều có tính cách tạm bợ sống qua ngày chờ thời. Vì họ thường trực sống với tâm trạng nhấp nhổm đứng ngồi không yên, chỉ mong chờ có cơ hội là đi ra nước ngoài. Con đường duy nhất họ hy vọng có thể đưa họ sang Mỹ, hay Úc là ở cô con gái út. Do đó nhiều đám, cũng thuộc loại con nhà khá giả có học hành có tương lai ngấp nghé nhưng bố Kim cương quyết từ chối, mặc dầu cô con gái sắp bước vào tuổi "băm".

4.

Tôi thật không ngờ mối tình của tôi lại đơm bông kết trái một cách mau lẹ và suông sẻ may mắn như vậy. Chỉ mấy tháng sau, khi tôi về Mỹ xin phép bố mẹ xong, tôi trở sang Saigon lo làm lễ cưới liền. Tất nhiên theo yêu cầu của bố mẹ Kim, tôi phải tổ chức đám cưới thật to "để thiên hạ trông vào" và phải có sự hiện diện của "giới chức thẩm quyền nhà trai" tức bố mẹ tôi. Tôi còn phải chịu vài điều kiện nữa (khá nặng nề) do Kim và mẹ Kim đưa ra. Lúc đó trong cơn say men ái tình ham mê sắc đẹp, không cần đắn đo suy nghĩ tôi gật đầu xin tuân theo hết. Vả lại tôi không còn mong muốn gì hơn, không còn mơ ước gì hơn có được một người vợ đẹp, có học, thông minh, khôn ngoan, sắc sảo như Kim. Theo nhận xét của mẹ tôi thì được cả người lẫn nết. Đám cưới có mấy trăm người đến dự tiệc tại một nhà hàng khách sạn thuộc loại sang nhất nhì thành phố. (Kỹ sư Việt kiều Mỹ cưới vợ mà!). Tiền bạc tôi giành dụm mấy năm trời vơi đi quá nửa. Không sao! Muốn có vợ đẹp thì phải hy sinh, tôi tự nhủ. Tôi là một thanh niên thuộc hạng "chân chỉ hạt bột". Sau khi chúi đầu học hành ngày đêm kiếm được mảnh bằng là lao ngay vào công việc làm kiếm tiền và giành dụm để lo cho tương lai, theo đúng lời dạy bảo của bố mẹ. Vì không biết ăn chơi như một số bạn bè cùng lứa tuổi sau khi kiếm được tiền nên họ coi tôi là tên cù lần. Không sao! Tôi sống cho tôi chứ không phải sống cho thiên hạ! Ai cười cứ việc cười. Sau khi tiễn bố mẹ tôi về Mỹ, vợ chồng tôi đáp máy bay ra Phú Quốc hưởng tuần trăng mật. Đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi.Trời nước mênh mông bao la bát ngát, biển xanh rào rạt sóng vỗ như khúc hát ân tình. Tôi chưa bao giờ thấy đời đẹp và yêu đời như thế. Kim lúc nào cũng tỏ ra chiều chuộng săn sóc tôi từng việc nhỏ như một người vợ hiền mẫu mực mà tôi được chứng kiến thường ngày mẹ tôi xử sự với bố tôi. Khi Kim báo có "tin mừng" là lúc tôi phải trở về Mỹ xúc tiến việc bồi thường vụ tai nạn xe cộ cũng như lo tiếp thủ tục bảo lãnh vợ sang. Tôi sắp bước sang giai đoạn hai của cuộc đời: làm bố. Thêm trách nhiệm nhưng cũng thêm hạnh phúc. Mật ngọt tràn ngập ngày tháng, tràn ngập đời sống. Tôi không nhìn thấy gì ngoài người vợ thương yêu và đứa con đầu lòng sắp chào đời.

5.

Từ khi sang Mỹ sống và sinh cho tôi đứa con trai, "bà vợ" tôi tính tình thay đổi nhiều. Trước hết cô ấy đòi có tên chung trong trương mục của tôi ở ngân hàng vì "của chồng cũng như của vợ". Hơn nữa đây là một trong những điều kiện tôi đã "đồng ý thông qua" trước khi làm đám cưới. Tiếp tới cô ấy bỗng thay đổi tính nết, không còn nói năng ngọt ngào nhỏ nhẹ như xưa nữa.Thay vào đó là những câu nói gắt gỏng hoặc mặt mày lạnh cứng, hỏi cũng không thèm trả lời. Và cô cũng không còn tỏ sự nể nang kính trọng bố mẹ tôi như những ngày đầu. Nói năng chẳng những không còn thưa gửi, trái lại còn gắt gỏng và cả hỗn hào. Và hình như lúc nào cô cũng muốn tránh mặt bố mẹ tôi. Cần nói gì với ông bà, cô truyền qua tôi. Không sao! Khi yêu người ta phải quên đi nhiều thứ. Tôi đi làm về cô ấy không còn chạy tới cửa xe chào mừng và ôm hôn. Tôi vào nhà, cô cũng tỉnh như không, vờ vĩnh săn sóc thằng cu con. Tôi cho cô đi học lái xe, cô đòi mua luôn một chiếc Lexus mới. Mẹ tôi bỗng dưng trở thành babysit, suốt ngày ôm cháu, rỡn đùa với cháu, ru cháu ngủ, cho cháu ăn, thay tả lót tắm rửa cho cháu. Bà rất vui vẻ và sung sướng làm công việc này, không một lời kêu ca than phiền. Đây là đứa cháu đích tôn mà! Con tôi được đâu 4, 5 tháng thì vợ tôi kiếm cớ "thằng bé hay khóc đêm làm mất ngủ". Thế là mẹ tôi lại lãnh thêm phần tối ôm ru cháu ngủ. Bố tôi phải di chuyển ra ngoài phòng khách ngủ trên cái ghế dài. Trước nay mẹ tôi vẫn là đầu bếp trong nhà, từ ngày có cô con dâu sang, vì bà mắc trông cháu nên vợ tôi lãnh công việc này. Nhưng chỉ được ít ngày cô kiếm cớ bận đi học lái xe, bận đi sốp ping, bận đi gội đầu nhuộm tóc, bận đi sửa móng tay chân nên tôi phải thuê người làm bếp, một bà tương đối lớn tuổi. Nhưng làm được ít ngày vợ tôi đuổi bà ta đi với lý do "bà này nấu nướng không ngon lại còn ở dơ". Thuê người khác cũng chỉ làm được ít ngày. Mẹ tôi đành phải kiêm nhiệm, vừa coi cháu vừa làm bếp. Còn vợ tôi lúc nào rãnh rỗi ở nhà thì cứ ôm chặt lấy cái phôn, hết gọi cho bố mẹ lại tới anh chị em họ hàng ở Việt Nam mấy giờ liền, hàng tháng mất đến dăm bẩy trăm đồng.

Từ ngày có bằng lái xe và có xe mới vợ tôi hầu như đi suốt ngày. Hễ tôi rời khỏi nhà đi làm là liền đó vợ tôi cũng lái xe đi. Tới buổi chiều tôi về, cô ấy về trước. Bố mẹ tôi đem những việc này phàn nàn với tôi, nhưng tôi gạt đi. Tôi biết bố mẹ tôi rất khó chịu vì những xử sự của cô con dâu. Một hôm tôi được anh bạn thân cho biết bắt gặp vợ tôi nhẩy nhót tại một tiệm khiêu vũ. Tôi để ý theo dõi quả đúng như lời anh bạn nói. Tôi tỏ bầy sự không đồng ý với vợ. Vợ tôi chẳng những không nghe lời còn sừng sộ: "Bộ anh tính bắt em chui rúc mãi trong só nhà sao? Cũng phải để em vui chơi giải trí một chút chứ! Anh nghĩ coi, anh đi làm suốt ngày em ở nhà buồn đến thế nào!". "Thì em chơi với con". "Con nó thích chơi với mẹ hơn là với em. Hơn nữa sống ở xã hội Mỹ mình phải hội nhập đời sống văn minh tân tiến của họ chứ. Phải giao thiệp rộng nhất là trong giới thượng lưu chứ!". Tôi tự an ủi: thôi thì yêu vợ phải chiều theo ý vợ vậy! Nhưng vợ tôi không dừng lại ở mức chiều chuộng này. Cô còn tiến thêm nhiều bước nữa. Và số tiền lương của tôi hàng tháng cứ "bay" theo sự tiêu pha mua sắm của vợ. Cô ấy "chơi" toàn thứ hàng hiệu xa xỉ mắc tiền rồi tới kim cương hột soàn.

6.

Một buổi tối, sau khi cơm nước xong cả nhà ngồi coi tivi. Bất thần vợ tôi đứng lên ra hiệu tôi vào phòng ngủ có chuyện muốn nói. Cô ấy sau khi dài dòng phàn nàn về bố mẹ tôi, tỏ ý muốn ông bà dọn đi nơi khác ở. "Bố mẹ ở đây em cảm thấy mất tự do nhiều lắm và nhất là ảnh hưởng nặng nề tới hạnh phúc riêng tư của vợ chồng mình". Tôi thật bất ngờ trước sự đòi hỏi này. Tôi im lặng ngẫm nghĩ. Vợ tôi bồi thêm: "Anh không yêu em nữa sao? Anh không muốn hạnh phúc chúng mình bền vững tốt đẹp mãi sao? Những lúc em muốn lăn sả vào anh âu yếm thì đụng phải cặp kỳ đà già cản mũi, hết cả hứng thú!".
Rồi cô làm mặt giận bỏ ra ngoài. Mấy ngày sau trước sự tấn công của vợ, lúc mềm lúc cứng, lúc ngọt ngào lúc gắt gỏng, lúc nài nỉ lúc đe dọa, tôi đành nhượng bộ chịu thua. Tôi phải năn nỉ thuyết phục bố mẹ tôi mãi. Tôi thuê một căn appartment để ông bà ở. Bố tôi khinh bỉ nhìn tôi. Còn mẹ tôi khóc muốn hết nước mắt khi phải rời xa thằng cháu nội yêu quý. Tôi nghe người ta nói lại là bố tôi tuyên bố từ nay không nhìn mặt tôi nữa "đồ đàn ông hèn hạ sợ vợ hơn sợ cọp". Theo tôi, bố tôi thuộc lớp người lạc hậu vẫn quen lối sống Việt Nam "chồng là ông vua trong nhà". Ông không biết người đàn bà ở Mỹ này muốn là trời muốn. Vợ tôi đắc thắng nhìn bố mẹ tôi rời khỏi nhà nhưng vẫn cố nói một câu đãi bôi: " thỉnh thoảng mẹ về chơi với cháu mẹ nhé, kẻo cháu nó nhớ bà nó khóc tội nghiệp lắm!". Tôi nghe rõ tiếng "sì" của bố tôi và nhìn thấy cái nhún vai khinh bỉ. Không sao! Yêu vợ, tôi phải quên đi và hy sinh nhiều thứ!

7.

Sau khi hoàn tất giấy tờ bảo lãnh bố mẹ vợ sang Mỹ xong, vợ tôi tiến thêm một bước nữa. Cô ấy tự động thuê một bà trông coi con 8 tiếng. Và tôi đi làm là cô ấy cũng rời khỏi nhà. Lắm hôm tôi làm về không thấy vợ, tôi phải thêm nhiệm vụ coi con vì bà babysit hết giờ về nhà. Vợ tôi ngày càng ăn diện son phấn nước hoa lúc nào cũng sực nức. Trông cô đẹp rực rỡ và quyến rũ hơn trước nhiều khiến tôi càng thêm mê mẩn. Có nhiều đêm 2, 3 giờ sáng cô mới về nhà. Tôi hỏi cô nói tỉnh bơ là tới nhà bạn gái mải chuyện trò vui chơi quên mất giờ giấc. Một thời gian sau vợ tôi bỗng dưng tính tình thay đổi hẳn. Cô trở lại như lúc đầu, nói năng ngọt ngào và chiều chuộng tôi hết mức. Nhất là cái khoản yêu đương, hầu như đêm nào cô cũng "bắt đền" tôi. Tôi sung sướng cảm tưởng như mình đang sống tuần trăng mật năm trước. Tôi cho rằng vợ tôi đã hồi tâm nghĩ lại. Cô còn luôn nhắc tôi chở vợ con tới thăm ông bà già. Có hôm tôi đi làm, mình cô chở con đến. Bố mẹ tôi vui vẻ hoan hỉ lắm. Một buổi tối sau khi "vui vẻ" xong, khác mọi khi, vợ tôi cứ ôm chặt lấy tôi hôn hít âu yếm và báo tin mừng tôi sắp có đứa con thứ hai. Khỏi nói là tôi rất vui mừng và báo tin ngay cho bố mẹ tôi biết. Đêm sau vợ tôi lại tiếp tục trò âu yếm nũng nịu ve vuốt. Tôi tưởng cô lại muốn hưởng cuộc vui nhưng không phải. Cô làm những trò này xong mới mở giọng vòi vĩnh: "Anh à, em không biết có nên nói điều này không?". "Gì mà có vẻ quan trọng thế, em cứ nói. Có bao giờ anh từ chối em đâu". Cô làm bộ lưỡng lự mãi mới chịu nói. Thì ra cô muốn tôi ghi thêm tên cô vào giấy chủ quyền nhà. Cô lấy lý do lỡ chẳng may có sự gì bất thường không tốt đẹp xẩy ra cho tôi (cô rào đón thề chẳng bao giờ muốn thế) thì có phải sẽ gây khó khăn cho vợ con trong việc chủ quyền căn nhà không. Tôi không hiểu sao khi ấy tôi như một tên ngốc lú lẫn gật đầu chấp thuận ngay. Hơn nữa đây cũng là điều kiện đặt ra từ trước buộc tôi phải tuân theo. (Sau này mẹ tôi bảo tôi "ăn phải bùa con yêu tinh đó"). Hôm sau tôi đưa vợ ra ngân hàng làm thủ tục ghi thêm tên. Tôi có biết đâu tôi đã làm một công việc ngu si rồ dại, sau này hối hận thì tất cả đều đã muộn mất rồi!

Một hôm tôi và vợ đưa con đi sốp ping. Khi đậu xe xong, tôi mở cửa sau xe xách cái carseat có con tôi ngồi trong đó đi vào chợ. Tôi có ngờ đâu tên thám tử của hãng bảo hiểm (trước giờ vẫn rình rập theo dõi tôi) chụp được tấm ảnh tôi đang xách cái carseat bằng cánh tay trái - cánh tay tôi (qua bác sĩ chứng nhận) bị thương tật không được cầm các vật nặng trên 5 pound. Thế là hãng bảo hiểm cho rằng tôi bịa đặt man khai và xin tòa án tống giam tôi về tội này. Tôi bị bắt giam mấy ngày, đóng tiền thế chân được tại ngoại. Tòa xử tôi thua, thế là mất luôn khoản tiền bồi thường - mà tôi hy vọng có được cả trăm ngàn đồng. Chưa hết, liền đó tôi lại bị sở cho nghỉ việc. Khi việc rủi ro này diễn ra, vợ tôi không nói năng bình luận một tiếng nào. Mặt cô trở nên lạnh lùng, khó hiểu. Từ lúc có tên chủ quyền nhà và biết tôi hết trông mong hưởng khoản tiền bồi thường tai nạn cũng như thất nghiệp, vợ tôi lại trở mặt nói năng hỗn hào như trước và nhiều lần đi chơi tới sáng mới về. Báo hại tôi cứ phải ôm con ngủ.Thằng nhỏ suốt đêm quấy quả không chịu ngủ yên, tôi chịu đựng không nổi phải đưa nó về nhà mẹ tôi coi dùm. Vì việc này vợ chồng tôi to tiếng cãi vã. Trong lúc nóng nẩy tức giận, cô bảo cái thai đang mang trong bụng cô không phải con của tôi. Không nín nhịn được nữa, bao nhiêu phẫn uất tức giận bấy lâu dồn nén giờ bùng lên dữ dội. Tôi đưa tay tát mạnh vào mặt cô ấy một cái ngã chúi xuống đất. Cô la khóc ầm ĩ như bị giết và lấy phôn kêu cảnh sát liền. Lập tức cảnh sát tới còng tay tôi dẫn đi ngay trước đôi mắt lạnh lùng của vợ tôi.

8.

Làm thủ tục ly dị xong, căn nhà chia đôi, mỗi người ở một nửa. Thế là tôi mất không nửa căn nhà. Tôi xin tòa được nuôi con, thấy vợ tôi đồng ý, tòa liền cho phép. Mặc dù đang thất nghiệp, tôi rất sung sướng được chăm nom săn sóc nuôi nấng con mình. Hơn nữa tôi có mẹ tôi hết lòng trợ giúp.

Từ ngày ly dị, cô ấy không còn giữ gìn nữa dẫn ngay anh kép Mỹ và bạn bè của anh ta về nhà ăn chơi, rượu chè, nhẩy nhót. Nhạc sập sình ồn ào có khi thâu đêm suốt sáng. Tôi làm sao chịu nổi cảnh này. Tôi yêu cầu bán nhà. Vợ tôi bằng lòng mua lại nửa căn nhà này. Thì ra anh kép Mỹ của cô ấy là con một nhà tỉ phú Mỹ gốc Trung Đông. Tôi thuê một căn phòng ở tạm chờ công việc. Con tôi giao hẳn cho mẹ tôi. Bố tôi vẫn giận tôi không thèm nhìn mặt.

Nghe đâu mấy tháng sau anh chàng Mỹ làm lễ cưới cô vợ cũ của tôi linh đình lắm. Bố mẹ anh em nhà cô bên Việt Nam được mời sang dự. Và sau đó ông bà già vợ ở lại Mỹ luôn. Căn nhà cũ của tôi giờ ông bà già vợ ở. Thế là ông bà thỏa mãn giấc mơ Mỹ ôm ấp bao năm. Vợ tôi về sống trong một tòa lâu đài của bố mẹ chồng trên núi.

Tôi căm hờn đàn bà từ đấy. Chỉ vì họ tôi tan nát cuộc đời. Tôi thề từ nay không bao giờ lấy vợ nữa và có cơ hội là tôi trả thù liền. Trả thù một cách tàn nhẫn. Trả thù một cách độc hại. Ôi, thời gian qua tại sao tôi lại có thể ngu si đần độn u mê tăm tối như vậy.Tôi giận tôi. Tôi hận đời. Hỡi những con yêu tinh, hãy đợi đấy!