Một Người Mẹ

"Bà mẹ Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng bà mẹ Việt Nam tươi"

(Hồ Dzếnh)

1

Năm 30 tuổi bà mới lập gia đình. Hôn lễ được tổ chức giản dị trên đảo tỵ nạn, sau khi bà và ông vượt biên tới đây. Trước đó họ không quen biết nhau và cũng không có nhiều thời gian tìm hiểu nhau. Ở nơi đất lạ, họ thấy bơ vơ lạc lõng và cô đơn với đầy lo âu trước mắt về tương lai. Vì thế họ phải tìm đến nhau để nương tựa. Hôn nhân không đến vì tình yêu mà đến vì cùng muốn đi chung một con đường - con đường lập nghiệp nơi xứ người - nên có sự hòa hợp và tiến dần đến yêu thương. Sở dĩ tới năm 30 tuổi bà mới có quyết định lấy chồng vì trước và sau ngày 30 tháng tư 1975, mặc dầu mới học hết bậc trung học, với tuổi học trò trong trắng còn ngu ngơ việc đời, bà phải lao mình vào xã hội kiếm sống để nuôi mình và gia đình đang trên đường sa sút. Ông bố bà già nua bệnh tật thêm chán nản thất vọng về thời thế nên phó mặc sự sống cho vợ con. Một thời gian sau 1975 ông từ giã cuộc đời. Người chị gái lớn đã lập gia đình lo cho chồng con chưa xong nên chẳng giúp được gì bố mẹ. Người anh trai lớn theo bạn bè "áp phe" chợ trời nhưng bị "bọn bắc kỳ mới" lừa mất cả vốn lẫn lời sinh chán đời tìm quên lãng trong việc vẽ tranh, đọc sách. Trước hoàn cảnh bi đát không lối thoát của gia đình, bà phải bỏ học. Vì có chút khả năng viết lách, bà đoạt nhiều giải thưởng về văn chương do nhà trường tổ chức từ những năm trước 1975, nên được người quen giới thiệu vào làm phóng viên cho một tờ tuần báo phụ nữ của chế độ mới. Sở dĩ bà được tuyển mộ vì bộ biên tập của tờ báo toàn là dân mới từ Hà nội vào hay trong rừng ra họ chưa hiểu tâm trạng, đời sống, nhất là chưa "nắm" được tâm lý "dân ngụy" nên tạm thời dùng bà để học hỏi tìm hiểu đường đi nước bước - mặc dầu lúc nào họ cũng cảnh giác bà là người chế độ cũ. Thật bất ngờ trong công việc phóng viên - với phần vụ xã hội - bà tỏ ra xuất sắc và lý lịch gia đình bà cũng không có "vấn đề" gì nặng nề với cách mạng nên bà được tin dùng. Với số lương phóng viên bình thường lại không có vây cánh tuy chẳng là bao nhưng vì cần kiệm cũng nuôi được cả nhà trong giai đoạn khắp nước khốn khổ. Bà "làm báo" được hơn năm, trong một buổi sinh hoạt tòa soạn, một anh "nhà báo Bắc Kỳ" đã có những lời lẽ miệt thị và coi khinh người dân chế độ cũ, bà không nén được tự ái và tức giận lớn tiếng sỉ vả mắng mỏ lại anh ta. Hai bên to tiếng và trước mặt mọi người bà dõng dạc tuyên bố thôi việc, đứng dậy ra về liền mặc dầu biết quyết định của mình sẽ dẫn đến cuộc sống khó khăn ngay. Bà Tổng biên tập tờ báo người Nam khuyên bà bớt giận ở lại làm việc nhưng bà nhất định từ chối bỏ đi.

2

Sự thôi việc của bà kéo theo sự túng thiếu của cả gia đình. Trải qua những ngày tháng chạy vạy cơm ăn áo mặc tưởng lâm vào bước đường cùng thì thần may mắn đến với bà. Những bạn gái cùng lớp với bà số hên vượt biển thoát ra nước ngoài nay giành dụm được chút tiền bạc muốn gửi giúp gia đình còn kẹt lại Saigon. Bà là người họ tin tưởng ở sự ngay thẳng đứng đắn, trọng chữ tín nên họ gửi "chui" đô la về cho bà để bà giao lại cho gia đình họ (vì họ ngại không dám gửi thẳng cho gia đình, hơn nữa gia đình họ ở trong ngõ ngách khó tìm). Và thời điểm đó tiền đô gửi về phải gửi "chui", nếu công an hay viên chức phường ấp bắt được là tiền bị tịch thu và người có thể bị bắt giam liền. Mỗi trăm đô họ "tặng" bà 5 đô. Người nọ mách người kia, hàng tháng số người gửi đông thêm nên bà có một số tiền đủ nuôi sống gia đình và còn giúp các bạn thân cùng trường ngày trước, nghèo. Các bạn bè bà ở nước ngoài vì thương bà, mến bà đã bàn nhau chung góp một số tiền để bà vượt biển. Và chỉ một lần xuống tầu bà đã tới đảo. Với bản chất ưa thích hoạt động xã hội và một trái tim nhân hậu nên trên đảo bà được mọi người quý mến tin cậy. Bà làm giúp họ giấy tờ hành chánh và dạy Anh văn cũng như những công việc khác. Để tỏ lòng biết ơn, những người này đã "tặng" ông bà khi con cá khi bó rau (mà họ câu và trồng được) do đó đời sống của vợ chồng bà ở đảo cũng tạm đủ qua ngày chờ vào miền đất hứa.

3

Khi vào đất Mỹ định cư được mười năm, trong lúc hai vợ chồng mải mê làm việc để xây dựng cuộc đời mới thì ông chồng mắc bạo bệnh qua đời để lại cho bà ba đứa con gái. Đứa lớn nhất năm tuổi, hai đứa kia một lên ba một lên hai. Với 40 tuổi đời bà phải tự mình gánh vác nuôi nấng ba đứa con thơ. Bà đã di chuyển chỗ ở nhiều nơi, kể cả các Bang xa xôi heo hút lạnh giá. Ngoài công việc làm kiếm sống hàng ngày, bà còn phải lo săn sóc các con từ những việc nhỏ nhặt nhất. Sáng dậy đưa đứa lớn tới trường, trở về nhà lo cho hai đứa nhỏ ăn uống xong mang đi gửi người quen "bê bê sít" (họ thông cảm chỉ lấy tiền tượng trưng) rồi bà mới lái chiếc xe cũ cổ lổ sĩ đi làm. Bà làm đủ thứ nghề: bán xe lunch, lau chùi phòng ốc công tư sở, gác gian bảo vệ cơ sở ban đêm từ 8 giờ tối tới 8 giờ sáng và các "nghề" khác chẳng lấy gì làm thoải mái. Bà không nề hà công việc gì, dù nặng nhọc vất vả tới đâu, miễn kiếm được tiền nuôi con cái một cách lương thiện. Gần 20 năm làm việc quần quật không ngơi nghỉ, cô con gái lớn của bà đã tốt nghiệp đại học, lấy chồng và cũng sinh liền ba cô con gái như mẹ. Còn cô thứ hai đã học xong có việc làm nhưng cũng không dư dả tiền bạc, chỉ đủ cho cô chi dụng và giúp mẹ tí chút. Cô Út thì còn đi học. Bà phải thôi việc để ở nhà trông coi các cháu ngoại vì chưa đủ khả năng gửi nhà trẻ. Cũng như trước đây với các con giờ với các cháu, cái vòng nhân sinh tiếp tục tái diễn: bà đưa đứa lớn bốn tuổi đi học, hai đứa nhỏ hai tuổi rưỡi và một tuổi rưỡi bà phải làm "bê bê sít" ở nhà. Đi đâu thì "cột" chúng vào băng sau xe. Vì phải giành tất cả thời gian cho việc kiếm ăn và nuôi con cháu nên bà đã quên mình, quên cuộc sống của mình. Khi bất chợt nhìn lại đời mình bà thấy mình đã đánh mất tuổi thanh xuân, đã ngoài 40 tuổi - tức là tuổi bắt đầu bước vào cửa ngõ hoàng hôn cuộc đời. Nhờ tiền chắt chiu giành dụm, bà và các con gom góp tiền bạc và vay mượn thêm bạn bè mua được căn nhà cũ, mẹ con bà cháu quây quần sống bên nhau. Sau khi "an cư" bà lại "tranh thủ" những lúc nhàn rỗi làm thêm những việc lặt vặt tại gia kiếm thêm tiền gửi về nước để mẹ và các anh chị em lần lượt vượt biên.

4

Bây giờ bà không phải đi làm như trước nữa nhưng công việc xem ra còn "nặng" gấp nhiều lần. Bốn giờ sáng bà trở dậy, bất kể mùa đông hay mùa hè, lo nấu cơm và thức ăn rồi cho vào từng hộp để các con mang tới Sở ăn trưa. Tới 8 giờ sáng các cháu ngoại ngủ dậy, làm vệ sinh cho chúng rồi cho chúng ăn sáng. (Nhiều khi phải nài nỉ dỗ dành hay to tiếng gắt gỏng muốn đứt hơi chúng mới chịu ăn). Xong, đưa đứa lớn tới trường mẫu giáo (và tất nhiên trưa phải đón về). Còn hai đứa nhỏ bà phải "trách nhiệm" cho chúng ăn uống đái ỉa thay tả, quần áo, giải hòa khi chúng tranh giành đồ chơi cải vả đánh lộn, cho tới 6 gờ tối mẹ chúng về bàn giao bà mới hết "trách nhiệm". Buổi chiều nào cũng vậy, bà phải "cột" hai đứa cháu nhỏ sau xe để tới Costco mua thức ăn, trái cây, nước uống và những thứ vặt vẵn cần thiết cho ngày hôm sau. Nhưng vẫn chưa hết việc: nồi niêu soong chảo và chồng bát dĩa dơ, cả nhà ăn tối xong chất đầy cái "sing", bà phải lo rửa ráy sạch sẽ. Rồi tiếp tới là quét dọn lau chùi nhà cửa mất cả giờ. Bà làm việc quần quật không giây phút ngơi nghỉ nhưng không hề kêu ca hay than phiền gắt gỏng. Các con bà hình như coi đó là bổn phận của người mẹ phải làm nên đôi khi mới ra tay phụ giúp. Và cũng có lẽ vì làm việc về mệt mỏi, ăn xong chúng chỉ muốn đi nằm ngay. Công việc nhà xong xuôi thì đã gần 9 giờ tối. bà mệt nhoài lên giường nằm tìm giấc ngủ. Đó là chưa kể (gần như thường xuyên) khi bà chập chờn sắp đi vào giấc ngủ, mấy đứa cháu ngoại gây lộn tranh giành cái gì đó kéo nhau vào phòng "nhờ" bà ngoại phân xử hay bắt đền.

5

Cuộc đời của bà cứ thế kéo dài hết tháng này tới năm khác. Năm nay bà đã sấp sỉ cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Gần 70 năm trời thấy bà chẳng có một ngày nào thảnh thơi yên ổn và sống cho mình, tôi nhân danh tình bạn thân thiết "khuyên" bà hãy giành số thời gian còn lại thảnh thơi sống cho mình, vì ít năm nữa với tuổi già sức yếu liệu bà còn đủ sức lực làm những việc này không thì bà lại "phát ngôn" rất chân thành: "tôi sung sướng và hạnh phúc khi làm những công việc cho con cháu".

Tôi nghĩ tới ngày hai cô con gái sau của bà lấy chồng sinh con, bà lại tiếp tục "sung sướng và hạnh phúc khi làm những công việc cho con cháu" như bây giờ tôi không khỏi ái ngại cảm thương, cố kìm hãm một cái gì đó đang nghèn nghẹn dâng lên cổ và hai mắt như mờ đi. Tôi xúc động muốn ứa nước mắt. Ôi những bà mẹ Việt Nam, thú thực tôi không đủ chữ nghĩa để ca ngợi tấm lòng thương yêu và sự tận tụy hy sinh cho con cháu, bao la bát ngát hơn cả trời cao biển rộng của quý bà.

Thanh Thương Hoàng