Ngày Về Quê Cũ
Thế là hơn một phần tư thế kỷ, ông Nam mới dứt khoát quyết định về thăm quê hương đất nước, và có thể sau đó ông sẽ sống những ngày tháng còn lại cho tới mãn đời. Ông nghe bạn bè thân sơ và các cơ quan truyền thông nói về VN bây giờ khác xưa rất nhiều. Những người cầm quyền đã có một cái nhìn khác về những người bỏ chạy khỏi nước năm 1975. Ngay cả những người bạn Mỹ của ông cũng nói cộng sản VN bây giờ "xếp hồ sơ" cũ lại rồi. Họ xóa bỏ hận thù, và xóa bỏ luôn tất cả mặc cảm tự ti dẫn đến tự tôn tự kiêu tự đại trước đây của họ. Họ không còn là những con người rừng với những ý nghĩ, những cái nhìn của người rừng nữa. Bây giờ họ là những con người thành thị say mê hưởng thụ những tiện nghi vật chất văn minh hiện đại. Người ta chỉ ganh ghét nung nấu hận thù và âm mưu lật đổ khi người ta không có những cái người khác có. Mọi người khuyên ông Nam hãy về nước "tham quan" một lần xem sao. Ông Nam luôn luôn nghĩ rằng trường hợp cá nhân ông có nhiều cái khác mọi người. Trước năm 1975 ông giữ một vai trò khá đặc biệt trong hậu trường chính trị Miền Nam nên có nhiều dư luận đồn đại về ông. Ông có những quan hệ giao dịch tiếp xúc thường xuyên với những nhân vật tên tuổi quyền lực cả Việt lẫn Mỹ. Và cái lời đồn rõ rệt nhất là người ta gán cho ông là một nhân viên CIA gộc, phụ tá đặc biệt của trùm CIA Mỹ Colbỵ Vì ông chưa bao giờ tham chính nên dư luận càng tô vẽ cho ông những vai trò quan trọng hay ghê gớm mà ông chẳng bao giờ có. Chẳng hạn như trước 1954 họ đồn đoán ông là người của Pháp sẽ "nắm quyền" khi có đại sự xẩy ra. Rồi sau 1954 chạy vào Nam ông lại được dư luận biến thành "con bài tẩy" để dành của Mỹ. Và chính người của ông đã đánh phá tan nát biết bao tổ chức, đoàn thể trá hình của cộng sản đặt tại Miền Nam. Thế là ông bỗng dưng trở thành một nhân vật lớn của Miền Nam được tạo nên bởi huyền thoại. Một con người đầy quyền lực nhưng cũng đầy nguy hiểm. Do đó người ta sợ ông, luôn đề phòng và tìm cách xa lánh ông. Cả một hàng rào vô hình như vây quanh, bám chặt lấy ông Và tất nhiên chính quyền cộng sản Bắc Việt, qua bọn nằm vùng, cũng phải "quan tâm đặc biệt" tới ông. Họ xếp ông vào thành phần "Việt gian bán nước, tay sai đế quốc". Mấy lần ông bị ám sát hụt. Người thì cho là do đặc công cộng sản. Kẻ thì cho là ông Tổng Thống muốn trừ khử kẻ ngấp nghé cái ghế ngồi của mình. Và ngay cả vợ con, họ hàng bè bạn ông cũng chẳng hiểu thật sự ông là ai. Ông là một con người hoàn toàn xa lạ, khó hiểu với họ. Đôi khi "nhìn" lại mình ông cũng không biết mình là ai nữa! Chẳng lẽ ông là nạn nhân của chính mình do dư luận?
Tháng Tư năm 1975 ông bị "hụt chân" không chạy thoát như một số đông những người có quyền thế và tiền bạc lúc bấy giờ. Ông và vợ con ở lại trong cái thảm cảnh "sống ngày nào biết ngày ấy". Sự bắt bớ khủng bố người quốc gia diễn ra suốt ngày đêm. Rồi những tin dữ mau chóng loan truyền.Hà Nội vừa cho toán đặc vụ vào bắt ông X., ông Y vv... Những người này trước 1954 làm việc cho Pháp hoặc đứng đầu các tổ chức đoàn thể quốc gia. Mọi người đều cho ông Nam như cá đang nằm trên thớt. Ông cũng nghĩ thế. Sớm muộn gì cũng tới lượt ông. Tiếng chuông báo nguy đã rung lên từng hồi. Ông phải chạy thôi, thoát thân trước khi sấm sét bổ xuống. Còn vợ con ông thì như những kẻ đã chết rồi. Sự quá sợ hãi đến rũ liệt của họ ảnh hưởng lớn tới những toan tính của ông. Ngoài sự sợ hãi, gia đình ông Nam còn lãnh thêm một tai ách ghê gớm: sự xa lánh ruồng rẫy của họ hàng, bạn bè và cả những người chịu ơn ông trước đây. Họ tránh ông và gia đình ông như tránh hủi vì sợ bị liên lụy. Khi bất đắc dĩ gặp ông họ coi như một đại họa sắp giáng xuống đầu họ. Cả nhà ông Nam cứ thế sống trong cái địa ngục trần gian khủng khiếp của kẻ thù và của bạn tạo ra như những mũi dao nhọn tứ phía đâm tới. Ông lại vừa nhận được một lá thư tay của người bà con họ hàng xa ở Hà Nội gửi lén vào khuyên ông bằng mọi giá phải rời khỏi nước ngay, cộng sản không bao giờ quên và không bao giờ tha những kẻ mà họ cho là có nợ máu.
Khi ông Nam đang lo việc tầu thuyền để vượt biển thì nhận được giấy của công an Thành gọi tới trình diện. Ông Nam đoán là trước khi bắt ông, cộng sản muốn xác minh lý lịch. Sống quá lâu nơi vùng đất tự do nên ông Nam quên mất phương châm hành động của người cộng sản: "thà giết lầm còn hơn để thoát"?. Thế là không cần đợi con tầu hoàn chỉnh, ông Nam cùng gia đình vội vã lẻn về tỉnh xuống tầu vượt biển. Sau này nghe người ta kể lại, gia đình ông vừa ra khỏi nhà ít giờ thì công an cộng sản ập tới vây bắt. Điều bất hạnh lại đến với gia đình ông Nam, ra biển khơi tầu gặp sóng to gió lớn đánh tan tành. Chỉ mình ông sống sót vì bám được thanh gỗ thành tầu. Còn vợ con ông không biết bơi bỏ xác dưới đáy đại dương. Sau một thời gian sống ở trại Bidong, ông Nam được đưa vào đất Mỹ tái định cự
Những ngầy đầu tiên trên đất Mỹ, ông Nam cũng như đa số đồng hương phải chịu biết bao gian nan khổ cực để mưu sinh. Từ sáng sớm tới tối mịt ông phải làm liền mấy job mới có đủ tiền trả tiền thuê phòng, tiền ăn và hàng trăm thứ nhu cầu khác. Ông đi cắt cỏ, làm vườn, lau nhà, rửa bát đĩa, rửa cầu tiêu, hầu bàn, gác cổng, phu khuân vác... Nghĩa là ông bất chấp công việc vinh hay nhục và khó khăn nặng nề, miễn ra tiền là ông làm hết. Làm việc quần quật suốt quanh năm ngày tháng, chắt bóp từng đồng bạc và nhất là tằn tiện không tiêu pha mua sắm, vài năm sau ông Nam đã dành dụm được một số tiền kha khá. Ông bắt đầu chuyển sang hành nghề kinh doanh địa ốc. Thời vận đã mỉm cười và đến với ông. Ông "đánh" đâu trúng đó. Tiền bạc theo thời gian cứ vào như nước. Cơ sở kinh doanh của ông phình lớn với hàng trăm nhân viên. Tiếng tăm nhà tân triệu phú Đại Nam nổi như cồn khắp thành phố và toàn bang rồi lan truyền sang các bang. Ông mua nhà trên núi ở như những người giầu có sang trọng khác. Ngôi nhà bạc triệu khang trang lộng lẫy như một dinh thự. Vốn giầu lòng bác ái, ông mở rộng vòng tay giúp các tổ chức tôn giáo, từ thiện. Những hội hè, những tiệc tùng gây quỹ, những đêm ca nhạc cứu lụt, cứu đói người trong nước, ông đều được mời tham dự hoặc bảo trợ và được đón rước vô cùng trịnh trọng. Ngay cả những buổi ra mắt sách của mấy ông nhà văn nhà thơ nghèo chán phè mà ông cũng vẫn vui vẻ nhận lời bảo trợ và sốt sắng đi dự.
Công ty ông lập riêng một quỹ bảo trợ xã hội. Ở xã hội Mỹ cũng như xã hội VN, khi đã trở thành nhân vật lớn thì dư luận xúm lại bàn tán xôn xao, khen chê đủ thứ. Và những huyền thoại lại được dựng lên tạo thành một bức màn bí mật bao quanh con người đó. Từ đây ông Nam bắt đầu đi vào giới giầu có và giới thượng lưu trí thức của Việt cũng như Mỹ. Trong một cuộc vận động bầu cử Tổng thống, ông Nam phải bỏ ra cả trăm ngàn đồng để được dự tiệc và bắt tay chụp hình với đương kim Tổng Thống tái ứng cử. Với bức hình ông Nam bắt tay Tổng Thống Mỹ được phóng to trịnh trọng treo giữa phòng khách đã là đề tài cho thiên hạ xì sầm tô vẽ, biến ông trở thành một nhân vật quan trọng trong chính giới như trước đây đã từng xẩy đến với ông ở VN. Có tiền bạc, có nhà cao cửa rộng, một cuộc đời giầu sang phú quý, chẳng lẽ ông Nam cứ sống mãi trong cảnh độc thân. Bây giờ có thể nói ông không thiếu gì hết trừ bóng dáng một người đàn bà. Rất nhiều quý bà quý cô bỏ chồng hoặc chồng bỏ hoặc vì kênh kiệu muốn treo giá cao để quá lứa đều hướng cặp mắt xanh về ông Nam. Ông Nam không còn trẻ nữa, ông đã bước vào gần tuổi 60, tức là tuổi đang đi trong buổi hoàng hôn của đời người.
Danh vọng tiền bạc ở nước người như vậy là quá đủ với ông Nam, giờ ông cần một người vợ hiền. Nơi đất khách quê người với cái tuổi đời xế bóng cô đơn vô cùng. Còn gì buồn thảm hơn khi đêm khuya trằn trọc không ngủ được trong căn nhà trống vắng mênh mông. Ông Nam đã nghe nhiều chuyện về những người lớn tuổi sống độc thân ở đất Mỹ. Đó là địa ngục với những người nghèo lại cô độc, phải vào Nursing Home sống. Nơi này đầy đủ tiện nghi và được chăm sóc chu đáo đấy nhưng lại không có cái quan trọng nhất mà những người già đơn chiếc thiếu và vô cùng cần thiết: đó là tình thương yêu thân thiết. Những y tá, y công ở đây chỉ làm nhiệm vụ của một người ăn lương. Họ chăm sóc bệnh nhân một cách lạnh lùng máy móc, làm cho xong công việc phải làm, thế thôi. Còn với những người giầu có thì cũng chẳng hơn gì. Rất nhiều người bị tai biến mạch maù não nằm gục trong nhà cầu giữa đêm khuya, khi người ta phát giác thì đã muộn. Và có cả những nhân vật tai to mặt lớn ở miền Nam trước đây kẻ hầu người hạ lúc nào cũng đầy nhà, bị chết trơ trọi cả tháng trong phòng ngủ, thân thể rửa thối không ai hay biết. Ông Nam không muốn những cảnh này đến với mình, mặc dầu lúc nào ông cũng thương nhớ và nghĩ tới vợ con bị chết thảm trên biển Đông. Một sự tình cờ run rủi đến với ông Nam: ông được người ta giới thiệu một góa phụ Mỹ. Bà này trước có sống vài năm ở VN. Chồng bà là viên chức Tòa Đại sứ Mỹ và bị chết ở Saigon, tới giờ người ta vẫn chưa tìm ra nguyên do. Bà có một người con gái đã lập gia đình và sống riêng. Bà tuổi khoảng 50 và cũng cô đơn vì thiếu vắng một người đàn ông bên cạnh. Với sắc đẹp bình thường, với tuổi đời không còn trẻ lại không giầu có nên việc kiếm một người đàn ông có lòng và tử tế đối với bà hơi khó khăn. Vì đã sống ở VN nên bà biết khá nhiều phong tục tập quán người VN và bà cũng có chút ít cảm tình, theo như lời bà nói với ông Nam trong những buổi đầu gặp gỡ. Thế rồi sau một thời gian giao dịch tìm hiểu, hai người đi đến hôn nhân. Cuộc hôn nhân nào lúc khởi đầu chẳng tràn trề hạnh phúc. Ông bà Nam như sống trên thiên đường. Những người bạn Mỹ mới - những kẻ thuộc đẳng cấp cao trong xã hội - mở rộng cửa đón tiếp vợ chồng ông. Những buổi đại tiệc, dạ vũ thâu đêm suốt sáng. Ông tới đâu cũng được người ta trọng vọng như khi còn ở VN. Nhưng rồi một buổi ông bắt gặp một sự thật phũ phàng tệ hại, chẳng khác gì một nhát dao vô hình đâm mạnh vào trái tim ông sau mười mấy năm bị thương tích mới tạm thời bình phục. Sau khi dự buổi đại tiệc rồi dạ vũ tại nhà một nhân vật tăm tiếng, giầu có, địa vị và nhiều thế lực người Mỹ, vợ chồng ông Nam ra về. Ông bà chủ nhà tiễn khách ra tận cổng vừa lúc có người khách Mỹ tới, có lẽ cũng là một nhân vật quan trọng. Sau khi bắt tay xã giao giới thiệu, ông bà Nam ra xe, ông thoáng nghe người khách hỏi chủ nhà về ông. Và ông Nam giật thót mình khi thấy người chủ nhà lạnh lùng nói: "đó là một tên rợ vàng hợm hĩnh lố bịch!". Có lẽ bà vợ ông cũng nghe thấy. Ông thấy nét mặt bà đanh lại có vẻ tức giận hay tủi hổ, ông không biết. Suốt quãng đường về nhà, hai người không nói với nhau một tiếng. Rồi lại thêm nhiều lần nữa ông Nam nghe được những tiếng tàn tệ này ở những người Mỹ mà ông ngỡ là họ thân thiết quý trọng ông và sự giao thiệp hoàn toàn trong bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Thì ra đó chỉ là xã giao lịch sự bề ngoài giả tạo. Trong thâm tâm họ, ông vẫn là tên "rợ vàng hợm hĩnh lố bịch". Ông không thuộc đẳng cấp hoặc hòa mình vào đẳng cấp họ. Ông có thể hiện diện trong xã hội họ nhưng không thể là họ, như họ. Cái hố ngăn cách tuy mong manh nhưng sâu thẳm từ cả trăm năm nay của nước Mỹ. Những người Mỹ cấp tiến muốn lấp đi mà càng cố lấp thì cái hố càng sâu thêm, dường như vô phương. Ông Nam trước những điều nghe thấy mà đau đớn lòng này, ông muốn san sẻ với bà vợ để tìm an ủi, để tìm phương cách hóa giải hay đối phó nhưng thật bất ngờ, bà tỏ ra khó chịu và cả tức giận nữa khi nghe ông nói. Thì ra bà vẫn là người Mỹ hơn là người vợ của một tên ngoại quốc khác mầu da. Cái mầu kỳ thị, cái mầu tự tôn tự đại coi người sắc tộc khác mầu da là thứ dân lạc hậu mọi rợ vẫn còn ăn sâu bám rễ trong lòng bà. Đôi khi hình như bà có vẻ hối hận lấy một tên "rợ vàng" như ông làm chồng. Rồi dần dần hai ông bà tuy sống bên nhau nhưng như hai chiếc bóng âm thầm buồn tẻ chịu đựng, có khi cả ngày chẳng gặp mặt nhau, chẳng nói với nhau một tiếng. Tiếp đó bà sống theo đời sống của bà, ông sống theo đời sống của ông. Để bớt cô đơn trống trải, ông tìm bạn gái, bà kiếm bạn trai. Mái ấm gia đình không còn nữa, đó chỉ là căn nhà trọ cho cả hai người.
Một hôm ông Nam đi vào Nursing Home thăm người bạn trước 1975 làm Tổng trưởng. Đó là một cái xác vô hồn. Một con người chết trong cõi sống. Ông cựu Tổng trưởng chẳng khác gì một khúc gỗ mục, một vật vô tri: không biết, không nghe, không nói. Lúc ăn người ta phải nhét thức ăn vào miệng ông và ông nhai nuốt theo bản năng chứ cũng chẳng biết mình đang ăn cái gì. Thấy bạn vậy ông Nam rùng mình. Ông nghĩ tới một ngày nào đó ông cũng sẽ như ông cựu Tổng trưởng đang ngồi trước mặt ông đây. Buổi tối về nhà cơm nước xong ông mời bà vợ Mỹ ra phòng khách nói chuyện. Ông nói cho bà nghe tất cả những khổ tâm, có thể nói là cay đắng nhục nhã nữa mà ông đã gặp, đã thấy và là nạn nhân trong những ngày qua. Ông rất đau lòng, muốn chấm dứt tấn thảm kịch sống trên đất Mỹ này càng sớm càng tốt, nếu không ông sẽ chết mất - chết trong đớn đau nhục nhã- bằng cách trở về cố hương sinh sống. Dù sao, quê hương như người mẹ hiền, dù có thù giận oán ghét đứa con hoang tàn tới đâu và kể cả tội lỗi của nó nữa, nhưng khi nó đã quay trở về đều mở rộng hai tay đón nhận. Trong dân gian VN có câu "đánh người chạy đi, không ai đánh kẻ trở lại". Hơn nữa VN bây giờ thay hình đổi dạng rồi, chỉ có cái vỏ bên ngoài đỏ thôi. Ông trịnh trọng ngỏ lời muốn bà đi về VN sống cùng ông. Thật bất ngờ, không cần thời giờ suy nghĩ, bà trả lời liền là bà rất tiếc không thể nghe theo ông được. Bà không thể sống ở cái nước "nhỏ nhoi lạc hậu mà hợm hĩnh, lúc nào cũng chất chứa đầy hận thù" và "cái khí hậu nghiệt ngã lúc nào cũng như lửa đốt"! Hơn nữa "cái giống dân man di mọi rợ ấy" - bà nói vậy - đã giết chết chồng bà, làm sao bà có thể sống vui vẻ hòa đồng với họ. Những lời nói của bà như những tảng băng giá ập xuống người ông. Nơi quê hương trước đây thì bị ruồng bắt thù hận. Nơi nước người bây giờ thì bị khinh khi kỳ thị! Đến người vợ đầu ấp tay gối cũng xem thường, coi khinh. Ông Nam thấy niềm chua xót đớn đau cuồn cuộn dâng lên tận cổ làm ông nghẹn lời và ứa nước mắt. Ông tưởng khi tới được đất Mỹ thiên đường của tự do, của no ấm, của mơ ước biết bao triệu con người khắp thế giới, đâu có thể trở thành địa ngục trần gian đối với ông. Sau mấy đêm thức trắng để suy nghĩ, ông quyết định trở về nước nghe ngóng thăm dò tình hình. Nếu được một nửa phần như ý muốn của ông thôi, ông cũng sẽ trở về Mỹ ly dị vợ, chia tài sản và bán hết tất cả, thu vén tiền bạc trở về quê cha đất tổ sống một đời bình lặng tới khi chết. Dù sao nơi quê nhà với những người cùng chung huyết thống mầu da, ông sẽ không gặp phải những thảm họa kỳ thị và miệt thị khinh khi như ở cái đất nước mệnh danh là văn minh tự do dân chủ nhất hoàn cầu này..
Hơn một phần tư thế kỷ mới trở lại cố hương, khi chiếc máy bay lượn vòng vòng trên không phận phi trường Phú Bài, ông Nam thấy nôn nao hồi hộp lạ. Dưới kia là quê hương ông, nơi ông đã bỏ đi trên 50 năm. Nơi tuổi thơ học trò của ông với bao kỷ niệm vui buồn dưới mái trường cũng như mái ấm gia đình. Bây giờ nhất định tất cả đã khác xưa, chẳng còn gì nhưng chắc chắn ông còn một cái vô cùng quý baù, đó là những người thân maù mủ ruột thịt nơi chôn nhau cắt rốn của ông, một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh của một tỉnh miền cao. Khi ông học sắp hết bậc Trung học ở Hà Nội thì đình chiến, làn sóng đỏ tràn tới. Ông cùng một số bạn bè bỏ chạy vào Nam, từ đó ông biệt tăm tin tức gia đình. Ông trở thành kẻ tứ cố vô thân nơi đất mới nên ông cố vùng lên bằng mọi cách để sau hai năm có hiệp thương Nam Bắc như hiệp định Paris quy định, ông sẽ tìm cách liên lạc với gia đình. Nhưng tất cả không do ông quyết định. Hai miền Nam Bắc trở thành hai nước thù địch và chiến tranh chém giết diễn ra hàng ngày. Hận thù mỗi lúc một tăng hết phương hàn gắn. Ông Nam từ đó hoàn toàn không biết một tin tức gì về ông bà cha mẹ mình. Ông có hai người em, một trai một gái. Khi ông xa nhà đi học thì bọn chúng còn nhỏ lắm, bây giờ có gặp lại chưa chắc ông đã nhận ra. Còn bà nội và cha mẹ ông chẳng biết sống chết ra sao. Chuyến về này ông hy vọng mọi tốt đẹp sẽ diễn ra như ý ông muốn. Khi rời phi cơ đặt chân xuống đất, thấy mọi người xúm xít ồn ào mừng đón thân nhân ông Nam mới tạm bớt lo lắng. Trong lúc chập chờn như nửa tỉnh nửa mê, một sự việc thật bất ngờ ngoài trí tưởng tượng đã đến với ông Nam. Có hai người bận đồ lớn, mặt mũi có vẻ trịnh trọng đang đứng chờ đón ông dưới chân thang máy bay. Họ đon đả bắt tay chào mừng ông rồi tự giới thiệu là viên chức Nhà Nước và mời ông theo họ.
Lúc ngồi trên chiếc xe hơi sang trọng và như còn mới nguyên, ông Nam vẫn chưa hết ngỡ ngàng choáng váng. Thì ra người ông chưa về tới nhưng tên tuổi ông - một nhà doanh nghiệp giầu có, một nhà từ thiện nổi tiếng - đã bay về trước. Tuy nhiên ông Nam vẫn thắc mắc trong lòng là không biết "bọn này" có nắm bắt được lý lịch thực của ông không - vì ông đã thay tên đổi tuổi khi nhập tịch Mỹ. Rồi ông tự nhủ không gì có thể qua mắt họ được và "món nợ maù" của ông vẫn còn nằm trong sổ bìa đen của họ. Nhưng nay mọi sự có lẽ đã đổi khác thật, bạn bè ông đã nói đúng. Cộng sản bây giờ chỉ còn ở trên trang giấy, ở trong những cuốn sách dầy bìa da mạ chữ vàng được bầy đặt trang trọng trong thư viện mà thôi. Ông được đưa đến một khách sạn sang trọng do người ngoại quốc đầu tự Hàng ngày nhà chức trách đã sắp xếp sẵn chương trình cho ông. Người ta đưa ông đi thăm xã giao các "anh lớn" của Thành phố và của cả chính phủ. Rồi sau đó ông đi "tham quan" những công trình xây dựng cũng như các cơ sở sản xuất, thương mại, xã hội, từ thiện. Ông Nam đã rất hào phóng tặng những món tiền khá lớn cho những nơi này. Ban ngày thì vậy, còn buổi tối ông Nam liên miên dự những buổi tiếp tân, những buổi tiệc tại các nhà hàng cực kỳ sang trọng của anh Ba, anh Bảy, của công ty này công ty nọ thi nhau thết đãi, mệt muốn đứt hơi nhưng ông Nam vui lắm. Ông yên tâm không còn lo sợ bắt bớ dọa nạt như thiên hạ đồn đại trước đây. Tất nhiên trong những cuộc tiếp xúc này ông Nam được nghe những lời lẽ tốt đẹp mời mọc đầu tư để xây dựng đất nước giầu mạnh. Quả là ông Nam thấy "hồ hởi phấn khởi" thật. Có thể bẩy, tám phần mười ông quyết định trở về nước sinh sống. Ông nhớ lúc nhỏ học sách Quốc văn giáo khoa thư có bài nói là chẳng nơi nào đẹp bằng chốn quê hương nơi ta sinh ra. Khi ông ngỏ ý muốn về quê thăm mồ mả ông bà tổ tiên, ủy ban nhân dân Thành phố đặc cử một tài xế với một xe hơi "phục vụ" ông liền, mặc dầu ông hết lời từ chối. Ngồi trên chiếc xe hơi chạy về tỉnh lẻ, ông Nam mới có chút thời giờ suy nghĩ, nhận xét những việc xẩy ra mấy ngày qua. Hôm kia, khi tới thăm một công ty thương mại quốc doanh, ông Nam tình cờ gặp người bạn học cũ thời trung học. Ông không nhận ra nhưng "hắn" nhận ra ông. "Hắn" có học, có tài nhưng vì không thuộc thành phần gia đình cách mạng nên chỉ leo lên tới chức "trợ lý" giám đốc là hết. Hai người "bí mật" hẹn hò gặp nhau ở một chỗ thuận tiện kín đáo. Khi ông hỏi người bạn "tại sao bọn họ đón tiếp tôi một cách nồng nhiệt và trịnh trọng vậy?" Người bạn cười ruồi đáp: "vì túi tiền của anh!"?. "Họ có biết trước đây tôi là ai không?"?. "Nếu cần, họ cho anh biết lý lịch ba đời". "Họ đã xóa những dòng chữ ghi nợ máu?". "Không, với người cộng sản họ nhớ dai lắm. Tôi nhắc lại, vì túi tiền nặng trĩu của anh họ đã làm tất cả những việc cần làm đối với anh". Ông Nam không tin hẳn những lời người bạn học cũ nói - vì có thể người này không được chế độ ưu đãi sinh bất mãn có những nhận xét lệch lạc. Nhưng chẳng lẽ hắn ta bịa đặt làm gì, trong khi dù muốn dù không hắn ta cũng phải sống vào chế độ này?
Tới thôn xóm quê nhà, ông Nam lại được các quan chức địa phương linh đình đón tiếp. Trong những lúc chuyện trò, trả lời những câu hỏi tuy có tính cách xã giao nhưng thực ra là lục vấn, ông Nam khôn khéo cho biết ông được một người bạn ở Mỹ nhờ về đây tìm kiếm giúp người thân. Có thể ở cấp trung ương người ta biết rõ lý lịch ông, còn ở cấp địa phương họ chẳng cần biết làm gì. Điều mà họ muốn biết là ông sẽ tặng cho quỹ của "xã ta" bao nhiêu đô la, thế thôi. Khi nói tới tên tuổi gia đình ông Nam muốn gặp, các giới chức xã ấp ngẩn người ra, vì họ không nghe nói tới bao giờ. Nhưng rồi với những tờ giấy bạc mầu xanh lá cây của ông Nam đưa, người ta nhanh chóng tìm ra địa chỉ ông cần. Cái địa chỉ này đã chìm trong sổ sách, trong lãng quên của nhà chức trách từ lâu. Họ cũng không rõ những người này còn sống hay chết. Người ta ái ngại, người ta băn khoăn, người ta nhìn ông với cặp mắt dò xét nghi ngờ. Các viên chức địa phương yêu cầu được đi dẫn đường và bảo vệ ông Nam luôn thể. Nhưng ông Nam từ chối, ông muốn đi một mình. Theo chỉ dẫn, ông Nam phải lội bộ hơn hai cây số trên con đường ruộng nhỏ mấp mô khúc khuỷu lằng ngoằng mãi mới tới một khu bìa rừng dưới chân núi. Từ xa ông Nam nhìn thấy một mái nhà, không, một cái chòi lá nhỏ xác xơ nằm dưới gốc cây đa cây đề gì đó khá lớn. Tới gần sát lều vẫn không thấy một bóng người. Chẳng lẽ nơi này là chốn sinh sống của gia đình ông? Ông Nam nghĩ rằng bọn chính quyền địa phương đã lầm. Không thể nào gia đình ông lại có thể tả tơi thảm hại như thế này! Một con chó gầy nhỏ ghẻ lở bẩn thỉu thấy tiếng động sồ ra sủa. Tiếp tới có tiếng nói yếu ớt già nua từ trong lều vọng ra "Ai đó? Thằng cùi đâu rồi?". Ông Nam lên tiếng: "Thưa tôi là người phương xa tới. Tôi muốn hỏi thăm gia đình người quen". Im lặng mấy phút mới có tiếng đáp: "Ở đây không có người quen nào cả. Ông hãy đi đi, nhà này không muốn tiếp và cũng không tiếp người khác từ mấy chục năm nay rồi!". Ông Nam còn đang hoang mang thắc mắc chưa biết tính sao thì có tiếng động từ phía sau ông. Ông quay lại và suýt bật tiếng kêu kinh ngạc thảng thốt. Đó là một thân người nhỏ bé gầy guộc không định được tuổi, áo quần rách rưới bẩn thỉu, mặt mũi sần sùi gớm ghiếc. Và hình như hai bàn tay anh ta bị cụt mất mấy ngón. Ông Nam nhớ tới hai tiếng "thằng cùi" bà lão vừa gọi. Đúng đây là một người bị bệnh cùi. Ông Nam lùi lại, lúng túng có vẻ muốn tránh. Anh cùi hất hàm hỏi trống không: "Có chuyện gì?". "Đây có phải là nhà ông chánh Bắc?". "Không!" Anh cùi trả lời cộc lốc rồi bước nhanh vào trong lều cài phên cửa lại. Ông Nam có vẻ thất vọng và ông cũng mong là không đúng nơi ông tìm. Con chó ghẻ vẫn gầm gừ bên ông. Giữa lúc ông định quay ra thì có tiếng bà già trong lều vọng ra: "Ai hỏi gì ông Chánh Bắc đấy! Không biết ông ta chết lâu rồi sao!". Đúng đây rồi!. Ông Nam suýt kêu thành tiếng. Tim ông đập mạnh muốn vỡ lồng ngực. Nhưng đây là tiếng của mẹ ông hay bà nội ông?. Ông Nam nói to: "Con đây! Con là Nam đây! Hãy mở cửa cho con vào!". Lâu lắm mới có tiếng đáp: "Nhà này không có ai tên là Nam cả (ngưng chút) nếu có thì cũng đã chết lâu lắm rồi, không ai còn nhớ!". Một chuỗi ho dài nổi lên sau câu nói. Ông Nam không nén được xúc động nữa, khóc òa lên và nói lớn: "Con đúng là Nam đây, sau mấy chục năm lưu lạc xứ người để trốn tránh, để tỵ nạn và con đã thành công, đã tạo dựng được sự nghiệp. Giờ con trở về tìm lại mình, tìm lại quê hương, tìm lại dòng họ, ông bà cha mẹ và các anh em. Hãy mở cửa cho con. Con là Nam đây!" Không có tiếng trả lời. Sự im lặng đến lạnh lùng phủ kín căn lều. Ông Nam kiên nhẫn đứng chờ. Hình như có tiếng khóc nho nhỏ vẳng ra. Lát sau, phên cửa lều mở. Người bước ra là anh cùi. Anh ta đứng đối diện với ông Nam và lặng lẽ nhìn ông khá lâu mới lên tiếng: "Bà tôi bảo ông đi đi. Ông còn trở lại chốn này làm gì! Mấy chục năm trước sau khi ông bỏ đi, người ta đã đem cha mẹ ông ra hành hạ rồi sau đó giết chết, nhà cửa cơ nghiệp bị lấy hết. Bà nội ông bị người ta tống cổ ra khỏi nhà với hai bàn tay không, phải đi ăn mày. Người em trai ông hết đường sinh sống phải trốn đi nơi khác thay tên đổi họ rồi tình nguyện đi bộ đội vào Nam, có lẽ đã chết vì những viên đạn của bọn ông bắn. Còn cô em gái ông phải bán thân sang bên Đài Loan làm kiếp nô tỳ, không biết tin tức.
Trên nửa thế kỷ qua ông đã là nguyên nhân gieo rắc tai họa cho cả gia đình. Bà nội ông mấy chục năm nay vì quá đau đớn, khóc thương con cháu hết nước mắt đã trở thành mù lòa từ lâu. Tôi là đứa con hoang bị vứt ngoài đường khi mới lọt lòng mẹ. Tôi lại mắc chứng bệnh cùi không ai dám gần. Bà nội ông đã đem về nuôi tại nơi này. Và bây giờ bà tuổi già sức yếu lại thêm mù lòa không kiếm ăn được nữa thì tới lượt tôi nuôi bà"?. Ông Nam khóc rống lên như một đứa trẻ con bị đòn đau. Ông quỳ xuống đất nói trong hàng nước mắt: "Bà ơi, con không ngờ cơ sự lại đớn đau đến thế này! Hãy tha thứ cho con. Con lạy bà trăm ngàn lần tha thứ cho con! Con xin đền bù, con sẽ mang lại đời sống tốt lành cho bà. Con có đầy đủ các thứ trên đời này. Cánh cửa thiên đường và hạnh phúc trần gian đang mở ra. Xin bà hãy quên tất cả ngày qua để sống. Con sẽ thay mặt cha mẹ con đền bù cho bà những ngày tháng điêu linh khốn cùng bà phải trải qua hàng nửa thế kỷ. Bà hãy mở cửa cho con vào để được ôm hôn bà, để được quỳ lạy bà. Cánh cửa cuộc đời mới bắt đầu mở từ đây. Con lạy bà, hãy mở cửa cho con vào!" Bên trong vẫn im lặng. Anh cùi bỏ đi, có lẽ đã tới giờ anh phải đi ăn xin. Còn con chó ghẻ vẫn gầm gừ trước mặt ông Nam. Trong lúc ông Nam định bước vào lều thì tiếng bà cụ nổi lên: "Thôi anh hãy đi đi. Anh đã gây ra khổ nhục cho chúng tôi mấy chục năm nay rồi. Giờ anh hãy để chúng tôi được yên với cuộc sống này. Anh đừng trở lại để gieo tiếp tai họa cho tôi nữa! Tôi không hiểu sao ông Trời lại hành hạ tôi, không cho tôi chết, bắt tôi phải sống tới tuổi này rồi còn phải thấy anh trở về. Anh hãy đi đi, tôi coi anh chết đã từ lâu và chính tôi cũng chết từ lâu với cha mẹ anh rồi. Bây giờ anh đừng bắt tôi chết thêm lần nữa! (Bà cụ dằn giọng) Anh hãy đi ngay đi. Tôi đã nhìn thấy tai họa sắp giáng xuống đời tôi lần nữa rồi đấy! Tôi mệt mỏi, tôi rã rời hết còn sức chịu đựng. Tôi không thể sống một đời sống thứ hai được nữa, dù là thiên đường". Ông Nam nghe thấy bước chân người xê dịch bên trong rồi cánh cửa lều được cài then lại. Cả bầu trời như sụp đổ trước mặt ông Nam. Ông còn biết đi đâu bây giờ?
Trở về nước Mỹ, ông là một tên rợ vàng, một kẻ di dân sống nhờ ở đậu bị khinh khi miệt thị. Về nước tổ, ông là một đứa con hoang tội lỗi gieo rắc tai họa đau thương, vô thừa nhận và bị hắt hủi xua đuổi. Một tiếng kêu xé lòng đứt ruột vang lên trong ông: "Ôi, đất trời bao la bát ngát sao ta không có lấy một chốn dung thân cuối đời! Đâu là nơi đầy ắp tình người bao dung độ lượng? Đâu là nơi thong dong một cõi đi về, không oán thù, không tỵ hiềm nghi kỵ khinh ghét!"
Ông Nam khóc rống lên như con thú trước khi bị đâm chết. Và ông rũ gục xuống mặt đất khô cằn lởm chởm những cọng cỏ vàng héo. Con chó ghẻ sấn sổ lại bên ông sủa lớn tiếng hơn. Có vẻ như nó muốn cắn xé từng mảng da thịt ông.
2007-11-21 09:41:22