Nhân Đọc Bài "Chính Trị Làng Xã..." Của Nguyễn Hữu Liêm

Từ khi hành nghề cầm bút tới giờ có thể nói là tôi không bao giờ viết một bài có tính cách bàn cãi tranh luận hay thanh minh thanh nga về bất cứ một vấn đề gì, kể cả việc bị thiên hạ lôi đích danh ra chửi và dựng đứng đặt để câu chuyện để bôi bẩn đời tư cá nhân. Như cách đây ít lâu có hai kẻ viết lách bậy bạ về tôi (in thành sách cùng với một số người cầm bút khác) tôi vẫn coi như không có chuyện gì xẩy ra. Không buồn phiền cũng không hề oán trách. Một số bạn bè thân vẫn đùa gọi tôi là quân tử Tầu. Nhưng hôm nay tôi buộc lòng phải lên tiếng về một bài báo của ông Nguyễn Hữu Liêm đăng trên tờ VTimes số ra ngày 13. 6.08. Trước hết tôi xin nói đôi lời thanh minh thanh nga là tôi không hề có ác ý gì với ông Nguyễn Hữu Liêm. Trái lại tôi vẫn cảm mến ông là một người có nghị lực, có chí tiến thủ, tự mình vươn lên để đạt được địa vị xã hội cùng học vấn như ngày hôm nay. Và ông cũng là người can trường dám viết những điều mình suy nghĩ suy luận, đi ngược lại ý kiến và cả đường lối của đám đông. Dù bị chỉ trích nặng nề, đôi khi bị chụp mũ ông vẫn không nản lòng thối chí. Ông vẫn "dù ai nói đông nói tây, thì đây vẫn vững như cây trên rừng". Nhưng hôm nay bài viết của ông làm tôi không thể im lặng, đó cũng là một điều hơi buồn đối với tôi, vì tôi đã trải qua tuổi "lục thập nhĩ thuận" từ lâu! Nguyên văn tít bài báo là: CHÍNH TRỊ LÀNG XÃ: THUỐC ĐỘC "RECALL". Câu chuyện recall và chống recall diễn ra ồn ào mấy tháng nay rồi. Người chống kẻ bênh đã trở thành hai khối đối đầu nhau. Trận bão tố trong tách trà đã làm tốn rất nhiều giấy mực trên trang báo, và tốn rất nhiều sức lực, tiền bạc và cả… nước bọt nơi miệng của kẻ bênh người chống. Người ta dùng tới những lời lẽ nặng nề thóa mạ hạ nhục nhau. Sống trên đất nước tự do nhất thế giới như nước Mỹ, chúng ta buộc phải chấp nhận luật chơi vậy thôi. Nhưng nếu chỉ có vậy thì không có bài viết này. Đây là sự sống, là danh dự, là lịch sử sinh tồn của cả cộng đồng nên tôi phải viết. (Có lẽ tôi hơi quan trọng hóa vấn đề chăng!)

Trong bài của mình, sau khi bênh khéo nghị viên Madison Nguyễn, ông Nguyễn Hữu Liêm lại dọa cộng đồng gốc Việt là: "Chiêu bài Litle Saigon và nay là "Recall Madison Nguyễn" đã trở nên hai thang thuốc độc tự vẫn cho cơ hội chính trị của cộng đồng gốc Việt tại Thung lũng điện tử". Tại sao lại là thang thuốc độc tự vẫn cho cả cộng đồng người Việt, hơn 100.000 người ở Thung lũng điện tử? Tại sao ông lại kéo cả cộng đồng người Việt vào đây để dọa dẫm, chế riễu rồi mạt sát, hạ bệ? (Phải chăng đó là thói quen nghề nghiệp?). Thế còn cái việc một số người tổ chức tiệc gây qũy "No recall Madison Nguyễn" có là viên thuốc độc tự vẫn thứ ba không? Tôi nghĩ ông ưa thích kiểu nói "lớn lối" vậy thôi (xin lỗi ông nhé!). Và nếu tôi không lầm thì ông hay dùng chữ nghĩa văn hoa và hay thích từ chương trích cú (của người ta) vào trong bài viết của mình. Bắt chước ông tôi cũng xin trích một câu của một người nào đó để nhận xét về ông như sau, không biết có đúng trường hợp ông không nhưng cứ nêu ra đây: "Bien souvent nous ne dénigrons l'humanite que pour nous rehausser nous-mêmes"*.

Hai phe cứ việc "đánh đấm" nhau, phe nào có chính nghĩa được số đông người nghe theo ủng hộ thì phe ấy thắng. Còn ông kéo cả một tập thể cộng đồng vào để kết án thì theo tôi không nên. Chưa hết, đây mới là điểm cần nói. Nhân việc này ông tự nhân rộng ra phê phán cả cộng đồng người Việt (ông mượn lời một người Mỹ) : "Người Việt chúng bay đúng là điên hết rồi!". Rồi ông cho rằng người Việt (qua nhóm Recall Madison Nguyễn) như mấy anh chàng nhà quê ở nông thôn Việt Nam chỉ có tài đánh lộn và chửi nhau ở trong làng xóm. Đối với láng giềng vì chuyện chiếu trên chiếu dưới, chuyện con gà, con trâu mà tranh chấp bất kể. Chứ khi nào cần có cái nhìn vượt qua ngoài lũy tre cho một tầm viễn kiến xa hơn, thì họ không có khả năng. Câu chuyện "Recall Madison Nguyễn" đúng là một hiện tượng thôn xã Việt Nam kéo dài. Nó thể hiện cái tinh thần "bầy cua trong rọ" chúng chỉ muốn kéo nhau xuống đáy hễ khi có con nào vừa mới leo lên được lưng chừng". Tôi đồng ý với ông có hiện tượng này nhưng không phải là tất cả. (Và trên khắp thế giới ở đâu cũng có những trò này). Tình làng nghĩa xóm Việt Nam đùm bọc thương yêu gắn bó nhau từ ngàn xưa tới giờ đã tạo nên những trang sử đời biết bao đẹp đẽ. Chỉ từ ngày đất nước bị người cộng sản cai trị mới phát sinh những thói hư tật xấu như ông Nguyễn Hữu Liêm nhận định. Rồi ông lại phóng bút cường điệu thêm để chê bai trách móc cả dân tộc Việt Nam: "Có thể cường điệu lên để mà nói rằng lịch sử Việt Nam là hiện thân của một khuyết điểm cá tánh nguy hại của con người Việt Nam. Đó là cái máu tiểu nông với tính tình nhỏ nhen, ghen tỵ, so đo với người hàng xóm mà không biết suy nghĩ đến chuyện lớn chung. Đây là cá tánh đầy ý chí tự hủy diệt". Rồi ông kết tội dân tộc Việt Nam: "Vi thế mà Việt Nam nếu không bị ngoại xâm thì cũng phải bị nội loạn. Người Việt, nói tóm lại, ở trong nước hay ở hải ngoại, vẫn chưa trưởng thành để nhìn thấy quyền lợi chung.". Tôi nghĩ câu này và tất cả nhận định kể trên, ông nên giành cho "người anh em trong nước" (của ông?) thì đúng hơn. Rồi ông kêu gọi: "Đã đến lúc chúng ta phải đi ra khỏi lũy tre làng. Hãy chấm dứt ngay ý chí tự hủy." (Đã tự hủy thì làm gì còn ý chí!). Và sau khi "lớn lối" chuyện nước non nòi giống đồng bào, ông đi đến kết luận cho một cá nhân: " Hãy ngưng ngay công việc "Recall Madison Nguyễn". Không biết như vậy có thể gọi là đầu voi đuôi chuột không? Chưa hết. Ông Nguyễn Hữu Liêm lại còn tự mâu thuẫn đến ngây thơ (trong khi ông với những lời lẽ nặng nề chỉ trích cộng đồng người Việt ngây thơ) . Ông vừa bài xích những anh chàng nhà quê cộng đồng người Việt xa xứ đủ thứ xấu xa tệ hại mà sau đó ông lại viết: "Khi con người đi xa khỏi quê hương để định cư ở Mỹ như là ở San Jose này, chúng ta có cái cộng đồng nhỏ bé để còn sống được với nhau trong tình cảm làng xóm (?)...".

Trong cái đà hăng say với chữ nghĩa, với chê trách cộng đồng người Việt ở Mỹ, ông Nguyễn Hữu Liêm lại "chơi" luôn cuộc chiến Việt Nam chống cộng sản trước đây. Ông viết:"Trong tiếng nhạc bolero đó, tôi hình dung ra cả một thời chiến tranh ngây ngô (?) vả một thế hệ chìm đắm trong hương vị ngọt ngào đầy thuốc súng hận thù, giết chóc...". Thú thật tôi không hiểu câu viết này của ông Nguyễn Hữu Liêm. "Thuốc súng hận thù, giết chóc" có hương vị ngọt ngào! Tôi chỉ thấy thuốc súng hận thù giết chóc reo rắc tang thương, đớn đau, quằn quại cho dân tộc tôi mấy chục năm trời. Tới bây giờ sau hơn 30 năm vết thương, nỗi đau vẫn chưa hàn gắn nổi. Có lẽ câu này ông nên giành cho người cộng sản thì đúng hơn, vì chiến tranh đối với họ là bản trường ca "Thề phanh thây uống máu quân thù, đường vinh quang xây sác quân thù" (quốc ca CSVN) và bây giờ họ đang hả hê hưởng thụ cái "hương vị ngọt ngào" do chiến tranh, do giết chóc, do máu xương hàng triệu đồng bào mang lại.

Ông Nguyễn Hữu Liêm trong bài viết lại kết tội những người tỵ nạn cộng sản là: "Cái ám ảnh không cùng của kẻ thất trận là cái khối vô thức của họ cứ tiếp tục muốn trả thù - khi mà lý tính không còn câu trả lời. Có phải cộng đồng gốc Việt, mà phần lớn là tỵ nạn, trong vô thức đó, trong uất hận vì "mất nước" vẫn còn đang say nghiện cái huyền thoại của mùi khói súng đầy ma túy quyến rũ qua những khẩu hiệu chính trị - trộn chấm với nước tương nhạc bolero - từ ba thập niên trước?...". Câu này lại càng nên giành cho các đồng chí bên nước nhà thì đúng hơn, ông Nguyễn Hữu Liêm ạ. Ông còn có nhiều câu nặng lời như "một tinh thần chính trị cục bộ đầy bùn đất" vv.. Cứ như câu viết của ông Nguyễn Hữu Liêm thì những người Việt tỵ nạn cộng sản là một lũ điên cuồng vì thua trận không làm được gì đối phương quay ra cấu xé nhau. Không biết sau này con cháu chúng ta ở Hải ngoại đọc những câu này họ nghĩ sao về ông cha họ: những người lao mình vào cõi chết tìm tự do (mang theo một tinh thần chính trị cục bộ đầy bùn đất) để tạo cho họ có được cuộc sống tốt đẹp nơi xứ người? Hết lời rủa sả "cái lũ nhà quê" và kêu gọi "đã đến lúc chúng ta phải đi ra khỏi lũy tre làng" thế mà cuối bài viết ông Nguyễn Hữu Liêm lại khuyên người Việt hải ngoại "hãy về nơi quê hương mình" (có những lũ nhà quê) để chơi bời nghỉ ngơi "tìm lại sự thanh thản trong tâm tư". (Lại thêm một lần nữa ông mâu thuẫn với chính mình). Làm sao có thể tìm được sự thanh thản thấm đậm tình quê, thấm đậm niềm thân ái với mấy anh chàng chỉ có tài đánh lộn và chửi nhau! Và nói là làm. Ông sẽ dẫn vợ con về trong tháng Bẩy này. Ông cho biết việc trước tiên (khi về làng quê) sẽ bắt vài con gà đang ngủ, (tự tay) cắt tiết chúng, chụng nước sôi, nhổ lông, xé thịt phay rồi cùng mấy người bạn ngồi nhậu với rượu đế. Rồi ngâm thơ rồi hát hò đàn địch. Ở Việt Nam hiện đang có dịch cúm gà. Cầu mong ông Nguyễn Hữu Liêm sau khi về Mỹ đừng mang theo mấy con cúm gà lây lan sang chúng tôi thì khổ lắm.

Cho tới giờ phút ngồi viết bài này tôi vẫn nghĩ ông Nguyễn Hữu Liêm là người có thiện chí (trong khi nhiều người nói ông có máu cuồng vĩ). Nhưng thiện chí nhiều lúc không đúng chỗ, đúng lúc sẽ trở thành lố bịch và phá hoại như câu nói của một tổ sư cộng sản.

Để kết thúc bài này tôi cũng bắt chước ông Nguyễn Hữu Liêm (thích dùng từ chương trích cú) trích một câu nói của văn hào Pháp Anatole France tặng ông: "Il faut penser, juger, mais il ne faut pas se singulariser. En société, on ne doit pas se comporter selon ses idées, mais selon ses obligations". **

Chú thích:

  • * Thông thường chúng ta hay chê bai người để đề cao mình.
  • ** Ta nên suy nghĩ, phán đoán nhưng đừng làm khác người. Trong xã hội, người ta không ứng xử theo tư tưởng mà theo nghĩa vụ.