Một tấm lòng
Tặng Tiến sĩ Trần Minh Lợi.
Tiến sĩ Lê Mai giáo sư Đại học bị Cộng sản bắt về tội "trí thức phản động". Thực ra ông là một nhà trí thức thuần túy, không hề hoạt động chính trị, đảng phái. Sau hơn năm bị nhốt Khám Chí Hòa. Cộng sản đưa ông đi lao động cải tạo vùng Cao nguyên. Ông tuy khác đội nhưng cùng khu với tôi. Ông nổi tiếng là nhát.
Trong trại muốn trao đổi tin tức chính trị hay bất cứ vấn đề gì liên quan tới sinh hoạt tù. ông không dám chuyện trò cùng ai, chỉ hỏi riêng tôi. Và những lần muốn hỏi, ông lại "máy" tôi ra cầu tiêu, giả vờ đi tiểu rồi nhìn trước nhìn sau không thấy ai, ông mới lên tiếng hỏi. Ông thường hỏi về tình hình trong nước, tình hình thế giới (vì tôi là nhà báo mà) rồi bi quan hay lạc quan v.v… Và trọng tâm chính vẫn là có tin tức gì về không? Một buổi tối tù vào "chuồng" (chúng tôi gọi chữ chuồng thay cho buồng) người ta thì chuyện trò đấu nhăng đấu cuội, hết chuyện gái tới chuyện ăn nhậu, còn ông im lặng, lúc ngồi thiền, lút lẩm nhẩm đọc kinh (ông theo đạo Phật). Và nhiều nhất vẫn là ngồi hoặc nằm bấm đốt ngón tay: ông bói Dịch xem bao giờ được tha. Có vậy thôi mà ông cũng bị "ăng ten" báo cáo. Ông bị tên cán bộ quản giáo "giáo dục" mấy ngày liền về cái tội "bói toán mê tín dị đoan". Từ đó ông càng nhát hơn và càng giữ gìn thận trọng hơn, tuy nhiên vẫn ngấm ngầm đọc kinh Phật và bấm quẻ Dịch.
Tên đội trưởng đội ông vốn là dân chiêu hồi, làm an ninh xã. Vào tù hắn vẫn không bỏ được "tật" ăn hối lộ. Hắn không có thăm nuôi, không biết vợ con hắn chết hay vượt biên rồi, nên đói, rất đói. Sau khi trổ mòi nịnh hót và báo cáo cho cán bộ quản giáo, hắn được quan thầy phong chức đội trưởng. Có chức thì có quyền. Có quyền thì có lợi. Ba cái này đi liền với nhau. Tối nào vào chuồng hắn cũng bắt đội sinh hoạt đấu tranh phê bình tới kẻng báo ngủ mới ngưng. Đối tượng để hắn đưa ra đấu tranh là những thành phần giầu có, thăm nuôi đều đặn, trong số này có ông giáo sư Lê Mai. Ông chủ trương ba không: không cho, không lấy và không ăn chung. Ông thường xuyên "độc diễn". Vì thăm nuôi đều đặt tương đối tạm đủ nên ông bị nhiều kẻ đố kỵ ghen tức tìm cách "chơi". Tên đội trưởng đứng đầu trong số những kẻ này. Hắn thường xuyên đưa ông ra mổ xẻ đấu tranh phê bình. Tháng nào ông cũng bị hắn chấm công điểm thấp và ăn mức ăn tồi nhất 12 kí. Hắn "trù" ông vì mặc cảm thành phần xã hội, vì bằng cấp và vì đói. Trước đây dưới chế độ cũ, làm sao hắn có thể gần ông. Bây giờ ông dưới quyền "cai trị" của hắn nên hắn "hành" ông tới bao giờ ông phải xuống nước quỵ lụy và nhất là hối lộ hắn, may ra hắn mới nương tay. Nhưng ông vẫn trơ như đá với ba không. Đấu tranh phê bình riết ông càng nhát thêm và cương quyết không trò chuyện với một ai. Ông tự cô lập mình. Vẫn không yên, tên đội trưởng lại quy kết tội ông "ngấm ngầm bất mãn chống đối". Cứ thế suốt quanh năm ngày tháng hắn hành hạ ông. Và để đối phó lại, đối phó một cách tiêu cực, ông càng lặn sâu vào Thiền và Dịch.
Thế rồi tên đội trưởng bị mắc bệnh kiết lỵ nặng. Suốt ngày đêm gã ôm bụng chạy vào nhà cầu. Bọn tù trong đội và toàn khu đều ghét mặt hắn, không ai chịu cho thuốc kiết lỵ và trụ sinh "để cho nó chết luôn quân hại dân hại nước". Còn thuốc của trại, ngoài xuyên tâm liên không còn thứ nào khác. Trong lúc hắn ôm bụng tuyệt vọng chỉ còn biết trông vào Trời thì có một người cho thuốc, toàn thứ thuốc ngoại xịn. Nhờ đó hắn dứt bệnh. Người trao thuốc là một nhà sư. Khi khỏi bệnh tên đội trưởng lại tiếp tục đấu tranh phê bình giáo sư Lê Mai. Và đấu tranh mạnh hơn trước, vì hắn biết ông có nhiều thuốc Tây mà không chịu cho hắn. Hắn kết tội ông là "vô nhân đạo vô lương tâm" Ông vẫn giữ im lặng và tiếp thu phê bình như thường lệ.
Một thời gian sau trong trại đồn ầm sắp có vụ thả tù. Giáo sư Lê Mai có vẻ sốt ruột. Ông tìm cách "máy" tôi ra cầu tiêu hỏi tin. Vừa gặp ông tôi nói đại, với chủ đích làm ông vui: "Anh được tha trong đợt này đấy!". Mắt ông sáng lên: "Làm sao anh biết?". Tôi thản nhiên nói láo tiếp: "Tôi bấm rồi, tháng này anh chuyển đại hạn mười năm". Giáo sư Lê Mai nghi Ngờ: "Anh cũng biết bấm quẻ Dịch à?". Đã "chót" thì phải "chét", tôi gật: "Vâng, tôi mới học trong tù mấy năm nay thôi, do một ông thầy Tầu dạy". Ông tin ngay những lời tôi nói. Người ta bảo mấy ông trí thức lớn thường ngây thơ việc đời và dễ tin lắm. Thấy ông tin ngay như vậy tôi hối hận và hơi lo về sự nói láo này. Nếu đợt gọi tên tha sắp tới không có ông thì sao! Tôi sẽ nói năng thế nào với ông đây? Rất may cho tôi và cho cả ông, trong đợt gọi tên tha này có tên ông thật. Ông mừng quýnh tìm mọi cách gặp tôi trong… cầu tiêu (Tuy được tha nhưng ông vẫn "rét"). Ông bắt tay tôi lắc lấy lắc để: "Anh Dịch giỏi quá, hơn tôi nhiều. Thế mà lâu nay anh không cho tôi biết để thụ giáo. Khi nào về gặp lại nhất định anh phải "truyền" cho tôi đấy. Cảm ơn anh, tạm biệt. Hẹn gặp lại anh trong một buổi đẹp trời".
Nếu Giáo sư Lê Mai biết rằng tôi nói láo để làm ông vui và hy vọng, tôi chẳng biết một chút gì về bói Dịch, không biết ông sẽ nghĩ sao...
Và cũng chỉ khi Giáo sư Lê Mai đã rời khỏi trại ra về, người trong đội ông và cả các bạn tù trong trại mới biết ông chính là người đưa thuốc chữa kiết lỵ và trụ sinh cho Nhà sư để Nhà sư trao cho tên đội trưởng. Nhà sư đã tiết lộ như vậy.
Thanh Thương Hoàng
(1999)