Khuyển Vương
Tôi là người rất mê và thích nuôi chó từ nhỏ. Saigon vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 (của Thế kỷ trước), theo tôi biết, chỉ có một số người chơi chó nổi tiếng, trong số này có một vị thuộc hàng nguyên thủ quốc gia. Nhưng đàn em thân cận của vị này lại nói: ông ta chơi chó để lấy tiếng sang chứ không phải vì lòng yêu thích chó thực sự. Trong nhà tôi chỉ nuôi được vài ba con thôi (vì nhà chật, sân nhỏ và nhất là tại bà vợ tôi không ưa chó và chó ngoại rất mắc) gồm một chú chó ta, một chú Berger và một chú "phoc"nhố như con mèo con (dành cho cô con gái út chơi, sau chết vì bị sưng phổi). Trong ba chú này chú Tún (tên chú chó ta) lông vàng, không to lớn như con Berger nhưng lại dữ dằn nhất, sủa dai nhất và nhất là khi khách đã vào nhà rồi mà sơ ý là chú đớp một cái vào cẳng liền. Một anh bạn dọn nhà xa tặng lại tôi khi Tún đã lớn Trước cái sự "vợ dữ mất bạn, chó dữ mất hàng xom"', và trước "sức ép"' của bà vợ, và cũng vì chú Tún lớn rồi nên khó dạy, tôi đành "hy sinh" tặng chú cho một anh bạn ưa món "mộc tồn". Hôm anh và một người nữa đến bắt Tún đi, có lẽ linh cảm thấy mình sắp bị giết nên nó quyết liệt chống cự. Nó chui vào gầm giường há miệng nhe răng gầm gừ giận dữ nhất định không cho bắt. Tới khi cái thòng lọng siết chặt cổ Tún lôi đi, tôi thấy hai hàng nước mắt nó đổ ra. Tôi xúc động không cầm được lòng năn nỉ anh bạn buông tha Tún nhưng anh không chịu. Từ đó tôi kỵ không nuôi chó ta nữa.
Dù hàng ngày công việc bận rộn nhưng nghe tin ai trong Thành phố mới mua được con chó quý đẹp hiếm là tôi cũng cố thu xếp thời giờ tới coi bằng được. Lúc ấy tại Saigon có vài nhà "đầu tư" chó ngoại nổi tiếng, tôi chỉ biết hai "nhà": một chủ tiệm may ở Phú Nhuận và một ở bên Khánh Hội. Ngoài việc mua bán đổi chác chó, họ còn cho chó "nhẩy đực" truyền giống nữa. Tôi còn nhớ mỗi lần họ cho con Danoir đực "nhẩy", chủ chó cái phải chi 15000. đồng nếu lần "nhẩy" thứ nhất không "đậu" phải "nhẩy" lại lần thứ hai, dù chủ chó có "thông cảm" và nể lắm thì khách cũng phải chi thêm cả dăm bẩy ngàn đồng.
Vào đầu thập niên 70, dân chơi chó Saigon ồn lên về tin ông Phó K. "phó hội" Ba Lê, trong lúc nhàn rỗi đã vù sang Thuỵ Sĩ tìm mua cặp chó nổi tiếng tại một lâu đài cũ.
Theo lời đồn đại thì cặp chó này thuộc loại "quý tộc" hiếm quý. Người chủ thực sự của nó đã chết từ lâu. Cả lâu đài và hai con chó quý hiện thuộc quyền quản lý của người quản gia già. Ông Phó K. sau khi "chiêm ngữơng" cặp chó xong ngỏ ý muốn mua. Người quản gia với thái độ khinh khỉnh phách lối cho biết: chỉ các vị Hoàng đế hoặc nguyên thủ quốc gia mới đủ "tư cách"' mua cặp chó này. Ông Phó K. không nói năng gì ra về. Ngày hôm sau ông cho đàn em tới "bắt" cặp chó, nghe đâu với giá bạc triệu! Cặp chó này rất dữ dằn, ngoài chủ ra nó "sơi tai"' hết mọi người, không thèm chơi với bất cứ ai, kể cả vợ ông chủ. Ngay việc ăn uống cũng phải đích thân chủ nhân trực tiếp cho nó mới ăn. Sau này (vẫn nghe đâu) có một thầy tướng chó "phán" rằng cặp chó này có "tướng" sát chủ. Ông Phó K. cho người điều tra được biết (vẫn nghe nói thôi) là chính hai con chó này đã ăn thịt người chủ lâu đài. Vì khi người chủ chết trong phòng không ai biết, chỉ có chủ và chó. Cửa phòng thì đóng kín mà lâu đài lại ở nơi núi đồi hẻo lánh nên qua mấy ngày chó đói quá đành phải ăn thịt chủ để sống! Ông Phó K. nghe thế ngán quá bèn đem cho người đàn em. Sau này cặp chó "quý tộc" lưu lạc về đâu người viết không được rõ.
Một người bạn là nhà báo Trọng Tấu (nổi tiếng Saigon tài dạy chó ngoại) thấy tôi thích chơi chó cho mượn một cuốn tự điển về chó viết bằng chữ Pháp. Lâu quá tôi quên mất tên sách cũng như tên tác giả. Chỉ nhớ sách in nhiều mầu rất đẹp trên giấy láng, đầy đủ hình thù các loại, các giống chó trên khắp thế giới. Khi giở mấy trang đầu, tôi thấy in hình một con chó y như chó nhà của ta với hàng chữ tít: "Chiến Phú quốc: le roi des chiens" (tạm dịch: khuyển vương). Thấy chó Phú quốc được phong là "khuyển vương" nên tôi lấy làm lạ và thích thú theo dõi bài viết. Thực ra nhìn hình dáng chó Phú quốc chẳng thấy gì đặc biệt mà có thể nói bề ngoài còn thua cả chó nhà. Nó nhỏ con hơn chó nhà, mình doi doi, ngực nở bụng thon, bốn chân nhỏ và bình thường như chó nhà. Mõm nhọn, tai vểnh mặt cau có trông dữ dằn. Đặc biệt trên sống lưng có một cái soáy, đó là nhúm lông mọc quay ngược soăn tít, phía trên thì to và nhỏ lại khi trải dài tới gần hông (trông từa tựa hình đảo Phú quốc) và bốn chân các móng dính liền nhau. Nó chạy và bơi lội rất nhanh, bắt cá rất giỏi. Tóm lại trông hình dạng bề ngoài khuyển vương còn thua xa chó tún nhà. Nó ít khi đi mà thường cắm đầu chạy. Theo tự điển thì chó Phú quốc rất thông minh gan dạ liều lĩnh dữ dằn. Nó sống trong rừng thành từng bầy đàn. Hết mồi ở rừng nó kéo nhau xuống biển bơi lặn bắt cá. Khi đi săn, đánh hơi thấy mùi Cọp phía trước là nó vừa sủa vừa phóng lên ngay chứ không hề sợ hãi quay đầu chạy lui như một số giống chó săn khác. Và tới bên Cọp nó nhẩy sổ vào "chơi" liền. Tục truyền rằng lúc vua Gia Long tỵ nạn ở đảo Phú quốc, giống chó này có công trạng gì đó với nhà vua (chẳng hạn như đi săn bắt muông thú hoặc bắt cá để vua và quần thần sơi) nên vua mới cho đóng ấn triện trên lưng chó tuyên dương công trạng đời đời, phong cho là khuyển vương. Còn có giả thuyết chó Phú Quốc là hậu duệ của giống chó Dingo bên Uc, sống hoang từng bầy trong rừng sâu núi thẳm. Và một giả thuyết khác nói chó Phú quốc thuộc giòng dõi một giống chó Thái Lan. Muốn gì thì chó Phú quốc cũng đã thành danh khuyển vương, người chơi chó khắp nơi đều muốn có nó.
Một dịp may đến với tôi. Tôi có anh bạn viết báo sau làm Dân biểu. Dân biểu Thanh Chiêu Nhữ Văn Uỳ. Anh này thuộc típ chịu chơi. Trước khi làm Dân biểu anh cũng hành nghề viết báo. Nghe tin anh ra Phú quốc "thăm dân cho biết sự tình", tôi nói chơi: "nếu ông thấy chó Phú quốc nhớ bắt cho tôi một con". Không ngờ lời nói chơi mà thành sự thật. Anh bạn Dân biểu "bắt vạ" ông Quận trưởng Phú Quốc phải kiếm bằng được một con chó Phú quốc. Rất may cho tôi, một nhân viên dưới quyền ông Quận trưởng có bắt được một con chó cái Phú quốc có chửa rồi đẻ ba con, khi đó đã được hai tháng tuổi Thế là anh bạn Dân biểu mua một con chó con đực với giá tượng trưng vừa bán vừa tặng 40000 đồng (một số tiền ngang với lương công chức bực trung thời bấy giờ). Anh mang chó xuống tầu Hải quân đem về Saigon (vì anh ra Phú quốc bằng tầu chiến Hải quân). Viên sĩ quan thuyền trưởng từ chối với lý do chó chưa chích ngừa và không có giấy phép chuyên chở súc vật?). Vừa lúc đó có chuyến trực thăng bay ra. Dân Không quân vốn chịu chơi OK cho chó đi máy bay liền.
Con chó mầu đen tro, lông ngắn sát da, dáng thon nhỏ, bốn cẳng khẳng khiu, cân nặng khoảng 10 ký. Cái soáy hình đảo Phú quốc in hằn trên sống lưng. Trông nó chẳng có dáng dấp gì là uy nghi, oai vệ của một khuyển vương, thua xa cả chó nhà. Nghe tin tôi có chó quý, nhà báo Tô Ngọc tò mò phóng xe tới coi. Sau khi chiêm ngưỡng "dung nhan" khuyển vương, anh trề môi dè biủ" có cho không tôi cũng chẳng thèm!". Ngày đầu về nhà, thấy con Berger nó gầm gừ gây sự liền. Sau một trận chiến nhỏ, cắn nhau sơ sơ, con Phú quốc thấy mình nhỏ con yếu thế không bắt nạt được con Berger nhưng nó vẫn luôn hầm hè bất thân thiện. Nó tham ăn và ăn nhiều. Thoạt đầu tôi tưởng nó còn nhỏ nên cho ăn bằng nửa phần ăn của con Berger. Nó ăn ào ào, trong chớp nhoáng hết ngay phần ăn và đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn sang phía con Berger đang ăn. Rồi bất thần nó lao vút một cái thật nhanh và mạnh vào con Berger làm con này loạng choạng té lăn. Lợi dụng thời cơ nó sục mõm ăn ngấu nghiến phần ăn của con Berger. Tới lúc con Berger vùng dậy cắn đuổi nó mới chịu bỏ đi. Nó thường phóng chạy hơn là đi và cái đầu chúi thấp. Thấy tôi về, từ trong nhà trong nó lao vút ra đón mừng, bất chấp chướng ngại vật trước mặt vượt qua hết. Do đó nhiều lần nó làm chén tách đồ vật bình hoa để trên bàn sa lông rớt xuống nền nhà vỡ tan. Bà vợ tôi tức giận cầm cây quất vào lưng vào mông nó nhưng vẫn chẳng thay đổi được gì. Hễ cửa mở là nó chạy ngay ra đường cắn nhau với chó hàng xóm gây nhiều phiền hà. Nó thích ăn thịt tươi sống. Một lần chị người làm đi chợ về sơ ý để rổ thức ăn nơi bếp, nó liền đớp ngay cái chân giò heo. Khi phát giác thì nó đang nằm nhai rau ráu chỗ xương còn lại. Lần khác, tôi chở vợ con và chú Phú quốc tới một ngọn đồi nhỏ ở Thủ Đức chơi với mục đích cho khuyển vương có dịp tung tăng chạy nhẩy. Nó vui thích ra mặt. Vừa rời khỏi xe là nó lao vút đi ngay. Lát sau tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi tay cầm cây gậy vừa đuổi theo khuyển vương vừa la lối ầm ĩ. Còn khuyển vương mõm tha một nửa thân con gà trống máu me bê bết (chắc đang ăn dở) chạy như bay về phía tôi Thì ra cu cậu đánh hơi thấy bầy gà liền sấn tới vồ con gà lớn nhất đàn sơi tái ngay. Báo hại tôi phải năn nỉ mãi người chủ mới chịu cho bồi thường năm ngàn đồng (quá mắc với thời giá lúc bấy giờ nhưng vì đây là gà giống của ông).
Sau trận "đánh cướp" này, tôi dùng biện pháp mạnh với khuyển vương. Tôi xích nó lại tại sân sau. Nhưng chỉ hơn một giờ sau nó đã vùng thoát khỏi xích. Không hiểu bằng cách nào nó đã làm đứt được cái giây da thắt quanh cổ. Tôi liền dùng sợi xích sắt quấn quanh cổ nó. Mặc cho nó vùng vằng dẫy dụa chống đối, kêu la ầm ĩ. Buổi chiều đi làm về tôi ra thăm nó và ngạc nhiên thấy nơi cổ nó phía dưới chẩy máu đỏ và lòi cả cái cuống họng trăng trắng ra mà nó vẫn tiếp tục giằng giật để thoát khỏi cái xích. Nó thấy tôi tuy vẫy đuôi mừng nhưng vẫn cất tiếng sủa từng tiếng một như tức giận Tôi đành thả nó ra trước sự phản đối của cả nhà, nhất là với chị người làm.
Chiều 30 Tết năm đó vợ tôi đi chợ mua về một con gà trống để làm thịt cúng giao thừa. Gà chưa kịp làm thịt, lợi dụng lúc chị người làm sơ ý, khuyển vương vồ ngay lấy ăn tươi nuốt sống liền. Thế là đêm giao thừa năm đó các cụ tổ tiên nhà tôi được cúng đo chây.! Bà vợ tôi giận lắm. Bà nói: con chó này quen với nếp sống rừng rú dã man mọi rợ tàn ác từ bao lâu nay, không thể rèn bảo cảm hóa được nó nữa đâu. Ông nên cho quách người ta làm thịt cho rồi. Nuôi nó đã chẳng ích gì lại cịn làm hư hại nhà cửa vật dụng. Ngày đầu năm đang lúc tôi chưa biết xử trí ra sao về "ngài" khuyển vương thì ông quản lý tờ báo tới chơi. Nghe tôi phàn nàn về sự phá phách của khuyển vương, ông vui vẻ nói: "Ông muốn đổi nó lấy một con quân khuyển của Mỹ đã về hưu không"?. Thì ra ông ta chơi thân với ông Đại tá chỉ huy trường quân khuyển bên Cát Lái. Ông Đại tá đang muốn có một con chó Phú quốc. Tôi bằng lòng đổi liền. Mấy ngày sau ông Đại tá cho lính tới bắt khuyển vương đem đi. Còn con quân khuyển tôi phải đợi ít ngày nữa mới có chó đẹp. Thế là cả gia đình tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Dường như con Berger cũng tỏ vẻ khoái trí khi vắng bóng vua chó! Còn tôi thì từ nay "kệch" luôn cái thú nuôi khuyển vương Phú quốc!
Bẵng đi một thời gian chừng hơn tháng ông quản lý tờ báo tới nhà cho tôi biết khuyển vương quả là bất trị. Các huấn luyện viên trường quân khuyển không tài nào "dạy bảo" kìm kẹp được nó. Rất là vô kỷ luật. Hễ xổng ra là nó bắt gà vịt của các gia đình quân nhân nuôi . Nó đã quen với nếp sống rùng rú dữ dằn từ bao đời nay rồi, khó mà cảm hóa nổi. Đây rõ ràng thuộc về bản chất, mà bản chất thì làm sao thay đổi. Ông Đại tá đành buồn rầu nhờ ông quản lý mời tôi tới đem nó về và ông ta doạ: nếu để lâu lính của ông sẽ xử "tội" nó, ông không chịu trách nhiệm. Tôi cũng không muốn đem về, để ông Đại tá tuỳ nghi. Nghe đâu sau đó ông Đại tá đã cho lính "thui" khuyển vương xem thịt nó có ngon hơn thịt chó nhà không.
Câu chuyện chó chết đến đây vẫn chưa hết. Khoảng sau hai ba tháng gì đó, một anh bạn nhà văn nổi tiếng ăn khách thời đó là Chàng Phi tới nhà tìm gặp tôi. Việc trước tiên anh hỏi: "Con chó Phú quốc đâu rồi? Có muốn bán không"?. Tôi cười: "Bạn tính trả bao nhiêu"?. "Một trăm năm mươi ngàn!". "Quá rẻ". "Vậy thì hai trăm chịu không"?. Trước sự sốt sắng đòi mua chó của bạn, tôi hơi ngạc nhiên (vì bạn đâu có giầu có gì và cũng không thích chơi chó) và nói sự thật cho bạn biết. Anh bạn nhà văn nghe xong mặt ngẩn ra một lúc mới suýt xoa nói: "Mẹc, moa nói thật nhé, có một tên Đại tá Mẽo hồi hương muốn tìm mua một con chó Phú quốc đem về Mỹ nuôi. Moa nghĩ ngay tới con chó của toa và ra giá nó ba trăm ngàn, nó OK liền. Thế là moa vội phóng xe tới đây. Tưởng vớ bở. Ai ngờ mất toi cú áp phe cả trăm ngàn đồng". Rồi anh quay sang trách tôi: "Con chó đắt giá quý như thế mà lại ngớ ngẩn đem cho chúng nó mần thịt, thật bậy!". Không phải chỉ anh bạn nhà văn xót xa thương tiếc khuyển vương mà bà vợ tôi nghe kể cũng sầm mặt lại vì... tức và tiếc! Riêng tôi nhận thấy lời nói của vợ tôi thật chí lý: chó rừng thì mãi mãi vẫn là chó rừng. Không tài gì đổi tâm thay tính nó được. Hiện tượng có thể biến thể nhưng cịn bản chất thì có "cải tạo". trăm năm cũng vẫn thế thôi. Không tin quý vị cứ hỏi các "ngài" khuyển vương đang ngự trị tại khắp nước Việt nam hiện nay xem có đúng vậy không! Sau năm 1975 từ người rừng họ xuống đồng bằng và đã "lột xác" trở thành người thành thị, hòa nhập với đời sống văn minh nhưng về bản chất thì vẫn là bản chất của người rừng, của khuyển vương!
Thanh Thương Hoàng